Hội thi kỹ thuật lái xe hay thi cứu hộ?
QĐND - Thứ Ba, 21/09/2010, 10:36 (GMT+7)
QĐND - Được phép của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, sau vòng sơ loại, ngày 19-9, tại Đồng Mô, Hà Nội, đã diễn ra vòng chung kết Hội thi Kỹ thuật lái xe địa hình lần thứ nhất (VOC 2010). Đây là cuộc thi do những người yêu xe ô tô, thích mạo hiểm đứng ra tổ chức có quy mô toàn quốc, lại diễn ra vào đúng ngày khai trương Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam nên hàng nghìn khán giả đã không ngại đội nắng nhiều giờ để xem Hội thi và chúng tôi là những người trong số đó.
8 giờ xe xuất phát từ Hà Nội, 9 giờ nhóm chúng tôi đã có mặt tại địa điểm diễn ra cuộc thi. Không biết rõ thời gian khai mạc hay do công tác chuẩn bị đường đua có nhiều bất cập nên 10 giờ 20 phút Ban tổ chức mới đọc lời khai mạc và 10 giờ 50 phút chiếc xe đầu tiên mới được lệnh xuất phát.
Theo thông báo của Ban tổ chức, có 39 xe ô tô của Hà Nội, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh… đã vượt qua vòng loại sẽ dự tranh giải ở 3 hạng: Nghiệp dư, Bán chuyên và Chuyên nghiệp. Địa hình cho các hạng thi khác nhau và các loại xe tham dự cuộc thi cũng muôn hình muôn vẻ. Đơn giản như xe tham gia tranh tài tại hạng Nghiệp dư là xe phổ thông, không được cải hoán; địa hình cho hạng đấu này có tổng chiều dài hơn 100 mét với những đường cua gấp khúc và có 3 chướng ngại vật khó. Đầu tiên là hố sâu, tiếp đó là chiếc cầu gỗ (2 thân cây ghép lại, vừa đủ cho một bánh xe bên phải đi qua) và sau cùng lại là một hố sâu có thêm bùn, nước. Chiếc xe Mecrcedes GLK có số báo danh 02 vào cuộc đầu tiên và tích tắc sau đã phải cứu hộ (xe tời kéo), bởi phần đầu xe lọt thỏm xuống ngay chướng ngại vật đầu tiên. Kết thúc bài thi thì phần vỏ xe bên phải bị móp một góc. Buổi chiều, trên đường về chúng tôi thấy chiếc xe Mecrcedes kể trên được chiếc xe tải cõng chạy về hướng Hà Nội.
Chiếc xe đang vượt qua một chướng ngại vật trong hội thi. Ảnh: internet
Tiếp tục theo dõi cuộc thi chúng tôi nhận thấy, hầu như xe nào cũng cần cứu hộ. Quan sát kỹ đề bài cuộc thi chúng tôi nhận thấy, các chướng ngại vật tự tạo quá vội vàng, không tính kỹ các yếu tố địa lý, thông số kỹ thuật từng loại xe, nên cuộc thi này dễ nhầm tưởng dành cho các xe cứu hộ.
Anh Hồng Chương (Hà Nội), người đam mê ô tô từ trẻ và là thí sinh bị trượt từ vòng loại tâm sự: “Tôi tham dự cuộc thi mà không nắm rõ điều lệ nên vấp nhiều sai sót không đáng có. Lẽ ra khi không vượt qua chướng ngại vật phải cứu hộ ngay (chỉ bị trừ điểm), đằng này tôi cứ loay hoay, cố mãi nên cuối cùng vừa bị loại, xe lại hỏng (vỡ cầu). Anh chăm chú theo dõi vòng chung kết để rút kinh nghiệm và hy vọng ở cuộc thi lần sau sẽ là người giành chiến thắng.
Tương tự như cuộc thi Nghiệp dư, cuộc thi Bán chuyên và Chuyên nghiệp diễn ra buổi chiều hôm đó đều có kết cục tương tự, cho dù là xe Jeep, xe Mitsubishi hay xe Triton được cải tiến một số bộ phận, thay lốp chuyên dùng…
Có thể nói, cuộc thi đã đánh đúng vào tâm lý những người thích mạo hiểm với ô tô và nếu tổ chức tốt có thể trở thành cuộc thi thường niên, một sân chơi mới hấp dẫn, thu hút được khách du lịch… Song, muốn vậy, những người tổ chức cần tiếp cận cung cách chuyên nghiệp, phải có quy chế, điều lệ phù hợp, có địa hình tập luyện và sớm nghiên cứu xây dựng địa điểm thi đấu hợp lý và đặc biệt phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách và người xem.
Kim Anh