Trong bức ảnh này có 2 người Quảng Bình, đó là tướng Võ Nguyên Giáp mà ai cũng có thể nhận ra, và người đứng cầm cây chỉ bản đồ chính là trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Đường mòn Hồ Chí Minh hay đường Trường Sơn được gắn liền với tên của hai vị tướng huyền thoại. Người đầu tiên là chính là Thượng tướng Đinh Đức Thiện, và người thứ hai chính là tướng Đồng Sỹ Nguyên đây. Tướng Đinh Đức Thiện mất năm 1987, trong một giai đoạn có thể coi là “khói lửa” trên chính trường Việt Nam lúc đó. Trước đấy một năm (1986) cũng có thêm 2 vị tướng nữa đã ra đi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp có bên mình hai cánh tay trái và phải. Cánh tay phải của ông là tướng Hoàng Văn Thái, người đã ở cạnh ông và cùng ông lập nên các chiến lược quân sự lớn. Còn cánh tay trái của ông là tướng Lê Trọng Tấn, người sẽ ở trận tiền, thực hiện các chiến lược mà tướng Giáp đề ra, ông được chủ tịch Cu Ba Fidel Castro gọi là “Vị tướng đánh trận giỏi nhất Việt Nam” Tướng Lê Trọng Tấn là người đã bắt tướng De Castries trong trận Điện Biên Phủ, và cũng là người áp giải tổng thống VNCH Dương Văn Minh vào ngày 30/4/1975. Ngày 2/7/1986, tướng Hoàng Văn Thái chết. Đến ngày 5/12/1986, tướng Lê Trọng Tấn đột tử. Hai cái chết của hai người huynh đệ ấy đã đánh sụp tướng Giáp.
Tướng Giáp quê ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, tướng Đồng Sỹ Nguyên quê ở huyện Quảng Trạch, Quảng Bình.
//
Trong lịch sử quân sự thế giới có 2 mảng đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nhưng lại không được ghi chép nhiều trong sử sách, đấy là “Hậu cần” và “Thương nhân”.
Bàn về “Thương nhân”. Bạn hãy nhớ rằng chiến tranh là nơi kiếm được nhiều tiền nhất. Hôm nay, ta sẽ có 2 ví dụ.
Gia tộc giàu có và hùng mạnh nhất thế giới chính là gia tộc Rothschild, và chiến thắng của gia tộc này được đến sau trận Wateloo, nơi Napoleon thua trận. Khi đó ở Wateloo – Bỉ diễn ra trận đánh giữa Pháp với sự chỉ huy của Napoleon huyền thoại, và liên quân Anh-Phổ, nơi có sự chỉ huy của công tước xứ Wellington. Bên nào thắng đồng nghĩa với việc trái phiếu nước đó sẽ tăng, và ngược lại thua thì tụt dốc. Đứa con thứ ba của gia tộc Rothschild là Nathan đang theo dõi diễn biến trận Wateloo. Vì gia tộc này có mạng lưới thông tin nhanh hơn tất cả những ai đương thời nên họ nắm được kết quả đầu tiên. Sau khi có kết quả, việc trước tiên họ làm là tung tin đồn nhảm ở London là Anh thua cuộc. Kết quả, một cơn hoảng loạn xảy ra khi người ta bán tống bán tháo công trái Anh. Sau khi giá cả chỉ còn 5% giá ban đầu, thì gia tộc Rothschild mua gom vào. Bước tiếp theo, Nathan Rothschild công bố tin chính thức là nước Anh thắng cuộc. Kết quả, giá tăng lên vùn vụt, và thị trường giao dịch chứng khoán London nằm cả trong tay gia tộc này.
Sử sách chỉ nói về Wateloo và Napoleon, huyền thoại những câu chuyện sử cũng chỉ viết về nơi đó, không ai bàn về thương nhân. Nathan Rothschild nói “Tôi chẳng cần quan tâm con rối nào thống trị nước Anh. Ai khống chế được tiền tệ nước Anh thì thống trị đế quốc Anh, và đó là tôi.”
Ví dụ thứ hai sẽ liên quan đến gia tộc Bush, một trong những gia tộc được trọng vọng nhất của nước Mỹ vì đế chế chính trị và kinh tế. Ví dụ này sẽ điển hình cho việc bạn nhận ra chính trị của Mỹ là nơi kiếm tiền rất tốt, và đừng quá ảo vọng về nó. Gia tộc Bush có 2 cha con đều làm tổng thống Mỹ, họ là George H. W. Bush và George W. Bush. Và xin thưa, điểm chung của hai cha con này là đều đi đánh Iraq. Ông cha tạo nên cuộc chiến tranh vùng Vịnh 1991 nổi tiếng, ông con thì đi lật đổ Sadam Hussen vào năm 2003. Kết quả, gia tộc Bush và các công ty có chân rết của họ nắm quyền kiểm soát lĩnh vực dầu mỏ và tài chính của Mỹ và thế giới. Mấy cái vũ khí hạt nhân chỉ là cái cớ.
//
Thế còn “hậu cần” thì sao? Chúng ta cũng có hai ví dụ luôn, lần này chuyển qua Việt Nam cho gần gũi.
Ví dụ đầu tiên liên quan đến một trong những vị anh hùng được ngưỡng mộ nhất lịch sử: Lý Thường Kiệt. Người đã thắng nhờ triệt hậu cần của quân Tống. Đầu tiên, ông tự mình đem quân đi sát phạt Ung Châu, Liêm Châu, tàn phá hết cơ sở hậu cần biên giới của quân Tống. Sau khi thành công, ông về đắp phòng tuyến sông Như Nguyệt, và đợi quân Tống đến. Người chỉ huy của quân Tống là Quách Quỳ, cũng là một tay giỏi giang. Mang theo 10 vạn quân Tống, 20 vạn dân phu làm hậu cần. Nhưng Lý Thường Kiệt đã tính được điều này, ông giao cho phò mã Thân Cảnh Phúc nhiệm vụ đột kích 20 vạn dân phu ấy. Lương thực đi sau bị tiêu hao dần dần, trong khi phòng tuyến Như Nguyệt vững như bàn thạch. Mất đi hậu cần, Quách Quỳ buộc phải rút quân.
Ví dụ thứ hai, chính là liên quan đến đầu câu chuyện này. Vị tư lệnh Trường Sơn, tướng Đồng Sỹ Nguyên, người vừa ra đi hôm qua.
Khi tổng bí thư Lê Duẩn quyết định rằng phải thống nhất đất nước bằng vũ lực, điều đầu tiên ông làm chính là mở đường mòn Hồ Chí Minh này. Đây sẽ là tuyến vận chuyển vận tải, xăng dầu, đưa vũ khí, đạn dược, và những người bộ đội Miền Nam trên các “chiếc xe không kính” dọc theo Trường Sơn để đi vào Nam. Chính nhờ chiến thắng trên con đường đó, mà bộ đội miền Bắc có thể triển khai quân ở miền Nam, và cũng nhờ con đường đó mà Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc có được vũ khí, lương thực để đi đến chiến thắng cuối cùng của ngày 30/4/1975.
Sự quan trọng của con đường này lớn đến mức, mà Mỹ đã dùng đủ mọi cách để triệt phá con đường này, kể cả đưa những tiến bộ khoa học về phá hoại cây rừng vào đó. Tướng Đồng Sỹ Nguyên không thắng chỗ này, chỗ kia, ông cũng không chỉ huy Điện Biên Phủ hay đột kích quân địch. Nhưng ông đã chỉ huy một đoàn quân với bom lượn ở trên đầu, xây nên một con đường mà Mỹ nhận định là không thể xây được, và tạo nên một con đường cứ bị san phẳng hôm qua thì vài ngày sau bỗng trở lại. Đường Trường Sơn không chỉ là con đường, mà còn là chiến trận và máu xương. 8 năm làm tổng tư lệnh, tướng Đồng Sỹ Nguyên vừa là tướng quân sự, vừa là kỹ sư, vừa là người động viên và nêu cao khẩu hiệu. Sự khổng lồ của công trình này được quân đội Mỹ ca ngợi là thành tựu vĩ đại của kỹ thuật quân sự trong thế kỷ XX.
Riêng về quân đội miền Nam, họ mở ra một chiến dịch lớn mang tên Lam Sơn 719 để đi vòng qua Lào, triệt phá đường Trường Sơn, và … Bắc Tiến. Chiến lược rất đúng này đã bị phá hỏng bởi 2 người: Phạm Xuân Ẩn, người phát hiện ra những khuôn mặt các sĩ quan bỗng trở nên cháy nắng bất thường, và dự đoán một cuộc hành quân từ bên Lào đang được tiến hành. Người thứ hai là tướng Lê Trọng Tấn, người đã ở sẵn trong rừng để “đón lỏng” quân Sài Gòn sau khi nhận được tin tình báo từ Phạm Xuân Ẩn. Tướng Phạm Xuân Ẩn mất năm 2006, sau tướng Tấn đúng 20 năm.
Hôm qua, 4/4/2019, tướng Đồng Sỹ Nguyên đã ra đi. Vậy là tất cả những người anh hùng ấy giờ đã tụ về một chỗ, khép lại một thời đại anh hùng của dân tộc này.
Lời cuối:
4 năm trước, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gửi đơn đến UBND tỉnh Quảng Trị mong muốn sau khi từ trần được an nghỉ ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn cùng với những đồng đội của mình. Nghĩa trang ấy, cũng chính do ông xây dựng và bổ nhát cuốc đầu tiên.
Ông đã sống với Trường Sơn, và chết làm ma Trường Sơn.