trên phây có cụ luật sư giải thích rất rõ các khoản này rồi cụ ợ. em cũng thấy hợp lý. cụ có thể tìm đọc tự.
à đây rồi ợ:
"Tại sao nữ tiếp viên hàng không (TVHK) bị thương tật 79% yêu cầu bồi thường 1,4 tỷ đồng mà anh tài xế Grab thiệt mạng chỉ yêu cầu bồi thường 477 triệu đồng?"
Vấn đề 1: Mức yêu cầu bồi thường thiệt hại (BTTH) - Trách nhiệm Dân sự
- Với trường hợp của anh Thường tài xế GrabBike sẽ áp dụng quy định tại Điều 591 BLDS năm 2015. Sau khi tai nạn xảy ra, anh Thường tử vong tại chỗ nên không có chi phí cứu chữa, chăm sóc, hồi phục sức khoẻ tại bệnh viện mà chỉ có:
Chi phí hợp lý cho việc mai táng
Tiền cấp dưỡng cho những người mà người anh Thường có nghĩa vụ cấp dưỡng
Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra còn có một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của anh Thường (được hiểu là khi anh mất, người thân của anh đau buồn với mất mát đó), mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (hiện nay mức lương cơ sở là 1 triệu 490 nghìn đồng, 100 lần là không quá 149 triệu đồng).
Tất cả những chi phí này là chi phí “hợp lý” - tức là cần chứng minh được. Vì vậy, mức 477 triệu đồng là do hoàn cảnh cụ thể của anh Thường, người thân thích của anh Thường muốn yêu cầu và có thể chứng minh được yêu cầu đó là hợp lý chứ không phải là cố định.
Giả sử nếu là một người khác, khi tai nạn xảy ra, đã phải cứu chữa tại bệnh viện để phục hồi sức khoẻ, sau đó mới tử vong hoặc có con nhỏ phải cấp dưỡng cho đến khi trưởng thành,…thì mức bồi thường sẽ cao hơn, ngược lại thì sẽ thấp hơn. Nên không thể quy theo kiểu "một mạng người đáng giá bao nhiêu?"
- Với trường hợp của chị Hường - nữ TVHK sẽ áp dụng quy định tại Điều 591 BLDS năm 2015. Theo đó, do thiệt hại về sức khoẻ, chị Hường đã phải nằm viện điều trị thời gian dài, trải qua 4 lần phẫu thuật, không thể đi làm, không chăm con nhỏ được mà còn phải thuê người chăm sóc trong thời gian nằm viện và kể cả khi đã xuất viện vì chị không tự đi lại và chăm sóc bản thân nên mức bồi thường sẽ bao gồm:
Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút.
Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của chị.
Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc chị Hường trong thời gian điều trị;
Thiệt hại khác do luật quy định
Và cũng có một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà chị Hường phải gánh chịu (cũng được hiểu là bất kỳ ai đang là một người khoẻ mạnh mà gặp phải tai nạn với những đau đớn như thế thì đều bị ảnh hưởng đến tinh thần, đau buồn và có thể là tuyệt vọng). Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (hiện nay mức lương cơ sở là 1 triệu 490 nghìn đồng, 50 lần là không quá 74 triệu 500 nghìn đồng).
Số tiền 1,4 tỷ đồng cũng là đối với trường hợp của chị Hường: với thu nhập của một TVHK, với những tổn hại về sức khoẻ 79%, phải có người chăm sóc,..chứ không phải ai cũng như nhau. Nếu một người không có thu nhập ổn định, mức tổn hại về sức khoẻ nhẹ hơn hoặc không cần phải thuê người chăm sóc.. thì có thể sẽ yêu cầu bồi thường ít hơn, và ngược lại.
Vì vậy, đây không phải là con số chung và mức BTTH đó cũng không phải là câu trả lời cho tất cả các trường hợp. Cả số tiền 477 triệu đồng mà thân nhân anh Thường và 1,4 tỷ đồng chị Hường yêu cầu BTTH đều không mang tính chất tương xứng, đó chỉ là một phần vật chất bù đắp lại cho những mất mát mà họ đã và sẽ phải gánh chịu sau tai nạn, chứ không có chuyện “lợi” gì ở đây cả, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ để thấu hiểu.
Vấn đề 2: Từ những quy định cách BTTH như đã nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng đây là lỗ hổng của pháp luật, dẫn đến một số tài xế gây tai nạn muốn “gi.ết” cho nạn nhân ch.ết để không phải nuôi dưỡng, cứu chữa, bồi thường,..
Đối với vấn đề này thì liên quan đến trách nhiệm hình sự rồi, không còn là Dân sự nữa. hiện nay, bên cạnh quy định của Bộ luật Hình sự 2015 thì còn có một số văn bản khác và Án lệ số 30/2020/AL về hành vi cố ý điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại sau khi xảy ra tai nạn giao thông được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 05 tháng 02 năm 2020 và được công bố theo Quyết định số 50/QĐ-CA ngày 25 tháng 02 năm 2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Theo đó, nếu như tài xế gây tai nạn làm nạn nhân chết thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” (Điều 260) với mức hình phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Tuy nhiên sau khi gây tai nạn nếu như tài xế không cứu giúp nạn nhân mà còn cố tình điều khiển xe cho nạn nhân chết thì sẽ không còn là tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” (Điều 260) nữa mà có thể bị truy cứu về tội Giết người vì động cơ đê hèn (điểm q khoản 1 Điều 123) với mức hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Như vậy, với trách nhiệm dân sự là BTTH thì có thể nhẹ hơn, nhưng trách nhiệm Hình sự thì nặng hơn rất nhiều, chưa kể người đó còn phải đối diện với một “toà án” nghiêm khắc nhất là lương tâm của chính mình sau khi gây ra tội Giết người. Rõ ràng không thể vì mức BTTH có thể nhẹ hơn mà dẫn đến các tài xế có hành động cố tình làm nạn nhân chết sau khi gây tai nạn được.
P/s: Cuối cùng, nhìn hình ảnh trên người chằng chịt vết thương, xương phải bắt vít, liệt giường cả năm trời để thấy được con số 1,4 tỷ đồng có thật sự bù đắp được những mất mát mà cô ấy đã và sẽ phải gánh chịu không?
---
Nguồn: Nhân lực ngành luật
---
Group chính thức của Otofun:
https://www.facebook.com/groups/otofun.global/
#otofun