1. Về nghệ thuật sử dụng hình ảnh ẩn dụ, so sánh, cụ Nguyễn Du không có gì mới. Gần như mọi tác giả thời văn học trung đại đều sử dụng điển tích văn thơ chữ Hán vì đối với thời xưa, thế mới là đẹp. Nhưng cụ Nguyễn cũng thật tài khi làm cho những hình ảnh đó long lanh và đi vào lòng người bằng thể thơ lục bát.
2. Giá trị của Truyện Kiều không chỉ ở việc dịch sang quốc âm, vì nếu vậy nó chỉ là bản dịch đẹp. Về việc này, nhiều cụ cây đa cây đề đã tiến hành so sánh rồi. Kim Vân Kiều truyện hay về ý tưởng chủ đạo (thân phận người phụ nữ tài hoa bạc mệnh), có tư tưởng cách tân khi dám phản ánh bộ mặt xấu xa của xã hội, dám nói lên tiếng nói phản kháng (Từ Hải nổi loạn đến phút cuối, chết đứng không sống quỳ), dám cho người phụ nữ chủ động yêu, dám yêu dám hận (trong nguyên tác Kiều cho cả đám Hoạn Thư đi bán muối hết) v.v... Kim Vân Kiều truyện đã từng một thời nổi tiếng (thì mới được Nguyễn Du biết đến) và có ảnh hưởng đến sự ra đời của Hồng Lâu Mộng sau này. Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu thì truyện nhiều chi tiết rườm rà, xây dựng tâm lý nhân vật cũng hơi dễ dãi theo kiểu truyện ngôn tình. Chắc vì thế nên dần dần bị những tiểu thuyết xuất sắc hơn vượt qua.
Vào đến tay cụ Nguyễn Du thì cụ sửa và xóa bớt đi một chút cho phù hợp với ngôn ngữ thơ và tư tưởng của cụ. Cũng là một người bị vùi dập bởi thời thế, cụ Nguyễn có sự đồng cảm kiểu thi sĩ với những con người tài hoa bạc mệnh. Cụ đi sâu vào hướng này. Những nét mạnh mẽ và chủ động quá của cô Kiều, cụ gọt đi. Ví dụ: Kiều trong nguyên tác chủ động đến với Kim Trọng, còn Kiều phiên bản VN thì Kim Trọng tán đổ Kiều; Kiều nguyên tác lên lớp cho ông bố một trận về lễ giáo và trách nhiệm khi ông lo lắng định đập đầu tự tử (khi biết Kiều phải cưới Mã Giám Sinh), Kiều VN thì nhỏ nhẹ khuyên giải; Kiều nguyên tác xử tử Hoạn Thư, Kiều VN tha bổng... Những đoạn miêu tả bạo lực và xôi thịt trong tiểu thuyết, cụ Nguyễn cũng bỏ hoặc lướt qua. Ví dụ: đoạn Tú Bà dạy Kiều tiếp khách, hoặc đoạn Kiều bị bắt lại, bị tra tấn (em có đọc đoạn đó, ghê phết). Thay vào đó, cụ sử dụng thế mạnh của thơ ca là tả tình, tả nội tâm nhân vật. Cụ chơi những đoạn độc thoại nội tâm rất dài. Cô Kiều vì thế trở nên mềm mại và sâu sắc hơn. Âm hưởng chủ đạo Truyện Kiều cũng được lái theo ý của Nguyễn Du, đó là nỗi buồn và thương cảm trước thân phận lênh đênh chìm nổi trong khi nguyên tác chủ yếu nói đến tình yêu, hận thù và phản kháng (ý cuối này em lấy của mấy cụ phê bình văn học, hình như là của Hoài Thanh, chứ em cũng chẳng đọc hết nguyên tác để biết có thật như thế không).
Tóm lại, không thiếu trường hợp một tác phẩm văn học chuyển thể được coi là hay hơn, nổi tiếng hơn nguyên tác bởi vì người chuyển thể đã tận dụng được thế mạnh của loại hình nghệ thuật mới, không chỉ về ngôn từ mà cả về kết cấu tác phẩm, biết bỏ những tình tiết không cần thiết, tập trung vào những thứ giá trị để làm nổi bật lên một ý tưởng nào đó. Kể ra mà nói, nếu phim
Kiều làm được như Nguyễn Du đã làm với văn bản gốc, tức là biết sửa đổi cho phù hợp với ngôn ngữ điện ảnh, thậm chí nếu đủ tầm thì làm lớn hẳn, phóng tác luôn (chỉ dựa vào cái tên và một phần đời của nhân vật trong nguyên tác thôi còn kịch bản và ý tưởng riêng) thì có lẽ nó đã được đánh giá cao hơn.