"BÓNG MA" BẦU TRỜI VÀ CHIẾN THUẬT CỦA NGA NHẰM LÀM KIỆT QUỆ UKRAINE
Nga đang tăng cường sử dụng máy bay không người lái (UAV) với chiến thuật nhằm làm kiệt quệ nguồn lực của Ukraine khi cả hai bên đều đã tiêu hao nguồn lực khổng lồ sau gần 11 tháng xung đột.
CUỘC CHIẾN CỦA NHỮNG "SÁT THỦ BẦU TRỜI"
Kể từ tháng 9/2022, quân đội Nga mở nhiều đợt tập kích bằng tên lửa và UAV tự sát nhằm vào sở chỉ huy quân sự, kho đạn và các hạ tầng trọng yếu như mạng lưới điện của Ukraine. Loại UAV mà Nga sử dụng được cho cải tiến từ UAV Shahed-136 do Iran sản xuất.
Shahed-136 có tầm hoạt động hơn 1.000km, và có thể bay cao tới 4km, tốc độ bay tối đa 185km/h. Nó thể quần thảo nhiều giờ trên không tìm kiếm hoặc tiêu diệt mục tiêu. Khả năng công phá của UAV này là đầu đạn nổ phá mảnh nặng tới 36kg, đủ sức tấn công và tiêu diệt những mục tiêu kiên cố và được bọc giáp hiện đại nhất.
Ukraine cũng tận dụng UAV nhiều hơn cho hoạt động tấn công tầm xa, nhắm vào những mục tiêu nằm sâu sau chiến tuyến của Nga. Kiev bị cáo buộc đứng sau hàng loạt vụ tập kích UAV vào bán đảo Crimea và căn cứ không quân Nga cách biên giới Ukraine 500-700km.
Với hàng trăm UAV trinh sát và tấn công hoạt động trên bầu trời Ukraine mỗi ngày, xung đột ở đây đang trở thành cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các bên nhằm chiếm ưu thế trên không. UAV được cả Nga, Ukraine sử dụng và không ngừng mở rộng về quy mô, cách thức trong mỗi giai đoạn chiến đấu. Đáng chú ý là sự xuất hiện ngày càng nhiều của UAV tự sát.
Video UAV "cảm tử" Nga phá hủy hàng loạt mục tiêu của Ukraine
UAV tự sát có kích thước nhỏ, được chế tạo phần lớn bằng vật liệu phi kim, hoạt động tầm thấp khiến nó dễ qua mặt các hệ thống trinh sát bằng radar, quang ảnh. Chúng có khả năng hoạt động trong khu vực được chỉ định. Nó có thể đảm nhiệm các chức năng trinh sát, quan sát và tiêu diệt.
Theo giới chuyên gia, trên chiến tuyến trải rộng, UAV là lựa chọn tối ưu giúp hai bên có thể nhìn thấy và tấn công nhau mà không cần áp sát.
"Hai yếu tố chính sẽ tác động đến xung đột trong tương lai là UAV chiến đấu để tiến hành các hoạt động tấn công tầm xa và UAV chiến thuật giá rẻ để yểm trợ tầm gần", Samuel Bendett, chuyên gia phân tích
quân sự tại tổ chức nghiên cứu chiến lược CNA, trụ sở ở Virginia, Mỹ, nói.
Khi UAV ngày càng được sử dụng rộng rãi, Ukraine và Nga tìm cách đẩy mạnh năng lực chế tạo trong nước cũng như tìm kiếm nguồn cung từ bên ngoài.
Ukraine tăng cường sản xuất UAV bên trong các nhà máy trông như những văn phòng làm việc. Vị trí của chúng đã được xóa khỏi Google Maps để tránh bị tập kích.
Ukraine hiện sở hữu một số UAV chiến đấu do nước ngoài sản xuất, trong đó có cả mẫu UAV tự sát Switchblade do Mỹ cung cấp. Kiev cũng được nhiều quốc gia phương Tây viện trợ thêm các hệ thống phòng không hiện đại như hệ thống Gepard Flakpanzer của Đức. Những hệ thống này đang và sẽ được sử dụng để giúp Ukraine ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV của Nga.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh nhận định, kho UAV của Nga có thể đã cạn kiệt sau khi họ sử dụng hàng trăm chiếc bù đắp cho tình trạng thiếu hụt tên lửa hành trình. Moscow được cho là đã đặt mua thêm hàng nghìn UAV trong khi các nhà máy quốc phòng hoạt động hết công suất để tăng nguồn cung mặc dù điều này không hề dễ dàng. Nga đang thiếu chip trong việc chế tạo số lượng lớn UAV và không đủ tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của chiến dịch quân sự ở Ukraine.
CHIẾN THUẬT LÀM KIỆT QUỆ
Lực lượng cứu hỏa Ukraine tại hiện trường một tòa nhà ở Kiev bị đánh sập sau một cuộc tập kích tên lửa, UAV của Nga hôm 23/11/2022 (Ảnh: Getty).
Do bay thấp, kích thước nhỏ và tốc độ bổ nhào nhanh, UAV tự sát có thể xâm nhập, thực hiện các cuộc tấn công chính xác và bất ngờ trực tiếp vào tiền tuyến và hậu phương của đối phương. Đặc biệt, chiến thuật tấn công UAV theo "bầy đàn" có thể tạo ra thách thức đáng kể cho hệ thống phòng không của đối phương và tác động không nhỏ đến cục diện cuộc xung đột.
Chiến thuật của Nga từ đầu tháng 10/2022 là lấp đầy bầu trời Ukraine bằng những "mưa" tên lửa và UAV để áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine. Với mỗi đợt tấn công, Nga có thể sử dụng cùng lúc hàng chục UAV và trên dưới 100 tên lửa. Chiến thuật này nhằm phá hủy hệ thống năng lượng và cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraine khi mùa đông đến, và giúp Nga hạn chế thương vong cho phi công, tránh tổn thất máy bay chiến đấu đắt đỏ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đầu tháng này cho biết: "Chúng tôi có thông tin rằng Nga đang lên kế hoạch cho đợt tấn công kéo dài bằng cách sử dụng UAV. Có lẽ họ muốn làm kiệt quệ con người, hệ thống phòng không và hạ tầng năng lượng của chúng tôi".
Kiev nói rằng, kể từ tháng 9 đến nay, họ đã bắn hạ hơn 500 chiếc UAV, hay tương đương 80% số lượng mà Nga đã phóng đi.
Theo giới quan sát, ngay cả khi Ukraine thực sự đánh chặn được phần lớn UAV, thì điều đó cũng không có nghĩa là kho tên lửa Nga đang cạn kiệt. Đây thậm chí được xem là một chiến thuật hiệu quả của Nga nhằm bào mòn năng lực phòng thủ của Ukraine.
Đánh chặn cùng lúc "mưa" tên lửa và UAV khiến hệ thống phòng không Ukraine quá tải. Ví dụ, một tổ hợp phòng không NASAMS mà Mỹ viện trợ Ukraine có thể khai hỏa 6 quả đạn trong vòng 15 giây, nhưng mất tới vài phút để tái nạp đạn. Do đó, sau khi dùng hết cơ số đạn để đánh chặn, các hệ thống này không thể phản ứng nếu Nga khai hỏa tên lửa dẫn đường cùng thời điểm. Chỉ 1 hoặc 2 chiếc lọt qua lưới phòng thủ cũng đủ gây thương vong hay phá hủy các hạ tầng quan trọng.
Tình trạng này kéo dài sẽ khiến kho dự trữ đạn pháo, tên lửa phòng không của Ukraine cạn kiệt trong khi nước này đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung từ các nước phương Tây. Đó là chưa kể đến việc các tổ hợp phòng không liên tục hoạt động quá tải dẫn đến những hỏng hóc buộc phải rút khỏi chiến trường để sửa chữa.
Ukraine liên tục khẳng định họ đánh chặn được nhiều hỏa lực của Moscow, nhưng sau đó vẫn phải thừa nhận hại đáng kể dưới mặt đất.
Chính quyền của Tổng thống Zelensky cho biết, các đợt tập kích diện rộng của Nga khiến một nửa hạ tầng năng lượng của Ukraine hư hại hoặc bị san phẳng hoàn toàn, khiến hàng triệu người dân rơi vào cảnh mất điện giữa thời tiết đóng băng.
Tổ chức viện trợ Mercy Corps nhận định, lưới điện của quốc gia này có thể sụp đổ trong vài tuần tới nếu như Nga tiếp tục không kích với cường độ như hiện nay.
Theo Mercy Corps, với việc nhiệt độ mùa đông ở Ukraine thường dao động từ -2 độ C đến -15 độ C, tình trạng mất điện và không có hệ thống sưởi ấm sẽ khiến các thành phố của Ukraine trở nên gần như "không thể sinh sống nổi" trong vòng 4 tháng tới.
"Điều chúng tôi lo sợ là đến một lúc nào đó, nếu họ tiếp tục với tốc độ tấn công này trong vài tuần tới, lưới điện của Ukraine sẽ đối mặt với tình trạng đổ sập nghiêm trọng", Michael Young, giám đốc của Mercy Corps ở Ukraine, cho biết.
Để tránh kịch bản này, giới chức Ukraine không ngừng kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây tăng cường viện trợ các hệ thống phòng không hiện đại, xe tăng, xe chiến đấu bộ binh cho một kế hoạch phản công bước ngoặt.
BÀI TOÁN KHÓ CỦA UKRAINE
Binh sĩ Ukraine khai hỏa một tổ hợp pháo ở Donetsk hôm 5/12/2022 (Ảnh: EPA).
Ukraine hiện sử dụng nhiều phương thức để bắn hạ các UAV của Nga như súng phòng không, pháo, tên lửa phòng không. Khi UAV được sử dụng với tần suất thấp, Ukraine có thể lựa chọn đánh chặn bằng pháo phòng không. Tuy nhiên, khi Nga thực hiện chiến thuật tấn công UAV bầy đàn vào ban đêm, Kiev buộc dùng đến các hệ thống tên lửa phòng thủ hiện đại được phương Tây viện trợ hoặc tên lửa S-300, Buk thời Liên Xô với chi phí đắt đỏ hơn.
Michael Kofman, chuyên gia về quân đội Nga tại Viện nghiên cứu CNA (Mỹ), cho biết Ukraine đang sử dụng nhiều hệ thống phòng không khác nhau, bao gồm các hệ thống tên lửa thời Liên Xô và các hệ thống tên lửa hiện đại của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để chống lại các mối đe dọa từ UAV.
Theo các chuyên gia, UAV mà Nga sử dụng tương đối rẻ, trong khi vũ khí Ukraine dùng để bắn hạ đắt hơn nhiều. Thậm chí, chi phí cho một "bầy" UAV tấn công có thể thấp hơn nhiều so với một tên lửa đất đối không dùng để bắn hạ một trong số chúng. Ví dụ, một UAV Shahed-136 có giá trung bình 20.000 USD, trong khi một quả tên lửa phòng không IRIS-T của Ukraine có giá 430.000 USD, nghĩa là gấp 20 lần.
Hơn nữa, hệ thống phòng không tiên tiến được sử dụng để bảo vệ các mục tiêu giá trị cao trước tên lửa không hoàn toàn phù hợp để ngăn chặn UAV giá rẻ.
Một số nhà phân tích cho rằng, sự mất cân bằng này nếu kéo dài có thể có lợi cho Nga bởi nó nhanh chóng làm tiêu hao nguồn lực của Ukraine và khiến các quốc gia phương Tây phải tốn kém.
"Phòng thủ chống lại UAV rất khó vì lợi thế luôn nghiêng về phía chủ động tấn công. Đối với mỗi 10 USD bạn chi tiêu cho việc phòng thủ, đối thủ chỉ cần chi 1 USD để gây ra thách thức cho các hệ thống đó", William Alberque, Giám đốc Chiến lược, Công nghệ và Kiểm soát Vũ khí của IISS, nói với
Eurasian Times.
Trong thời gian tới, Ukraine sẽ được cung cấp hệ thống phòng không có năng lực cao hơn như Patriot để chống lại các UAV của Nga. Patriot, vốn được mệnh danh là "lá chắn thép, được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên không từ UAV, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, đến máy bay chiến đấu, trực thăng. Phạm vi hoạt động của chúng thay đổi linh hoạt từ 30-160km.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, vấn đề không nằm ở tính hiệu quả của hệ thống vũ khí Ukraine, mà là tính bền vững và lâu dài của phương án phòng không này. Việc sử dụng tên lửa rất đắt đỏ để đánh chặn UAV giá rẻ hơn rất nhiều có thể gây ra những tác động lâu dài tới Ukraine cả về
tài chính lẫn quân sự.
Artem Starosiek, người đứng đầu công ty tư vấn Molfar của Ukraine, cho biết Ukraine đang phụ thuộc vào các đồng minh, đối tác phương Tây, đặc biệt là Mỹ, về nguồn cung hệ thống phòng không cũng như các khoản chi phí chiến sự. Khi phương Tây tiếp tục sẵn sàng viện trợ, thì việc dùng tên lửa đắt đỏ để đánh chặn UAV giá rẻ của Nga không phải vấn đề quá lớn. Tuy nhiên, Ukraine không thể loại trừ nguy cơ, nếu xung đột kéo dài, các nước này sẽ ngày càng mệt mỏi khi phải gánh chiến phí quá lớn.
Ông Alberque cho rằng, phương án tốt nhất để đối phó với UAV tự sát là phải ngăn chặn chúng đi vào chiến trường ngay từ đầu, ví dụ như tấn công bãi phóng trước khi các UAV xuất kích. Đây là một thách thức không nhỏ với Ukraine, vì vậy, ông cho rằng, Kiev sẽ chưa thể giải quyết một cách thỏa đáng vấn đề phòng ngự trước UAV tự sát trong tương lai gần.
Một số quốc gia đang tìm cách đánh chặn UAV tự sát với mức chi phí tối ưu hơn, như sử dụng năng lực tác chiến điện tử. Tuy nhiên, Ukraine hiện chưa sở hữu năng lực đủ mạnh để phong tỏa khu vực không phận rộng lớn bằng vũ khí tác chiến điện tử.
Do vậy, với Ukraine, để đối phó với chiến thuật tấn công UAV bầy đàn của Nga, họ cần thêm thời gian để tính đến các phương án lâu dài hơn.
(Dân trí) - Nga đang tăng cường sử dụng máy bay không người lái (UAV) với chiến thuật nhằm làm kiệt quệ nguồn lực của Ukraine khi cả hai bên đều đã tiêu hao nguồn lực khổng lồ sau gần 11 tháng xung đột
dantri.com.vn