TẠI SAO NHIỀU NGƯỜI HỌC GIỎI, HỌC VỊ CAO MÀ VẪN NGHÈO:
(Trích lục từ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh, Phẩm Bồ Tát Vấn Minh thứ 10)
Người giảng: Lão Hoà thượng Tịnh Không
Giảng tại: Hiệp hội giáo dục Phật Đà Hong Kong
Thời gian: ngày 01 tháng 08 năm 2005
Phía trước tôi đã nói đến có một lần tôi ở trường học, hôm khánh thành toà lầu Học viện Thương nghiệp, tôi cũng tham gia buổi lễ khai mạc. Trong buổi lễ, nhà trường có mời một vị giáo thọ người Mỹ nổi tiếng của Học viện Thương nghiệp đến diễn giảng. Sau khi tôi nghe rồi, tôi có cảm khái rất sâu sắc. Bởi vì ngay lúc đó hiệu trưởng đang ngồi bên cạnh tôi, chúng tôi rất thân quen nhau, tôi liền cảm khái nói với hiểu trưởng, tôi cười đùa mà nói với ông rằng giáo trình của Học viện Thương nghiệp này tôi cũng có thể dạy. Ông rất kinh ngạc. Tôi nói, ông xem vị giáo thọ này, vị giáo thọ nổi tiếng, cả đời ông ấy nghiên cứu quản lý công thương nghiệp nhưng ông ấy không phát được tài, cả đời phải làm thầy giáo, tuy là có một số công ty đến mời ông ấy làm cố vấn, như vậy thì ông ấy có thể dạy cho các học trò phát tài hay không?
Tiếp theo đó tôi nói, một con người ngay trong một đời chân thật có thể phát được tài, họ cần phải chuẩn bị đầy đủ hai loại điều kiện cơ bản. Tại vì sao những vị giáo thọ này có nhiều học trò ưu tú tốt nghiệp từ học viện thương nghiệp như vậy, đều lấy được học vị tiến sĩ nhưng cả đời không phát được tài? Họ hiểu những phương pháp lý luận để kinh doanh nhưng cả đời không phát được tài, đó là do nguyên nhân gì? Tôi nêu ra một thí dụ như người học nông nghiệp ở học viện nông nghiệp, họ đích thực học được cách trồng trọt, hiểu được phương pháp trồng trọt, biết cách phân tách thổ nhưỡng, không khí, ánh sáng, phân bón, thi công như thế nào họ rất thông thạo, nông học là họ học những thứ này, đáng tiếc là cái gì? Họ không có hột giống, cho nên cả đời họ không thể phát lên được. Tôi nói với hiệu trưởng, tôi có hạt giống, tôi cũng biết được phương pháp, nếu tôi đến dạy thì khẳng định những học trò này sẽ phát tài. Ông liền cười rộ lên.
Hạt giống là gì vậy? Trên kinh Phật nói chính là bố thí tài, bạn không chịu bố thí, bạn không có hạt giống của tiền của. Việc này người thông thường chúng ta, người phương đông, phương tây đều tin tưởng vào số mạng, bạn xem, thầy bói đoán mạng cho bạn, xem trong mạng bạn có tài khố hay không? Tài khố từ do đâu mà có? Tài khố là do trong đời quá khứ có tu tài bố thí hay không? Việc này khi xem bói có thể xem thấy được nhiều đời trước. Đó là nhân. Nếu như tài khố này rất tràn đầy, bạn tương lai nhất định phát tài to, không luận bạn từ nơi một nghề nghiệp nào, bạn đều sẽ kiếm ra tiền. Trong mạng của bạn có tiền, tiền tài đó như nguồn nước không ngừng trào dâng. Nếu như trong đời quá khứ, đời đời kiếp kiếp đều là bỏn xẻn, đều không chịu bố thí, vậy thì tài khố của bạn trống không, không có tài khố, như vậy thì bạn làm sao phát được tài? Bạn chỉ có thể làm công cho người khác, kiếm được một ít tiền, duy trì đời sống của bạn, vậy thì đã không tệ rồi, cả đời có thể không bị đói, trải qua một đời sống kham khổ thì cũng đã tương đối không dễ dàng. Bạn thấy thế gian này có đến bao nhiêu người đói khát, bao nhiêu người bị giá lạnh? Đều có nguyên nhân, do đời trước không có tu phước, đời trước không có tu, trong mạng không có tài khố.
Có biện pháp gì để cải thiện hay không? Biện pháp thì có, chỉ cần bạn hiểu được đạo lý này, ngay từ bây giờ bạn chân thật chịu làm. Trong đời quá khứ ta không có tài khố thì ngay trong đời này chúng ta có thể tích lũy tài khố, bồi đắp tài khố. Làm cách nào vậy? Bố thí, hoan hỉ bố thí, không có nhiều tiền bố thí nhưng một đồng hai đồng tất nhiên là có, thành tâm thành ý mà bố thí. Cái thành tâm, tâm chân thành sẽ lan đến tận hư không khắp pháp giới, chính mình không hề biết. Khi bố thí phải chân thành, cung kính, không có mong cầu. Bạn có ham muốn có mong cầu, thì bạn liền có phạm vi, phước báu sẽ không lớn. Không có mong muốn, không có mong cầu, vậy thì bố thí đó công đức cũng bằng với hư không pháp giới. Hoan hỉ bố thí không cầu hồi đáp, bạn có thể làm như vậy, kiên trì miệt mài mà làm, làm mấy năm, làm mấy chục năm thì tài khố của bạn dần dần sẽ đầy lên, dù khi còn trẻ không có tài khố, thầy bói đoán mạng nói anh ngày trước không có tài khố, nhưng ngày sau tài khố của anh sẽ tràn đầy, phước báo cuối đời liền hiện tiền, khi còn trẻ rất khổ nhưng về già thì giàu có. Cái đạo lý này rất sâu, chỉ cần bạn tin tưởng, bạn chân thật chịu đi làm, đích thực có hiệu quả không thể nghĩ bàn.
Cả đời này của tôi cũng là hiện thân nói pháp cho mọi người. Khi tôi còn trẻ, người xem tướng đoán mạng đều nói tôi không có tài khố, cả đời bần tiện. Bần là không có tiền của, tiện là không có địa vị. Chỗ này nói rõ việc gì? Đời trước đã tạo ra nghiệp bất thiện, tuổi thọ ngắn, chỉ có 45 tuổi. Bạn thấy Khổng tiên sinh đoán mạng cho tiên sinh Liễu Phàm, nói ông ấy thọ 53 tuổi, tôi vẫn không thể so được với ông. Tôi rất tin tưởng, tôi tin tưởng, không phải mê tín. Hiện tại thông thường người ta nói khoa học, khoa học nói di truyền, trong nhà tôi đã có ba đời, tổ phụ của tôi, bác tôi, cha tôi đều không thể qua khỏi 45 tuổi, cho nên tôi cho rằng đó là di truyền, đại khái là rất có khả năng tôi cũng không thể qua được 45 tuổi. Tôi cũng không có cầu tuổi thọ, tôi chỉ đặt tuổi thọ của tôi ở tuổi 45, gặp được Phật pháp, tôi phải thành tựu ngay trong khoảng thời gian này, cho nên rất xem nhẹ đối với thế gian này, hy vọng 45 tuổi có thể vãng sanh, không còn phải chịu luân hồi nữa. Công phu có thể có lực, chính là đại sư Ấn Quang đã nói, con người phải thường hay nghĩ đến cái chết thì còn cái gì không thể buông bỏ chứ, còn cái gì để đáng tranh? Mạng của tôi đã được người ta đoán định rồi, tôi cũng tin tưởng, không buông bỏ cũng không được, nhất là dùng nhiều tinh thần đến như vậy để tranh danh đoạt lợi với thế gian thì không bằng đem cái thời gian này, đem cái tinh lực này cố gắng mà niệm Phật, cố gắng học kinh giáo.
Khi tôi xuất gia, có hai người bạn tốt là pháp sư Pháp Dung, pháp sư Minh Diễn, ba người chúng tôi cũng cùng thọ giới, ba người cùng một tuổi, vận mạng đều như nhau. Thầy bói nói với chúng tôi là ba người đều không thể qua được 45 tuổi. Chúng tôi giống như ba anh em vậy, tháng 2 năm 45 tuổi đó, pháp sư Pháp Dung ra đi, đó là thật, tháng 5 thì pháp sư Minh Diễn ra đi. Bình thường tôi đều không bị bệnh, tháng 7 bị bệnh, tôi liền biết được thời gian đã đến rồi, cho nên tôi cũng không đi khám bác sĩ, cũng không uống thuốc, bởi vì tôi biết, bác sĩ chỉ có thể trị bệnh không thể trị mạng. Thọ mạng của bạn đến rồi, bạn khám bác sĩ thì có ích gì? Tôi chuyên tâm niệm Phật cầu vãng sanh, niệm được một tháng thì khỏi được bệnh, thế là không việc gì. Tôi không hề cầu tiêu tai diên thọ, tôi cũng không cầu phát tài, cũng không cầu thông minh trí tuệ, không cầu bất cứ thứ gì, chỉ mong cầu có thể vãng sanh Tịnh Độ.
Dường như trải qua hai - ba năm, vào khoảng 50 trở lại, lúc đó Cam Châu Hoạt Phật còn, ông là bạn cũ, cũng là học trò của đại sư Chương Gia. Có một lần chúng tôi gặp nhau ở Chùa Thiện Đạo, ông đặc biệt đến tìm tôi. Ông nói, chú đến đây, tôi có lời muốn nói với chú. Tuổi của ông lớn hơn tôi, đại khái lớn hơn mười mấy tuổi, tôi rất tôn trọng đối vối ông, ông là một vị pháp sư tốt. Tôi nói: Phật gia có việc gì sao? Ông nói, lúc trước chúng tôi ở phía sau lưng chú nói đến chú. Tôi hỏi nói việc gì ạ? Nói con người chú rất tốt, cũng rất thông minh, đáng tiếc là không có phước báo, lại đoản mạng. Tôi nói, thì ra sự việc này, nói ngay trước mặt cũng được, không cần phải nói sau lưng, tôi không kỵ húy, tôi rất tường tận. Ông nói, hiện tại thì chú không như vậy rồi, chú đã hoàn toàn chuyển đổi được vận mạng rồi. Tôi hỏi là như thế nào ạ? Ông nói, những năm gần đây chú giảng kinh nói pháp công đức rất lớn, hoàn toàn chuyển đổi rồi, chú không những vậy, tương lai có quả báo lớn, tuổi thọ của chú rất dài. Ông nói cho tôi nghe những việc như vậy, năm thứ hai thì ông ra đi. Vào lúc đó vẫn còn mấy vị pháp sư, chúng tôi cùng ngồi với nhau, sau khi mấy vị pháp sư này nghe rồi thì nói Pháp sư biết xem tướng, Ngài xem cho tôi với, người kia nói xem cho tôi với. Cam Châu Hoạt Phật mỉm cười, hoàn toàn không hề để ý đến. Tôi không hề cảm thấy lạ chút nào, cũng không có tâm ưa thích, bình lặng thản nhiên. Cả đời tôi như vậy mà trải qua, cứ như vậy mà làm, tài bố thí, pháp bố thí, vô uý bố thí. Người khác cúng dường cho tôi, tôi đều bố thí.
Tôi học pháp sư Ấn Quang. Pháp sư Ấn Quang cả đời tất cả cúng dường nhận được thảy đều in kinh bố thí, in kinh in sách thiện, bạn thấy Ngài đem cúng dường của mười phương thành lập một hoằng hoá xã ở chùa Báo Quốc Tô Châu, chính là nơi lưu thông kinh Phật mà thông thường chúng ta gọi. Chính họ còn có một cái xưởng in ấn chuyên môn làm một việc này. Sự việc này làm thành công, nếu như tài lực đó (tài lực cũng không dễ dàng, cũng không phải rất nhiều) mà phân tán ra thì bất cứ việc gì bạn cũng không làm được thành công. Cho nên không phải phước báo lớn, sức mạnh không nên phân tán, tập trung vào một điểm để làm một sự việc thì làm thành công. Cho nên tôi học theo Ngài Ấn Tổ in kinh, tôi không có phước báo lớn như Ngài, chính Ngài có thể làm một cái xưởng nhỏ in ấn, chúng tôi không làm được. Ban đầu người khác đề xướng in kinh, chúng tôi là phụ thêm, họ in một ngàn bộ, tôi in mười bộ, in 5 bộ, vì tiền rất ít. Về sau tiền cúng dường nhiều, tôi có thể in 100 bộ, có thể in 200 bộ, dần dần tôi cũng có năng lực in được 1000 bộ, in 2000 bộ, chuyên môn làm những việc này.
Ngoài sự việc này ra, tôi ưa thích phóng sanh, bố thí vô uý, còn có một ít tiền thì tặng cho bệnh viện, phí thuốc thang cho người nghèo khổ, bệnh viện cũng nhận, đây đều là thuộc về bố thí vô uý. Trong việc in kinh có tài bố thí, có pháp bố thí, kinh điển là pháp, giá thành của bạn bỏ ra là tài. Tài, pháp, vô uý là ba loại bố thí. Đây là đại sư Chương Gia dạy cho tôi, cả đời tôi vui mà không biết mệt, phước báo cuối đời không hề nghĩ tưởng, không hề nghĩ đến, quả nhiên có năng lực bố thí Đại Tạng kinh. Tôi in Đại Tạng kinh, hiện tại trong xưởng ấn loát vẫn còn chưa xuất bản, từ ngày trước mua về tặng cho người, cho đến về sau này, rất nhiều lần hợp in với người khác, hiện tại là chính mình in. Tôi tính sơ qua tổng cộng tất cả số lượng đã in thì con số này vượt qua 5000 ngàn bộ, đây là việc không hề nghĩ tưởng đến. Thế Giới Thư Cục xuất bản Tứ Khố Hội Yếu là bộ sách lớn, tôi trước sau tổng cộng mua hết 49 bộ phân tặng cho thư viện các trường đại học. Ở trong nước mỗi một tỉnh, mỗi một khu tự trị, đặc biệt là thành thị, chọn một đại học, tổng cộng đã tặng 32 bộ, còn lại một số ở nước ngoài. Thư viện đại học nước ngoài, họ có nghiên cứu Trung Văn, tôi cũng rất hoan hỉ cúng dường cho họ.
Tiền của càng thí thì càng nhiều, chân thật là từ lúc học Phật nhiều năm đến nay, có cầu thì có ứng, đây cũng là đại sư Chương Gia dạy cho tôi “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”.