1 cây làm chẳng nên non của Cụ Kiên, giờ em nguyện là 1 cây nữa. Chẳng biết có làm nên non không. Nhưng thôi em cứ làm, cứ cố gắng. Phật dậy tu hành trong Phật pháp là hồi đầu thị ngạn, có chèo sẽ có ngày về đến Bến Giác. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nhân tháng 3 âm này có ngày 16/3 là ngày vía Đức Chuẩn Đề Bồ Tát. Xin được 1 chút ghi nhớ công ơn của Ngài.
Quán Thế Âm Bồ Tát có thể hóa hiện thành muôn ngàn hình trạng khác nhau, để thích ứng trong mọi hoàn cảnh, nhằm cứu vớt trong mọi trường hợp khổ đau của chúng sinh.
Quán Thế Âm nắm vững pháp "Chuẩn Đề", một pháp môn đứng vào hàng đầu trong vạn pháp.
Chuẩn Đề Quan Âm chính là một trong những danh hiệu của Quan Âm Bồ Tát.
Thân vị Bồ Tát nầy có màu vàng trắng, ngồi kiết già trên đài sen, có hào quang tỏa sáng xung quanh, mình mặc thiên y, trên đầu trang điểm ngọc anh lạc, có 18 tay đều đeo vòng xuyến, gồm có 3 mắt. Vị Bồ Tát nầy chuyên hộ trì Phật pháp và bảo hộ những chúng sinh có mạng sống ngắn ngủi được thọ mạng lâu dài. Pháp môn tu hành của vị Bồ Tát nầy là trì tụng bài chú:
Nam mô tát đa nẫm, tam miệu tam bồ đà Câu chi nẫm, đát diệt tha: án, chiết lệ chủ lệ chuẩn đề ta bà ha.
Hai tay trên cùng bắt ấn thuyết pháp.
- Phía bên phải, tay thứ hai bắt ấn thí vô úy,
tay thứ ba cầm kiếm,
tay thứ tư cầm tràng báu,
lòng bàn tay thứ năm nắm trái cầu duyên,
tay thứ sáu cầm búa,
tay thứ bảy cầm móc câu,
tay thứ tám cầm chày kim cương,
tay thứ chín cầm chuỗi anh lạc.
Tay phía bên phải, Bồ tát nắm những khí vật hung dữ như chày, móc câu, búa… là những vật dụng để hàng phục chúng sinh cang cường, khiến họ quy hướng Chính pháp.
- Phía bên trái, tay thứ hai cầm cờ báu như ý,
tay thứ ba cầm hoa sen hồng nở,
tay thứ tư cầm cái bình,
tay thứ năm nắm dải lụa,
tay thứ sáu cầm bánh xe pháp,
tay thứ bảy cầm vỏ ốc,
tay thứ tám cầm hiền bình,
tay thứ chín nắm hộp kinh Bát Nhã chữ Phạn.
Tay phía bên trái lại gồm các vật báu như hoa sen, dải lụa, hộp kinh… có nghĩa sau khi đã hàng phục lại ban phát cho chúng sanh những thánh tài Phật pháp để họ có thể tu tập giải thoát.
Bồ tát vì thương tưởng chúng sinh trong thời mạt pháp vốn nhiều chướng nạn như thân đa tật bịnh, trí tuệ kém cỏi hoặc lỡ đã tạo các ác nghiệp sâu dày… nên Ngài đối trước Phật tuyên nói thần chú, để giải trừ các hoặc nghiệp cho chúng sinh.