MỚI NHẤT
KINH TẾ
“Ăn dày” như... BOT
LĐ | 19/08/2017 | 06:20 AM
Trạm thu phí BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang). Ảnh: P.V
Trạm thu phí BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang). Ảnh: P.V
Như Báo Lao Động đã phản ánh trong số báo trước về việc những BOT đặt “nhầm chỗ” như những khối u trên quốc lộ 1 (trong đó có dự án tai tiếng BOT tránh thị xã Cai Lậy - Tiền Giang), và đó được coi như điều kiện để nhà đầu tư đảm bảo phương án tài chính. Thực tế, qua điều tra của Lao Động, các dự án BOT không “khốn khó” đến như vậy, thậm chí việc đặt các trạm không ở đường tránh mà ra hẳn quốc lộ 1 khiến các chủ dự án BOT “ăn quá dày”.
Đầu tư 700 tỉ đồng, mỗi ngày thu hơn 1 tỉ đồng trong… 7 năm
Đó là sự vô lý đã xảy ra ở BOT đường tránh Thanh Hóa. Đây là dự án mà sự vô lý đã thể hiện ngay ở vị trí đặt trạm. Đường tránh TP.Thanh Hóa dài hơn 10km, tổng mức đầu tư 822 tỉ đồng, sau khi kiểm toán thì tổng đầu tư thực tế còn 786 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư là 156 tỉ đồng, vốn vay là 489 tỉ đồng, vốn ngân sách nhà nước là 141 tỉ đồng. Lẽ ra, vị trí đặt trạm phải ở đường tránh, đằng này lại được Bộ GTVT, tỉnh Thanh Hóa tạo điều kiện cho đặt ở trạm thu phí ở Tào Xuyên và từ năm 2012 được đặt ở Dốc Xây cách tuyến tránh 50km. Song, bất ngờ lớn nhất ở chỗ nhờ có sự hỗ trợ đặc biệt này, dự án thu hồi vốn một cách thần tốc. Từ dự toán thu phí trong 30 năm thì chỉ cần 7 năm, BOT tuyến tránh Thanh Hóa đã hoàn vốn, tức là rút ngắn được hơn 20 năm so với dự toán. Ngày 10.8 vừa qua, Tổng cục Đường bộ đã quyết định tạm dừng thu phí ở trạm này. Nhưng vấn đề ở đây là, với mật độ phương tiện giao thông dày đặc, mỗi ngày trạm Dốc Xây (Tào Xuyên) thu 1,7 - 2 tỉ đồng. Chỉ cần nhẩm tính có thể ra ngay con số, trong 7 năm thu phí (tương đương 2.500 ngày), tổng số tiền thu về từ tiền vé qua trạm là 4.300 tỉ đồng. Bỏ chưa đến 800 tỉ đồng để thu về hơn 4.000 tỉ trong 7 năm quả là lãi kinh khủng. Chưa hết, trong phụ lục của hợp đồng BOT tuyến tránh Thanh Hóa còn có điều khoản “nhà đầu tư được thu lợi nhuận trong 3 năm”. Tức là sau hoàn vốn, nhà đầu tư có hẳn 3 năm để “thu đồng nào bỏ túi đồng đó”, tính sơ sơ cũng trên… 1.500 tỉ đồng nữa. Rất may, Tổng cục Đường bộ đã dừng trạm thu phí này từ ngày 10.8 và khẳng định “việc giữ nguyên thời gian thu phí tạo lợi nhuận là 3 năm như hợp đồng ban đầu là chưa hợp lý”, tuy nhiên con số lãi khủng kia đã đi về đâu? Và tại sao dự án tuyến tránh Thanh Hóa chỉ cần 3 năm là thu hồi vốn và tạo lợi nhuận khủng cho nhà đầu tư mà tới 7 năm mới bị phát hiện và dừng thu phí? Một dự án khác ngay gần đó là dự án đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chính thức thu phí từ tháng 10.2015 theo mức quy định của Bộ Tài chính với đơn giá 1.500 đồng/km (cho loại xe dưới 12 chỗ ngồi) với thời gian thu phí tới 17 năm, 1 tháng. Đây không phải là đường làm mới, chủ đầu tư là Cty Cổ phần đầu tư và phát triển Minh Phát, Cty Xây dựng công trình giao thông 1 và Cty CP Đầu tư và xây dựng Phương Thành chỉ tiến hành nâng cấp tuyến đường dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng, trong đó ở giai đoạn 1 sẽ nâng cấp mặt đường 4 làn xe với tổng mức đầu tư xấp xỉ 2.000 tỉ đồng (đã thi công xong và thu phí từ tháng 10.2015). Bên cạnh ý kiến cho rằng mức phí thu 1.500 đồng/km đối với tuyến đường này là khá cao bởi đây là dự án đường được nâng cấp, không phải làm mới thì còn có ý kiến khác. Đó là với mức doanh thu 1,2 tỉ đồng/ngày thì dự án có cần tới 17 năm để thu hồi vốn? Chưa kể thời gian thu phí thêm để tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư không dưới 3 năm hiển nhiên là một thuận lợi kếch xù. Chưa kể năm 2016, dư luận xôn xao về câu chuyện nhà đầu tư “báo cáo láo” với mức tiền chênh lệch từ thu phí từ 500 - 700 triệu đồng mỗi ngày. Trở lại với “điểm nóng” Cai Lậy, mức đầu tư cho dự án là 1.300 tỉ đồng, trong đó đường tránh 1.000 tỉ đồng, nâng cấp quốc lộ 1 là 300 tỉ đồng. Thời gian dự kiến thu phí là 6 năm, 5 tháng. Thế nhưng, qua báo cáo tài chính của Tổng cục Đường bộ gửi Bộ GTVT hôm 15.8, chỉ từ ngày đầu thu phí (1.8.2017) đến 14.8.2017, trạm này đã có doanh thu gần 13 tỉ đồng (cụ thể là 12.728.215.000 đồng). Từ đó dễ dàng nhận thấy mỗi ngày trạm Cai Lậy có thể thu gần 1 tỉ đồng. Căn cứ vào thực tế ấy, chỉ cần 1 năm là đủ tiền trả khoản 300 tỉ nâng cấp “tráng men” quốc lộ 1 qua Cai Lậy và 3 năm nữa để thu hồi vốn tuyến đường tránh chứ không phải “dự kiến” đến 6,5 năm nữa.