Tết rảnh, các bác đọc bài này chơi !
Chia sẻ
Trong một buổi gặp mặt vào cuối tháng 8/2024, trả lời câu hỏi của người viết: "Ông có kế hoạch B cho VinFast không?", ông Vượng khẳng định chắc nịch: "Không có kế hoạch B đâu, chỉ có A và A+ thôi!". Chủ tịch Vingroup nói thêm: "Chia sẻ thật với các anh các chị, không phải nói quá lên đâu. Đến giờ phút này, chúng tôi hoàn toàn tin vào khả năng phát triển xe, khả năng sản xuất và kinh doanh của VinFast".
Trước đó, đầu năm 2024, ông Vượng đã rời ghế Chủ tịch VinFast để trở thành Tổng giám đốc điều hành công ty này, trực tiếp quản lý các hoạt động vận hành, bao gồm sản xuất toàn cầu, bán hàng và chiến lược thị trường.
Tháng 11/2024, hơn 2 tháng sau tuyên bố "hoàn toàn tin vào khả năng sản xuất xuất và kinh doanh" cũng như "không có kế hoạch B", lần đầu tiên trong lịch sử, một hãng xe nội địa đã vươn lên, trở thành thương hiệu ô tô bán chạy nhất Việt Nam: VinFast. Luỹ kế từ đầu năm đến thời điểm đó, VinFast đã bàn giao hơn 51.000 chiếc ô tô điện tới khách hàng.
Thế nhưng, điều khiến tất cả mọi người tò mò nhất là: điều gì giúp ông Vượng tự tin về khả năng cạnh tranh của ô tô VinFast?
Năm 2024, VinFast VF3 là chiếc xe gây chú ý lớn nhất của toàn ngành ô tô Việt Nam. Ngoài việc lập những kỷ lục chưa từng có về lượng đặt mua sớm (nhận 27.649 đơn đặt hàng không hoàn lại chỉ 66 giờ sau khi ra mắt), VF3 còn là nhân tố quan trọng đưa VinFast lần đầu tiên trở thành thương hiệu ô tô bán chạy số 1 Việt Nam – vượt cả Toyota lẫn Hyundai. Thế nhưng, những yếu tố hậu trường phía sau thậm chí còn quan trọng hơn vị trí số 1 đó.
Theo kế hoạch, VF3 được lên kế hoạch sản xuất trong 13 tháng. Tuy nhiên, sau khi ông Vượng thay cả Phó TGĐ và Kỹ sư trưởng phụ trách phát triển xe của VinFast, rồi trực tiếp đứng ra chỉ đạo thì thời gian được rút ngắn còn 9 tháng.
Trao đổi với người viết, ông Phạm Nhật Vượng cho biết, tổng thời gian thiết kế và sản xuất VF3 chỉ có 9 tháng, nhưng sau khi giao hàng cả chục nghìn xe, tỷ lệ hài lòng của khách hàng sử dụng cao hơn tất cả những xe điện từng sản xuất trước đó.
Đây là một kết quả rất khó tin nếu biết rằng, thời gian để thiết kế và sản xuất một chiếc ô tô của các hãng lớn thường là 5-7 năm. Trước đó, khi VinFast làm ra chiếc ô tô trong thời gian từ 2-2,5 năm đã được coi là siêu tốc.
Thế nhưng, để đạt được tiến độ thần tốc này, thay vì làm việc ngày đêm, overtime thường xuyên, ông Vượng lại yêu cầu không được phép làm quá giờ. Tất cả các bộ phận, nhân sự phải xử lý công việc trong thời gian 8 tiếng tại nhà máy, nhưng phải theo đúng các tiến độ cực kỳ nghiêm ngặt đã được đặt ra.
Đi kèm với đó, việc tổ chức, kiểm soát, giám sát từng khâu được thực hiện rất chặt chẽ và gắt gao. "Đó là một phong cách làm việc rất khác trước đó, giúp chúng tôi giải quyết được một khối lượng công việc khổng lồ, nhanh chóng và có chất lượng cao", ông Vượng cho biết.
Để đảm bảo kiểm soát tốt chất lượng sản xuất với xe VF3 cũng như tất cả các xe điện sau này của VinFast, ông Vượng đã tìm ra một phương pháp đặc biệt. Trước đó, khi trở thành Tổng giám đốc điều hành, trực tiếp chỉ đạo việc sản xuất xe, ông Vượng rà soát lại bộ tiêu chuẩn thiết kế xe điện do một hãng nổi tiếng thế giới làm cho VinFast, và phát hiện nó dài hơn 3.000 trang.
"Kỹ sư làm sao mà nhớ và nắm vững để tuân thủ khi đọc bộ tiêu chuẩn hơn 3.000 trang này được, các công nhân với trình độ phổ thông lại càng không thể. Đây chính là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới tốc độ khó nhanh và lỗi khi sản xuất", ông Vượng cho biết.
Để tạo ra phương án đơn giản, dễ nhớ, dễ thực hiện không chỉ với các kỹ sư, mà cả công nhân trong nhà máy, ông Vượng yêu cầu các kỹ sư đọc kỹ bộ tiêu chuẩn và giải thích cụ thể cho mình. Sau đó, từ hơn 3.000 trang, Chủ tịch Vingroup cùng các kỹ sư rà soát, phân ra thành những nhóm tiêu chuẩn quan trọng nhất (gồm 17 nhóm) và dành thời gian hằng ngày để thảo luận, cô đọng lại từ ngữ sao cho dễ hiểu, dễ nhớ để thực hiện cả với những công nhân trong nhà máy.
Bản 17 tiêu chuẩn tóm tắt cuối cùng chỉ dài có vài chục trang với bộ tiêu chuẩn ngắn chỉ nửa trang giấy A4. Tất cả các bộ tiêu chuẩn này sau đó được đưa ra hội thảo để chuẩn hoá và triển khai tại các phân xưởng sản xuất.
Nhờ đó, những yếu tố giám sát tiêu chuẩn chất lượng trước đây chỉ có các kỹ sư có trình độ cao, đồng thời phải đọc và tìm hiểu rất nhiều cũng chưa chắc hiểu rõ, giờ trở nên dễ hiểu với cả các công nhân tại VinFast. "Bộ tiêu chuẩn mới giúp thiết kế, thanh kiểm tra, rồi so sánh cũng dễ dàng hơn nhiều", ông Vượng nhận xét.
Nhờ giải pháp đặc biệt này của ông Vượng (Vượng Way), VinFast đã giải được bài toán thuộc dạng khó nhất về kiểm soát chất lượng sản xuất ô tô, đem lại hiệu quả cao, dễ làm, với một bộ máy nhân sự chưa có nhiều kinh nghiệm cùng các công nhân chỉ có trình độ phổ thông.
Thực tế, trước khi VinFast áp dụng chiến thuật đặc biệt này cho sản xuất xe điện, một công ty trong nước khác đã làm điều tương tự ở ngành viễn thông và tạo ra cuộc cách mạng với ngành viễn thông di động: Viettel. Khi phát hiện ra việc lắp đặt trạm viễn thông muốn nhanh và đạt chuẩn mà căn cứ vào những bộ hồ sơ kỹ thuật hàng nghìn trang để làm theo là không thể, lãnh đạo công ty này đã tìm ra một cách khác thường.
Lãnh đạo Viettel tìm cách phân các công việc khi lắp đặt trạm BTS thành 2 loại: nhân sự cần trình độ chuyên môn sâu (chỉ khoảng 5-10%), còn lại hơn 90% các công việc chỉ cần lao động phổ thông. Các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng được đúc kết, rút gọn thành những quy định ngắn, dễ hiểu cho mọi người đều có thực hiện được. Các kỹ sư có trình độ chuyên môn sẽ hướng dẫn việc lắp đặt cho những nhân công phổ thông và chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra chất lượng.
Nhờ việc các thiết bị viễn thông đã được tiêu chuẩn hoá, việc lắp ráp cũng không quá phức tạp, tương tự như lắp máy tính thủ công trước đây. Viettel đã giải được đồng thời cả bài toán nhân sự, chi phí, lẫn tốc độ triển khai.
Ngành ô tô không giống viễn thông, nhưng nguyên tắc xử lý với "ma trận" về hồ sơ tiêu chuẩn kỹ thuật cần tuân thủ khi sản xuất, lắp đặt của Viettel và VinFast tạo ra kết quả tương tự. Với ngành ô tô, các phụ tùng đã được tiêu chuẩn hoá, việc lắp ráp còn bằng máy móc là chủ yếu nên nhân tố quan trọng nhất là cần hiểu được yếu tố cốt lõi để kiểm soát chất lượng một cách đơn giản, dễ thực hiện. "Vượng Way" đã giúp giải bài toán đó khi "bình dân hoá" thành công hơn 3.000 trang hướng dẫn phức tạp của tập đoàn nổi tiếng thế giới.
Chính việc "phát minh" ra phương pháp kiểm soát chất lượng mới, chiếc VinFast VF3 ra đời và đến tay hàng chục nghìn người tiêu dùng mà không gặp nhiều sự cố hay lỗi. Tất nhiên, một yếu tố khác cũng giúp VF3 ít gặp phàn nàn về chất lượng là xe ít tính năng phức tạp nên khả năng gặp trục trặc cũng thấp hơn. Ngoài "phát minh" đặc thù nêu trên, việc sản xuất VF3 còn được thừa hưởng nhiều kinh nghiệm sản xuất quý giá khác được đúc rút bởi đội ngũ VinFast trước đó nên chất lượng càng tốt hơn.
Nếu nhìn từ các số liệu thống kê, VF3 chính là nhân tố đưa VinFast lên vị trí hãng ô tô bán chạy số 1 Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử, đồng thời thiết lập nhiều kỷ lục tại Việt Nam với một mẫu xe. Thế nhưng, nhân tố thay đổi cuộc chơi thực sự chính là "phát minh" về phương pháp kiểm soát chất lượng sản xuất ô tô kết hợp với nhiều cách làm đặc biệt của VinFast mang cùng đặc điểm của "Vượng Way".
Trên thực tế, "Vượng Way" đã biến giấc mơ của nhiều người Việt Nam về một chiếc ô tô "xanh", trông sành điệu, chất lượng tốt, giá lại rẻ, chi phí hằng tháng hợp lý… trở thành hiện thực. Với mức giá chỉ hơn 200 triệu, bề ngoài trông rất thời thượng và ngầu, nhỏ gọn, dễ điều khiển, có thể đi lượn phố rất dễ dàng, sản phẩm chủ lực của VinFast có thể mô tả ngắn gọn: Ngon, Bổ, Rẻ!
Cụ thể, bạn chỉ cần chi từ 235 triệu đồng cho một chiếc VF3, cùng chính sách ưu đãi trả góp, chi phí lăn bánh, sạc điện và bảo dưỡng đều ở mức thấp. Nếu trả góp, người mua còn được vay tới 80% giá trị xe trong vòng 8 năm, lãi suất 2 năm đầu tối đa là 5% (tương đương với số tiền cả gốc và lãi hàng tháng chỉ hơn 2 triệu đồng).
Bên cạnh đó, VF3 không chỉ hot với người dùng cuối, mà đó còn là điểm nóng giúp hút đại lý và sale "về với đội VinFast". Do xe bán quá chạy và không đủ để giao cho khách hàng muốn sở hữu để đi ngay, việc mua bán thương mại với VF3 có diễn biến tương tự như với các mẫu ô tô hot khác lúc khan hàng tại Việt Nam.
Một chuyên gia về xe nhận xét: "Thiết kế và tạo ra một chiếc xe lớn nhìn từ bên ngoài vào thì không quá khó như VF9 chẳng hạn, nhưng khó gây ấn tượng mạnh vì bài toán chất lượng so với giá tiền, đặc biệt là đẳng cấp về chất lượng. Trong khi đó, tìm ra bí quyết để sản xuất một chiếc xe nhỏ nhưng 'lớn ở bên trong' là cực khó nhưng nếu làm được sẽ là cú nổ lớn. VF3 chính là câu trả lời của ông Vượng". VF3 dù có kích thước nhỏ nhìn từ bên ngoài nhưng bên trong đủ chỗ cho 4 người ngồi thoải mái.
Sau khi thành công lớn cùng đặt hàng trước và bán hàng online với VF3, ông Vượng cho biết đang mở mạng lưới đại lý cấp 2-3 về huyện để bán "ô tô quốc dân" tới tận miền sâu, miền xa. "Những khách hàng bây giờ đang đi VF3 thì sau này có tiền họ sẽ mua một chiếc VF nào đó cao hơn. Mọi người rồi sẽ giàu lên", Chủ tịch Vingroup nhận xét.
Cho đến hết năm 2024, VinFast cũng trở thành hãng ô tô có số lượng bán xe số 1 Việt Nam. Đi kèm với đó, thương hiệu này cũng vọt lên vị trí số 1 ở Việt Nam về số lượng xưởng dịch vụ trên toàn quốc, vượt cả Toyota và Hyundai.
Với 111 xưởng dịch vụ (tính đến tháng 11/2024), VinFast cho phép khách hàng mua ô tô điện của mình ở tất cả các tỉnh thành đều có thể đến bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm tra xe định kỳ trong nội tỉnh. Thêm vào đó, thời gian bảo hành của hãng này cũng luôn gấp đôi các hãng ô tô khác trên thị trường (lên tới 10 năm), giúp tạo dấu ấn về một thương hiệu ô tô cam kết xây dựng mối quan hệ lâu dài, uy tín với khách hàng.
Cách đây hơn 7 năm, khi Vingroup khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Cát Hải (Hải Phòng) với giấc mơ xe hơi của người Việt, số người nghĩ rằng đó là một ý tưởng "hay đến… điên rồ" chắc nhiều không đếm xuể. Điều này còn kịch tích hơn khi Vingroup tuyên bố 2 năm sau sẽ ra xe và 3 năm là sản xuất ô tô điện – một tiến độ mà chưa một hãng xe nào trên thế giới có thể làm được.
Tiếp đó, chỉ một năm sau khi ra mắt chiếc xe điện đầu tiên, VinFast đã xuất khẩu sang Mỹ, đại bản doanh của Tesla - ông vua xe điện thế giới, đồng thời công bố kế hoạch đầu tư sản xuất tại đây. Hàng loạt mục tiêu kiểu "nhắm tới các vì sao" càng khiến cho dự án xe điện của ông Phạm Nhật Vượng trở nên… "khó hiểu" với rất nhiều người.
Vậy sau hơn 7 năm, VinFast đã trải qua những điều gì để có được bước phát triển đột phá vào năm 2024 và vươn lên vị trí số 1? VinFast đã làm những điều chưa một ông chủ hãng ô tô nào ở Việt Nam từng thực hiện.
Như việc ông Vượng bỏ tiền cá nhân thành lập Xanh SM – hãng taxi thuần điện đầu tiên ở Việt Nam, làm nơi tạo đầu ra lớn cũng như quảng bá mạnh cho VinFast. Xanh SM đồng thời trở thành trung tâm thu thập dữ liệu vận hành của hàng chục nghìn chiếc xe điện, giúp VinFast cải tiến chất lượng, đặc biệt về phần mềm. VinFast trở thành hãng xe điện có tốc độ vá, sửa phần mềm nhanh nhất thế giới nhờ việc làm chủ công nghệ lõi về phần mềm điều khiển, kết hợp với "kỷ luật thực thi kiểu Vin".
"Nếu có lỗi gì cần xử lý thì chỉ trong vòng nửa tiếng báo về trung tâm là tôi chỉ đạo làm ngay. Còn thường là một tuần hoặc một tháng, chúng tôi gom lại các lỗi nhỏ điều chỉnh một thể để phát hành phiên bản phần mềm mới", ông Vượng cho biết.
Trước đó, khi mới tung xe điện ra thị trường, các xe của VinFast gặp một số lỗi về phần mềm với những chuyện dở khóc dở cười. "Đó là 40 chiếc máy tính làm việc với nhau trên 1 chiếc xe, con này có thể 'trêu' con kia nên việc vận hành cực kỳ phức tạp", ông Vượng cho biết. Nếu không được cải thiện, nâng cấp phần mềm với tốc độ siêu nhanh, lòng tin vào xe VinFast sẽ gặp vấn đề lớn.
Việc thay đổi nhân sự cấp cao để tìm người điều hành VinFast phù hợp, với tốc độ chóng mặt cũng là điều chưa ai từng làm với một hãng xe ở Việt Nam. Người bên ngoài chỉ nhìn thấy một phần các thay đổi chóng mặt đó thông qua công bố về nhân sự cao cấp mới, còn rất nhiều điều chỉnh liên tục khác cũng với tốc độ khó tin thì chỉ người trong cuộc mới biết rõ. Nguyên tắc phát triển của VinFast giai đoạn này tương tự như Facebook: Tiến nhanh và phá vỡ mọi giới hạn để tạo ra phát triển đột phá.
Ông Vượng chia sẻ: "Chúng tôi mạnh lên từng ngày!" và nói thêm: "Bây giờ, chúng tôi tự tin là không chỉ làm được mà còn sống khỏe!". Tại VinFast, nhiều chuyên gia nước ngoài từ các hãng ô tô lớn của thế giới đến đây làm việc đều nhận thấy một lợi thế cạnh tranh đặc biệt của công ty này: những công ty ô tô truyền thống phải mất 100 ngày mới ra được 1 quyết định quan trọng thì VinFast có thể có 100 quyết định như vậy chỉ trong 1 ngày. Tốc độ, sáng tạo không ngừng, kỷ luật thực thi và sự khát khao mãnh liệt chính là sức mạnh khủng khiếp của VinFast.
Và cùng với việc đầu tư hệ thống trạm sạc cũng như xưởng dịch vụ phủ khắp 63 tỉnh thành trên toàn quốc, Chủ tịch Vingroup đã chuẩn bị sẵn hạ tầng cho sự cất cánh mạnh mẽ của VinFast.
Chủ tịch Vingroup còn trở thành ông chủ hãng xe điện hào phóng nhất thế giới khi tài trợ cho hoạt động của VinFast hàng tỷ đôla bằng tiền cá nhân. Sau khi hoàn tất tặng 1 tỷ USD cho VinFast, tháng 11/2024, sau khi công ty này đã vươn lên vị trí số 1 tại Việt Nam về số lượng ô tô bán ra, ông Vương tiếp tục cam kết tặng thêm 50.000 tỷ đồng cũng bằng tiền cá nhân (gần 2 tỷ USD) để giúp hãng xe điện đầu tư và phát triển kinh doanh.
Thực tế, khi quyết tâm "All in" vào VinFast, ông Vượng nhận được không ít bình luận trái chiều về sự mạo hiểm quá lớn của mình. Tuy nhiên, không ít người cũng chia sẻ với tâm huyết "quyết tử với VinFast" của ông Vượng.
Lãnh đạo cấp cao ở một công ty có liên quan đến Vingroup nhận xét: "Xét cho cùng, anh Vượng là ông chủ. Khi nói: 'VinFast không chỉ là một dự án kinh doanh mà còn là một dự án cống hiến!', anh ấy đang chèo lái công ty bằng cả máu, mồ hôi và nước mắt. Anh ấy mạo hiểm hơn bất kỳ ai và vì mục tiêu lớn hơn nhiều cho cá nhân anh ấy, mà vẫn phải nhận lại nhiều điều, cũng như lời lẽ cay đắng lắm. Nhưng anh Vượng vẫn quyết tâm làm".
Hết năm 2024, tại Việt Nam, về mặt nhận thức, lần đầu tiên trong lịch sử, ông Vượng đã khiến cho xe điện trở thành mối đe dọa thực sự đối với xe xăng, giấc mơ ô tô thương hiệu Việt đã thành hình. Cùng với việc công bố tỷ lệ nội địa hoá là 60% và đặt mục tiêu 84% vào năm 2026, VinFast đã vượt xa điều mà ngành xe Việt Nam từng mơ ước hàng chục năm trước đây (tỷ lệ nội địa hoá 40-45% vào năm 2025). Mà mục tiêu mơ ước đó được thực hiện với những thương hiệu ô tô lớn nhất thế giới đến Việt Nam làm liên doanh, đi kèm với rất nhiều ưu đãi.
Và "Vượng Way" với xe điện có thể trở thành một ví dụ kinh điển cho câu nói: "Những ý tưởng hay thường điên rồ cho đến khi chúng không còn như thế nữa". Tuy nhiên, VinFast có thể trở thành "Tesla của Việt Nam" với "Vượng Way" hay không thì cần thêm thời gian mới có câu trả lời chính xác.
Chia sẻ thêm về mục tiêu với VinFast, ông Vượng cho biết: "Nói như các cụ thì tiền tài là vật ngoài thân, tôi cũng không có mong ước, tham vọng gì nhiều về tiền bạc mà chỉ muốn làm điều gì đó thực sự tốt đẹp cho mọi người, cho đất nước. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để xây dựng được một thương hiệu Việt Nam vào Top đầu thế giới".
Tuy nhiên, Chủ tịch Vingroup cũng rất thẳng thắn khi trả lời câu hỏi của người viết về tương lai của VinFast vào năm 2045 (kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam): "2045 thì mơ xa quá. Tôi chỉ mơ 5 năm nữa thì VinFast sẽ thật khoẻ và có thêm thị trường ở 5-10 nước nữa, đồng thời có vị thế xứng đáng ở đó".
Bài:
Hoàng Ly
Thiết kế:
Hải An -
Hương Xuân
Theo Nhịp sống thị trường Copy link