Hoa Kỳ, Trung Quốc mạnh yếu thế nào, các offer đã mổ xẻ tan nát rồi. Nhưng chúng ta có bao giờ tự hỏi, thế còn Việt Nam thì sao? Đất nước này thực sự mạnh yếu thế nào, mà người thì bị nói là ảo tưởng, người thì bị chửi là tự nhục. Em mạnh dạn mở thớt để bình luận về vị trí địa chính trị của Việt Nam, cũng như những mặt được và chưa được về dân tộc ta. Hơn 100 năm trước, Lỗ Tấn là người tiên phong chữa căn bệnh tinh thần của người Trung Quốc. Nhưng có vẻ 100 năm chưa đủ lâu để người ta khỏi bệnh. Ngày nay, văn học của Lỗ Tấn cũng "ngại" được cho dạy ở Trung Quốc, vì nó đau quá, thẳng thắn quá. Có lẽ nhiều người sẽ không thích những gì được nêu trong topic nhưng không sao cả, miễn là nó giúp ta tiến bộ được.
Những điểm mạnh của Việt Nam:
1. Vị trí địa chính trị quan trọng:
Xét trên bình diện ĐNA, VN chính xác nằm ở vị trí trung tâm, thuận lợi cho không chỉ giao thông đường biển, mà cả đường bộ và đường hàng không. Biển Đông là tuyến vận tải quan trọng bậc nhất thế giới mà nếu biết khai thác, vị thế VN sẽ được nâng cao rõ rệt. Có thể nói ông bà già đã để lại cho con cháu căn nhà mặt phố quá đẹp, dễ dàng xây dựng các cảng nước sâu và dịch vụ hậu cần hùng hậu phục vụ tàu bè cả vận tải và quân sự. Địa lý trải dài dọc theo Biển Đông cũng giúp VN có lợi thế lớn để có thể khống chế khu vực biển này nếu có đủ tiềm lực. VN cũng nằm trong trung tâm của khu vực có mật độ giao thông hàng không cao nhất thế giới. Tiếc là cho đến nay, sự quan liêu và chậm chạp khiến cho VN vẫn đi sau các trung tâm trong khu vực như Singapore, Hongkong mặc dù xét về địa lý không thuận lợi bằng.
2. Không có điểm mạnh số 2:
Sự thực là ngoài vị trí địa chính trị, VN chưa cho thấy một lợi thế cạnh tranh vượt trội nào khác. Tài nguyên dầu khí, đất hiếm, etc cũng khá nhiều nhưng chỉ đào xúc để ăn thì không phải là dài hạn.
Những điểm yếu cố hữu:
1. Nằm cạnh Trung Quốc:
Bản thân VN chưa bao giờ là một nước nhỏ. Với dân số đứng thứ 13 thế giới (khoảng 100tr), một nền kinh tế tăng trưởng nhanh (dự kiến nằm trong top 30 vào năm 2030), cùng với tiềm lực quân sự đáng kể, trong quá khứ VN thường được mô tả là một tiểu cường quốc giống Irsael. Tuy nhiên, với Trung Quốc, VN vẫn rất nhỏ bé trên mọi phương diện. Rắc rối ở chỗ TQ có tư tưởng bá quyền, và liên tục cạnh tranh lấn át VN trên phương diện địa chính trị. Với bối cảnh hiện tại, VN có lẽ nên lấy hình mẫu là Irsael và Nhật Bản, những nước có nhiều đặc điểm tương đồng về vị trí và con người làm mục tiêu định hướng phát triển. Thực tế trong quá khứ, khi thế nước mạnh, cũng có những thời điểm mà Đại Việt lấn át thiên triều TQ, ví dụ như thời vua Quang Trung trị vì.
2. Người VN không giỏi về chiến lược:
Vài ngàn năm chìm đắm trong nền văn minh lúa nước đã khiến người Việt tư duy theo mùa vụ (manh mún, theo thời vụ, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên). Chỉ qua vài chục năm mở cửa gần đây, tiếp xúc làm việc với các nước phát triển mới giúp người Việt làm việc với tầm nhìn xa hơn và quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, mặc dù được cho là khá thông minh, trên thực tế người Việt Nam giỏi trong việc đối phó, tùy cơ ứng biến hơn là xây dựng một chiến lược dài hạn. Bản thân người Việt cũng khá dễ tự mãn và kiêu ngạo, điều này khiến đất nước bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác sớm với phương Tây, và không sớm nhìn ra dã tâm của một số lân bang.
Em tạm thời xin hết, mời các cụ đóng góp ý kiến để mọi người tham khảo thêm.