... trong lúc chờ tin
Giám khảo Việt của ASEAN NCAP tiết lộ bài test khắc nghiệt giúp xe VinFast đạt chứng nhận 5 sao
(VTC News) - Theo PGS.TS Lý Hùng Anh - người Việt duy nhất có tên trong hội đồng kỹ thuật của ASEAN NCAP, rất khó để một chiếc xe được đánh giá 5 sao về an toàn bởi ASEAN NCAP.
“An toàn” là nền tảng của hãng xe Việt
- Hãng xe Việt VinFast mới đây đã được ASEAN NCAP trao chứng nhận an toàn 4 sao cho dòng xe cỡ nhỏ Fadil và 5 sao cho 2 dòng Lux SA2.0 và Lux A2.0. Kết quả này nói lên điều gì, thưa ông?
Theo tôi được biết, ngay từ khi mới làm, VinFast đã có chiến lược, sự chuẩn bị kỹ để đảm bảo an toàn cho người ngồi trên xe theo các tiêu chuẩn của ASEAN NCAP. Tôi tin rằng nhà sản xuất đến từ Việt Nam đặc biệt quan tâm tới an toàn của người dùng trong nước. Vì thế, kết quả này là xứng đáng dành cho họ cũng như cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam!
Việc VinFast nhận chứng chỉ an toàn ASEAN NCAP 5 sao khẳng định chất lượng và đẳng cấp của thương hiệu xe Việt đã được quốc tế công nhận.
- Ông có thể giải thích các mẫu xe phải trải qua quá trình kiểm định ra sao để đạt tiêu chuẩn này?
ASEAN NCAP bao gồm chỉ số về mức độ bảo vệ người lớn (AOP) và mức độ bảo vệ trẻ nhỏ trên xe khi gặp tai nạn (COP), và Hệ thống hỗ trợ tăng cường an toàn (SA).
Mẫu xe thử nghiệm sẽ phải trải qua nhiều bài kiểm tra nhằm thử nghiệm các va chạm khác nhau (từ phía trước, bên sườn), dựa theo những tình huống tai nạn thực tế thường gặp. Sẽ có hai hình nhân (người lớn) gắn cảm biến, một ngồi ở ghế lái, một ngồi ở ghế phụ và hai hình nhân (trẻ em) ngồi phía sau trên ghế dành riêng cho trẻ nhỏ.
Sau va chạm, kết quả thu được từ các cảm biến lắp đặt trên các hình nhân sẽ được phân tích. Ngoài cảm biến đo lực, hội đồng kỹ thuật cũng sẽ xác định hiện trường thực tế của hình nhân sau va chạm để đánh giá. Từ đó, hội đồng sẽ chấm điểm kết quả, dự đoán về những chấn thương con người có thể gặp phải trong thực tế và mức độ an toàn của xe.
Qua đó, xe sẽ được xếp hạng theo chỉ số "sao" (từ 1 đến 5 sao). Số sao càng lớn càng tốt. Để giành được chứng nhận 4 sao, xe kiểm định phải được 65% tổng điểm. Muốn đạt 5 sao, ô tô thậm chí phải được 75% tổng điểm.
Kết quả cụ thể được ghi nhận tại trung tâm thử nghiệm do ASEAN NCAP chỉ định sẽ được công bố trên trang web chính thức của tổ chức này, kèm theo video ghi lại quá trình thực hiện.
- Việc chọn xe kiểm định sẽ được thực hiện ra sao để đảm bảo khách quan, thưa ông?
Trong một lô xe của hãng, ASEAN NCAP sẽ cử người tới tận nơi chọn lựa. Ví dụ, với hãng xe Việt Nam như VinFast, đại diện ASEAN NCAP sẽ tới tận nơi, chọn ngẫu nhiên hai chiếc trong lô. Những chiếc xe này sau đó được vận chuyển đến trung tâm thử nghiệm được ASEAN NCAP chấp thuận. Cơ sở kiểm tra duy nhất trong khu vực Đông Nam Á đạt chuẩn của ASEAN NCAP hiện nằm ở Malaysia.
Hội đồng chấm sẽ bao gồm đại diện của hãng xe, đại diện của ASEAN NCAP và các thành viên hội đồng kỹ thuật. Hội đồng kỹ thuật ngoài các thành viên của Malaysia thì hiện có tôi là đại diện từ Việt Nam, 2 chuyên gia ở Thái Lan, 1 chuyên gia từ Indonesia và 1 chuyên gia từ Nhật Bản. Với mỗi đợt kiểm tra xe, chúng tôi sẽ luân phiên nhau tham gia hội đồng kỹ thuật.
- Nếu so với chương trình đánh giá xe khu vực châu Âu (EURO NCAP), các tiêu chí của ASEAN NCAP ở mức nào?
Trước đây, hai chương trình này khác nhau khá nhiều, tuy nhiên trong giai đoạn 2017-2020, ASEAN NCAP đã bổ sung nhiều nội dung. Ví dụ, ASEAN NCAP hiện đã kiểm tra thêm an toàn trong va chạm bên sườn, các yếu tố về an toàn chủ động như hệ thống phanh tự động khẩn cấp, nhắc nhở thắt dây an toàn, cảnh báo điểm mù, cảnh báo chệch làn...
Bởi vậy, về cơ bản, hiện tại 2 chương trình khá giống nhau. Hiện, chỉ có một vài điểm EURO NCAP khác biệt như yêu cầu bài kiểm tra phanh tự động khẩn cấp trong và ngoài khu vực đông dân cư, phanh tự động khẩn cấp khi gặp người đi bộ và đi xe đạp. EURO NCAP hiện đang có thêm những bài kiểm tra mức độ an toàn của người đi bộ khi va chạm với ô tô. Trong khi đó, ASEAN NCAP lại bổ sung bài kiểm tra phát hiện điểm mù cho đặc thù của khu vực Đông Nam Á là có nhiều xe máy lưu thông cùng làn.
Các mẫu xe VinFast tự tin lăn bánh trên đường với chứng nhận an toàn cao nhất thị trường.
Nên bắt buộc có chứng nhận bảo vệ an toàn cho người trên xe
- Chứng nhận ASEAN NCAP hiện có giá trị như thế nào? Đây có phải là chứng nhận bắt buộc với các nước ASEAN?
Chứng nhận này có giá trị tham khảo về mức độ bảo vệ an toàn cho người ngồi trong xe khi có tai nạn xảy ra. Ở nhiều nước, đây chưa là chứng nhận bắt buộc. Tuy nhiên, hiện tại Malaysia đã yêu cầu bắt buộc các hãng xe khi bán ra thị trường phải công bố số sao đạt được theo chuẩn ASEAN NCAP.
- Việc kiểm định về mức độ an toàn của ô tô tại Việt Nam thực tế ra sao?
Hiện tại, Cục Đăng kiểm Việt Nam có kiểm định, đảm bảo tính năng an toàn cơ bản, tiêu chuẩn khí thải và một số nội dung khác. Những nội dung kiểm định của Việt Nam hiện đã tham khảo nhiều nước trên thế giới nhưng theo tôi, cần đưa thêm nội dung đánh giá về mức độ bảo vệ an toàn của người trên xe.
- Theo ông, có nên bắt buộc phải có chứng nhận về mức độ an toàn như ASEAN NCAP để lưu hành phương tiện không?
Theo tôi là nên bắt buộc. Điều này sẽ giúp nâng cao nhận thức an toàn về xe của người dân. Mọi người sẽ biết mức độ bảo vệ an toàn của một chiếc xe với người trên xe ra sao và có thể sẽ tránh được những sản phẩm kém chất lượng.
Như thế, những chiếc xe thiếu an toàn mà nhà sản xuất thậm chí đã cắt bỏ hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) sẽ khó có "cửa" bán cho người tiêu dùng. Thực tế, hiện tại vẫn có những chiếc xe như thế là không thể chấp nhận được.
Từ đó, các hãng xe cũng phải nâng cao chất lượng tối thiểu của xe mới khi đưa vào thị trường Việt Nam, quan tâm nhiều hơn tới sự an toàn của người dùng. Đây cũng chính là mục tiêu hướng đến của các tổ chức NCAP nói chung và cụ thể là ASEAN NCAP.
https://vtc.vn/giam-khao-viet-cua-asean-ncap-tiet-lo-bai-test-khac-nghiet-giup-xe-vinfast-dat-chung-nhan-5-sao-d506307.html