I/ Vấn đề đào tạo lái xe:
ở nước mình, những bất cập về đào tạo lái xe thì chẳng nói các bác cũng biết: học giả, dạy giả, dạy một cách đối phó để học viên dễ đỗ nhất..... Túm lai là vấn đề đào tạo này được "thị trường hóa " một cách triệt để. Muốn không học, mà có bằng? giá xxxx đồng, muốn học nhưng không cần thiết học đủ? xxxx đồng. muốn thi chắc chắn đỗ? xxxxx đồng. Dễ như trở bàn tay.
Vậy en đặt vấn đề, nếu như xiết chặt khâu này, liệu có bác nào trong OF lên chửi không? hoặc có chấp nhận thi 3 lần không đỗ không?
Mĩnh cấp bằng 1 lần, lái xe vĩnh viễn ( đổi bằng sau 5-10 năm chỉ là hình thức hành chính )
Em có đọc bào về đào tạo lái xe ở Úc, paste để anh em tham khảo:
Học lái xe: Dễ và nghiêm hơn ở ta
Bạn đừng bao giờ nghĩ có thể "mua" được bằng lái xe ở Úc nhé, hoặc chí ít là đưa tiền cho thầy dạy để được học qua loa. Nếu muốn học lái xe bạn có thể tự học lý thuyết ở nhà đến khi nào thuộc làu thì thôi. Sau khi cảm thấy tự tin, bạn có thể đi thi lý thuyết. Ngay cả học thực hành cũng vậy, bạn cũng không nhất thiết phải đến trung tâm dạy lái xe.
Bạn có thể nhờ ai đó đã có bằng Full (được coi như là bằng cao nhất do đã lái xe lâu năm, được cấp loại bằng này) ngồi bên cạnh hướng dẫn. Bạn cứ tập cho thật thạo thì có thể đến trung tâm mướn thầy giáo dạy cho mình.
Ở Úc, ai cũng có thể trở thành người hướng dẫn lái xe, miễn là có bằng Full. Bạn phải trải qua các bằng lái lần lượt từ bằng L, rồi P1, P2 và cuối cùng là bằng Full. Như T. một trong những người mà tôi quen làm nghề lái tàu, nhưng vẫn làm thêm nghề dạy lái xe.
Cách thi ở Úc cũng giống ở ta. Có 2 cách thi, thi trên máy tính và thi trên giấy dành cho những người không thông thạo máy tính. Đương nhiên bạn không thể quay cóp như ở Việt Nam hay nhờ người nhắc bài vì luôn có camera quan sát và quan trọng là ý thức của người học thường rất cao. Bạn có thể đến thi bất cứ lúc nào trong ngày làm việc.
Thi lý thuyết có 2 vòng: vòng 1 phải trả lời đúng 100%, vòng 2 có khoảng 50 câu hỏi thì phải trả lời đúng ít nhất 42 câu. Bạn có thể thi đi thi lại nhiều lần nếu vẫn cứ trượt cho đến khi đỗ thì thôi. Khi đã thi đỗ lý thuyết người lái sẽ được chụp ảnh, lấy dấu vân tay và được nhận bằng L (bằng Learner cho người học lái) kèm một cuốn nhật ký học lái. Từ lúc này bạn có thể dán biển chữ L lên xe và cùng 1 người kèm lái là chạy xe trên đường được.
Thời hạn tối thiểu để học lái từ lúc có bằng L đến khi có bằng P1 là 6 tháng với 75 giờ học chạy xe trực tiếp ngoài đường trong mọi tình huống, thời tiết. Với người dưới 25 tuổi thì thời hạn này là 12 tháng. Ngược với ở Việt Nam là khi cấp bằng thì đã có thể chạy vù vù và không cần dán biển báo người mới lái lên kính xe, như vậy thực ra khá nguy hiểm.
Ở Úc, người mới có bằng L và bằng P1 bắt buộc phải mang theo bằng và dán ở kính trước, kính sau 2 biển chữ L hoặc chữ P theo đúng kích cỡ quy định để người đi đường biết còn tránh, lái trên đường cao tốc thì L và P1 chỉ được đi trên làn qui định, không được đi ra các làn tốc độ cao. Nếu không dán lên kính xe sẽ bị phạt 250 đô, 2 lần như thế sẽ phải thi lại. Sau 1 năm lái với bằng P1 không vượt quá các lỗi vi phạm theo quy định, bạn mới được thi lấy bằng P2 và thêm 6 tháng lái xe an toàn nữa, bạn mới có thể nhận bằng Full.
, những hành vi không an toàn, dù là rất nhỏ đều bị xử phạt rất nặng.Đúng là cả một quá trình nghiêm ngặt nhưng chính vì vậy mới khiến ở Úc rất ít có lái xe ẩu và rất ít tai nạn giao thông xảy ra.
Luật là luật
Hải, một người Việt Nam, sang Adelaide được 6 năm, kể cho tôi nghe một câu chuyện: Có lần anh uống rượu hơi say, liền tấp xe vào vệ đường ngủ. Thế mà cảnh sát đến lập biên bản. Xin xỏ rồi thậm chí định cả đút tiền (như ở Việt Nam) nhưng cái tội uống rượu lái xe là một tội to. Hải phải ra tòa, thuê luật sư cãi, rồi nộp phạt và bị treo bằng mất hơn 6 tháng. Cảnh sát ở Úc cực kỳ nghiêm túc nên đừng có bao giờ nghĩ cách dấm giúi tiền hoặc gọi người quen để được cho qua.
Khi mới lái ra đường, đôi khi tôi cũng hơi quên là đi tốc độ hơi nhanh so với bảng chỉ dẫn, về nhà tim cứ nhảy thon thót vì rất có thể nhận được phiếu phạt của cảnh sát gửi đến. Các camera quay vi phạm thường gắn ở các ngã tư, gắn trong các xe cảnh sát nằm ven đường hoặc cùng tham gia giao thông và thường có các biển báo: Đoạn đường có camera. ( các bác bị bắn tốc độ vẫn thường lên OF chửi rủa xả stress, nhưng nếu sang ÚC là không có cơ hội đâu )
Ở Úc khi đã có bảng hướng dẫn trên đường thì bạn phải tuyệt đối tuân thủ. Ví dụ có biển chỉ dẫn: Có trường học, khi thấy trẻ em phải đi chậm dưới 25km/h, bạn bắt buộc phải đi chậm. Nếu đi nhanh dù chỉ quá một chút bạn cũng có thể bị cảnh sát phạt nặng với tội đi quá tốc độ.
Anh bạn tôi kể: Mình ở đây hơn 30 năm, lái xe rất cẩn thận, thế mà vừa tuần trước bị ghi phiếu phạt 375 đô vì đi với tốc độ 37km/h qua cửa trường học khi chỉ có một cậu bé đứng chờ mẹ đến đón bên vệ đường.
Hoặc chỗ đỗ xe ghi rất rõ được đỗ trong vòng bao lâu, từ mấy giờ đến mấy giờ mà bạn lại đỗ vượt quá thời gian quy định thì bạn cũng nhận phiếu phạt. Hoặc bạn đi sau xe khác mà lại dí đầu xe của bạn vào đuôi xe trước gần quá cũng bị quy là vi phạm. Được cái, biển hướng dẫn giao thông ở Úc rất to, chữ viết rõ ràng, dễ nhìn thấy từ xa và nằm ở những vị trí bắt mắt nhất cho lái xe từ mọi hướng.
Luật nghiêm như thế nên kiểu gì thì lái xe cũng phải tuân thủ. Dần dần thành thói quen. Đôi khi tôi đi ở những đoạn đường vắng teo vắng ngắt, gặp đèn đỏ thì vẫn phải dừng lại chờ khi đèn xanh mới đi tiếp. Ở Việt Nam thì đã... vù rồi.
Chạy trên đường tôi thường xuyên gặp các cụ già cỡ 60 - 80 tuổi vẫn phóng xe băng băng. Lái xe từ lúc 16 tuổi nên khi về già các cụ vẫn phản xạ rất tốt. Như bà Maria, một người mà tôi quen đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn hay chở tôi đi làm tình nguyện mà các kỹ năng lái điêu luyện, phản xạ rất nhanh và lái xe cực kỳ bình thản.
Đức Trung
( nếu luật nghiêm thì chẳng nói làm gì, vì thực tế ở Việt Nam mình chưa nghiêm. đọc đến đây chắc nhiều bác chém là nếu đẹp như Úc, nghiêm như Úc, tổ chức giao thông khoa học và hướng đến sự an toàn như Úc, thì em chẳng bao giờ phạm luật , nhưng em bình loạn thêm là: sao mình không tự tuân thủ luật GT và các nguyên tắc GT? nhất là các OF? kệ cho hệ thống không nghiêm, hạ tầng còn kém, ý thức đại bộ phận còn thấp, thì mình vẫn cứ tuân thủ đúng, kệ *** thằng nào đi sau còi và chửi vì mình đi chậm )