ai cần thông tin gì về NFS cứ ncall em .
Phát triển đều đặn mỗi năm một trò chơi trong cùng series không hề dễ dàng. Chẳng ai muốn nhai đi nhai lại một nội dung hay một kiểu chơi hết kỳ này sang kỳ khác, nhưng họ cũng lại không muốn trò chơi mới tách rời quá xa so với các sản phẩm cùng thương hiệu. Need for Speed ProStreet kẹt trong tình thế đó.
EA đáng được biểu dương cho những gì họ làm với ProStreet khi hướng tới những đặc điểm khác lạ, nhưng đáng tiếc là sản phẩm đã không thật sự có được 'cái hồn' như những game cũ. Những đường đua hấp dẫn vẫn còn đó, mode chơi online khá ổn định. Nhưng chuyện game thiếu chi tiết và biển quảng cáo tràn ngập khắp nơi đã phá hỏng một bữa tiệc mà fan hâm mộ Need for Speed trông ngóng bấy lâu.
Không giống 2 bản Need for Speed gần đây nhất, vốn theo chân những tay đua ngầm trên đường phố so tài bất hợp pháp và được giới thiệu bằng những đoạn phim sáng tạo, ProStreet lại đưa người chơi quay về với sự nghiệp đua xe hợp pháp của nhân vật Ryan Cooper. Game vẫn có những phần phim cắt cảnh cố tạo ra cho người chơi được cảm nhận về những gì nhân vật chính phải trải qua (chẳng hạn như khi anh này bị một tay đua lớn gây hấn)... Đáng tiếc, giọng nói và dáng vẻ khó ưa của các nhân vật lại khiến game thủ không thực sự thoải mái khi xem.
Nếu bỏ qua cốt truyện, bạn chỉ cần biết nhiệm vụ chính của mình là tiến tới những sự kiện khác nhau trong game, loại bỏ đối thủ và thống trị ngôi vị dẫn đầu, sẵn sàng thách thức những kẻ được coi là sừng sỏ nhất trong giới tốc độ, bao gồm cả Ryo, đấu thủ đã cười nhạo Ryan ở vòng đua đầu tiên.
Phải trải qua rất nhiều ngày trong game để giành chiến thắng ở các giải, bạn mới có thể tiếp cận được Ryo. Mỗi ngày tranh tài lại có nhiều sự kiện khác nhau, nhưng hầu hết đều giống với những gì bạn từng trải qua trong các sản phẩm Need for Speed khác.
Grip Race vẫn là những vòng đấu tiêu chuẩn với 8 cỗ xe khác nhau trên đường, mục tiêu của bạn là cán đích đầu tiên. Những sự kiện khác buộc bạn cố chạm đến ngưỡng thời gian nhanh nhất, tốc độ cao nhất khi đi qua checkpoint hoặc đạt được thời gian ngắn nhất so với các xe khác cùng loại. Kiểu đua trượt bánh Drift Racing đã quay lại và được tái chế để trở nên thú vị hơn khi bạn không mất toàn bộ điểm số ngay cả khi đã rơi ra khỏi đường đua...
Dù Need for Speed ProStreet có nhiều mode chơi, nhưng sự đa dạng giữa chúng lại không nhiều. Trong hầu hết các trường hợp, người chơi đều chỉ có một ý nghĩ chung là 'Phải lái làm sao cho thật nhanh'. Điều này khiến game trở nên dễ nhàm.
Các pha hành động trên từng đường đua cũng không mới. Ở đoạn cuối game, một số loại xe như Lamborghini và Zonda đạt đến tốc độ cực cao, nhưng ở đến 50 cuộc đấu đầu tiên, bạn chỉ đua với những loại xe tầm thường. Đường đua cũng không có các ngõ 'tắt ngang rẽ dọc' nào, nên hầu hết các chặng đều kết thúc tương tự nhau (thậm chí đường đua mới cũng chỉ là một map cũ được đưa thêm vào vài thay đổi).
Thêm vào đó, cảnh sát đã không còn góp mặt trong game. Bị nhà chức trách rượt đuổi là một trong những đặc điểm hay nhất của Need for Speed cũ, do đó sự thiếu vắng của họ trong game đem lại cảm xúc trống trải khá rõ rệt. Vai trò mức độ hư hại của xe cộ cũng được làm nổi bật lên hơn, bạn có trách nhiệm sửa chữa mọi hư hại cho xế hộp. Tuy nhiên, game luôn cung cấp đủ Marker giúp bạn giải quyết các vấn đề này.
Tuy nhiên, bản trên Wii của ProStreet sẽ 'nương nhẹ' cho game thủ hơn với các va chạm. Điều này là dễ hiểu bởi điều khiển xe bằng tay cầm cảm ứng Wiimote không hề đơn giản. Giữ chiếc tay cầm này nằm ngang trong tay và nghiêng trái phải để rẽ không khó, nhưng đôi khi, ở những khúc cua tay áo, game không thể nhận diện được di chuyển của bạn, và kết cục là cỗ xe đờ ra hoặc rúc luôn vào bờ tường không nhúc nhích.
Game thủ sẽ phải làm việc cật lực, thống trị càng nhiều giải càng tốt để có thể mở khóa được những sự kiện mới. Sau mỗi lần đua, bạn được thưởng điểm tùy vào vị trí đứng, tốc độ trung bình và tỷ lệ hư hại. Nếu sau khi cộng lại, tổng điểm kiếm được phá kỷ lục cũ, bạn sẽ được thưởng tiền mặt hoặc một bộ phận nào đó của xe.
Người chơi chỉ có thể đưa một số xe nhất định vào các sự kiện thi đấu trong ngày (mỗi sự kiện một xe). Giống như các bản trước, bạn có thể nâng cấp xe hoặc mua xe mới thường xuyên. Game có đặc điểm đáng chú ý nữa là cho phép dán đề can lên vỏ xe, tính năng này giống với Forza 2, nhưng không thực sự nổi bật.
Người sở hữu PlayStation 2 và Wii sẽ không có cơ hội tiếp cận phần hấp dẫn nhất của game: thi đấu trực tuyến. Trên Xbox 360, bạn có thể tạo ra một ngày thi đấu cho riêng mình bằng cách lập ra địa điểm, kiểu đua và những mẫu xe được quyền tham dự. Những giải này có thể được tính điểm xếp hạng hoặc không.
Quay lại với vấn đề quảng cáo, tất cả các bản game ProStreet đều là 'nạn nhân'. Hiển nhiên ở ngoài đời thực, các giải đấu không thể diễn ra nếu không có nhà tài trợ, nhưng EA đã đi quá xa. Hiếm có chỗ nào trong game không có sự xuất hiện của các nhãn hiệu dầu động cơ hay bảo hiểm ôtô. Thậm chí bản Xbox 360 còn cập nhật các biển quảng cáo mới sau mỗi lần đăng nhập. Tuy thế, có vẻ như tiền quảng cáo vẫn chưa làm nhà phát hành hài lòng, họ còn buộc game thủ dùng tiền thật để mở khóa thêm xe và các bộ phận nâng cấp.
Đồ họa game, ngoài bản PS3 và Xbox 360, không ổn định, thường xuyên các mẫu xe bị xuất hiện răng cưa trên đường đua, đặc biệt là khi chạy ở tốc độ cao. Các nhân vật trong game bị lồng tiếng chất lượng kém, thường là la hét qua loa phóng thanh bằng những câu từ rời rạc. Tiếng động cơ tạm được, nhưng không đa dạng. Âm nhạc không phải là thế mạnh của ProStreet.