Khi tôi tỉnh ngủ, trời đã sáng bảnh. Mặc dù đã khá muộn, nhưng qua khe liếp tôi thấy sương khói ngoài rừng vẫn bảng lảng, ánh sáng nhợt nhạt lọt qua khe cửa. Nàng dậy sớm và đang lúi húi đun nấu nước nóng, sửa soạn bữa sáng cho tôi. Trong gian nhà vẫn tối om, tôi mỉm cười nhớ lại đêm vừa trải qua, tận hưởng hơi ấm của nàng vẫn còn lưu lại trong chăn.
Trông nàng còn rạng rỡ hơn cả hôm trước, ngượng ngùng đỏ bừng mặt khi thấy tôi mỉm cười nhìn nàng lúc bước vào bếp, tôi hôn âu yếm lên cái gáy của nàng, vòng tay ôm lấy nàng, vuốt ve đôi bàn tay ấm áp của nàng. Cảm ơn em, tôi nói thầm vào tai nàng. Mùi gỗ cháy thơm nồng, mùi tóc nàng, mùi da thịt, và lửa cháy tí tách reo vui.
Sau khi tắm rửa, chúng tôi ăn sáng. Bữa sáng và tối của người miền núi luôn là cơm nóng, bữa trưa có thể là cơm nắm hoặc xôi. Chúng tôi chỉ ăn hết vài con trong đàn cá tối hôm trước, chỗ cá hôm còn lại đã được nàng kẹp tre hun khói cả đêm, ngon tuyệt vời với cơm nóng canh ngọt, một loại canh cải nấu với xương cá và gừng. Con cá sỉnh hầu như chẳng phải bỏ đi chút nào, bộ lòng ruột và gan mật cá được gọi là pịa, chưng với hành khô phi, cùng với một số gia vị rừng trộn lẫn, cho ra một thứ nước chấm sền sệt nhằng nhặng đắng, thơm ngon và béo ngậy, có thể chấm cho bất cứ thức ăn gì, thậm chí rưới lên cơm nóng ăn thôi cũng khá là tốn cơm rồi. Vào lúc đó, với khung cảnh đó và bên người phụ nữ đó, tôi đã được nếm một thứ mà chẳng sơn hào hải vị nào có thể sánh nổi. Dường như tôi đã hiểu ra cái lẽ tự nhiên, lý do vì sao mà cha con họ có thể ung dung tự tại sống ở cái nơi heo hút này, bởi họ đã hoàn toàn hòa nhập với thiên nhiên, đã học được cách sinh tồn nhờ những thứ tối thiểu nhỏ bé, cân bằng tuyệt đối. Bầu không khí trong lành, nguồn nước trong lành, nguồn thức ăn vô tận đến từ ngay cả những con sâu cái kiến và cây trái xung quanh, cá nước chim trời, ngũ cốc rau củ quả tự trồng hái thu hoạch, điện tự sản xuất, chẳng thiếu thứ gì, trừ thế giới văn minh xô bồ ô nhiễm tít xa xôi kia. Nơi đây, thời gian như ngừng trôi, họ dường như trẻ mãi, cho đến lúc lìa xa cõi tạm này.
Tôi hít sâu bầu không khí lạnh trong lành buổi sáng đó, lững thững đi dạo trong sân. Nàng lúi húi dọn dẹp. Vẫn chưa thấy mặt trời đâu cả, nhưng một quầng sáng trên cao đang tỏa xuống, báo hiệu một ngày nắng đẹp sẽ đến. Lát sau nàng cắp một cái thúng nhỏ đậy nắp và dắt tay tôi đi về phía bờ sông. Cứ đi theo em, nàng nói, em muốn anh biết một điều này.
Chúng tôi dừng lại ngay ở bãi đá lấn ra sông, gần vực xoáy khúc quanh. Nàng lật ngửa cái nắp thúng thành mâm rồi bày ra bát cơm nóng, vài con cá sấy nướng, bát canh, và rồi thêm một ống tre đựng gạo để cắm hương. Nàng châm hương chắp tay quỳ lạy, khấn về phía dòng sông. Nàng bảo tôi làm theo, tôi lặng lẽ làm theo, không thắc mắc gì.
- Mẹ em bị lũ cuốn đúng ở chỗ này, nàng nói, em nghe bố kể lại, bố đã chứng kiến mẹ bị lũ cuốn mà không làm gì được, lúc ấy ông ấy đang tìm cách bắt con cá thần kia đấy.
- Vì thế mà bố em luôn nghĩ chính con cá đem lại tai họa?
- Không hẳn là thế, nhưng nhiều năm sau ông ấy vẫn săn lùng con cá, cho đến khi bị cụt hai ngón tay.
- Sao hôm nay lại thắp hương ở đây? Ngày giỗ mẹ em à? – Tôi thắc mắc.
- Không phải, từ khi lớn lên, em đã thầm hứa với mẹ bao giờ em yêu ai sẽ dẫn đến đây cho mẹ biết. Thế thôi, đừng sợ, mẹ em thực ra hiền lắm, không như người ta nghĩ đâu?
- Không như người ta nghĩ là sao? – Tôi kinh ngạc nhìn nàng dò hỏi, thoáng rùng mình cảm thấy có gì đó khuất tất trong chuyện này.
- Em nhỡ mồm thôi, mà anh không cần biết thì hơn.
- Mẹ em còn sống à? – Tôi hỏi thẳng.
- Mẹ em vẫn hiện hồn về à?
- Không, không phải như thế.
- Đừng có nói là trước khi chết, mẹ em là người không tốt và độc ác đấy nhé, anh không tin bố em lấy một người phụ nữ như thế. Nhất là, một người phụ nữ xấu xa thì sẽ không thể sinh ra một người con gái đẹp như em được.
- Đúng, mẹ em rất đẹp, anh xem ảnh thờ mẹ em thì biết rồi đấy.
- Ảnh trên cao, bé tí, lại khuất sau bát hương nên anh chưa kịp nhìn rõ bao giờ. Thế sao người ta lại nghĩ xấu về mẹ em? Người ta là những ai? Hay là…
- Hay là cái gì?
- Hay là bà vẫn chưa chết? Hay là bà bị tật nguyền sau tai nạn rồi lánh xa bố con em? Bà ấy tái giá với ai đó?
- Thôi anh đừng hỏi, mẹ em chết rồi – Nàng quay về phía bờ sông chắp tay khấn.
- Cầu cho vong hồn cô siêu thoát! – Tôi chắp tay lẩm nhẩm khấn theo nàng.
Tôi ôm lấy vai nàng vỗ về, trông nàng có vẻ buồn, khiến tôi bỗng tự dưng thấy mình có lỗi và vụng về hết sức, chẳng biết phải làm gì để nàng vui lên nữa. Tôi hôn nhẹ vào má nàng, gò má nàng thoáng ửng hồng giữa buổi sáng vắng lạnh ấy.
- Anh có biết tại sao bố em lại bị cụt hai ngón tay không?
- Anh biết, con cá kia cắn cụt chứ gì?
- Đúng vậy, nhưng không phải vậy.
- Nghĩa là sao?
- Chính con cá ấy đã cứu bố em, nó cắn hai ngón tay thì ông ấy mới thoát khỏi bị kẹt dưới đáy sông.
- Chuyện là thế nào, kể rõ cho anh nghe đi!
- Lúc ấy ông ấy đang săn đuổi nó, ông ấy phóng ngọn lao có ngạnh sắc cắm sâu vào thân nó, cán lao buộc sợi thừng dài nối vào cổ tay. Ông ấy quyết sống chết bắt bằng được con cá, nó kéo ông ấy vào tận trong cái hang kia. Anh hình dung nổi không, nó kéo ông ấy từ đây vào tận trong cái hang kia đấy.
- Không thể tin nổi, lẽ ra ông ấy phải chết ngạt rồi chứ?
- Em cũng không thể tin nổi, nhưng con cá ấy, anh biết không, nó lôi ông ấy từ từ, nên ông ấy vẫn ngoi lên thở được, cho đến khi nó chui vào hang. Gần vào trong hang thì ông ấy mắc kẹt vào tảng đá ngầm dòng nước xiết, con cá vào hang rồi quay đầu lại tiến đến gần, ông ấy giãy dụa làm rối hết dây thừng, lại thêm nước xiết, cuối cùng gần như bị buộc chặt vào tảng đá ấy. Bình thường bố em luôn giắt một con dao nhỏ ở ngang lưng, nhưng trong lúc vật lộn bị con cá kéo đi dao rơi mất lúc nào, ông ấy không thể cắt được sợi dây thừng. Anh biết không, con cá quay lại cắn vào tay ông ấy. Ông ấy tưởng nó ăn thịt mình, nhưng hóa ra không phải, nó cắn đứt sợi thừng, đứt luôn hai ngón tay, rồi ngậm ông ấy trong hàm răng lởm chởm ấy, nó bơi ngược ra, đặt ông ấy xuống đúng cái chỗ bãi cát gần chỗ anh nằm trưa hôm qua ấy, dưới bóng cây. Ông ấy ngất đi một lúc, nhưng rồi tỉnh lại được, tự cầm máu rồi đi được về đến đồn biên phòng, bác sĩ quân y sơ cứu thuốc men rồi đưa về nhà. Một tháng liền ông ấy lầm lì chẳng nói một câu nào, làm em sợ chết khiếp. Mãi đến một hôm ông ấy mới kể lại với em, ngoài ra không một ai biết bí mật này. Có nói ra cũng sẽ chẳng ai tin. Anh có tin không?
- Anh á? Anh không biết nữa… – Tôi bất ngờ, một phần choáng váng bởi câu chuyện của nàng – Anh không biết nữa, nhưng anh chắc chắn một điều, là anh luôn tin em.
- Bố em kể, khi con cá tiến lại gần, bố em nghĩ đến mẹ em, ông ấy nói là ông thấy mẹ em hiện lên, chính bà đã cứu ông, mặc dù dưới đấy tối om. Bố em thề là sẽ không bao giờ săn nó nữa, sẽ ngăn cản bất cứ ai định bắt con cá ấy.
- Bố em nghĩ con cá ấy chính là mẹ em? – Tôi dựng tóc gáy hỏi lại thảng thốt.
- Vâng, bố em nghĩ thế đấy.
- Còn em?
- Cũng có lúc em đã nghĩ thế. Từ nhiều đời nay những người dân tộc sống ở quanh đây vẫn nghĩ con cá là vong hồn của những người chết trôi tụ lại mà thành. Con cá phù hộ độ trì cho những người thân, và nó sẽ trừng trị những kẻ xấu hoặc kẻ thù…
Tôi cảm thấy lạnh hết sống lưng, vậy chúng tôi đều là những kẻ xấu, và đã bi trừng phạt nhiều lần, cách này hay cách khác. Mà có thể đó mới chỉ là những lời cảnh cáo nhẹ nhàng thôi đấy. Tôi vừa có một đêm ân ái tuyệt vời với nàng, nếu như tôi bỏ đi vì bất cứ lý do gì, khiến nàng đau khổ, thì cầm chắc một tai họa khủng khiếp nào đó sẽ đến với tôi, thậm chí là cái chết. Tôi vốn không phải người duy tâm. Nhưng sau những gì đã xảy ra, tôi bắt đầu tin vào những chuyện phi lý nhất, hoang đường nhất.
- Anh có biết bố em đang ở đâu không? – Nàng hỏi.
- Tưởng ông ấy đang câu cá sỉnh ở Thác Cá? – Tôi ngạc nhiên hỏi lại.
- Không phải – nàng lắc đầu – Ông ấy đang ở chỗ cái hang cá ấy.
- Để làm gì? – Tôi hỏi, nhưng đã biết trước câu trả lời.
- Để… - nàng ngập ngừng nói, nhưng chưa kịp nói hết thì đã có chuyện khác ập đến.
Ngay lúc đó, chúng tôi bỗng nghe thấy tiếng động cơ đang vọng lại mỗi lúc một gần, một trong hai thằng chạy xe ba bánh xuất hiện trên con đường trải đá. Từ xa, nhìn vẻ mặt và kiểu chạy xe gấp gáp của cái thằng xăm trổ đầy mặt ấy, tôi đã thấy có chuyện chẳng lành. Nó phanh gấp xe trên bãi cát, và hối hả giục chúng tôi lên xe. Nhanh lên, nó nói, cả ông già lẫn Tú khỉ với thằng Hà trọc đang bị quây, nó giải thích bằng những câu lộn xộn gì nữa, nhưng tóm lại là đang gặp nguy hiểm.
Chả kịp nghĩ ngợi gì, tôi và nàng hoảng hốt nhảy vội lên xe, chiếc xe chồm lên lao về hướng cái hang chết dẫm ấy. Trên đường đi, thằng kia kể lại sự tình. Ông già em bị điên à, nó nói, ông ấy lặn xuống cắt lưới bọn anh, tí thì lão Toàn gạch bắn, may mà có anh Tú khỉ đỡ cho chứ không thì tèo mẹ nó rồi.
- Sao, bắn thật à? Tú khỉ lĩnh đạn à?
- Ở đây không nghe thấy tiếng súng à? Lão Toàn gạch nhằm ông già bắn, anh Tú khỉ kịp gạt nòng súng nên bắn lên giời. Buồn cười, đạn ghém trút vào tán cây, thế quái nào một viên chì trúng mẹ con chim rừng rơi xuống…
- Buồn cười *** gì, nói tao nghe tại sao ông già lại cắt lưới? – Tôi sốt ruột cắt ngang. Mặc dù tôi đã lờ mờ đoán ra lý do thực sự rồi.
- Em cũng *** biết, ông ấy điên mẹ nó rồi! Hay là ông ấy muốn con cá sổng ra để tự ông ấy bắt. Bám chắc vào nhá! – Thằng xăm mặt lắc đầu nói và bỗng hô to, nó đánh tay lái thực hiện một vòng cua tay áo ngoạn mục, sau đấy nghiêng xe nhấc cả một bánh bên kia lên để tránh một tảng đá bất ngờ xuất hiện sau vòng cua. Chiếc xe chỉ chạy bằng hai bánh một quãng khá dài. Tôi ôm lấy vai em Vân đang nép sát ngang hông tôi ở ghế phụ, chắc em đang lo lắng bồn chồn quên cả sợ hãi, chẳng thấy em nói gì cả.
- Á à! – Tôi thốt lên khi nó cho cái bánh lơ lửng kia tiếp đất – Mày giỏi đấy, làm anh dựng hết cả tóc gáy.
- Ăn thua gì anh, trò trẻ con ấy mà. Thằng ôn kia bạn em còn lái siêu hơn cơ, nó chơi hơi bị thân với anh Hiển ba bánh ấy, anh biết ông Hiển ba bánh không? Đại gia chơi ba bánh nổi tiếng đấy…
- *** biết, tôi cắt ngang lần nữa. Nói tao nghe sao Toàn gạch lại bắn? Chả nhẽ mỗi thế thôi mà bắn người à?
- Thì ông già làm lão ấy mất toi mấy tỉ còn gì.
- Tao tưởng bắt con cá lên thì mới mất tiền cá độ chứ?
- Hơ hơ, anh trên giời rơi xuống à? Mà đúng rồi, tối hôm ấy anh phê cỏ quá chả biết gì. Chuyện độ tiền xong ngay từ tối hôm ấy rồi, anh Tú khỉ ăn độ rồi, 2 tỉ đã chuyển vào tài khoản, chả quay được phim về con cá ấy chán rồi còn gì, post cả lên mạng nữa. Vụ này là khác, lão Toàn gạch định bắt sống con cá cẩu lên xe cứu hộ mang về bán lại, vụ này ầm ĩ trên mạng từ hôm qua, thấy bảo có mấy đại gia xem xong clip trên mạng đã đăng ký mua đứt con cá rồi, nhiều người gọi điện cho lão Toàn gạch, giá cứ cao dần, lên đến trên 5 tỉ rồi, kể cả cá chết cũng mua, lấy bộ xương trưng bày. Mẹ, mang thế đếch nào được chứ, con cá chả chết nghẻo giữa đường. Lão ấy cũng điên nốt, cứ nhất định phải bắt bằng được, rồi kêu bắt được sẽ bọc nilon đổ nước sục ô xy vào mồm con cá. Hoang đường! Bọn lắm tiền nhiều của toàn thằng điên! Tiền ấy mà để mua xít đờ ca thì cứ gọi là…
- Ừ, cứ mơ đi, bắt thế đếch nào được con cá ấy chứ! – Tôi nhìn sang em Vân nói, để trấn an em.
- Bắt được rồi mà anh! – Thằng kia nói.
- Sao? Sao? – Cả tôi và nàng cùng thốt lên.
- Bắt được rồi, nó đã nằm trong lưới rồi.
- Trời ạ! – Tôi chỉ biết kêu lên như vậy. Quay sang nhìn nàng, tôi thấy nàng như chực khóc, mắt ngân ngấn nước.
- Nhưng mà ông già ấy tự dưng ở đâu lặn xuống cắt dây nên nó sổng, chui tọt vào hang rồi.
- À à ra thế! – Tôi thở phào nhẹ nhõm.
- Chỉ khổ thằng bạn em thôi.
- Thằng nào? Sao mà khổ?
- Thằng đi cùng em ấy. Nó đang ở trong hang ấy, ngã gãy chân, lúc sắp xuống đến nơi, cách đáy hang có chục mét.
- Sao mày lại ở đây?
- Đúng ra em phải ở đỉnh núi cảnh giới, thằng kia có nhiệm vụ chui xuống quăng thuốc nổ dùng sức ép đánh cho con cá chết hoặc ngất đi rồi móc câu liêm dùng tời xe cứu hộ kéo ra. Em ở trên dùng tời quay tay kéo thằng bạn lên rồi hai thằng nhảy dù lượn xuống, kế hoạch là thế. Ai dè gần xuống đến nơi thì đứt dây, bị cứa vào đá thì phải, mà cũng chả hiểu làm sao nữa. Thằng kia vẫn nằm trong đấy, gãy chân lòi cả xương, mà hết sạch dây, chả cách nào kéo lên được, cả đêm qua em nằm trên đỉnh núi, lạnh suýt chết, sáng nay đành đánh liều nhảy dù xuống núi, cũng tí tèo vì không có luồng gió nóng, có lúc em cách mỏm đá sườn núi vài ba mét tưởng đi luôn rồi ấy, may mà cô vẫn thương. Chúng nó định kêu thằng bạn em lấy bạt trùm đầu để thở, rồi túm vào tời lôi ra, nhưng giờ thì không xong rồi. Nhảy xuống nước con cá nó thịt ngay, nó đang đói lồng lộn lên rồi ấy, nó đang cáu tiết vì vừa bị dính lưới nữa chứ. Mẹ kiếp, khéo thằng bạn em chết mất xác rồi cũng nên…
- Chuyện xảy ra lúc nào?
- Chiều tối qua, sau lúc anh bỏ về. Con cá dính bẫy lưới quẫy thùm thùm cả đêm, sáng nay định tời vào thì ông già cắt mẹ chão, loạn hết cả lên, mấy ông em bênh lão Tú khỉ cũng giơ súng, Hà trọc ấy, tí thì bắn nhau to. Mà chả thấy mấy ông biên phòng đâu cả, chắc ăn ngập tiền rồi nên thấy súng nổ cũng ngó lơ đi, mẹ mấy thằng ăn bẩn!
- To chuyện, phức tạp rồi đây! – Tôi thở dài, chưa biết sẽ phải làm gì chốc lát nữa. Nhưng tôi vẫn xoa nhẹ bờ vai em Vân, ôm lấy cái đầu em nép vào bên đùi tôi, Được rồi, tôi sẽ nghĩ cách gì đấy để một lần nữa thoát ra khỏi mớ bùng nhùng này. Tôi không còn bận tâm đến số tiền mà Tú khỉ hứa chia cho tôi, tất cả những gì lúc này tôi cần chỉ là người phụ nữ xinh đẹp tuyệt trần bên cạnh, tôi sẽ làm mọi thứ vì nàng.
copy từ facebook tác giả:
https://www.facebook.com/notes/đặng-thiều-quang/săn-cá-thần-39/10151692715759465