Đang tháng 7 Âm lịch nên cháu xin phép góp mấy lời mạn đàm để các cụ nhớn trong Ộp hiểu góc nhìn của bọn trẻ bây giờ hơn. Cháu thuộc 8x, do môi trường công việc nên cũng tiếp xúc nhiều với các em 9x, 10x.
Từ lứa bọn cháu trở đi, cơ hội sự nghiệp đã ngày càng khác biệt giữa các cháu học giỏi - học dốt, gia đình có quan hệ - gia đình chả quen ai, gia đình có điều kiện - gia đình không điều kiện,... Các cụ không cần dẫn chuyện nhà nghèo học giỏi thành tài gì đấy, vì số này chiếm tỉ lệ nhỏ. Phần đông việc tốt lương cao sẽ rơi vào tay trẻ con thuộc các gia đình có quan hệ, có điều kiện, có hiểu biết, được rèn luyện sẵn kỹ năng để nắm bắt cơ hội. Nhiều cụ trên Ộp thậm chí còn khoe rằng đủ tiền, đủ nhà đất để lại cho các con mà chả cần nó làm gì, nhưng phần đông xã hội không như thế. => Thanh niên thuộc các gia đình có xuất phát điểm thấp cảm thấy thua kém, bất an khi không có được việc làm tốt => Nhịn đẻ, đẻ ít, hoặc đẻ muộn do bất an về tương lai của chính bản thân
Thanh niên ngày nay đã được nhồi sọ xong về tầm quan trọng của tri thức, tầm nhìn, trải nghiệm sống. Đối với họ, cuộc sống không phải chỉ để đẻ. Đẻ không phải ưu tiên số 1 trong đời họ. Họ thích là phụ huynh giỏi giang, có trải nghiệm sống đa dạng, làm cho con cái của họ tự hào (lứa bọn em chưa tới ba chục tuổi đã nhiều người đi nước ngoài cả chục chuyến, biết đủ chuyện xứ này xứ nọ, bố mẹ em thì qua sáu chục mới đi máy bay lần đầu), chứ không thích làm phụ huynh suốt ngày chỉ cắm mặt kiếm tiền mà không biết ngoài kia thế giới có gì. Rất nhiều bạn trẻ có sở thích riêng như chơi thể thao, du lịch, sáng tạo, khám phá thế giới, nghiên cứu,... => Các diễn ngôn kiểu "đẻ là thiên chức tối cao" gì gì đó chắc chắn không lọt tai những bạn trẻ đang sống đầy đam mê với hoạt động xã hội, với nghệ thuật, với thú vui khám phá bản thân, khám phá thế giới. Các cụ gọi đây là "hưởng thụ" theo nghĩa tiêu cực thì bọn trẻ con cũng kệ thôi, vì lệch hệ niềm tin hoàn toàn nên tranh cãi không để làm gì cả. Đội "đời là để sống cho ý nghĩa" sẽ không vì bị chửi mắng mà cải đạo thành "đẻ là thiên chức tối cao" => Nhịn đẻ, đẻ ít, đẻ muộn để có thời gian cho các mục tiêu sống khác
Những nơi mà phụ nữ càng được pháp luật cho phép nhiều quyền độc lập, ít phụ thuộc đàn ông, thì tỉ lệ đẻ càng bị ảnh hưởng. Đặc thù của các nơi này là: nền kinh tế ở giai đoạn phát triển, cần huy động lực lượng lao động bất kể giới tính, cho phép sở hữu tài sản cá nhân => Phụ nữ tự kiếm được tiền, được tự quyết định đối với tài sản mà họ được cho phép sở hữu, vì vậy họ có động lực mạnh mẽ muốn duy trì trạng thái độc lập - tự do - hạnh phúc thay vì đẻ con vào ngay cái độ tuổi trẻ trung đầy quan trọng đối với sự nghiệp
| Phụ nữ không đẻ | Phụ nữ đẻ |
Sức khoẻ | Ổn định, dễ tiên liệu | Rủi ro giảm sút về sinh lý lẫn tâm lý, rủi ro mắc các rối loạn, trạng thái sức khoẻ không tốt trong-sau quá trình mang thai và sinh nở |
Sự nghiệp | Không vướng mắc, nhiều thời gian cho công việc, cải thiện thu nhập, thăng tiến | Bị cản trở về sự nghiệp tối thiểu 1-2 năm (thời gian sinh nở và khi trẻ còn nhỏ), rủi ro bị kỳ thị bởi chủ doanh nghiệp, khó khăn khi tái gia nhập lực lượng lao động sau thời gian nghỉ sinh dài |
Viễn cảnh tài chính | Dễ tiên liệu, dễ hoạch định, ít phụ thuộc | Phụ thuộc hoàn toàn vào chồng trong giai đoạn không thể đi làm => rủi ro bị xem thường, bị khó khăn về tiền bạc |
=> xã hội hiện tại đang ở giai đoạn có kỳ vọng tương đối mâu thuẫn với cả phụ nữ lẫn đàn ông. Phụ nữ được kỳ vọng phải vừa biết kiếm tiền (để không bị xem là "ăn bám chồng") vừa phải đẻ con, quán xuyến việc nuôi con cho tốt (con hư tại mẹ, cháu hư tại bà). Đàn ông được kỳ vọng phải kiếm được nhiều tiền và biết phụ đỡ việc nhà cho vợ (tuy nhiên nếu họ chểnh mảng các việc này thì thường bị chỉ trích ít hơn phụ nữ) => Nhiều bạn nữ muốn sự nghiệp có chỗ đứng nhất định trước khi sinh con bởi vì nếu sinh con quá sớm, sự nghiệp còn mỏng, thì 1-2 năm sau khi đẻ con sẽ khó lòng xin được các công việc ở cấp độ cơ bản nữa (không thể cạnh tranh với nhóm sinh viên trẻ mới ra trường). Số khác muốn để dành được một số tiền để giảm mức độ khó khăn tài chính trong thời gian nghỉ đẻ ở nhà => Phụ nữ ưu tiên đẻ muộn, đẻ ít để sự nghiệp không bị ảnh hưởng quá nhiều
Bối cảnh hiện tại cạnh tranh quá cao, không có đủ việc làm tốt cho mọi người. Phải ăn học thế nào, đầy đủ bằng cấp chứng chỉ thế nào mới được làm công việc như này như nọ, chứ không phải cứ làm rồi học bổ túc sau. Rất nhiều em chỉ đi học lấy lệ chờ đủ tuổi là đóng tiền đi XKLD vì không cảm thấy có thể cạnh tranh được với những em được học hành bài bản. Kiếm đồng tiền chật vật, lo trước lo sau, mà 35-40 đã bị doạ sa thải, bị mắng thẳng mặt là sắp thành "tầng lớp vô dụng" (
https://nld.com.vn/nguy-co-roi-vao-tang-lop-vo-dung-vi-ai-196240527152321985.htm) => Tâm lý chán nản, sụt giảm niềm tin vào tương lai => Ngần ngại kết hôn, sinh con
Còn một vài ý nữa nhưng còm đã hơi dài nên cháu xin phép ngưng ở đây. Cháu hoàn toàn tôn trọng các bậc phụ huynh sinh con, nuôi con với tinh thần trách nhiệm to lớn, nhưng cũng không cảm thấy những người sinh muộn, sinh ít - thậm chí không sinh - là đáng khinh, kém cỏi, hay ích kỷ. Nếu nói những người không sinh con là ích kỷ, thì tại sao những người sinh con vì lý do "khiến cho tôi/gia đình tôi hạnh phúc", "về già có chỗ dựa" lại không được xem là ích kỷ?