QUỐC ĐỘ - TỊNH ĐỘ: THẾ GIỚI CỦA CHƯA PHẬT ?
Trích Tâm Như - Trí Thủ Toàn Tập
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ (1909 - 1984), Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Tịnh độ là chỉ cho quốc độ trang nghiêm thanh tịnh khiết an tịnh quốc, độ ấy tối thiểu phải có những điều kiện về nhân dân và thổ địa như sau:
a) Về nhân dân (Chánh báo)
1) An lạc vô bệnh.
2) Thọ mạng lâu dài.
3) Thân tướng đẹp đẽ.
4) Không có sự bất bình đẳng về giàu nghèo, sang hèn.
5) Tâm tánh nhu hòa, đạo đức cao thượng.
6) Đạo tâm kiên cố.
7) Mọi người đều do hóa sanh mà có, không do thai sanh là kết quả của dâm dục ô trược.
8) Không có sự sai khác về nhỏ lớn, già trẻ, mạnh yếu.
9) Không dơ bẩn ô uế.
10) Tâm trí phóng thoáng, thông đạt.
11) Hết luân hồi trong lục đạo.
12) Đủ sáu món thần thông.
13) Đầy đủ huệ nhãn, chánh kiến.
Mười ba món trang nghiêm thanh tịnh trên đây thuộc phần chúng sanh thế gian (chánh báo).
b) Về thổ địa (y báo)
1) Đất đai bằng phẳng đầy châu ngọc trong suốt; không có khe hố núi gò lởm chởm và ao rãnh sông ngòi hủng hê.
2) Không có các nạn thiên tai như lụt bão, sấm sét, đại hạn, địa chấn, gây ra mất mùa đói rét.
3) Bầu trời luôn luôn quang đãng, không cần ánh sáng mặt trời mặt trăng hay đèn nến.
4) Tất cả vật dụng luôn luôn mới mẻ, không vỡ, không hư, không mục nát, không cũ nhớp.
5) Phong cảnh xinh tươi, cây hoa đẹp đẽ lầu gác mỹ lệ, không cần nhọc công kiến trúc trang hoàng mà tự nhiên hiện thành.
6) Khí trời luôn luôn mát mẻ.
7) Âm nhạc nhiệm màu hòa tấu tự nhiên hay ngưng dứt tùy theo sở thích người nghe.
8) Không có động vật nào khác, ngoài loài người, trừ sự biến hóa của Phật.
9) Hồ nước trong thơm ngọt ngào; cạn sâu ấm mát tùy từng sở thích.
10) Cảnh vật tiếp xúc gây được khoái cảm nhẹ nhàng mà không làm chao động đạo niệm.
11) Bảy báu và vật dụng tự nhiên thành tựu để cung ứng đầy đủ mà không cần đến sức người.
12) Không có các sự trần lao phiền não.
13) Không có nạn nhân mãn, mặc dù dân số vãng sanh mỗi ngày mỗi tăng.
14) Nhân dân sống trong thái bình an lạc, không có tà ma ngoại đạo bức hiếp.
Mười bốn món trang nghiêm thanh tịnh thứ hai này thuộc phần "Khí thế gian" (y báo).
Có đầy đủ cả hai phần "chúng sanh thế gian" và "khí thế gian" trang nghiêm thanh tịnh như thế mới được gọi là Tịnh độ.
CÁC CÕI TỊNH ĐỘ TRONG MƯỜI PHƯƠNG
Trong mười phương hư không có vô lượng vô số quốc độ với những trạng huống khổ vui ngàn sai muôn khác. Nguyên nhân thành tựu các quốc độ sai khác ấy tuyệt đối không do một sức thần thánh nào hoặc một sự ngẫu nhiên nào tạo thành.
Quốc độ tuy nhiều, nhưng khái quát có thể chia thành hai loại:
1) Quốc độ do cộng nghiệp của chúng sanh duyên khởi. Cộng nghiệp ấy cảm thành quốc độ y báo chung, để chúng sanh tùy từng biệt nghiệp thiện hay ác mà thọ quả báo hoặc vui hoặc khổ.
2) Quốc độ do Phật và Bồ tát hóa hiện để dùng làm chốn đạo tràng độ sanh.
Loại trước gọi là Uế Độ. Vì nguyên nhân trong quá khứ, chúng sanh làm điều phước đức ít, mà gây điều tội ác nhiều nên cảm báo thành quốc độ vui ít khổ nhiều.
Loại sau gọi là Tịnh Độ. Vì nguyên nhân tạo nên quốc độ này là do sức phước huệ của Chư Phật Bồ tát, sức gia trì của bốn tâm vô lượng: Từ, bi, hỷ, xả. Thêm vào các nguyên nhân ấy lại có tăng thượng duyên là công đức tu tập của chúng sanh hồi hướng nguyện sanh về các cõi ấy. có sự cảm ứng đạo giao giữa nội nhơn và ngoại duyên ấy liên hệ với nhau nên mới duyên khởi được quốc độ trang nghiêm thanh tịnh thuần vui không có khổ nhơn tội báo xen vào.
Trong mười phương thế giới có vô số uế độ nhưng cũng có vô số Tịnh độ. Trong các uế độ, thế giới Ta bà của chúng ta mới chỉ là một. Nếu ta tưởng rằng chỉ có một uế độ này thôi thì đó là một sự đại lầm lẫn. Cũng như trong các Tịnh độ, thế giới Cực lạc của Đức A Di Đà cũng mới chỉ là một. Nếu không hiểu rằng giữa hư không vô tận còn có vô lượng Tịnh độ khác của Chư Phật, đó lại cũng là một sự đại lầm lẫn khác nữa.
Trong ba bộ kinh nói về Tịnh độ sở dĩ Đức Phật chỉ chuyên nói về thế giới Cực lạc là chỉ vì một lý do sẽ nói ở sau. Ngoài ra, trong kinh "Dược Sư Lưu Ly bản nguyện công đức." Ngài còn nói đến cõi Tịnh độ Tịnh lưu ly của Đức Dược sư Như Lai; trong kinh "Đại Bửu tích Ngài còn nói đến cõi Tịnh độ Diệu Hỷ của Đức Bất Động Như Lai; hay trong kinh "Di Lặc thượng sanh" Ngài còn nói đến cõi Tịnh độ Đâu Suất của Đức Di Lặc Bồ tát. Tuy nhiên, đó cũng chỉ mới sơ lược kể qua vài ba cõi mà thôi. Kỳ thật, trong mười phương thế giới có hằng hà sa số chư Phật thì cũng có hằng hà sa số cõi Tịnh độ. Những chúng sanh nào được sanh về các Tịnh độ ấy đều do nhơn duyên riêng và tại mỗi cõi đều có phương pháp tu hành khác nhau, phù hợp với từng nhơn duyên. Tu hành y theo phương pháp nào thì đến khi thuần thục sẽ được vãng sanh về cõi Tịnh độ đó. Phương pháp tu hành cầu quả vãng sanh Tịnh độ thì gọi là phép tu Tịnh độ.
Các cõi Tịnh độ trong mười phương có nhiều vô lượng mà pháp tu cũng có nhiều vô số. Vậy ai theo phương pháp của cõi nào cũng đều có thể tùy nguyện được vãng sanh ở cõi ấy.
Ở đây riêng đối với thế giới Cực lạc Tây phương, Đức Phật đặc biệt tán thán và giới thiệu một cách tường tận hơn cả là vì chúng sanh ở cõi này, lòng tham dục quá nặng, đức tin quá yếu nên tâm chí loạn động; trong tình trạng đó, nếu giới thiệu nhiều cõi Tịnh độ quá thì sợ khó thành tựu, Cho nên, chỉ đặc biệt nói nhiều về một cõi Tây phương Cực lạc, khiến nghe chuyên nhất tập trung ý chí hướng về một mối, mới ghi nhớ dễ dàng và thâu hoạch có hiệu quả.