Học võ mà muốn đánh nhau hay không, thực ra do cách người ta dạy, do quá trình mình học.
Đa phần mọi người nghĩ đánh nhau rất dễ. Nhưng thực tế không hẳn đã vậy.
Lúc tôi đi học thì phải đến 1 trình độ tàm tạm ( về cả kỹ thuật lẫn thể lực) thì thầy mới cho đấu. Mới vào, có nhiều lý do người ta không cho đấu vì bạn có thể gặp nguy hiểm hoặc gây nguy hiểm cho đối phương. Ví dụ sức chịu đòn của bạn yếu quá, nhỡ bị đá trúng bắp đùi có khi 1-2 tuần không lết đi học được. Hoặc do bạn quá mệt, không điều khiển được cú đá của mình, muốn đá cao xíu, nhưng lại thành ra thấp, vô tình xỉa trúng hạ bộ của đối phương, rất phiền hà. Học võ là rèn luyện sức khỏe, mọi người muốn an toàn, không ai muốn về nhà hay gặp bạn gái với khuôn mặt sưng húp, vêu miệng hoặc thậm chí gãy cu cả.
Trình độ càng cao thì người ta cho mình đấu càng nhiều và khuyến khích mình đấm và đá mạnh, để tăng sức chịu đòn và cảm nhận được đòn đánh. Ví dụ lớp học gồm 20 đứa, sẽ chia thành 10 cặp, thầy bấm đồng hồ cho tất cả các cặp nện nhau trong 2 phút, sau đó mỗi người di chuyển để gặp người khác. Kết cục tất cả mọi người đều gặp nhau, rất mệt.
Thi lên đai cũng vậy. Ngoài việc kiếm tra thể lực, đi quyền phải có bài song đấu. Tùy lên đai mà phải đánh nhau bao nhiêu lượt, nếu không gục ở lượt cuối thì mới được lên đai.
Đánh nhau có dễ không? Thực ra là tùy đối phương. Có những đứa to cao nhưng trình độ thấp thì người ta có thể chọn chiến thuật hợp lý là tấn công xong và lùi ra giữ khoảng cách. Hội này chỉ cần ăn khoảng 2-3 đạp vào bụng, do họ chậm, mà cú đạp rất mạnh do mình dồn cả người vào đấy, thì họ rất nhanh đuối. Nhưng những đứa trình độ tương đương, lại to cao, thì không dễ. Bọn này chịu đòn tốt, ra đòn tốt.
Nhặng xị và múa may quay cuồng khi đánh? Gặp các bạn học lâu năm thì rất không nên. Họ chỉ tập trung ở 1 vài điểm thôi, cho bạn múa thoải mái, họ biết cần đá hay đấm vào đâu.
Kỹ năng quan trọng nhất của người học võ? Theo tôi là kỹ năng đánh giá tình huống. Rất nhanh, họ sẽ quan sát và sẽ đánh giá được tình huống bao gồm địa hình xung quanh, số người của đối phương, khả năng sử dụng vũ khí của đối phương. Thế nên trong 1 số trường hợp, cách tốt nhất là nhún nhường, tránh manh động. Trường hợp khó thương lượng, có thể thách đố tính sĩ diện của đối phương bằng cách thách duy nhất 1 người trong số họ ra đánh, những người kia không can thiệp và không dùng vũ khí. Cách này đã thành công với nhiều người.
Võ thuật mà không giao đấu thật sự thì giống như cái cây có hoa mà không có trái. Nhưng bạn phải đấu nhiều thì bạn mới có kỹ năng, và nhiều khi bạn rất chán đánh nhau, không muốn đánh nhau nữa.
Ngày xưa tôi thường đánh nhau hằng tuần, lúc đó thành sở thích. Không sợ cảm giác ăn đòn. Người ra nói "lì đòn" là vậy. Nhưng bây giờ cũng không luyện võ nữa, lâu rồi không đấu, nên cảm giác của tôi bây giờ là sợ đau, sợ ăn đòn ngay cả lúc chả đánh nhau với ai.