Anh - Mỹ ngày càng mất mặt vì vụ đầu độc Skripal
Bảo Minh
Đất Việt
Thứ ba, 03 Tháng tư 2018 06:31 UTC
© Sott.net
Khiêu khích tồi tệ
Theo hãng tin AP của Mỹ, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lên án Anh và Mỹ đang truyền bá "những thông tin sai sự thật và dối trá" về vụ Skripal. Ông cho rằng căng thẳng Đông-Tây hiện nay thậm chí còn tồi tệ hơn so với thời Chiến tranh Lạnh.
AP dẫn lời ông Lavrov ngày 2/4 chỉ trích Anh đang có những hành vi "khiêu khích điên cuồng và tồi tệ", đồng thời nhấn mạnh Nga không có bất kỳ động cơ nào để tấn công cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal, người đã được trả tự do vào năm 2010 theo một thỏa thuận trao đổi giữa London và Moskva.
Ngoại trưởng Nga nói: "Nếu chúng tôi có bất kỳ vấn đề gì (với Skripal), ông ta chắc chắn sẽ không nằm trong diện được trao đổi".
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cũng chỉ trích việc Anh tuyên bố rằng không thể có bất kỳ lời giải thích nào khác cho vụ đầu độc cha con Skripal ngoài lý do Moscow chủ mưu. Theo Ngoại trưởng Lavrov, giới tình báo Anh có thể có liên quan và vụ việc này thậm chí còn giúp chính phủ ở London đánh lạc hướng dư luận khỏi các cuộc đàm phán khó khăn về quá trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Ông Lavrov nói: "Có những giả thuyết khác bên cạnh những gì mà các đồng sự phương Tây của chúng tôi đưa ra, những người tuyên bố rằng tất cả chỉ là do người Nga. Vụ việc này có thể có lợi cho Chính phủ Anh, những người đang rất bối rối bởi không thể hoàn thành những cam kết đưa ra với các cử tri về Brexit". Trong khi đó, Sputnik dẫn trả lời phỏng vấn nhà nghiên cứu chính trị Aydın Sezer, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ-Nga ở Istanbul, cho rằng các nước phương Tây - dưới áp lực nhất định từ Mỹ và Anh - đang thực hiện những hành động để bôi nhọ Tổng thống Putin và nước Nga trên trường quốc tế.
Ông Aydın Sezer nói: "Phương Tây lợi dụng vụ Skripal để thổi phồng tâm lý bài Nga và chống lại Tổng thống Putin.
Chính quyền các nước phương Tây không hài lòng và lo ngại khi thấy hình ảnh tích cực của Putin, mức độ tin tưởng cao của người dân Nga đối với ông và những sự kiện trong những năm gần đây đã giúp nhà lãnh đạo Nga trở thành một nhân vật có ảnh hưởng trên vũ đài chính trị thế giới". Nhà nghiên cứu này cho biết theo kết quả của nhiều cuộc điều tra dư luận được tiến hành ở nhiều quốc gia khác nhau, Tổng thống Putin là người nhận được nhiều thiện cảm nhất trong số các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Ông Aydın Sezer nhấn mạnh rằng phương Tây đang tìm cách gây chia rẽ những người gần gũi với Tổng thống, để hình thành một liên minh lớn chống lại Nga. Ông nói: "Tôi cho rằng Mỹ và Anh đã gây áp lực đối với các nước phương Tây để họ trục xuất nhiều nhà ngoại giao Nga...
Đằng sau những lời lẽ 'bày tỏ tình đoàn kết', họ cố gắng mô tả Nga như một mối đe dọa nghiêm trọng đối với trật tự thế giới. Điều này cho thấy những hành động này là một chiến dịch chống Nga được chuẩn bị từ trước".
Người Anh cứng họng
Ngày 2/4, ông Alexander Shulgin, đại diện Nga tại Tổ chức Cấm Phổ biến Vũ khí Hóa học (OPCW), phát biểu trên truyền hình rằng tổ chức này phải tiến hành "một cuộc điều tra mở, toàn diện và công bằng" với sự tham gia của các chuyên gia Nga.
Giới chức Anh trước đó đã mời các chuyên gia của OPCW tới lấy mẫu hóa học tại thành phố Salisbury, nơi xảy ra vụ việc. Tuy nhiên, ông Shulgin cảnh báo rằng Moscow sẽ không chấp nhận kết luận của cơ quan này trừ khi các chuyên gia Nga được tham gia quá trình điều tra.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết Nga đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp gồm các thanh sát viên vũ khí hóa học quốc tế vào ngày 4/4 để thảo luận về vụ việc và đề nghị hội nghị công bố chi tiết quá trình hợp tác với Anh.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga còn chỉ trích việc giới chức Anh phớt lờ yêu cầu của Nga về việc tiếp xúc với Yulia Skripal, con gái của cựu điệp viên hai mang và cũng là một nạn nhân của vụ tấn công song gần đây đã có những biến chuyển khá tích cực về sức khỏe.
Trước đó, hôm 28/3, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố thẳng Anh không quan tâm đến việc xác định kẻ thực hiện vụ đầu độc Sergey Skripal và con gái, điều đó dẫn đến suy nghĩ về sự liên quan của cơ quan đặc vụ Anh đến vụ việc.
Một ngày sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, Anh đang vi phạm luật pháp khi từ chối cung cấp thông tin liên quan tới Yulia Skripal, con gái của cựu điệp viên Sergei Skripal.
Bà Zakharova cho rằng, Anh đã từ chối hợp tác với Nga trong cuộc điều tra vụ đầu độc, cũng như không cung cấp thông tin về tình trạng của cô Yulia, bất chấp việc cô này là công dân Nga.
Đại diện Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, cách hành xử của London đi ngược lại hiệp định lãnh sự 1968 được ký giữa Liên Xô thời đó và Anh, theo đó Moscow được phép tiếp cận các công dân của nước này trên lãnh thổ Anh. Bà Zakharova khẳng định, không bên nào bãi bỏ hiệp định này, nên cho tới nay hiệp định này vẫn có hiệu lực theo luật pháp quốc tế.
Báo chí Nga, trong đó có trang "Tin sáng" tiết lộ bằng chứng nghi ngờ Yulia Skripal không hề bị đầu độc và vẫn sống khỏe mạnh.
Trang utro.ru hôm 28/3 đã đăng bức ảnh chụp trang cá nhân có tên Yulia Skripal trên mạng xã hội VKontakte (vk.com/y.skripal) mà người Nga ưa sử dụng, trên đó thể hiện chủ trang cá nhân đã đăng nhập vào lúc 8:35 ngày 7/3, tức là ba ngày sau khi xảy ra vụ đầu độc.
Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko ngày 1/4 cho rằng, cái gọi là vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái Yulia tại Anh là một "chiến dịch cờ giả" do các cơ quan tình báo Anh thực hiện.
Chiến dịch cờ giả là những hoạt động ngầm do các chính phủ, tập đoàn hoặc tổ chức bí mật tiến hành nhằm đánh lừa dư luận là do các đối tượng khác thực hiện.
Phát biểu trên kênh truyền hình NTV, ông Yakovenko nói: "Hành động khiêu kích này đã được các cơ quan tình báo Anh thực hiện. Chúng tôi không được cung cấp bất cứ bằng chứng nào và họ từ chối hợp tác với chúng tôi. Động thái như vậy khiến chúng tôi cho rằng đây là một hành động khiêu khích của các cơ quan tình báo". Theo ông, hành động khiêu khích này được thực hiện với 2 lý do, trong đó có sự cần thiết phải che giấu thực tế rằng London đã chấp nhận hầu hết tất cả các điều kiện mà Brussels đưa ra trong các cuộc đàm phán Brexit.
Lý do thứ 2 là ý đồ trở thành một nhà lãnh đạo trong cái gọi là chiến lược răn đe Nga và sự cần thiết phải giành được sự ủng hộ của cả người dân và quốc hội nước Anh.