Giáo dục mãi vẫn chỉ được thế này thôi các bác ạ............
Văn hoá giao thông
Lao Động số 200 Ngày 07/09/2009 Cập nhật: 8:07 AM, 07/09/2009
(LĐ) - Vào giờ tan tầm ngày 3.9, tại ngã tư Thái Hà - Láng Hạ (Hà Nội) xảy ra một vụ va quệt xe máy giữa 2 cô gái trẻ đi trên một chiếc xe tay ga với một gã thanh niên cùng chiều.
Vụ va chạm phải nói là rất nhỏ, không gây ra bất cứ thiệt hại gì cho cả người và xe, thế nhưng gã thanh niên nọ đã làm một việc rất đê hèn đó là đấm thẳng vào mặt cô gái cầm lái. Cô gái dính đòn đau, mặt sưng vù, giãy đành đạch ra đường và la lối om sòm.
Ngay sau đó có sự xuất hiện của một anh CSGT, nhưng anh này tới, ngó lơ rồi bỏ đi khiến cô gái bị đánh kia phải túm áo anh cảnh sát này lại và nói với giọng đầy trách móc: Chú là công an mà chú để người ta đánh cháu như thế à?
Bất ngờ trước tình huống này, anh công an cũng chỉ biết đứng nhìn, khiến người qua đường hiếu kỳ dừng lại để xem và thế là gây ra tắc cả một đoạn đường dài. Những chuyện như thế ngày nào cũng có thể xảy ra ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các thành phố khác.
Có thể nói, giao thông của chúng ta giờ đây đã ở mức vô lối hơn bao giờ hết. Chỉ cần một va chạm nhỏ, một tai nạn hoặc một biến động hơi khác lạ trên đường là người qua đường xúm xít dừng lại xem mà chỉ có rất ít người có động thái giúp đỡ người bị nạn, khiến cho con đường đang thông thoáng bỗng dưng ùn tắc ngay được.
CSGT có mặt lúc này cũng chỉ là nhằm bắt mấy anh chàng không đội mũ bảo hiểm để phạt tiền. Nhưng điều dễ thấy hơn cả, đó là tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông chạy hỗn loạn trên mọi làn đường không ra hàng lối nào cả.
Nguyên nhân của tình trạng này là do văn hóa giao thông của người tham gia giao thông quá tùy tiện, không tôn trọng pháp luật và không tôn trọng lẫn nhau. Nhưng nếu chỉ nói vậy thì chưa đủ, mà cần phải nói đến nguyên nhân sâu xa hơn nữa là văn hóa của những người nắm quy hoạch đô thị cũng có vấn đề.
Điều có thể dễ dàng nhận thấy là tại những khu đô thị mới, khu chung cư mới, diện tích dành cho giao thông tĩnh chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ, khiến cho hầu hết phương tiện giao thông đến những khu này vẫn cứ phải tràn ra vỉa hè, vô cùng mất mỹ quan.
Chưa dừng ở đó, ở những khu phố nội thành, dân cư đông đúc thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, người ta vẫn tiếp tục cho xây dựng những chung cư, trung tâm thương mại 25-30 tầng để tập trung đông dân hơn nữa đến những địa điểm này, trong khi đó con đường giao thông trước mặt vẫn không hề mở rộng thêm một chút nào. Cho rằng để giải quyết được vấn đề này, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã nảy ra sáng kiến xin Chính phủ cho phép được phạt người vi phạm giao thông gấp đôi.
Tuy nhiên, hầu hết các sáng kiến đưa ra để giải quyết ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn đến nay đều là giải pháp tình thế. Song, để giải quyết tận gốc vấn đề, cần phải từng bước thay đổi văn hóa giao thông mà những người có trách nhiệm quản lý quy hoạch đô thị cần đi đầu, cần phải có văn hóa khi biết dũng cảm từ chối những cái lợi trước mắt như cho phép xây dựng chung cư, trung tâm thương mại cao tầng ở những khu đã quá tải về giao thông.
Chỉ có như vậy, những con đường Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác mới có thể thông thoáng, chứ không không thể chỉ bằng một vài sáng kiến theo kiểu tăng phạt được.
Chí Tùng