Hiện trạng đoạn đường vành đai dài 2,2km trị giá hơn 7.000 tỉ bị 'tắc' ở Hà Nội
7
HỒNG QUANG
Lãnh đạo Hà Nội nhiều lần họp và yêu cầu các đơn vị chức năng phải hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 1 (Hoàng Cầu - Voi Phục) trong năm 2023. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn nguyên hiện trạng như nhiều năm qua.
Toàn cảnh hướng tuyến của dự án đường vành đai 1 Hoàng Cầu - Voi Phục với 2 cầu vượt trực thông (màu vàng) - Ảnh: HỒNG QUANG
Đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (Hà Nội) có chiều dài 2.274m. Dự án bao gồm tuyến chính mặt cắt ngang 50m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ và Nguyễn Chí Thanh.
Điểm đầu tuyến tại nút giao Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu - Hào Nam; điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục.
2,2km đường bị 'tắc' ở Hà Nội: giải phóng mặt bằng hết 5.818 tỉ đồng, xây dựng chỉ 627 tỉ đồng
Theo Cục Thống kê Hà Nội, mức đầu tư giai đoạn một của dự án là 7.211 tỉ đồng từ nguồn ngân sách. Trong đó chi phí xây dựng 627 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5.818 tỉ đồng.
Dự án đường vành đai 1 được cắm mốc giới từ năm 1999 và kéo dài cho đến nay chưa thể thực hiện, do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Năm qua, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội nhiều lần họp và chỉ đạo yêu cầu các đơn vị chức năng và chính quyền sở tại phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án trong năm 2023.
Tuy nhiên, những ngày cuối của năm 2023, theo ghi nhận của
Tuổi Trẻ Online, khu vực mặt bằng của dự án vẫn nguyên hiện trạng như nhiều năm qua.
Một số khu vực bị rào tôn, cỏ mọc um tùm. Các hạng mục thi công dang dở, phủ lớp rêu dày đặc. Người dân sống trong khu vực quy hoạch đường vành đai 1 có điều kiện sinh hoạt thiếu thốn và không đảm bảo.
Trong khi đó, dự án chưa hoàn thiện khiến tuyến đường vành đai 1 bị ngắt quãng tại điểm cuối đường Ô Chợ Dừa.
Lượng lớn xe cộ muốn đi khu vực Cầu Giấy phải chuyển hướng sang Đê La Thành. Con đường này chỉ có 2 làn xe, hai bên là những cửa hàng lấn chiếm gần như toàn bộ vỉa hè, khiến tình trạng ùn tắc kéo dài liên miên cả ngày, không gian đô thị nhếch nhác.
Điểm đầu của dự án đường vành đai 1 tiếp nối với trục đường Xã Đàn - Ô Chợ Dừa. Một cầu vượt (màu vàng) sẽ được xây dựng khi tuyến đường giao cắt với trục đường Láng Hạ - Ảnh: HỒNG QUANG
Tại khu vực này, toàn bộ nhà cửa vẫn giữ nguyên hiện trạng. Chợ Thành Công cũ là khu vực duy nhất đã giải phóng mặt bằng và bị quây tôn kín, cỏ mọc um tùm - Ảnh: HỒNG QUANG
Một trụ cầu vượt Láng Hạ được xây dựng rồi bỏ không đã nhiều năm qua - Ảnh: HỒNG QUANG
Sau khi qua nút giao Láng Hạ, đoạn đường vành đai 1 tiếp tục chạy theo hướng tuyến đường Đê La Thành, trước khi băng qua đường Nguyễn Chí Thanh bằng cây cầu vượt thứ 2 (màu vàng) - Ảnh: HỒNG QUANG
Những khu vực quy hoạch dự án nằm sâu trong những con ngỏ nhỏ, cơ sở hạ tầng xuống cấp, khó đảm bảo đời sống sinh hoạt cho người dân - Ảnh: HỒNG QUANG
Nhìn từ trên cao, hiện trạng khu vực trên là những khu nhà san sát, mái tôn lụp xụp và thiếu vắng những trục giao thông lớn - Ảnh: HỒNG QUANG
Điểm cuối của dự án tại nút giao Voi Phục, tại đây khu vực vòng xoay đã được hoàn thiện và sẵn sàng kết nối - Ảnh: HỒNG QUANG
Trao đổi với
Tuổi Trẻ Online, đại diện UBND quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết quá trình thực hiện dự án đường vành đai 1 Hoàng Cầu - Voi Phục trên địa bàn gặp nhiều vướng mắc do các hộ dân không đồng thuận cho tổ công tác vào đo đạc, khảo sát để lập phương án giải phóng mặt bằng.
Hiện nay, chính quyền sở tại đã lập các tổ công tác đi tuyên truyền vận động từng gia đình để đo đạc, khảo sát lập phương án. UBND quận Ba Đình kiên quyết ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc đối với các hộ vẫn không hợp tác.
Một số chính sách còn có nội dung chưa phù hợp thực tế, UBND quận đã có các tờ trình thành phố xem xét ban hành chính sách tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Dự kiến đầu năm 2024, thành phố sẽ ban hành văn bản về việc giải quyết các vướng mắc liên quan dự án đường vành đai 1 Hoàng Cầu - Voi Phục.
Sau khi thành phố có văn bản chấp thuận, quận Ba Đình sẽ đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án và phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng trong những tháng đầu năm 2024.