Cá thần sông Thiêng 5
Họ đang nướng cá, mùi thơm sực nức. Ông già và cô gái vẫn còn đó, họ đang nấu nướng bên đống lửa. Tôi vẫn cảm thấy ngượng ngùng, vì những hành động ngu ngốc ban trưa, không muốn chui ra khỏi lều và giáp mặt bọn họ.
Mặt trời khuất sau dãy núi đá, trời sập tối rất nhanh. Tú khỉ đem bình ắc quy ra chong đèn, nó bất chợt nhìn thấy tôi. Mày còn thập thò trong đấy làm gì? Nó hất hàm. Mau ra chào ân nhân đi! Phúc ba đời nhà mày!
Trong chốc lát, tất cả bọn họ ngừng tay quay sang nhìn tôi. Ông già mỉm cười lắc đầu, rồi tiếp tục xào nấu, ông ta gắp một món gì đó lên nếm thử, sau đó vội nhấc chiếc nồi xuống. Cô con gái lật lật những xiên cá nướng. Hai cô gái kia thì đang dọn bát đũa.
Tôi sượng sùng chui ra khỏi lều, sớm muộn gì cũng phải ra ngoài đó. Tôi lại gần đống lửa, không biết nên bắt đầu như thế nào.
- Cháu cảm ơn! – Tôi lúng búng – Cảm ơn bác…
- Không có gì! – Ông ta quay sang vỗ vai tôi cười cười – Mà sao mày liều mạng thế?
- Cháu không định thế, cháu không biết…
- Lần sau đừng có dại thế - Ông ta phẩy tay – Khối người chết ở đấy rồi đấy, năm nào mùa lũ cũng vài mạng, chết trôi ở đâu về đến đây là nổi lên bằng hết, đã gọi là sông Thiêng mà lại. Mà thôi, ra ăn cơm đã.
Cô con gái ngẩng lên nhìn tôi, trong bóng chiều nhập nhoạng, tôi vẫn kịp nhận ra cô ta rất xinh đẹp. Những ánh lửa bập bùng, và vẻ e lệ trong đôi mắt loang loáng đó. Tôi đi theo bọn họ về phía mâm cơm, cảm thấy mình thật ngu ngốc, yếu đuối.
Hai cô gái kia kín đáo liếc nhìn tôi, cố giấu những nụ cười tủm tỉm trên môi, khiến tôi càng lộn ruột. A! Bọn họ nghĩ tôi là một thằng ngốc đây!
Tú khỉ cố tỏ ra vui vẻ như chẳng có chuyện gì xảy ra, nó rót rượu vào những chiếc cốc giấy, không hiểu nó lôi ở đâu ra một chai rượu trắng. Tôi nhớ rằng trên xe chỉ mang theo bia lon, đồ hộp, bánh mỳ và mỳ tôm.
- Nào! Uống mừng thằng cuội này thoát chết nào! – Tú khỉ nâng cốc, nó thoáng nhìn tôi rồi quay sang phía hai cha con ông già kia – Ly này con xin thay mặt thằng bạn dại dột của con, tạ ơn bố và em đây đã liều mình cứu nó.
- Thôi có gì đâu – Ông già đỡ lời – Thấy chết mà không cứu thì sau này tao còn dám nhìn mặt ai. Cũng may con bé nhà tao nó nhìn thấy lúc chúng mày bắt đầu lôi xuồng ra bơi, tao gọi nhưng chả đứa nào nghe thấy, đi mà tạ ơn nó ấy!
- Con cảm ơn bố! Cảm ơn em gái! – Tôi cầm ly rượu, tay hơi run run – Ly này con xin uống cạn, nếu bố không chê, con xin được nhận bố là bố nuôi, nhận em gái đây là em kết nghĩa.
- Được đấy! – Tú khỉ vui vẻ nói – Thế là phải đạo đấy!
- Thôi thôi! – Ông già xua xua tay – Có gì đâu cơ chứ, uống thì uống, bố con thì bố con, cần gì bày đặt cho rắc rối. Tao là tao cứ đơn giản thế thôi, chỉ sợ chúng mày chê bố con tao nhà quê, chứ tao sợ gì mà không nhận chúng mày làm con làm cái?
Nói rồi ông ta ngửa cổ uống cạn cốc rượu. Tôi cũng làm theo. Rượu rất ngon, khá nặng, có mùi thơm là lạ. Tất cả nhìn cô con gái ông ta chờ đợi. Thoáng chút ngần ngừ, rồi cô gái cũng uống cạn hết cốc rượu, khiến hai cô gái còn lại lắc đầu lè lưỡi.
- Ha ha ha! Hay lắm! – Tú khỉ cười ha hả - Hai em cùng anh uống chứng kiến, uống đi!
- Đúng rồi, uống chứng kiến đi! – Ông già cười hưởng ứng – Lên miền núi phải uống theo kiểu miền núi đấy nhá!
Hai cô gái chối đây đẩy, nhưng õng ẹo mãi không xong, rốt cuộc rồi cũng phải uống cạn cùng Tú khỉ.
- Tao họ Lý, tên là Văn – Ông già thủng thẳng nói, rồi chỉ tay vào cô con gái – Nó tên là Vân.
- Con là Trần Tiểu Đăng – Tôi nói.
- Gọi là Đăng cuội, bố ạ! – Tú khỉ thêm vào – Nó nói dối như cuội ấy.
- Còn nó là Tú khỉ - Tôi nói – Vì nó hay làm trò khỉ, trông cũng giống khỉ nữa.
- Vâng, không bằng cái trò của mày ban sáng đâu, đồ con khỉ! – Nó giơ cốc rượu về phía tôi dứ dứ. Bọn họ cười ầm.
Men rượu khiến người tôi nóng bừng. Đồ nhắm khá ngon, gồm có chả cá nướng, cá quấn lá dong vùi tro, lòng cá xào măng, canh cá nấu măng chua. Câu chuyện chuyển sang chủ đề ẩm thực của người Thái, phong tục sinh sống, và cuối cùng là chuyện về con cá thần.
Ông Văn vốn người gốc Hưng Yên, sống bằng nghề chài lưới, hai vợ chồng ông lên đây khai hoang từ cuối những năm bảy mươi, mãi vài năm sau họ mới có với nhau duy nhất một cô con gái. Vào năm 1986, lúc cô con gái mới được hơn một tuổi, vợ ông bị một trận lũ ống cuốn mất tích. Ông cho rằng số phận ông gắn với dòng sông này một cách đặc biệt, bí hiểm, kể từ khi ông gặp con cá thần, và nhất là sau cái chết của vợ.
- Nhìn đây này! Chỉ vì con cá thần đấy! – Ông Văn giơ bàn tay phải lên cho chúng tôi thấy, bấy giờ tôi mới nhận ra nó bị cụt mất hai đốt ở ngón trỏ và ngón giữa – Chúng mày đừng dính vào cá thần, đen lắm!
Tất cả lặng đi chờ đợi, nhưng ông ta không kể gì thêm về chuyện đó, lặng lẽ rót cho mình một cốc rượu rồi uống cạn.
- Nó có to như người ta đồn không? – Tú khỉ cố gặng hỏi.
- To lắm! To bằng mấy cái xuồng kia cộng lại là ít, mà đấy là hồi xưa, chứ giờ không biết bằng chừng nào. Thằng lái đò hôm nọ có kịp nhìn thấy nó đâu, ùm phát là lật thuyền, sợ chết khiếp, bơi một mạch thẳng vào bờ, chỉ đoán già đoán non là nó chứ đã kịp nhìn thấy đâu. Nó biến đâu mất mấy năm nay. Hồi xưa mỗi năm nó chỉ nổi một vài lần, thường là sau mùa lũ. Bọn thợ cá sông Đà mấy năm liền mò sang đi săn, theo nó sang tận Lào, đi năm thằng chết hai, ba thằng còn lại về cũng thành dở người. Đen lắm!
- Xin lỗi bố nhá! – Tú khỉ cắt ngang – Con *** tin chuyện thần thánh, con nói thật. Chẳng qua là chuyện mê tín, dân mình hay có kiểu một đồn mười, làm gì có con cá to thế ở cái sông này. Ở sông Mê Kông thì may ra, chứ làm sao nó sống được ở đây? Nghe nói mùa cạn còn lội qua sông được, đúng không?
- Đúng là mùa cạn lội qua sông được, nhưng tao tận mắt nhìn thấy nó. Với lại, cái vụng nước kia sâu lắm, tao lặn xuống…
Ông Văn dường như khó chịu khi Tú khỉ tỏ ra nghi ngờ về con cá, ông ta còn muốn nói thêm gì đó, nhưng ngần ngừ một lát rồi thôi, im lặng nhấp rượu. Cô con gái nhìn ông ta vẻ ra lo lắng, từ đầu đến giờ cô ta vẫn chưa nói một lời nào.
- Sao em ít nói thế? – Tôi hỏi.
- Dạ, vầng! – Cô ta chỉ nói vậy, hơi mỉm cười.
- Tính nó thế thành quen rồi – Ông Văn giải thích – Hai bố con có khi cả ngày chả nói với nhau câu nào.
- Con chỉ mong lấy được người vợ như thế thôi – Tú khỉ nói – Con bỏ vợ cũng chỉ vì nó nói lắm quá, điếc hết cả tai.
- Có mà vợ bỏ anh thì có – Một trong hai cô gái kia õng ẹo – Người đâu mà khó tính khiếp lên được! Phụ nữ thì phải nói nhiều chứ sao?
- Ha ha, anh rất chi là dễ tính nhá! – Tú khỉ cười nhăn nhở - Giờ em chỉ cần ít nói một tí là anh lấy ngay, thề đấy!
- Thôi chả dám! Em biết anh dễ tính thế nào rồi!
- Cũng có vài đám đánh tiếng dạm hỏi, chả hiểu sao cái con này nó không chịu – Ông Văn nói tiếp – Học hết phổ thông là nó nhất định ở nhà phụ giúp chài lưới, chợ búa, bảo đi học lấy cái nghề gì mà sống nó không nghe, bảo lấy chồng cũng không, nhiều lúc nghĩ chán lắm!
- Bố lại thế rồi! – Cô con gái kéo tay ông Văn.
- Còn không nữa à? – Ông ta nói to – Gái lớn thì phải lấy chồng, chứ ở nhà để thành bà cô già dở người à?
Cô gái định nói lại với bố câu gì đó, nhưng vừa lúc ấy phía bờ sông có tiếng chuông lục lạc kêu reng reng. Mải ăn uống và trò chuyện, chúng tôi đã quên khuấy đi mất những chiếc cần câu vẫn đang cắm ở bờ sông.
Tất cả ngừng nhai, nhìn nhau giây lát. Thế rồi Tú khỉ kêu lên đầu tiên: “Cá cắn rồi!”. Nó đứng dậy lao ra bờ sông, mất hút trong bóng đêm. Tôi nhìn theo, bỗng cảm thấy ớn lạnh xương sống, phía ấy tối om om, chẳng hứa hẹn điều gì tốt lành.
- Cầm đèn pin ra đây mau! – Tú khỉ hét toáng lên phía bờ sông – Cá to lắm! Nhanh lên!
- Bình tĩnh! – Ông Văn đáp lại – Cứ bình tĩnh, cá to nó không chạy ngay đâu mà lo!
- Con này to lắm, chắc là cá thần rồi! – Tú khỉ nói vọng lại.
Ông Văn chộp chiếc đèn pin lững thững đi ra bờ sông, chúng tôi đi sau. Tú khỉ đang xuống tấn, ưỡn người kéo co, chiếc cần câu cong veo, đầu cần gắn dạ quang giật giật liên hồi. Thú thật là tôi không mấy hứng thú, chỉ miễn cưỡng đi theo bọn họ, và một phần nào đó là do tò mò. Nghĩ đến cảnh vật lộn với con cá ban sáng, tôi cảm thấy kinh hoàng, hai cánh tay vẫn còn đang đau nhức. Tú khỉ thì không, nó vẫn còn rất hăng. Tiếng máy xả cước kêu ro ro, đâu đó trong làn nước tối tăm kia, một con quái vật đang lồng lộn cố gắng chạy thoát. Ông Văn soi đèn pin về phía đó, chiếc đèn pin sạc loại cực mạnh, nhưng chúng tôi cũng chỉ thấy một phần mặt nước cuộn chảy, loang loáng ánh sợi cước di chuyển.
Lần này Tú khỉ không còn tỏ ra kích động như ban sáng, nó nghiến răng gồng mình kéo con cá vào, chỉ gầm gừ trong cổ họng: “Mày chết với ông này! Chết với ông này!”
- Kéo vào được thì kéo ngay lần đầu! – Ông Văn nói – Đừng để nó chạy lần nữa là mệt lắm đấy!
- Con đang cố đây! – Tú khỉ rít qua kẽ răng – Để xem cá thần của bố tuổi gì mà chạy?
- Không phải nó đâu – Ông Văn cười khà khà – Nếu là nó thì mày xuống sông rồi.
- Được rồi, bố cứ chờ đấy! – Tú khỉ hổn hển nói, càng ra sức kéo.
Ông Văn tiến lại gần sờ tay vào sợi cước rồi búng búng trên cần câu, nó kêu tưng tửng như đàn bầu vậy:
- Bố làm cái gì thế? – Tú khỉ kinh ngạc.
- Búng thế cho nó đau, với lại để xem con cá to chừng nào – Ông Văn cười cười – Con này giỏi lắm hai chục cân thôi.
- Con này chắc chắn phải to hơn con ban sáng – Tú khỉ cãi.
- Ờ, rồi xem! – Ông Văn ngạo nghễ nói, tiếp tục búng búng vào sợi dây cước. Ngay lập tức đầu cần câu lại bị dúi xuống, máy câu ra cước vèo vèo.
Tú khỉ vặn phanh hãm hết cỡ, nhưng cước vẫn liên tục xả.
- Bố giết con rồi! Sắp ra hết cước mất rồi! – Tú khỉ kêu lên tuyệt vọng, nó dùng tay trái tóm vào cuộn cước trong máy câu, không cho nó quay nữa, lấy hết sức kéo chiếc cần trở lại.
Một tiếng động lớn phía xa xa, nghe như thể có một con lợn tạ rơi xuống sông vậy.
- Nó nhảy lên đấy! – Tú khỉ hét – Nghe thấy không? Nó nhảy lên là nó sắp đi rồi đấy. Ha ha, cá thần sắp đi xa với anh rồi các em ơi!
- Cá chày – Ông Văn thủng thẳng nói, cá chày mới nhảy như thế.
- Bố tinh vi quá đấy! – Tú khỉ nói trong hơi thở phì phò, nó đang quay máy câu cật lực để thu cước vào, con cá có vẻ đã chịu thua, thi thoảng có thể nghe thấy tiếng giãy giụa của nó trên mặt sông.
Qua ánh đèn pin, mỗi khi Tú khỉ kéo mạnh, tôi thấy một hình dáng lờ mờ rẽ sóng phía xa xa.
Thế rồi phía đó bỗng tung tóe nước, một tiếng động khủng khiếp từ đó dội lại khiến tôi giật bắn mình. Ánh đèn pin chao đảo. Những cô gái thét lên kinh hãi. Tú khỉ đang ngửa người kéo cá bỗng bị hẫng tay cần, mất đà ngã bắn ra phía sau, cả khối thịt gần một tạ của nó rơi huỵch xuống bãi cát, trên tay hình như vẫn khư khư cây cần câu.
- Cái quái gì đấy hả bố già? – Tú khỉ lồm cồm bò dậy – Đứt cước rồi hay sao ấy!
- Tao cũng không biết! Kinh quá! Mày xem còn cá không? – Ông Văn soi đèn pin vào Tú khỉ, rồi soi trở lại phía lòng sông.
- Vẫn còn! Vẫn còn cá, nó vẫn giãy, nhưng nó mệt lắm rồi thì phải! Ha ha ha! – Tú khỉ reo lên, nó guồng máy câu nhoay nhoáy.
Tôi nhận ra hai cô gái kia đang bấu chặt vào hai cánh tay tôi, run rẩy. Cô con gái ông Văn thì đứng nép sau lưng bố, cô ta cũng có vẻ sợ. Nếu không có đông người ở đây và mấy cốc rượu trong người, hẳn là tôi cũng đã vãi cả *** ra quần. Tôi cố trấn tĩnh và căng mắt nhìn theo ánh đèn pin, chờ xem đó là cái thể loại cá mú gì mà có thể giãy giụa và tạo ra cái thứ âm thanh khủng khiếp như thế.
Cuối cùng con cá cũng bị kéo vào chỗ bờ cát thoai thoải. Ông Văn đưa đèn pin cho tôi rồi lội xuống lôi con cá lên. Tôi soi đèn vào con cá.
Tất cả chúng tôi đứng chết lặng. Tôi cảm thấy toàn thân mình nổi gai ốc, tóc gáy dựng ngược