Tình cờ đọc được bài này, có lẽ nó góp phần lý giải sự dị ứng của một số người...
Hanoi Cinematheque: đánh đổi gì để thành 'thiên đường kiểu mới'?
Hà Nội, ở ngay trái tim mình, cách Tràng Tiền Plaza mười bước chân, đang cần cái gì nhất?
Đúng rồi, lại một trung tâm thương mại nữa.
Và lại đúng nữa, nó là của Vingroup.
Nói chuyện với một số cán bộ cấp trung của tập đoàn này, ta sẽ thấy họ coi bản thân như những activist đang tham gia vào một phong trào xã hội vĩ đại. Từ thực phẩm tới nơi ở tới bệnh viện tới nghỉ dưỡng tới giải trí, họ đang mang lại ấm no và hạnh phúc "trọn gói" cho người dân. Trong một xoay chuyển diễn ngôn tài tình, khách hàng tuy là thượng đế nhưng lại quay ra thành người chịu ơn trước tập đoàn (đây là thái độ của 1 số sâu). Tôi đã nhìn thấy sự xúc động trong mắt một manager khi cô kể với tôi về những người dân lần đầu được ăn buffet ở Vinpearl, như một cán bộ miền núi cảm động khi dân bản lần đầu có điện.
Để thực hiện phong trào xã hội này thì phải trả giá. Phải biến rừng nhiệt đới thành quần thể du lịch vui chơi và sân golf. Phải dựng lên hàng loạt những cao ốc 50 tầng ở những khu vốn đã đông nghẹt dân cư.
Và ở trung tâm Hà Nội, số 22B Hà Bà Trưng, toà nhà Art Deco hai tầng từ thời Pháp với cái sân nhỏ duyên dáng, với Hanoi Cinematheque, rạp chiếu phim nghệ thuật độc nhất Đông Nam Á từ 14 năm qua, phải nhường chỗ cho một trung tâm thương mại.
"Không phá đi cái cũ thì làm sao có cái mới." Đây lại là một diễn ngôn quen thuộc khác. Chủ nghĩa tiêu dùng không quan tâm tới ký ức và quá khứ. Một cái nhà cổ, nếu không được biến thành "đẳng cấp", thì chỉ là một cái nhà cũ. Mà cái cũ thì đồng nghĩa với cái xấu, cái lạc hậu và kém phẩm chất. Cái cũ cần phải được loại bỏ bởi cái mới, giống quần áo lỗi mốt hay những iPhone đời đầu.
Trong bức thư chia tay gửi bạn bè cách đây hai tuần, Hanoi Cinematheque viết: "Chúng tôi đã cố gắng ở mọi phương diện, nhưng chúng tôi đã thua rồi. Đối thủ của chúng tôi quá mạnh, quá tàn khốc và nhẫn tâm."
Không ai phủ nhận là những thứ như ngôi nhà Art Deco này tạo nên những nét riêng của Hà Nội. Nhưng vấn đề là nó nằm trên một khu đất vàng. Trên khu đất vàng mà chỉ để mỗi cái nhà hai tầng và cái rạp chiếu phim (mà lại không phải phim bom tấn) thì thật là khùng.
Do vậy, thay vào đó sẽ là sáu tầng nổi và bốn tầng hầm. Về mặt kiến trúc, chắc nó sẽ là một dạng Royal City được ấn lùn xuống. Bên trong lại là cửa hàng điện máy, quán lẩu Hàn Quốc và sushi băng chuyền.
Cuối thư từ biệt, Hanoi Cinematheque kết luận: "Đơn giản là không có chỗ cho chúng tôi ở Hà Nội Mới nữa."
Điều này thì họ hoàn toàn đúng.
Thậm chí còn không có cả chỗ cho câu nói của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Bình luận về dự án này trên Thể thao Văn hoá, ông nói: "Tôi vẫn nghĩ rằng tạo ra một không gian văn hóa khó gấp vạn lần xây một trung tâm thương mại."
Câu này bị cắt vài tiếng đồng hồ sau khi bài lên mạng.
Ngày xưa người ta cứ thắc mắc thiên đường trông như thế nào. Bây giờ chúng ta đã có câu trả lời. Thiên đường chỉ xứng đáng được gọi là vậy khi nó là thiên đường mua sắm. Ở thiên đường này, Vingroup là chúa tể.
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) ở Hà Nội. Bài đã đăng trên Barcode Vietnam.