'Lỗi nhạy cảm'?
Ngày 7/1, mang ý kiến của người dân, PV VTC News đã liên hệ một số cán bộ CSGT thuộc CA TP.HCM (xin không nêu tên), thì có người cho rằng không thể phạt nhưng cũng có người cho rằng có thể xử phạt lỗi ôm cua đường cong không bật đèn tín hiệu.
Với quan điểm không phạt lỗi, một cán bộ CSGT cho rằng, người tham gia giao thông đang di chuyển trên đường thẳng khi đến đoạn cong thì ôm cua theo đường cong vẫn di chuyển theo một hướng, một làn đường riêng của họ, đó không phải là vấn đề chuyển làn hay chuyển hướng thì không cần phải bật đèn tín hiệu.
“Trường hợp này ta hiểu rằng, người di chuyển đang đi theo một hướng, đi theo phần đường riêng của mình, không có chuyển hướng, chuyển làn nên không cần phải bật đèn tín hiệu, hay nói nôm na là bật đèn xi-nhanh của phương tiện. Điều này không bắt buộc bật đèn tín hiệu nên không thể xem là vi phạm Luật Giao thông” – vị CSGT nói.
Vị này giải thích rõ thêm về vấn đề "chuyển làn", "chuyển hướng", ví dụ nếu người tham gia giao thông chuyển làn đường từ làn ô tô sang làn xe máy hoặc ngược lại buộc phải bật đèn tín hiệu giao thông. Ô tô tải chuyển sang làn xe du lịch phải bật đèn báo trước. Hoặc nếu chuyển hướng rẽ trái, rẽ phải, quay đầu... thì buộc phải bật tín hiệu báo trước, để xe sau và xe chạy chiều ngược lại được biết, giảm tốc độ hay có biện pháp an toàn đề phòng, tránh xảy ra tai nạn giao thông, đó là điều bắt buộc, luật quy định rõ.
Với quan điểm phạt lỗi ôm cua đường cong không bật tín hiệu, một cán bộ CSGT khác lại cho rằng, trong Luật Giao thông đường bộ xác định đường cong là đường cong, đường thẳng là đường thẳng. Đây là lỗi nhạy cảm, cần phải xem xét thấu đáo. Bởi khi ta đang di chuyển trên một đường thẳng nhưng khi đến đoạn đường cong, cua gắt buộc phải bật tín hiệu để người khác biết mà tránh va chạm.
“Điều này không phải gọi là trách nhiệm hay áp dụng theo luật mà là thể hiện văn hóa giao thông khi tham gia lưu thông trên đường cần báo hiệu cho người điều khiển phương tiện phía sau, hoặc ngược chiều được biết. Vừa an toàn cho mình và cho tham gia giao thông xung quanh mình” – vị CSGT nói.
“Tùy tình hình thực tế mà lực lượng CSGT mỗi nơi có thể áp dụng tùy trường hợp, có thể nơi đó là điểm đen, điểm nóng giao thông nên người ta áp dụng đặt vấn đề đó (ôm cua đường cong không bật tín hiệu bị phạt) để đấu tranh chuyển hóa địa bàn, hạn chế, kéo giảm tai nạn giao thông.
Theo quan điểm của luật sư Kiều Hưng, có cơ sở để xác định CSGT xử phạt hành vi này là không có cơ sở pháp lý, bởi lẽ các yếu tố sau:
Thứ nhất, trong Luật Giao thông Đường bộ, liên quan đến vấn đề “chuyển hướng xe”, chỉ có các thuật ngữ được đề cập như rẽ trái, rẽ phải, quay đầu, lùi xe, qua đường giao nhau… là được quy định cụ thể về hành vi để người tham gia giao thông tuân thủ đúng. Riêng thuật ngữ “chuyển hướng xe” không có định nghĩa cụ thể nên phải hiểu hoạt động chuyển hướng nằm trong các hoạt động này.
Thứ hai, thuật ngữ “tín hiệu” được quy định trong luật này chỉ liên quan đến hai loại: đèn tín hiệu giao thông (đèn đỏ, vàng, xanh…) và đèn tín hiệu của phương tiện tham gia giao thông (phương tiện).
Trong đó, đèn tín hiệu của phương tiện được quy định gắn liền và liên quan đến các hoạt động cụ thể như rẽ trái, rẽ phải, lùi xe, chuyển làn xe, ưu tiên …chứ không có quy định nào gắn liền riêng biệt với hoạt động “chuyển hướng xe” mà không gắn liền với các hoạt động đó.
Thứ ba, khoản 2 điều 15 Luật Giao thông Đường bộ quy định: “Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác”.
Vậy nếu suy diễn lôgic điều luật một cách tổng quát, thì hành vi “chuyển hướng xe” trên đoạn đường cong không có những hoạt động liên quan theo quy định của điều luật này như: Nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp, xe ngược chiều …có nghĩa hoạt động “chuyển hướng xe” trên đoạn đường cong sẽ không bị điều chỉnh bởi điều luật này.
Thứ tư, thực tế giao thông, nguyên tắc đường giao thông và hoạt động di chuyển của phương tiện không thể lúc nào cũng theo đường thẳng. Còn ở góc độ khoa học, để đảm bảo đi đúng hướng xe, khi gặp đường cong, đường vòng tay lái của phương tiện phải di chuyển theo cho phù hợp, lúc này nếu lấy phương của đường làm cơ sở, thì phương của xe trùng với phương của đường đang lưu thông, nên không thể gọi là “chuyển hướng”.
Từ những phân tích trên, cho thấy việc xử phạt của CSGT trong trường hợp này là thiếu cả lý lẫn tình. Thiết nghĩ, Cục Giao thông Đường bộ - Đường sắt sớm có chỉ đạo, hướng dẫn Phòng CSGT các tỉnh, TP về vấn đề này.
http://vtc.vn/di-chuyen-tren-duong-cong-khong-bat-tin-hieu-co-bi-xu-phat.457.524509.htm