Xin phép các bác admin ạ!
Cái này trích từ truyện của một người bạn. Mong các bác bình luận
- Cuộc chiến của bầy sói (1)- Trại rừng
Đám tù quê Hà Nội gọi trại giam này là “trại rừng”. Ý rằng trại giam ở nơi heo hút với lối sinh hoạt “rừng rú”, đói khổ. Trại giam đã xa trung tâm tỉnh lỵ, K5 lại còn xa nhất. Trại giam nào cũng có nhiều phân trại, K5 là gọi tắt của phân trại số 5. Trại giam này giam giữ những tội phạm nguy hiểm bậc nhất miền Bắc. K5 tập trung những đứa hoặc sừng sỏ nhất, hoặc phải chịu mức án dài nhất. K5 có sáu khu giam, xếp thứ tự từ 1 đến 6, mỗi khu có 4 buồng, giam khoảng 300 phạm nhân.
Khu 1 gọi là khu quản chế. Đúng như cái tên, giam toàn những đứa phải theo dõi sát sao. Có 3 loại phạm nhân trong diện này. Loại thứ nhất là những đứa án quá dài, 18- 20 năm, thậm chí chung thân. Ngày về xa ngái, bọn này quậy phá khá tưng bừng. Loại thứ hai là đám đầu gấu, đại bàng, tiền án tiền sự đầy mình. Loại này thì khỏi nói, khách quen của nhà kỷ luật, coi đánh nhau là thể thao, coi vi phạm nội quy là thú vui. Loại thứ ba rất khó định nghĩa. Có lẽ điểm chung duy nhất là toàn những đứa sở hữu hệ thần kinh rung rinh. Không phải bị tâm thần bởi nếu có bệnh án này, họ sẽ không phải vào đây. Nhưng đúng là họ có những hành vi không bình thường, lời nói khác thường. Người khác nhìn họ sẽ bảo: “thằng này đầu óc có vấn đề”. Cái sự “có vấn đề” đó thường bắt nguồn từ một biến cố nào đó, mà với đám tù nhân, đa phần là vì chuyện tình cảm.
Đặc trưng cho loại thứ ba này có thể ví dụ bằng Đường “đơ”. Chịu án 10 năm vì buôn bán ma túy, lúc đầu, Đường hoàn toàn bình thường. Thậm chí, nó còn khéo tay, xăm đẹp, phẫu thuật giỏi. Tại sao lại có “phẫu thuật” ở đây? Vì đám tù nhân “tỉ phú thời gian”, lúc buồn chán thường thích tự làm đau mình. Xăm trổ và đeo, cẩn đủ thứ lên các bộ phận cơ thể. Đây là hành vi bị cấm nhưng đám tù nhân vẫn giấu giếm làm. Phổ biến là việc “trang trí” cho cái đặc trưng của đàn ông. Ví dụ, “đâm bi” là rạch da ra rồi nhét vào chỗ rạch những viên thủy tinh hoặc nhựa đủ hình thù tròn, vuông, chữ nhật... “Đâm kiếm” là xiên thủng một lỗ từ bên này sang bên kia và giữ làm sao để lỗ thủng đó không bao giờ liền lại. Cái này giống như nguyên lý xuyên lỗ tai. Sau này, “khổ chủ” sẽ nhét qua cái lỗ một vật gì đó, gọi chung là “kiếm”. Khỏi phải nói, với một bộ phận cơ thể nhạy cảm như thế, sự hành xác sẽ đau đớn đến mức nào. Cho nên, một đứa mát tay như Đường là vô cùng đáng quý.
Đường có một bạn tù rất thân. Khi bạn quý ra tù trước, Đường nhớ gửi lời nhắn về cho vợ. Cái đứa khốn nạn ấy, với mồm miệng dẻo quẹo đã tán tỉnh sao đó, để rồi ăn nằm luôn với vợ Đường. Tại sao Đường phát hiện ra mới gọi là cay đắng. Luật pháp cho phép các phạm nhân được gặp riêng vợ hoặc chồng ở “buồng hạnh phúc”, để vơi bớt nhớ nhung, khao khát, để động viên tinh thần cho nhau. Đường cũng vậy, tháng một lần được gặp gỡ riêng tư. Lần ấy, sau phút giây ân ái, vợ Đường thỏ thẻ rằng: “Xa anh lâu quá, hình như em còn kết cả ngọc ở... trong đó”. Rồi cô ta khoe với Đường một vật lóng lánh màu lam, nói lúc đi tiểu thì thấy tọt ra. Xem vật đó, Đường rụng rời chân tay. Sau này lúc còn tỉnh táo, Đường kể lại: “Tao kiếm được viên thủy tinh có màu lam tuyệt đẹp, trông như ngọc vậy. Đích thân tao mài tròn, đánh bóng rồi đâm bi kỷ niệm cho nó trước lúc ra tù. Tao nhìn là nhận ra ngay. Hóa ra con lợn bẩn thỉu chơi cả vợ tao. Còn dùng như phá đến mức tuột cả bi ra mà không biết”. Hôm ấy, nếu các quản giáo không nghe kêu cứu mà kịp can thiệp, có lẽ Đường đã bóp chết vợ. Rồi một thời gian nữa, Đường trở thành ngáo ngơ. Vợ Đường đã bỏ đi cùng thằng bạn tù quý hóa của chồng. Ngay lập tức, Đường được chuyển vào khu quản chế. Những đứa bị như Đường mới thực sự nguy hiểm. Họ như thùng thuốc súng, chạm ngòi là nổ. Không ai đoán được lúc nào thì họ mất kiểm soát. Bình thường, họ tỉnh táo, đàng hoàng. Nhưng chỉ cần ai đó khơi gợi lại nỗi đau, họ có thể thoắt biến thành con thú.
Khu 1 K5 trại rừng ngày đó giam toàn đám phạm nhân bất trị. Và gã thuộc dạng bất trị nhất. Vì một lý do nào đó, gã bất trị theo kiểu bất cần. Ở K2 và K3, gã đều gây ra những vụ ẩu đả hỗn loạn. Nhà chức trách quyết định chuyển gã vào K5 khu 1, theo kế sách “dĩ độc trị độc” hoặc ngôn ngữ du đãng gọi là “gấu phải gặp thợ săn”. Sang phân trại này, gã không còn vây cánh. Theo hộ khẩu, gã quê Hà Nội, trong khi cầm trịch K5 là đám giang hồ đất Cảng.
Tù nhân, ngoài những người chỉ thích sống một mình, hầu hết đều ăn uống, sinh hoạt theo nhóm gọi là “quẫy”. Ít thì 2, 3 người, đông có thể lên đến vài chục thành viên. Tất nhiên, quẫy đông đồng nghĩa với sức mạnh, thường bắt nạt, chèn ép các quẫy ít người hơn. Quẫy đất Cảng gần 40 “mạng”, rải khắp 6 khu, riêng khu quản chế đã gần 20 người.
Cầm đầu quẫy là thằng Voi. Có chân trong ban tự quản phạm nhân, gọi tắt là “thi đua”, giờ hành chính, nó được giao chìa khóa, mở cửa các buồng giam trong toàn phân trại. Tất nhiên, là đại ca, nó có tay chân tỏa đi làm thay cái việc mở cửa 24 buồng giam. Voi chỉ ngồi ghế hóng mát và... soi mói. Vô phúc cho phạm nhân nào trót làm nó ngứa mắt. Nó sẽ vào tận buồng giam, đám đàn em đè nạn nhân xuống để đàn anh đạp chân lên mặt.
Hiếm ngày nào không có kẻ bị Voi hành hạ. Mà hành hạ cũng đủ kiểu chứ không phải chỉ có đánh đập. Ví như việc tắm. Voi sẽ trực tiếp đến “phục vụ” đối tượng. Nó ngồi lên thành bể nước, tay cầm cái “gô” nhựa chừng 2 lít. Khoán cả gội đầu và tắm là 3 gô. Tất nhiên, Voi xối nước rất nhanh. 6 lít nước mà dội như tháo cống thì tài thánh cũng không kỳ cọ kịp. Trên đầu trên người kẻ được tắm có khi còn nguyên bong bóng xà phòng. Vỗ bồm bộp lên đầu đối tượng, Voi nhăn nhở: “Mày tắm còn không sạch bằng trẻ con 3 tuổi. Vậy thì hôm nay mày chỉ được bò thôi. Vì mày chưa đủ lớn mà”. Hôm đó, đàn em Voi ở cùng buồng kẻ xấu số sẽ theo dõi việc chấp hành hình phạt. Ăn cũng bò mà đi vệ sinh cũng phải bò.
Với số đông tù nhân, thằng Voi thực sự là một hung thần ác sát. Không chỉ hành hạ, đánh đập, nó còn ăn chặn cả quà gia đình các phạm nhân khác gửi. Đại khái theo tỉ lệ 7/3. Gia đình gửi con gà, khổ chủ được cái đùi. 10 gói dầu gội đầu, bị cắt mất 7 gói. Mà phải biết điều tự động nộp cho Voi. Cố tình giấu giếm, bị phát hiện, chỉ có nước no đòn. Đám đất Cảng người đông quẫy mạnh, không tù nhân nào dám chống lại. Càng không dám báo lên nhà chức trách vì sợ bị trả thù. Giữa đêm đang ngon giấc, bỗng bị một chiếc chăn trùm kín mít. Rồi trận mưa đấm đá giáng xuống. Ra tay nặng hơn, thêm một lưỡi lam bén ngọt lùa vào, rạch lên mặt kẻ đã ngất lịm 7, 8 nhát. Bị Voi đánh, cũng chỉ đau một lúc rồi thôi. Còn những trận đòn thù kiểu ấy, sống cũng thành tật. Mà không bao giờ biết thủ phạm là ai, vì bản thân nạn nhân đâu có nhìn được gì. Vậy nên, thà bị chèn ép một chút mà lạnh lặn trở về, còn hơn là khi ra tù, mặt chẳng chịt vết khâu như ác quỷ.
Gã bị giam cùng buồng với thằng Voi trong khu quản chế. Sau vài hôm, một buổi tối, các quẫy ăn cơm xong, thằng Voi gọi gã lên uống nước. Đây là một đặc cách. Bởi đàn anh Voi chưa chủ động bắt chuyện với ai bao giờ. Gã bảo hai thằng đàn em cùng quẫy cứ bình tĩnh, rồi đàng hoàng đi lên. Thằng Voi ngồi chính giữa, 10 thằng đàn em ngồi hai bên như hai hàng La hán. Và chúng nó đang uống sữa tươi bằng hộp chứ không phải chè. Quẫy đại bàng có khác, tráng miệng cũng phải hơn người.
Không khí lúc ấy cực nóng. Thời tiết vùng này vốn đã nóng bởi gió Lào thổi cả ngày, trong buồng giam còn oi bức gấp bội. Gần 100 con người nhét trong một không gian chật chội, nhiệt thân thể cùng mùi mồ hôi tỏa ra, cũng đủ khiến không khí đặc sánh sự khó chịu. Vì nóng, tù nhân đều cởi trần, quần đùi. Quẫy đại bàng cũng thế, cả 11 thằng xăm trổ kín mít từ chân đến cổ.
Quét mắt qua cả 22 cặp mắt đang ngó trân trân, gã dừng lại ở mặt thằng Voi. Nhưng gã không ngồi xuống. Đây là đòn cân não kiểu tù. Nếu ngồi, gã chỉ có thể ngồi dưới thằng cuối cùng trong hai hàng La hán. Thế có khác nào gã là em út của thằng Voi. Vẫn đứng thẳng, gã bình thản:
Thằng Voi hiểu thái độ của gã. Nó liền lừ mắt thằng ngồi cạnh:
- Mẹ, thằng này. Còn không mau mời anh Rồng lên đây?
Thằng đàn em vội đứng bật dậy mời gã ngồi, rồi đi xuống cuối hàng La hán. Ngồi mé phải thằng Voi thì được, vì nó là chủ còn gã là khách. Gã đi qua đám đàn em thằng Voi, ngồi xuống chỗ vừa bỏ trống. Một thằng định cắm cái ống hút vào hộp sữa tươi mời, gã bèn xua tay:
- Tao vừa ăn cơm, còn no lắm. Với lại, tao chỉ uống nước chè thôi.
Thằng Voi cười cợt:
- Tất nhiên rồi, dân nghiện chè, không có là đầu đau như búa bổ, nhỉ?
Rồi nó quát đàn em pha chè mang lên. Khi nước chè đã rót ra các chén bằng “phíp”, thằng Voi mở lời:
- Rồng, mày nhận ra tao, phải không?
Ngày trước, gã cùng đại ca nhiều lần xuống Hải Phòng xử lý việc hoặc đàm phán với đám giang hồ ở đó. Gã từng gặp thằng Voi đi cùng đàn anh nó. Hai bên không có ân oán gì. Gã gật đầu:
- Nhận ra chứ. Cũng khá lâu rồi nhưng mày vẫn không thay đổi gì mấy. Chỉ là phong độ hơn thôi.
Điều này là gã nói thật. Thằng Voi bây giờ nặng cả tạ, mặt nung núc thịt. Đi tù mà to béo thế, du đãng gọi là “tốt tù”. Thằng Voi cười ha hả:
- Mày cũng thế. Mặt vẫn lạnh và độ sát thủ thì tăng lên, hả!
Rồi nó vỗ vỗ vai gã, lướt mắt qua từng mặt đàn em:
- Chúng mày nghe vụ này của anh Rồng chưa? Một mình làm gỏi 5 thằng đó nhé!
Gã tỏ vẻ khiêm nhường:
- Làm gỏi gì đâu. Chúng nó cũng băm tao khắp người. Điên máu lên thôi mà.
Đám đàn em thằng Voi nhìn gã đã có vẻ nể nang. Với du đãng, cứ đánh lộn giỏi là có mặt mũi. Uống vài tuần trà, thằng Voi mới vào chuyện chính:
- Rồng này, dù gì tao với mày cũng biết nhau ở ngoài. Vào đây, anh em càng phải đỡ đần nhau. Tao mời mày từ mai lên ăn cơm với bọn tao.
Nghĩa là muốn gã gia nhập quẫy đại bàng. Một tù nhân bình thường nhập trại, được quẫy đại bàng đón, là một may mắn. Đầu tiên, có chỗ ngủ rộng rãi, thoáng mát. Theo nội quy, mỗi phạm nhân được phân một chỗ ngủ, kiêm sinh hoạt khác như ăn uống, tập thể dục, để đồ cá nhân, gọi là “tôm”, rộng chừng 60 cm. Nhưng chỉ là lý thuyết. Còn thực tế, những kẻ thân cô thế cô thường bị chèn ép, “tôm” có khi chỉ còn 40 cm và sát với khu vệ sinh, vừa mùi vừa bẩn. Những quẫy người đông thế mạnh, mỗi “tôm” đến 80 cm. Đàn anh như thằng Voi, “tôm” cả mét, tha hồ xoay trở. May mắn thứ hai, quan trọng hơn. Người ở quẫy đại bàng thoải mái “chân cong tay cong” đi khắp trại, khỏi lo bị ai bắt nạt. Chỉ cần nhìn sắc mặt anh Voi, ngoài ra, không cần nể nang bất cứ thằng mặc áo sọc nào.
Nhưng gã không phải phạm nhân bình thường. Gã là du đãng khét tiếng, thành viên một băng nhóm cũng khét tiếng Hà Nội. Ít ngày sang K5, gã đã nghe nhiều chuyện về thằng Voi, về cách nó chèn ép và ăn chặn không thương tiếc đám cùng cảnh ngộ. Mà gã lại chúa ghét thói “chó đàn”, cậy đông hiếp yếu. Vì thế, nghe thằng Voi nói xong, gã không cần đến một giây cân nhắc:
- Voi, chắc mày phải cho tao từ chối. Vì tao còn hai thằng em ăn cơm cùng từ hồi nhập trại. Tao cũng không quen sinh hoạt động người. Dù sao, cũng cảm ơn thịnh tình của mày.
Thằng Voi có vẻ không vui khi bị từ chối. Đôi mắt gần như ti hí vì khuất sau hai gò má núc ních, chiếu tia nhìn dò xét vào gã. Một lúc, thằng Voi gật gù:
- Tao có nghe mày đánh lộn tưng bừng ở K2 và K3. Được thôi, mày không muốn thì tao cũng không nài ép. Nhưng mày cần hiểu là anh em bọn tao đã duy trì một quy củ ở K5 này. Tao muốn mày không làm gì ảnh hưởng đến quy củ đó.
Gã hiểu ẩn ý của thằng Voi. Đúng là ở hai K trước, gã đã đánh dập mặt mấy thằng vì không chịu nổi thói hống hách của chúng. Nhệch môi cười, gã tỉnh queo:
- Tao hiểu mà, Voi. Tao sẽ tôn trọng mọi quy củ mày đặt ra. Tao không muốn chuyển K nữa đâu, nội vụ cách rách lắm. Và cũng mong mày nương nhẹ với anh em của tao một chút.
Thằng Voi đồng ý tắp lự. Nó xếp cho quẫy 3 người của gã khoảng “tôm” đều rộng 80 cm, gần cửa sổ thoáng mát. Gã cũng chỉ cần có thế. Du đãng có luật của du đãng. Dù đôi lúc gai mắt vì kiểu ăn chặn từ cái nhỏ nhất của đám thằng Voi, gã vẫn cố lờ đi. Nước sông không phạm nước giếng. Quy ước ngầm giữa gã và thằng Voi được giữ vững khá lâu. Cho đến lúc xuất hiện một tù nhân lạ thường.