- Biển số
- OF-16170
- Ngày cấp bằng
- 10/5/08
- Số km
- 5,345
- Động cơ
- 552,573 Mã lực
Văn Cao là một thiên tài về âm nhạc , là một danh nhân văn hoá của VN , nhưng cuộc đời ông lại gian truân cay đắng như nhà thơ , nhà văn Trần Mạnh Hảo đã viết “ Văn Cao một thiên tài bị lưu đày “ và ca khúc “ Mùa xuân đầu tiên “ của ông cũng là ca khúc cuối cùng của ông cũng cùng trong số phận ấy .
Ngay từ cuối năm 1949 ( trùng với năm sinh của người viết bài này ) , theo yêu cầu của một số lãnh đạo trong quân đội , ông sáng tác ca khúc hùng tráng “ Tiến về Hà Nội “, khi bài hát ra đời được bộ đội nhân dân vùng kháng chiến chào đón nhiệt liệt thì ông lại bị bên tư tưởng văn hoá phê bình kiểm điểm lên xuống vì bị quy kết là “ tư tưởng lạc quan tếu”, “ tiểu tư sản “, “ không hợp thời “ . Nhưng đến khi giải phóng Thủ đô năm 1954 thì không có bài hát nào so sánh được với sự hùng tráng hào hùng , sự lột tả đầy đủ những hình ảnh tình cảm chân thực nhất ngày giải phóng Thủ đô mà ông đã hình dung và tiên liệu trước đó 5 năm .
Bị của cú shock đó ông đã thề không bao giờ viết ca khúc chính trị nữa , tiếp theo đó 10 năm sau ông lại bị kết án trong vụ án “Nhân văn Giai phẩm “ năm 1958. Riêng vì ông là tác giả bài Quốc ca nên không bị vào tù như các văn nghệ sĩ khác nhưng bị đi cải tạo lao động trên miền núi , bị giam lỏng cô lập suốt thời gian dài khi tài năng đang nở rộ , các tác phẩm của ông bị cấm phổ biến lưu hành và cũng từ đấy ông không còn viết một tác phẩm âm nhạc nào nữa trừ vẽ tranh , tranh minh họa kí tên người khác để kiếm sống và làm thơ cho riêng mình để giải tỏa nỗi lòng . Sau ngày giải phóng , cuối năm 1975 đoàn cán bộ báo “ Sài Gòn giải phóng “ khi ra Hà Nội đã tới thăm ông và đặt hàng ông viết một bài cho báo Xuân Tết Bính Thìn . Ông đã vui vẻ nhận lời , dòng chảy âm nhạc của ông lại tuôn trào sau bao năm kìm nén trong lòng để cho ra đời ca khúc “ Mùa xuân đầu tiên “ . Như tâm sự của ông đã nói : “ Lúc đó không thể không viết bài hát. Vẽ, làm thơ chưa thỏa, phải là bài hát mới sướng “. Nhưng bài hát của ông không như những ca khúc khác trong giai đoạn đó phải là hùng tráng hào hùng ngất ngây , phải khí thế với cờ bay với Đảng với Bác ... bài hát của ông lại có tiết tấu dịu dàng của điệu valse sang trọng pha chút ngậm ngùi , phiêu linh xô dạt day dứt của một tâm hồn nghệ sĩ trải qua cay đắng như ông tâm sự : “ Tôi vẽ và làm thơ như một thôi thúc. Âm nhạc vẫn là lẽ sống của đời mình nhưng ba mươi năm không viết. Chỉ duy nhất có Mùa xuân đầu tiên... Mùa xuân đầu tiên là lời hoan ca về ngày sum họp. Hai mươi mốt năm chia cắt, bà con mình hai ngả Bắc Nam, nỗi đau ấy lớn lắm, không bút nảo tả nổi... Và tôi viết bản nhạc ấy như một lẽ tự nhiên. Âm nhạc và ca từ như chảy từ trái tim.. “ .
Thật vậy , mở đầu bài hát rất lạ bằng ca từ “ Rồi dặt dìu , mùa xuân theo én về “ như một lẽ đương nhiên cái gì phải đến thì sẽ phải đến , cuộc chiến tranh tàn khốc nồi da nấu thịt của dân tộc rồi cũng phải kết thúc . Một mùa xuân bình thường như bao mùa xuân khác hôm nay đã trở thành mùa vui mùa yên lành không tiếng súng : “ Mùa bình thường , mùa vui nay đã về , mùa xuân mơ ước ấy “ đã về có nắng , có chim nhưng lại chưa trong sáng rạng ngời như mong ước và bằng linh cảm của mình ông thấy nó phảng phất nỗi mơ hồ cô đơn trong mùa xuân thanh bình “ với khói bay trên sông , gà đang gáy trưa bên sông “. Tiếng gà gáy lạc lõng giữa trưa bên sông còn mờ sương khói như một khoảng lặng trong niềm vui của dân tộc chưa trọn vẹn , đất nước thống nhất nhưng dân tộc chưa thống nhất . Trong sự hoan ca của những người chiến thắng ông vẫn thấy nghẹn ngào về cái giá dân tộc phải trả để có mùa xuân thanh bình trong “ người mẹ nhìn đàn con nay đã về “ , trong “ giọt nước mắt trên vai anh , giọt sưởi ấm trên vai anh “ . Còn điều ông mong mỏi nhất với một tâm hồn nhân văn thánh thiện nằm ở trong cao trào bài hát như nhắn nhủ day dứt :
“ Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người…”
Nhưng cái từ đây ấy vẫn còn u hoài như trong câu kết : “ một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông “ .
Bài hát được in trên tờ “ Sài Gòn giải phóng “ số Xuân Bính Thìn ngày 01-01-1976 , ngay sau đó đã bị cấm lưu hành vì lý do bài hát “ "nghe mơ hồ rắc rối, kêu gọi tình thương một cách chung chung, thiếu tính giai cấp", "ủy mị, yếu đuối" và bị xem là "lạc điệu" . Nhưng cũng mùa xuân năm đó bài hát lại được Liên Xô ( cũ ) in phát hành và thu thanh phát sóng trong chương trình phát thanh Việt ngữ tại Moskva nên nhiều người Việt biết tới và số phận của nó không bị chìm trong quên lãng , rồi phải mãi 20 năm sau bài hát mới được phổ biến công khai rộng rãi sau ngày ông mất .
Khi nghe bài hát , mỗi người ở hoàn cảnh khác nhau trong thời kỳ đó sẽ có những cảm xúc tâm trạng rung động khác nhau về bài hát , đấy là điều đặc biệt của bài hát mà như nhà thơ nhà văn Trần Mạnh Hảo đã nhận xét : “ Đây là bài hát có số phận đặc biệt nhất trong cuộc đời sáng tác của Văn Cao. Đây cũng là bài hát mang nhiều tâm trạng đối lập, hòa trộn nước với lửa: Vui ít, buồn nhiều, mừng ít, tủi nhiều, hoan ca ít, bi ca nhiều, tha thiết ít, nghẹn ngào nhiều, bâng khuâng ít, đau đáu nhiều, tự sự ít, ai oán nhiều, mê say ít, thở than nhiều, cứng cỏi ít, run run nhiều, da diết ít, nỉ non nhiều, cười ít, khóc nhiều, sum họp ít, cô đơn nhiều, yêu thương ít, đau thương nhiều, gặp gỡ ít , bơ vơ nhiều ... “
Xin mời các bạn nghe bài hát.
Lê Quang Doãn
Với ca sĩ Ánh Tuyết