Hãy liên tưởng, chủ đầu tư nào lấy hết miếng đất này đến đất khác của Hà Nội (và SG), mà hầu như hoặc có giá trị văn hóa xưa cũ, hoặc có ý nghĩa huyết mạch về giao thông, thậm chí có thể có ý nghĩa tâm linh (mời các cụ gúc "Đàn Nam Giao Thăng Long" ở vị trí nào nhé).
Hãy suy ngẫm, cứ bài báo nào nhắc tới tên họ, hoặc dự án của họ, với ý phê phán một chút, là đường link gặp khó khăn khi truy cập, thậm chí...mất tiêu.
Hãy quan sát, 1 tòa nhà chưa có móng, chưa có HĐ với nhà thầu đàng hoàng, đã tung ra bán lấy vốn của khách hàng để đáp ứng điều kiện xây dựng của mình.
"Chơi" như thế, có đẹp, có "đáng nể" không?
Share với các cụ 1 cách nghĩ của "người ngụ cư", một "di dân hoàn toàn ngoại lai" đến Hà Nội. Hãy đọc và thấy đến họ còn tiếc cho Hà Nội, thì người mang tiếng là Hanoian nên nghĩ như thế nào?
Martin Rama: Hà Nội đừng thêm quê mùa
http://www.nguoidothi.vn/vn/news/hon-pho/di-san/7089/martin-rama-ha-noi-dung-them-que-mua.ndt
(đường link rất khó truy cập, tương tự những bài viết về những tòa nhà 50 tầng "đánh cắp" không gian công cộng dọc sông SG và Liễu Giai, Giảng Võ)
NĐTO - Người bạn Mỹ hỏi về Hà Nội, tôi có nói, một người từ quê ra ở đây suốt 40 năm qua, có thể nói rằng, về quê cứ tưởng Hà Nội và về Hà Nội cứ tưởng mình đang ở quê.
Những năm 2000 ở Hà Nội tôi hay gặp anh
Martin Rama, chuyên gia kinh tế trưởng cho văn phòng World Bank (WB) tại Hà Nội, một người dễ gần và tiếp chuyện lúc nào cũng thú vị. Anh có tài viết vài câu mà gói cả vấn đề lớn từ kinh tế thế giới đến phát triển vĩ mô của Việt Nam.
Cuối tuần rồi rủ đi cà phê ở trụ sở của WB ở Washington DC, định gợi ý anh nói về kinh tế Việt Nam, xu hướng sắp tới, nhưng anh khéo léo nói, vấn đề này liên quan đến WB thì nhóm kinh tế tại Hà Nội sẽ phát biểu.
Ngược lại, anh yêu Hà Nội nên chỉ thích nói về Hà Nội và
làm thế nào giữ được những vẻ đẹp Á Đông pha trộn với kiến trúc Pháp, vẻ mới của Nga, cổ kính của Trung Hoa và đôi chút của nền văn minh lúa nước, trong lòng thành phố.
Hồi tháng 11.2016, anh gửi một bức thư cho Chủ tịch TP. Hà Nội về
khu 22A Hai Bà Trưng (tòa nhà và khu sân vườn 22A Hai Bà Trưng) đang nằm trong kế hoạch
bị dỡ bỏ để xây dựng một trung tâm thương mại. Anh cho rằng “
Việc xây dựng và duy trì một trung tâm văn hóa được xem là khó hơn rất nhiều so với việc xây dựng và vận hành một trung tâm mua sắm... Một thành phố muốn thu hút được những tài năng từ khắp nơi trên thế giới thì rất cần một nơi (hoặc nhiều nơi) như khu sân vườn nhà 22A và thành phố có thể sẽ chỉ giống như một tỉnh lẻ quê kệch nếu chọn xóa bỏ những nơi như vậy”.
(mời các cụ gúc để tìm hiểu 22A HBT sẽ trở thành cái gì).
Nhấm nháp ly cà phê, Martin trầm ngâm về một nơi anh gắn bó gần chục năm, có bao kỷ niệm, từ ngỡ ngàng qua đường đầy xe máy còi inh ỏi đến yêu lúc nào không biết. Hiện là kinh tế trưởng của khu vực Nam Á, hàm giám đốc WB, đi khắp thế giới, nhưng Hà Nội để lại rất nhiều trong lòng anh. Cuốn sách Hà Nội, một chốn rong chơi của Martin là một minh chứng.
Hiện Martin đang ấp ủ xây dựng dự án “Sustainable Urban Development in Hanoi - Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội” do anh khởi xướng và chủ trì. Dự án nhằm cố vấn cho thành phố làm sao phát triển cái mới và bảo tồn cái cũ.
Quay lại khu đất 22A Hai Bà Trưng, Martin cho rằng, đây là cơ hội hiếm có đối với nhà đầu tư để xây dựng một dự án phát triển đô thị mang tính biểu tượng tại Hà Nội. Có rất nhiều khu thương mại, mua sắm trên thế giới và ở Việt Nam. Nhưng thành phố Hà Nội, cũng như nhiều thành phố khác ở châu Á, đang thiếu một khu trung tâm thương mại đẳng cấp, có thể kết hợp việc mua sắm với các yếu tố văn hóa và lịch sử trong cùng một không gian.
London có khu vườn Covent, San Francisco có khu vực Ghirardelli tuyệt đẹp, nhưng hiện chưa có một khu vực nào tương tự ngoài các nước đã phát triển. Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza cũng đã cố gắng tạo cảm giác cao cấp, nhưng tiếc thay lại trở nên phô trương. Trong khi đó,
khu đất 22A Hai Bà Trưng hiện là một khu khuôn viên tuyệt đẹp theo phong cách art deco, một phong cách châu Âu đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử mỹ thuật của Hà Nội. Không gian di sản này, nếu được làm mới và sử dụng một cách phù hợp, có thể trở thành một viên ngọc trong lòng một khu thương mại hiện đại. Không gian này có thể được sử dụng cho các cửa hiệu và quán ăn sang trọng, và trở thành một điểm đến không thể bỏ qua đối với người dân cũng như khách du lịch.
Bất cứ ai ở Hà Nội cũng có thể thấy
sự khác biệt giữa khách sạn Métropole và một khách sạn năm sao “thông thường”. Khu đất 22A Hai Bà Trưng có thể trở thành một Métropole nổi bật giữa muôn vàn các khu thương mại khác, Martin trầm ngâm và mơ ước. Khó tìm được người yêu Hà Nội hơn anh, tỉnh táo, suy tư có giải pháp, không thở dài, buông xuôi.
Trong câu chuyện, anh Martin nhắc đến Lorenzo Medici (1449-1492) giàu có và quyền lực được coi là người dựng nên nền cộng hòa Florence, giúp đỡ rất nhiều học giả, văn nghệ sĩ, tài trợ cho những họa sĩ thời Phục hưng nổi tiếng mọi thời đại như Botticelli và Michelangelo mà tác phẩm của họ vẫn còn trong Vatican và khắp thế giới.
Điều gì xảy ra nếu ngài Medici chỉ nghĩ đến tiền? Chắc chắn ngày nay du khách không ai thèm đến Florence để thăm những tuyệt tác kiến trúc, đền đài, tác phẩm nghệ thuật mà không có tiền của nào có thể mua được.
Theo Martin, vào thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư thấy nhà cũ thì
phá đi, xây mới, là cách rẻ nhất và theo được ý của người có tiền. Nhưng những giá trị văn hóa ẩn chứa trong từng viên gạch hay bức tường hàng trăm năm tuổi thì không thể tính được bằng kim cương.
Anh đề xuất, mỗi lần định xây mới trên một quần thể cổ, nhất là nơi có vị trí đẹp như 22 Hai Bà Trưng, cần huy động những tài năng tốt nhất tại Việt Nam để đề xuất những ý tưởng cụ thể để đưa một khuôn viên đẹp điển hình của Hà Nội vào trong lòng một khu thương mại hiện đại. Hội đồng chuyên gia sẽ đánh giá ý tưởng nào tốt nhất rồi mới thi công. Metropole đẹp trường tồn là vì trải qua những khâu kiểm duyệt khắt khe.
Bàn về những khu tập thể cũ kỹ, Martin đề nghị làm vài thí nghiệm bảo tồn bằng cách xây chồng lên các tòa nhà này, dùng những hệ thống dầm thép và bê tông, phía dưới giữ nguyên hiện trạng, đương nhiên phải cải tạo hạ tầng văn minh, hiện đại và đảm bảo an toàn. Chuyển dân phía dưới lên tầng mới xây, phía dưới là những cửa hàng, quán bar và nhiều dịch vụ khác.
Làm như thế giữ được cái gì gọi là cổ kính.
Người dân gốc vẫn ở đó như một giá trị không thể tính bằng tiền. Hiện nay, người ở phố cổ sở hữu hàng triệu đô la mặt bằng nhưng họ sống như giới cần lao, quần đùi may ô bán hàng, chẳng có văn hóa đi kèm của người có tiền, bởi đơn giản, họ không thể bán nhà để đi nơi khác.
Những cải tạo này phải làm thí điểm và từ từ, có hội đồng kiến trúc và văn hóa thẩm định một cách chuyên nghiệp.
Xóa bỏ, san bằng, xây cái mới là xu hướng xây dựng hiện nay. Người có tiền vào ở, quê mùa tại nơi tưởng chừng như khách sạn năm sao. Người phố cổ bỏ đi, hồn cốt mang theo, thử hỏi rằng thủ đô còn gì.
Câu chuyện với Martin Rama và những nhắn nhủ người Hà Nội đừng thêm quê mùa nữa văng vẳng bên tai.