Xe buýt: Thần Chết lao đến từ phía sau!
Hai ngày sau sự cố nhục nhã khách đi xe buýt bị bắt quỳ xin mở cửa, hung thần buýt lại đâm chết một người đàn ông giữa đường phố Hà Nội. Sự kỳ vọng của người dân vào xe buýt vừa nhen nhóm lại tắt phụt. Ai còn dám đi xe buýt?
>> Hà Nội: Xe buýt cán chết người trên phố Lê Duẩn
Lúc 4 giờ 45 chiều 24/10, trên đường Lê Duẩn (phường Cửa Nam, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chiếc xe buýt mang biển kiểm soát 29T-5480 vừa rời bến đón trả khách được hơn chục mét thì bánh sau chèn vào một người đàn ông đi xe máy làm nạn nhân tử vong ngay trên đường.
Sự cố chết người vì xe buýt này khiến nhiều người dân rơi vào cảm giác hoang mang, không biết đâu mà lần với các “ông” xe buýt. Gõ từ khóa “xe buýt gây chết người” trên google, trong 0,30 giây sẽ nhận được 18.700.000 kết quả. Một phương tiện công cộng hứa hẹn sẽ thay thế phương tiện cá nhân khi chính quyền hạn chế tiến tới cấm xe máy, ô tô con mà có khả năng… sát thương lớn thế này thì còn ai sẽ chọn sẽ chọn xe buýt.
Hung thần mang tên xe buýt
Hồi 20h 30 ngày 15/10, chiếc xe buýt chạy hướng Long Biên – Hà Nội đã gây tai nạn ngay trước cửa số nhà 131 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên). Chị Lê Vũ Hải Chi (ở Trần Phú – Hà Nội), người trực tiếp chứng kiến vụ tai nạn kể lại: Vào thời điểm nói trên, do không làm chủ được tốc độ nên xe buýt này đã tông thẳng vào chiếc xe máy BKS: 30M4 – 3745 khi chiếc xe máy này đang sang đường. Người phụ nữ điều khiển xe máy đã bị cả hai bánh xe buýt cán qua tử vong ngay tại chỗ. Sau tai nạn, chiếc xe buýt đã chạy khỏi hiện trường.
Trưa 11/5/2010, trước Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức, trên đường Võ Văn Ngân, P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức, xe gắn máy BKS 53X5-9082 do em Phạm Ngọc Tấn (SN 1995, ngụ P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức) điều khiển, lưu thông từ hướng chợ Thủ Đức ra xa lộ Hà Nội, khi lưu thông đến điểm trên, xe của Tấn va chạm với xe đạp điện của em Kiều Thị Minh Thư (SN 1993, ngụ P.Phước Long B, Q.9) chạy chiều ngược lại làm cả Tấn và Thư ngã xuống đường.
Chưa kịp đứng dậy thì bất ngờ xe buýt BKS 53N-5291 do Lưu Hoàng Minh điều khiển chạy từ hướng chợ Thủ Đức ra xa lộ Hà Nội cán qua người em Tấn chết tại chỗ.
Trước đó, lúc 19 giờ tối 12/12/2005, một chiếc xe buýt thuộc Liên hiệp HTX xe buýt Sài Gòn lưu thông trên đường Phan Đình Phùng hướng từ quận 3 sang Phú Nhuận đã gây tai nạn chết người.
Nạn nhân là ông Phan Văn R. đi xe máy Future, sinh năm 1957, ngụ tại đường Lê Văn Sỹ, phường 10, quận Phú Nhuận.
Những người chứng kiến cho biết, trong lúc xe buýt cố vượt lên phía trước, đuôi xe buýt đã vướng vào chiếc xe máy đi cùng chiều làm nạn nhân mất thăng bằng té ngã, vỡ đầu chết ngay tại chỗ.
Điều đáng nói là hầu hết các vụ xe buýt đâm chết người sau đó đều “chìm xuồng” một cách vô lý. Hầu hết báo chỉ chỉ có thông tin ban đầu về việc tai nạn xảy ra còn cách khắc phục và giải quyết hậu quả vô cùng hãn hữu. Cách đây 2 tháng, tại TP. Hồ Chí Minh đã xảy ra vụ đua xe buýt gây chết người.
Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào khoảng 17 giờ chiều 7/8/2011 tại cầu vượt Thủ Đức (phường Tân Phú, quận 9, TP.HCM) làm một người chết, một người bị thương.
Trước lúc xảy ra tai nạn có ba xe buýt chở đầy khách đang lưu thông theo hướng từ TP.HCM về Đồng Nai. Theo nhiều nhân chứng, khi đến cầu vượt, ba xe buýt giành đường, đua tốc độ với nhau khiến người đi đường phải lách vào lề tránh nạn. Trong đó, chiếc xe buýt mang biển số 53N-7178 (chạy tuyến Bến xe An Sương - Suối Tiên) đã đâm trực diện vào xe máy biển số 60M3-5520 do ông Trần Nam Hùng điều khiển, chở phía sau là ông Trần Sơn Hà (em ruột của ông Hùng).
Tai nạn làm ông Hà té xuống đường, bị xe buýt cán ngang người tử vong tại chỗ. Còn ông Hùng bị kéo lê hàng chục mét và hiện đang cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Được biết, sau khi tai nạn xảy ra, hai trong ba xe buýt đã tháo chạy khỏi hiện trường.
Một ngày sau sự cố này, ngày 8/8, Công an quận 9 - TPHCM đã bắt tạm giam tài xế Lương Xuân Toàn để điều tra làm rõ nguyên nhân.
Xe buýt thế này, ai đi?
Không chỉ thường xuyên gây ra những vụ tai nạn thương tâm, chất lượng xe buýt còn khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng. Cung cách phục vụ của xe buýt sau sự việc bắt khách quỳ xin mở cửa ngày 22/10 vừa qua thực sự là cú sốc với nhiều người. Với tiêu chí là phương tiện vận tải công cộng, xe buýt hướng đến mục tiêu phục vụ đại đa số người dân. Nhưng chính lái xe và phụ lái đã biến hành khách trở thành tội nhân trên chuyến xe của mình chỉ vì mỗi lý do đi nhầm tuyến.
Việc ra tay quá mạnh của tài xế và phụ lái rất có thể sẽ bị truy tố về tội Làm nhục người khác theo quy định của Bộ Luật Hình sự. Cũng từ chính việc này khiến nhiều người đặt lại câu hỏi vì sao trong các vụ bỏ bến vào giờ cao điểm, những vụ hành khách trên xe la ó bị cướp, giật móc túi, lái xe và phụ xe trên các tuyến xe buýt lại tỏ ra thờ ơ đến vô cảm, không có bất cứ động thái nào bảo vệ hành khách của mình.
Sau sự việc làm nhục hành khách trên xe bằng cách bắt quỳ xin xuống, Bộ trưởng Bộ Giao thông Đinh La Thăng ngay lập tức đã chỉ đạo đuổi nhân viên lái xe khách nói trên. Nhưng còn bao nhiêu tài xế thiếu trách nhiệm khác sẽ giải quyết thế nào đây?
Là ngành phục vụ, tiêu chí của các công ty xe buýt luôn luôn là “khách hàng là thượng đế” nhưng chính ông Nguyễn Phi Thường - Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cũng phải thừa nhận rằng nguyên nhân khách không đi xe buýt chiếm tỷ lệ 65% là do chờ lâu, 16% do mức độ phục vụ kém, 10% do đi bộ xa, 5% do tệ nạn và 4% do lái xe ẩu. Nếu cứ trượt dài vào thái độ phục vụ kiểu này liệu có còn ai đi xe buýt nữa hay không?
Theo VnMedia.vn
Nhà cháu gặp mấy cục sắt này thì tránh xa.Lái xe thì hỗn láo,coi thường tính mạnh của người dân.Nản vãi luyện