Về mặt trình độ, chắc chắn Thiệp không phải là người uyên bác. Bù lại có cảm giác hắn ta đọc linh tinh rất nhiều và cái gì hắn ta thấy hay và có giá trị là hắn nhập tâm ngay và sau này biến hóa thành của mình qua giọng văn vô cùng xuất sắc. Đoạn anh thầy giáo "độc thoại" về đời và quyền lực trong Thương nhớ đồng quê là một ví dụ rõ nét nhất.
Về văn phong. Thiệp cực kỳ giỏi ở viết văn câu ngắn, gọn gàng, lạnh lẽo mà rất giàu hình ảnh. Đọc rất giống văn Tàu mà không phải tàu. Thoại rất giống kịch mà không phải kịch. Câu văn rất thơ mà không phải thơ. Có hằn học chửi đời, có ca ngợi tình người nhưng đều lẩn quất, không rõ nét. Anh đánh giá Thiệp cực cao ở chỗ này. Văn phong của Thiệp là có một không hai, không ai bắt chước được, nhưng lại gây ảnh hưởng rất nhiều đến các cây bút khác.
Về cách kể chuyện. Các truyện ngắn của Thiệp cực kỳ có không khí. Nếu nhìn Thiệp với góc nhìn hắn ta là một story-teller thì Thiệp là số một. Cách kể chuyện của hắn làm rung động người đọc, làm say mê người ta. Các câu chuyện (tức là truyện ngắn) của hắn dù hay hay dở đều có rất nhiều chỗ lấp lánh ánh sáng của người kể chuyện xuất sắc. Bạn đọc VN, đa phần bị Thiệp quyến rũ ở chỗ này.
Nói tóm lại, Thiệp là một tay kể chuyện xuất sắc, xuất sắc ở chỗ hắn ta có những giây phút lóe sáng của thiên tài và chộp được cái thiên tài đấy ra giấy, ra câu ra chữ một cách rất ấn tượng và duyên dáng.
Và thế là hết.
Vì thiên tài của Thiệp chỉ dừng ở đấy nên hắn ta chỉ đạt tầm cỡ nghệ nhân. Mà nói chung người Việt chỉ làm nghệ nhân thiên tài chứ không làm được công trình sư hay nghệ sĩ vĩ đại. Tức là Thiệp, mặc dù là ngôi sao sáng nhất trong làng Văn mấy chục năm gần đây, cũng chỉ làm ra được các tác phẩm nho nhỏ. Anh gọi các tác phẩm trước Tuổi 20 Yêu dấu của Thiệp là các "hòn non bộ" xuất sắc. Các hòn non bộ của Thiệp đều rất đẹp, tinh tế, duyên dáng. Có tất cả thiên nhiên con người trong những hòn non bộ đấy. Và chỉ thế mà thôi. Không hơn.
Lý do không hơn vì trình độ văn hóa, ngoại ngữ và nhất là tư tưởng của Thiệp bị hạn chế. Quan trọng hơn là Thiệp thuộc tuýp nhà văn chỉ giỏi hóa thân mình vào nhân vật. Nói đúng hơn, tất cả các nhân vật của Thiệp đều là hóa thân của hắn ta. Nhãn quan của Thiệp về đời, về hiện thực xã hội, đều có ở trong tất cả các nhân vật của hắn. Ở khía cạnh này, phần nào Thiệp giống Đốt, hoặc bị ảnh hưởng của Đốt. Cái truyện ngắn mà anh không nhớ tên, có 2 người phụ nữ trò chuyện với nhau, là điển hình của cách sáng tạo này.
Chính vì cách xây dựng nhân vật kiểu như vậy nên Thiệp, mặc dù viết văn hiện thực, lại không bao giờ xây dựng nổi một nhân vật kinh điển kiểu như Chí Phèo. Tức là không thể nào xây dựng được một nhân vật có profile rõ ràng, tính cách rõ ràng. Nhân vật của Thiệp tuy rất ấn tượng, nhưng nhạt nhòa. Vật nên không thể nào so Thiệp với Nam Cao (là một người xuất sắc khi xây dựng nhân vật).
Tất nhiên, cách xây dựng nhân vật rõ ràng, không còn là bắt buộc trong văn học hiện đại. Nhưng nếu không biết cách xây dựng nhân vật như vậy thì Thiệp sẽ không bao giờ bước ra khỏi các "hòn non bộ hiện thực giả" của mình để đi xa hơn. Và Thiệp vấp ngã cái huỵch khi định làm như vậy với "Tuổi 20 Yêu Dấu"
Do quan điểm sống và ý thức xã hội của Thiệp (trước Tuổi 20) là khá bi quan và đen tối nên truyện của Thiệp rất u ám, khó hiểu. Nhiều khi chính Thiệp cũng lạc lối nên nhân vật cũng lạc lối theo. Cái này cộng với thiên tài kể chuyện của Thiệp đã tạo ra những tác phẩm rất quái và rất hẫp dẫn. Nhưng chính vì thế mà tác phẩm của Thiệp sẽ sống không được lâu. Chỉ vài chục năm nữa thôi, khi các độc giả mới trong sáng và lành mạnh về tinh thần hơn các thế hệ hiện nay sẽ không đọc và tiêu hóa nổi Thiệp. Đây sẽ là điều cực kỳ đáng tiếc đối với riêng Thiệp và văn học VN thời kỳ Thiệp.
Truyện ngắn gần đây nhất của Thiệp mà anh đọc là truyện "Quan Âm Chỉ Lộ". Ôi thôi, vô cùng thất vọng. Giống như ai giả Thiệp mà viết vậy.
Truyên ngắn của Thiệp mà anh thích nhất là Truyện tình kể trong mưa (ko nhớ chính xác tên lắm). Truyện đấy có bài thơ cực kỳ hay.