Sắp về roài
Tiêm kích Su-30KN sẽ sớm về Việt Nam?
Thứ bảy 04/08/2012 08:31
(GDVN) - Ngay sau khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Nga, nhiều khả năng 18 chiếc Su-30KN sẽ sớm về Việt Nam.
Nhận lời mời của đương kim Tổng thống Liên bang Nga V. Putin, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 26 tháng 7 đến ngày 30 tháng 7 năm 2012.
Đây là chuyến thăm Liên bang Nga đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang trên cương vị Chủ tịch nước CHXHCNVN.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Nga lần này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Trương Quang Khánh đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov vào ngày 28 tháng 7 năm 2012.
Tại cuộc hội đàm hai bên đã thảo luận các vấn đề và triển vọng phát triển hợp tác kỹ thuật - quân sự đặc biệt là hợp tác trong cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự cho các lực lượng vũ trang Việt Nam, đào tạo đào tạo nghiên cứu sinh cũng như đội ngũ chuyên viên Quân đội nhân dân Việt Nam tại các trường, học viện quân sự của Bộ Quốc phòng Nga.
Ngay sau khi đoàn đại biểu Việt Nam kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Nga, nhiều người cho rằng 18 chiếc Su-30K sẽ sớm về Việt Nam.
Như chúng ta đã biết, Nga đã lên kế hoạch 18 chiếc chiến đấu cơ Su-30K bị Ấn Độ trả về hồi năm 2003 do liên quan đến các vấn đề sự cố của động cơ.
Hiện những chiếc tiêm kích này đang được sửa chữa và hiện đại hóa lên chuẩn Su-30KN tại nhà máy sửa chữa máy bay số 558 ở Baranavichy (Belarus).
Sau khi Nga công bố sẽ bán 18 chiến đấu cơ Su-30K nói trên, đã có rất nhiều nước dành sự quan tâm đặc biệt cho những chiếc tiêm kích này trong đó, theo báo chí Nga, có Việt Nam, Sudan và ngay cả Belarus.
Vào trung tuần tháng 6, tờ Kommersant đăng tải thông tin cho hay, một đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam đã sang Belarus bày tỏ ý muốn mua lại 18 máy bay Su-30K đang hiện đại hóa.
Theo nguồn tin này, các chuyên gia Việt Nam đã thể hiện mong muốn được kiểm tra một vài máy bay chiến đấu, và sau đó công việc sẽ được bắt đầu khi có một lời đề nghị từ phía Nga.
Tuy nhiên, nguồn tin cũng nhấn mạnh rằng, chưa có một cuộc thảo luận hay đàm phán chính thức nào diễn ra trong thương vụ này.
Sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, Không quân Nga gần như đã không nhận được nhiều kinh phí để mua trang thiết bị quân sự mới. Bộ quốc phòng Nga đã không đủ khả năng để trang bị những máy bay đắt tiền như Su-35 hay Su-30MK cho Không quân.
Vì vậy, theo sáng kiến của các chuyên gia, Không quân Nga đã bắt đầu hiện đại hóa các máy bay Su-30 thành biến thể rẻ tiền hơn đó là Su-30K, và hiện tại đang được nâng cấp lên chuẩn Su-30KN.
Mục đích chính của chương trình là nhằm tăng cường khả năng tiêu diệt các mục tiêu mặt đất của các máy bay tiêm kích này.
Nguyên tắc việc hiện đại hóa là "không thay đổi mà bổ sung thêm". Để giảm chi phí, hầu hết các máy bay khung máy bay vẫn giữ nguyên, và chỉ bổ sung một số điểm sau:
- Hệ thống định vị trên máy bay được mắc song song với máy thu A-737. Hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh này có có thể làm việc với NAVSTAR của Mỹ và GLONASS của Nga;
- Radar N001 được cài đặt các chế độ hoạt động mới (theo dõi, bám mục tiêu di động và lập bản đồ bề mặt trái đất);
- Buồng lái (buồng lái hai chỗ ngồi, được thiết kế trên cơ sở máy bay Su-27UB) được trang bị màn hình màu LCD MFI-55 hiện đại (màn hình đa chức năng 5x5 inch). Trong tương lai, màn hình này có thể được thay thế bằng loại tinh vi hơn là MFI-68.
- Hệ thống điều khiển hỏa lực bao gồm máy tính MVK cho phép nó có thể kết nối với các tên lửa điều khiển không đối đất và không đối không mới.
Kết quả là, trọng lượng của máy bay sau khi nâng cấp chỉ tăng thêm khoảng 30 kg. Đồng thời, hiệu quả chiến đấu của nó đã tăng lên nhiều lần.
Theo các nhà thiết kế, Su-30KN có thể so sánh với một trong những máy bay tấn công chiến thuật mạnh mẽ của Không quân Mỹ là F-15E Strike Eagle, thậm chí cả F-16 Fighting Falcon.
Ngoài ra, Su-30KN có thể mang các vũ khí hạng nặng chẳng hạn như siêu tên lửa hành trình đối hạm siêu âm Yakhont.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng, dù được hiện đại hóa lên chuẩn Su-30KN thì Su-30K cũng chưa thể so sánh được với Su-30MK2.
Tuy không “xịn” bằng Su-30MK2, nhưng so với MiG-21 và Su-22, những tiêm kích chiếm số lượng đông đảo nhất trong Không quân Việt Nam hay như những “Kẻ tấn công sườn” Su-27 mà Việt Nam mua của Nga trong những năm 90 của thế kỷ trước thì Su-30K tỏ ra vượt trội hơn hẳn.
Đấy là chưa kể việc Su-30K đã được tích hợp công nghệ hiện đại của Ấn Độ, rất khác với những chiếc Su-30 truyền thống của Nga nhất là công nghệ tác chiến điện tử.
Ngoài ra, những chiến đấu cơ Su-30K này đã từng tham chiến trong lực lượng Không quân Ấn Độ nên kinh nghiệm cộng với khả năng sẵn sàng chiến đấu của chúng được đánh giá rất cao.
Một trong những yếu tố quan trọng khiến cho những chiếc tiêm kích Su-30K dành được nhiều sự quan tâm đặc biệt đó chính là giá cả của chúng vô cùng rất hấp dẫn.
18 chiếc Su-30K hiện đại hóa mà Nga dự định sẽ bán với giá trị khoảng 270 triệu đôla (tính ra chỉ khoảng 15 triệu đôla mỗi chiếc), đem so sánh với 1 tỉ đôla giá trị hợp đồng thứ hai cung cấp 12 chiếc Su-30MK2 cho Việt Nam thì có vẻ đây là hợp đồng rất hấp dẫn.
Với tính năng kỹ chiến thuật không thua kém nhiều so với các chiến đấu cơ hiện đại, giá cả lại phải chăng, những chiếc tiêm kích Su-30K có lẽ là sự lựa chọn hợp lý nhất đối với Việt Nam.
Chỉnh sửa bởi quản trị viên: