Cụ dùng cụm từ "bảo vệ thủ đô", chắc ý cụ muốn tư liệu từ góc nhìn của những người kháng chiến?
Các cụ trên liệt kê khá nhiều, em chỉ xin bổ sung 2 quyển của cùng một tác giả Hữu Mai là tiểu thuyết Đất nước và tập hồi ức Chiến đấu trong vòng vây (hồi ức của Võ Nguyên Giáp do Hữu Mai thể hiện). Bản ebook của cả 2 đều có trên mạng.
Cả hai quyển đều cùng mô tả những sự kiện diễn ra trong giai đoạn đầu kháng chiến chống Pháp, nhưng với những góc nhìn khác nhau: của một lãnh đạo quân đội và của một thanh niên Hà Thành.
Điều thú vị là trong lúc hoàn tất quyển hồi ức và chờ được xuất bản, có lẽ hơn hai chục năm, Hữu Mai đã kịp ra mắt tiểu thuyết.
Đọc tiểu thuyết, ta thấy được phần nào tâm trạng của lớp thanh niên tiểu tư sản hào hoa, lãng mạn và có phần ngây thơ khi bước vào cuộc chiến và bị nó đập cho tơi tả. Nhân vật chính, tên Phong, sau những ngày chiến đấu tại thủ đô đã bị thương nặng, phải khiêng ra khỏi vùng chiến sự và bị bỏ lại trơ trọi ở bãi giữa sông Hồng. Khi được cứu và ra vùng tự do, anh đứng giữa 2 lựa chọn là quay về Hà Nội cùng gia đình người yêu giàu có hay tiếp tục theo kháng chiến. Đó thật sự là một quyết định quá khó khăn giữa hạnh phúc của bản thân và lòng yêu nước, giữa những lãng mạn vô tư và thực tế trần trụi, khắc nghiệt. Với lớp những độc giả của thập niên 80, vẫn còn "khao khát lý tưởng với tình yêu" nhưng đã thừa trải nghiệm thực tế cuộc sống thời bao cấp, tâm trạng của Phong trong tiểu thuyết được đồng cảm một cách đầy... day dứt.
Đương nhiên sẽ có những góc nhìn khác về cuộc kháng chiến, từ đó sẽ có những cách mô tả khác. Lãng mạn kiểu như trong Đào, phở...mấy anh tự vệ cùng nhau xúm lại khiêng chiếc piano cho người đẹp chẳng hạn. Có điều không rõ họ có vác nó ra được đến bãi giữa sông Hồng không?