[Funland] Trong vòng lửa ( Dốc núi )

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Thưa các cụ !

Em xin phép pots lên chuyện hồi ký của một cựu chiến binh D3 - E 246 - F 346 - Cao bằng về những trận chiến khốc liệt tháng 2/1979. Chuyện dài nhiều kỳ đã được đăng trên bloge của anh ấy và được sự đồng ý của tác giả, xin được mạn phép đăng tải lên trang mạng nhà để các thành viên nếu ai chưa biết đến bài này thì cùng thưởng thức về một thời chiến đấu anh dũng và hùng tráng của các chiến sĩ bảo vệ biên cương của tổ quốc năm 1979.


Buổi sinh hoạt chi đoàn sắp kết thúc. Nhiều ý kiến góp ý cho tôi và Lâm. Ai cũng mong hai người nhận ra khuyết điểm của mình để sửa chữa, tiến bộ. Nhưng cũng có một số ý kiến đề nghị phải kỷ luật nghiêm khắc, kể cả khai trừ cả hai ra khỏi đoàn. Khuyết điểm của hai chúng tôi là tính tự do vô kỷ luật, suýt để xảy ra sự cố mất tài liệu (bản mật danh thông tin) làm ảnh hưởng đến bí mật quân sự và sức chiến đấu của đơn vị.
Bí thư chi đoàn tiểu đoàn bộ Tính nói lời kết luận cuối cùng trước khi biểu quyết hình thức kỷ luật:
- Chúng ta đang làm nhiệm vụ ở tuyến trước! Chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi xin hỏi đồng chí Hà và đồng chí Lâm thì khi cuộc chiến đấu ác liệt nổ ra liệu các đồng chí có trụ vững được không, có giữ được chốt không! Hay là các đồng chí sẽ bỏ chạy?
Tôi và Lâm cúi gằm mặt im lặng không trả lời. Bí thư chi đoàn Tính được thể:
- Các đồng chí không dám trả lời chứ gì. Chiến tranh chưa xảy ra mà các đồng chí đã vô tổ chức, vô kỷ luật, thiếu ý chí chiến đấu vậy thì còn xứng đáng đứng trong đội ngũ tiền phong, xứng đáng là đoàn viên thanh niên nữa không? Các đồng chí đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến thành tích chung của chi đoàn ta...
Có nhiều tiếng ồn ào hưởng ứng. Bí thư chi đoàn Tính nhìn mọi người. Anh đi đến quyết định:
- Bây giờ chúng ta sẽ biểu quyết hình thức kỷ luật của đồng chí Lâm và đồng chí Hà. Tôi đề nghị mọi người trong chi đoàn cần hết sức nghiêm túc nhìn nhận khuyết điểm của hai đồng chí ấy. Vẫn biết kỷ luật là để giúp các đồng chí ấy tiến bộ, nhưng cũng không nên xuê xoa, dĩ hoà vi quý, tốt xấu lẫn lộn...
Mọi người im lặng. Bí thư chi đoàn nói tiếp:
- Có hai hình thức kỷ luật. Một là khai trừ khỏi đoàn, hai là cảnh cáo. Chúng ta sẽ lần lượt biểu quyết từng hình thức... - Quan sát một lượt các đoàn viên, bí thư Tính hỏi: - Ai nhất trí hình thức khai trừ đoàn đối với hai đồng chí thì giơ tay?
Đến gần một nửa chi đoàn giơ tay. Một số đang ngập ngừng giơ rồi lại rụt tay xuống. Mấy người thì đang ngập ngừng, có lẽ họ chờ nếu quá bán thì cũng giơ lên luôn cho xong. Bí thư Tính dọi đèn pin bắt đầu đếm. Hội trường như lắng hẳn đi...
- Một... hai... ba... bốn... - Tiếng bí thư Tính lầm rầm: - Mười... mười một... mười hai... mười ba...

Chỉ cần một người biểu quyết nữa là quá bán. Bí thư Tính dọi đèn về phía cuối hội trường, nơi có mấy cánh tay lúc thì giơ lên, lúc thì hạ xuống. Đây rồi, có hẳn ba cánh tay nữa giơ lên. Bí thư Tính vừa cao giọng đếm tiếp: "Mười... bờ...ô..." thì có tiếng còi nhịp ba vang lên dồn dập: "Toét... toét... toét...". Báo động chiến đấu. Cả chi đoàn nhốn nháo. Bí thư Tính chưa biết xử trí ra sao thì trực ban tiểu đoàn xuất hiện ở cửa hội trường gấp gáp thông báo:
- Báo động chiến đấu! Tất cả mang theo vũ khí trang bị ra vị trí tập trung, nhanh lên...
Tôi kéo Lâm bật dậy. Chúng tôi lao ra khỏi hội trường phóng như bay về nhà ở. Vớ vội khẩu súng và chiếc ba lô quân tư trang luôn luôn buộc đầy đủ các thứ cuốc xẻng, dây thông tin, máy điện thoại tôi và Lâm chạy ra địa điểm tập trung. Tiếng súng đạn, xẻng cuốc va chạm vào nhau lách cách. Dọi đèn pin nhận ra chúng tôi, tiểu đội trưởng Bùi quát:
- Hai thằng nhanh lên! Mà đã mang đầy đủ vũ khí trang bị chưa?
- Đủ rồi ạ!
Tôi đáp rồi lập cập hỏi lại:
- Lại báo động tập để kiểm tra như mọi lần hả anh?
- Tập gì mà tập... tình hình khẩn cấp lắm rồi! Tao vừa cùng bộ phận trinh sát đi nắ¬¬¬m tình hình từ đường biên về đây. Bọn giặc đã cắt mất ba mươi mét rào biên giới và xua đến ba bốn chục con trâu sang đất ta rồi...
- Chúng xua trâu sang đất ta để làm gì hả anh?
- Sao hỏi ngu thế! Nó đuổi trâu bò sang là để phát hiện bãi mìn của ta đấy!
Thì ra thế! Đến vị trí tập trung chờ nhận lệnh triển khai nhiệm vụ chiến đấu, tiểu đội trưởng Bùi quay sang khẽ hỏi nhỏ tôi:
- Buổi sinh hoạt chi đoàn thế nào?
- Đang biểu quyết thì báo động nên vẫn chưa xác định hình thức kỷ luật...
- Đánh nhau đến nơi rồi kỷ luật, kỷ liếc cái con khỉ gì! Thôi, mọi chuyện trở về trước coi như xong, không nhắc đến nữa. Từ bây giờ trở đi hai thằng phải chú ý rèn luyện nhé!
- Vâng... vâng ạ!
Tôi và Lâm cùng đáp. Tiểu đội trưởng Bùi lại thì thào dặn:
- Chắc chắn chiến tranh sẽ xảy ra, chả hôm nay thì hôm khác. Tiểu đội có mấy thằng, tình huống thế nào cũng không được bỏ nhau nhé!
- Vâng... anh cứ yên tâm.
Tôi đáp nhưng cũng thấy hơi run. Gió bắc thổi lành lạnh. Tôi chợt rùng mình. Cố giấu một hơi thở gấp vì hồi hộp khi nghe cán bộ tiểu đoàn phổ biến tình hình địch và triển khai nhiệm vụ. Ngay trong đêm ấy các đơn vị vào vị trí chuẩn bị chiến đấu. Bộ đội bộ binh trải tăng võng ngủ luôn trong hầm, dưới giao thông hào, súng đạn sẵn sàng. Trung đội công binh thì ngay trong đêm tiến hành rải mìn chống tăng dọc con đường từ biên giới xuống thị trấn và bố trí thêm một bãi mìn hỗn hợp ngay trong sân trường cấp 1. Trung đội thông tin của chúng tôi triển khai ngay các tuyến đường dây, các tổ đài vô tuyến sóng cực ngắn nối thông liên lạc từ vị trí hang đá của ban chỉ huy tiểu đoàn đến các điểm chốt các đơn vị bộ binh và trận địa hỏa lực đi cùng.
Xong xuôi mọi việc thì đã sang ngày hôm sau.
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
...Chiến tranh đã nổ ra đúng như chúng tôi đã dự đoán trước. Tôi vừa chợp mắt được một lát thì giật mình bởi những tiếng nổ dữ dội. Bầu trời sáng rực lên bởi những luồng lửa của đạn pháo từ bên kia biên giới bắn sang. Những tiếng nổ đinh tai, chói óc. Trong bản Nà Liền mà chúng tôi đóng quân tiếng người gọi nhau thảm thiết, tiếng kêu khóc hoảng loạn, tiếng chó sủa, bò rống, tiếng tre nứa nổ lốp bốp từ những ngôi nhà trúng đạn đang bốc cháy rần rật. Khói lửa, cát bụi mù mịt. Và tất cả chìm đi trong tiếng trọng pháo, tiếng đạn hoả tiễn của bọn giặc ầm ầm dội xuống trận địa, làng bản của ta. Đất dưới chân tôi liên tục chao đảo. Ánh chớp nhoáng nhoàng tựa như một cơn dông bão lớn nhưng dữ dội hơn rất nhiều. Đó chính là những âm thanh, hình ảnh đầu tiên mở màn của một cuộc chiến tranh mà tôi lần đầu được chứng kiến.
Tảng sáng thì bộ binh địch bắt đầu xung phong sau khi pháo binh tầm xa, hỏa lực tầm gần của chúng cày xới tơi bời nát bét điểm chốt tiền tiêu của tiểu đoàn chúng tôi. Đại đội 1 mặc dù bị thương vong một số do hoả lực của địch nhưng ngày đầu tiên đánh thắng, đẩy lui tất cả các đợt xung phong của bọn giặc giữ vững được trận địa. Ngày thứ hai cũng vậy. Lúc tình hình tạm ắng, đi củng cố đường dây tôi mò lên tận vị trí chốt cây đa thứ nhất của đại đội 1. Phó đại đội trưởng Hoàn chỉ cho tôi thấy xác bọn xâm lược chồng chất bên cạnh những chiếc xe tăng địch bị bắn cháy dưới chân điểm tựa. Đứng cạnh người phó đại đội trưởng vốn là lính chiến dày dạn ở mặt trận Tây Nam tôi cảm thấy yên tâm.
Nhưng đến ngày thứ ba thì tình hình thay đổi hẳn. Pháo địch bắn ngày một dữ dội hơn. Trận địa gốc đa của đại đội 1 không còn một cành cây ngọn cỏ nào tồn tại được. Hầu như tất cả đều bị thiêu rụi hoặc nhồi xuống tầng đất sâu hoặc trộn lẫn với đất đá. Các tuyến dây điện thoại đều bị băm nát, đứt vụn, không thể nối được nữa. Việc bảo đảm thông tin liên lạc giữa sở chỉ huy tiểu đoàn và các bộ phận chỉ còn trông chờ vào mấy cái máy vô tuyến sóng cực ngắn và chạy chân của tiểu đội truyền đạt. Anh Bùi được liên lạc gọi lên gặp cán bộ tiểu đoàn. Về đến vị trí tập kết của tiểu đội, anh gọi chúng tôi tập trung lại chỗ hõm núi bảo:
- Tiểu đội ta sẽ chuyển thành một bộ phận trực tiếp chiến đấu. Tiểu đoàn trưởng giao cho chúng ta lập một điểm chốt chặn địch ở mỏm núi Đầu Bò phía dưới trường cấp 1. Ngay bây giờ, đồng chí Tự tiểu đội phó cùng ba đồng chí sang hang quân khí nhận thêm vũ khí, đạn dược và gửi luôn mấy cái máy điện thoại lại kho. Tôi và đồng chí Hà, đồng chí Lâm, đồng chí Châu lên chiếm lĩnh mỏm núi Đầu Bò trước.
- Rõ! - Tôi đáp.
Chúng tôi lợi dụng khi pháo địch chuyển làn băng qua một đám ruộng khô tiếp cận mỏm núi Đầu Bò. Đó là một mô núi thấp sát đường quốc lộ phía dưới trường cấp 1. Không thể đào hầm hào vì núi đá vôi. Chúng tôi chỉ có thể lợi dụng những khe đá, các hõm núi để làm công sự tránh mảnh đạn pháo và đánh địch. Từ đỉnh mỏm Đầu Bò tôi nhìn rõ con đường từ cửa khẩu vòng qua dưới chân chốt của đại đội 1 là đến trường cấp 1 rồi chạy thẳng xuống thị trấn. Khu trường cấp 1 nham nhở những dấu vết của chiến tranh. Ngôi nhà ban giám hiệu không còn một viên ngói nào trên mái. Các dãy lớp học cháy nham nhở. Sân trường tung toé, trắng xoá những giấy và sách vở của học sinh. Một hố đạn pháo cày sát chân cột cờ ở sân trường. Nhưng kỳ lạ thay chiếc cột cờ bằng gỗ vẫn đứng vững. Trên đỉnh cột một lá cờ đỏ sao vàng tuy bị rách bươm nhưng vẫn phần phật tung bay trong gió bắc thổi mạnh.
Tiểu đội trưởng Bùi đến đằng sau tôi từ lúc nào. Anh nói:
- Bọn địch muốn xuống đến đây phải vượt qua được trận địa của đại đội 1. Điều đó không dễ. Nhưng nếu qua được thì chỉ sau mươi phút là nòng pháo xe tăng bọn chúng sẽ chọc thẳng vào tận cằm ta đấy!
Tôi hỏi anh giọng hơi run run:
- Thế... liệu mình có giữ nổi trận địa không anh?
- Giữ thế quái nào được với vài người, vài khẩu súng bộ binh và mấy quả lựu đạn thế này!
- Vậy thì... phải làm thế nào hả anh?
- Nhiệm vụ của chúng ta không phải là đánh địch để chặn cả một đội quân đông đảo có hàng chục xe tăng địch dẫn đầu. Nhiệm vụ của tiểu đội ta là nổ súng bắn vỗ thẳng vào mặt quân địch. Khi chúng ta nổ súng lập tức xe tăng và bộ binh địch sẽ tràn vào sân trường cấp 1. Mà dưới sân trường có cái gì thì cậu biết rồi đó. Lúc đó ban chỉ huy tiểu đoàn và các đơn vị sẽ có đủ thời gian rút lui về phía sau...
Anh Bùi tránh không nói ra nhưng tôi hiểu. Chúng tôi chính là những chiến sĩ "cảm tử quân". Khi số anh em đi nhận vũ khí về, chúng tôi tranh thủ bê đá làm công sự, tìm vị trí đặt súng trung liên và bố trí mấy quả mìn định hướng. Trời tối dần. Pháo giặc vẫn bắn không ngớt vào các trận địa của ta cũng như các điểm cao gần biên giới. Riêng mỏm Đầu Bò thì không bị một quả đạn pháo nào cả. Có lẽ bọn địch không nghĩ là trên một mỏm đá thấp sát ngay bên đường quốc lộ lại có lực lượng của ta chốt giữ. Chúng tôi tranh thủ trải tăng võng ra khe đá nằm ngủ. Trời lạnh đắp cái vỏ chăn mỏng manh tôi mãi không ngủ nổi.
Gần sáng, vừa chợp mắt thì thì tôi thấy có người lay lay vai gọi:
- Hà ơi! Dậy... dậy... ngay!
Tôi choàng tỉnh và nhận ngay ra tiểu đội trưởng Bùi đang ngồi trong hốc đá chỗ tôi nằm. Tôi hỏi:
- Bọn địch bắt đầu tấn công hả anh?
- Không... không... dậy đi làm nhiệm vụ khẩn cấp ngay!
Tôi vớ khẩu AK đang để cạnh người chui ra khỏi chăn. Anh Bùi đi trước, tôi tụt theo anh xuống con đường mòn chân mỏm núi. Vẫn chưa hiểu là làm nhiệm vụ gì tôi thấy hơi run run. Cũng có lẽ là sương đêm lạnh quá. Anh Bùi cùng tôi nấp sau một mô đá cạnh con đường mòn. Thêm một người nữa lò dò đi đến. Tôi nhận ra là Lâm. Anh Bùi thì thào:
- Theo chỉ thị của tiểu đoàn chúng ta chặn ở đoạn đường này để bắt giữ và tước vũ khí của mấy đứa đào ngũ bỏ trận địa chạy về tuyến sau. Hai thằng nằm im để tao ra chặn họ lại. Khi thật cần thiết, có lệnh của tao chúng mày mới được can thiệp nhé!
- Vâng... vâng...
Tôi chợt thấy lo lo. Trời đã tang tảng sáng. Sương mù dày đặc khiến cảnh vật cây cối lờ mờ. Phía chỗ ngoặt xuất hiện mấy bóng người đang lùi lũi tiến lại gần. Anh Bùi quát:
- Ai! Đứng lại!
- Tôi... tôi... quân ta... quân ta đây...
- Các đồng chí ở bộ phận nào?
- Chúng tôi ở... ở... bộ phận vận chuyển thương binh...
Tôi nhận ra tiếng anh Tính bí thư chi đoàn tiểu đoàn bộ. Anh Tính cũng nhận ra tiếng người đang quát nên hỏi lại:
- Bùi ở trung đội thông tin hả? Mình là Tính, y sĩ tiểu đoàn bộ đây!
- Còn những ai nữa?
- Là... mấy... mấy... đồng chí ở đại... đại đội 1.
Anh Bùi xách súng nhảy ra chặn trước mặt mấy bóng người hỏi tiếp:
- Tại sao các ông lại đi xuống tận đây! Bỏ vị trí chiến đấu hả?
Không có tiếng trả lời. Anh Bùi gằn giọng:
- Tất cả theo tôi về ban chỉ huy gặp cán bộ tiểu đoàn ngay!
Lúc này anh Tính và mấy người kia mới lên tiếng van vỉ:
- Để... để... cho chúng tôi đi...
- Đi đâu! Các ông lợi dụng việc chuyển thương định bỏ chạy về phía sau chứ gì. Các ông có biết nếu hôm nay nếu không gặp chúng tôi thì chỉ cần đi thêm một đoạn nữa là sẽ lọt luôn vào ổ phục kích của bọn giặc đấy, hiểu không?
- Sao lại thế?
Tiếng anh Tính lập cập. Tiểu đội trưởng Bùi nói tiếp, giọng anh rin rít:
- Bọn địch đã chọc thủng tuyến phòng ngự của các đơn vị bạn ở phía Thông Nông rồi. Chúng nó đã đánh chiếm các vị trí phía sau lưng ta rồi hiểu không?
Ngừng một lát, anh Bùi nói tiếp:
- Bây giờ tất cả theo tôi về vị trí... tập trung. Nghỉ ngơi một lát, chờ có cơm đem lên ăn sau đó trở lại đơn vị chiến đấu hoặc theo sự phân công nhiệm vụ mới của chỉ huy tiểu đoàn.
Anh Tính và mấy chiến sĩ đại đội 1 đành nghe theo lệnh của anh Bùi. Lúc này anh Bùi mới gọi tôi và Lâm ra. Chúng tôi tạm thu giữ vũ khí của anh Tính và mấy người định bỏ chạy về tuyến sau và dẫn họ về vị trí thu dung. Sau khi giao người và vũ khí của họ cho chỉ huy tiểu đoàn xử lý anh Bùi và hai chúng tôi ngược trở lên mỏm Đầu Bò. Anh Bùi im lặng suốt dọc đường đi. Lúc về đến vị trí chiến đấu anh đưa cho tôi và Lâm mỗi thằng một bánh lương khô vừa xin được lúc ở tiểu đoàn bộ rồi nói giọng bùi ngùi:
- Tao thương anh Tính và mấy thằng ấy quá. Đã mấy ngày nay rồi họ chịu đựng biết bao nhiêu đợt tấn công ác liệt của quân thù, chứng kiến bao nhiêu người chết, thịt xương lẫn lộn cùng đất đá. Cái chết ai chả sợ. Chiến tranh khiến sắt thép còn phải tan chảy ra thành nước nữa là con người chỉ bằng xương, bằng thịt...
Nghe anh Bùi nói tôi lặng im suy nghĩ. Từ sau hôm ấy, những suy nghĩ ác cảm với anh Tính kể từ sau buổi sinh hoạt chi đoàn đêm trước chiến tranh trong tôi dần tan biến hết.
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
...Trưa ngày thứ năm của cuộc chiến tranh thì trận địa tiền tiêu của tiểu đoàn là chốt cây đa do đại đội 1 phòng ngự bị thất thủ. Bọn địch đánh bật bộ đội ta xuống chân đồi. Số anh em cán bộ, chiến sĩ còn sống sót chạy thoát về phía sau được bổ sung cho đại đội 2 cũng đã bị tổn thất quá nhiều sau hai ngày chiến đấu bảo vệ thị trấn. Trận địa phòng ngự trên mỏm Đầu Bò của chúng tôi cũng được chi viện thêm một tiểu đội nữa chốt ở sườn phía đông mỏm núi.
Đúng như anh Bùi nhận định, chỉ chưa đầy hai mươi phút sau khi chọc thủng được trận địa phòng ngự của đại đội 1 những chiếc xe tăng đi đầu của bọn giặc đã ầm ầm tiến đến sát chân mỏm Đầu Bò. Bộ binh địch lúc nhúc đi sau. Anh Bùi bảo tôi:
- Chập liền mấy quả lựu đạn lại chờ xe tăng địch đến chân mỏm đá quẳng xuống xem nó có cháy không.
Tôi lập tức làm theo. Mấy quả lựu đạn ném trúng chiếc xe tăng đi đầu nổ tung nhưng chả bõ gãi ngứa cho nó. Tất cả tiểu đội tôi lập tức nổ súng. Bọn địch hơi khựng lại khi phát hiện ổ đề kháng ngay bên đường tiến quân. Các nòng pháo xe tăng lập tức quay ngang chĩa lên mỏm Đầu Bò. Bộ binh địch nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu. Đạn địch đủ các loại bắn tối tăm mặt mũi. Pháo trên xe tăng địch bắn thẳng khiến chúng tôi không thể ngóc đầu lên được. Sợ nhất là những đá núi bị trúng đạn vỡ ra văng lên vù vù hoặc cả tảng lăn tồng tộc từ đỉnh núi xuống. Nó mà lăn trúng người thì có mà nát nhừ xương thịt. Nấp trong hốc núi sau những mỏm đá lớn chúng tôi tiếp tục nổ súng. Đúng là chúng nó đông cũng có cái hay, chả cần ngắm bắn không trúng thằng này thì sẽ trúng thằng khác.
Đúng như chúng tôi dự đoán, bọn giặc bắt đầu tràn vào sân trường cấp 1, áp sát chân núi để tiến đánh lên mỏm Đầu Bò. Anh Bùi gào to gọi chúng tôi: "Chuẩn bị rút lui nhé!". Chả ai trả lời anh. Cũng chẳng biết ai còn sống, ai đã chết rồi nữa. Tôi bò lại chỗ anh Bùi đang nằm. Đạn súng bộ binh của địch xiết đá vào chiu chíu, toé lửa. Một quả pháo nổ gần khiến tai tôi ù đặc. Tôi phải cố gắng lắm mới nghe được tiếng anh quát:
- Mày kiểm tra xem dây điện nối mấy quả mìn định hướng có còn không hay pháo bắn đứt mẹ nó hết rồi.
- Hình như vẫn còn anh ạ!
- Bảo chúng nó rút ngay đi! Bọn giặc đã lọt vào bãi mìn của ta rồi... ha... ha... ha...
Nghe anh Bùi nói tôi nhìn xuống sân trường cấp 1. Quả đúng như anh Bùi nói. Một cảnh tượng khủng khiếp của chiến tranh. Những chiếc xe tăng địch cái thì bị mìn bật tung xích, cái thì bốc cháy ngùn ngụt. Xác bộ binh địch nằm ngồn ngang khắp sân trường. Tiếng kêu khóc rống lên thảm thiết của những thằng bị thương. Mìn vẫn tiếp tục nổ. Bọn giặc càng hoảng loạn chạy lung tung thì mìn càng nổ nhiều. Tiếng nổ lan truyền không dứt. Trong đám khói lửa, đất đá tung lên mù mịt ở sân trường tôi nhìn thấy cả những trang giấy của học trò bay lên trắng cả một khoảnh trời chiều xám xịt.
- Rút... ngay... đi...
Anh Bùi lại quát. Lúc này tôi mới nhận ra chân trái của anh ướt đẫm máu. Tôi hốt hoảng:
- Anh bị thương rồi, để em băng cho...
- Không băng bó gì cả, mày theo anh em rút ngay về phía sau đi. Chỉ lát nữa thôi chúng nó khép vòng vây, bọc hậu là hết mẹ nó đường lui đấy.
- Nhưng còn anh...
- Mặc mẹ tao! Đi ngay đi, nhanh lên. - Anh gào lên vẻ tức giận khi thấy tôi lừng khừng có ý không chấp hành mệnh lệnh.
Tôi lăn xuống một khe đá. Trước khi lủi vào hẻm núi tôi còn thấy anh Bùi chúi mặt gằm xuống đất nằm im như một người đã chết. Một tay anh cầm quả pin, tay kia cầm một đầu dây điện nối với chùm mìn định hướng.
Vòng được ra phía sau mỏm Đầu Bò, khuất làn đạn và pháo của giặc nên tôi phóng nhanh về phía sở chỉ huy của tiểu đoàn. Đến chân dốc tôi gặp tiểu đội phó Tự và thằng Châu. Anh Tự hỏi ngay:
- Anh Bùi đâu rồi?
- Anh ấy bị thương nhưng không chịu rút vẫn còn đang ở trên mỏm Đầu Bò. Thế còn hướng của các anh thế nào, chúng nó đâu hết rồi?
- Thằng Minh chết rồi, còn thằng Lâm gọi mãi không thấy, chẳng biết nó có còn sống không. Riêng tiểu đội vận tải lên chi viện chỉ có hai người bị thương nhẹ đã rút lui an toàn về phía sau rồi. Tiểu đội ta, kể cả thằng Minh là còn ba người đang ở trên trận địa phòng ngự.
Tôi nhìn về hướng mỏm Đầu Bò. Tiếng đạn vẫn nổ dữ dội, khói lửa mịt mù không nhìn rõ cái gì. Chúng tôi nằm chờ đến sẩm tối, khi tiếng súng trên mỏm Đầu Bò đã lặng hẳn mà vẫn không thấy anh Bùi và thằng Lâm đâu. Anh Tự đành bảo chúng tôi rút về vị trí chỉ huy của tiểu đoàn là hang đá trên mỏm núi cạnh nhà bưu điện thị trấn.
Ngay tối hôm ấy, tiểu đoàn tôi được lệnh rút lui sang Nguyên Bình. Con đường dọc bờ suối xuôi Mỏ Đá đông đặc những xe pháo và bộ binh của địch. Chúng tôi phải đu người leo qua vách đá tai mèo dựng đứng để vượt lên Lũng Mật, cắt đường sang Nguyên Bình. Một cuộc rút lui vô cùng gian khổ và hy sinh không kém gì những trận đánh giữ chốt.
Tiểu đoàn trưởng Thêm vốn là một người nóng tính. Anh quê ở Nam Định, nhập ngũ từ những năm sáu mươi. Lăn lộn ở chiến trường miền Nam bao năm. Có người bảo ông này nóng tính, hay bạt tai lính nên không mãi không được đề bạt. Khi tôi chuyển về tiểu đoàn 3 lúc còn làm đường ở Hà Giang thì anh đang là tiểu đoàn phó. Lên mặt trận biên giới anh được bổ nhiệm tiểu đoàn trưởng. Hôm đầu tiên xảy ra cuộc chiến, liên lạc bị gián đoạn liên tục vì đường dây bị pháo địch băm nát, máy vô tuyến sóng ngắn thì trục trặc do đặt trong hang đá sâu hoặc khuất núi cao, truyền đạt thì chậm lại í a í ới chả biết có chuẩn xác mệnh lệnh của chỉ huy không. Tôi nhớ hôm trước, khi thấy tôi đeo súng, vác cuộn dây chạy qua, anh quát:
- Bọn thông tin, thông tịt chúng mày liệu hồn đấy! Dây máy mà không thông, liên lạc bập bõm như hôm đầu tiên là chúng mày bịt mồm, bịt miệng chỉ huy đấy hiểu không?
- Vâng... vâng... chúng em sẽ cố gắng ạ!
Tôi đáp và định co giò phóng ngay ra ngoài cửa hang đỡ bị thủ trưởng quát tháo thì anh ngăn lại:
- Định đi đâu đấy hả! Muốn chết à, pháo nó đang bắn ầm ầm thế, để lát hẵng đi.
- Đường dây lên xê 1 hay bị đứt do đạn pháo bắn trúng. Em ra nằm ém sẵn chỗ đầu bản Nà Liền, khi nào có sự cố hỏng đường dây thì xử lý ngay cho kịp thời ạ!
- Chỗ ấy pháo nó bắn dày như mưa, mày ra đấy là toi mạng luôn đấy!
- Nhưng...
- Lại gần đây tao bảo...
Anh ngoắc tay. Tôi đặt cuộn dây xuống lại gần chỗ anh đang đứng ở bên cửa hang đá. Anh nhìn tôi một lúc rồi nói nhỏ như muốn chỉ để tôi nghe thấy:
- Đừng đi nữa, trận địa của xê 1 khả năng không giữ nổi nữa rồi, đường dây đứt thì thôi, không cần nối nữa. Có thể xê 1 phải rút khỏi chốt cây đa... về nói với tiểu đội chuẩn bị sẵn sàng, có thể sẽ phải tổ chức lập một điểm chốt chặn địch ở gần trường cấp 1 thị trấn.
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
...Bây giờ thì anh Thêm đang ngồi trong hang chỉ huy cùng các cán bộ đại đội. Một tấm bản đồ địa hình trải xuống ngay nền hang đá. Các anh chỉ huy đang bàn kế hoạch rút lui khỏi thị trấn. Những cái đầu bù xù. Những khuôn mặt hốc hác vì gần cả tuần chiến đấu ác liệt, đấu trí, đấu sức với quân giặc và chứng kiến bao sự hy sinh rồi mất ngủ, đói khát. Với một đơn vị đã thiệt hại nặng, gần như kiệt sức chiến đấu với rất nhiều thương binh nặng việc tìm một phương án rút lui làm sao cho đỡ tổn thất thêm sinh lực quả là không đơn giản. Vị trí chỉ huy của tiểu đoàn đã bị lộ. Bọn địch bao vây chặt, hoả lực, pháo hạng nặng của chúng đã được đặt ở điểm cao 505 và mỏm đồi đồn công an vũ trang, ngay phía sau đội hình của tiểu đoàn. Chúng bắn không tiếc đạn vào cửa chính của hang đá sở chỉ huy tiểu đoàn.
Sau một lúc trao đổi, tiểu đoàn trưởng Thêm đi đến một quyết định táo bạo:
- Chúng ta sẽ rút theo hướng cửa hang chính, vượt qua bản Nà Nghiềng sau đó băng sang dãy núi đá vượt lên Lũng Mật.
Có nhiều tiếng xì xào. Bởi nếu rút lui theo hướng của hang chính thì chính là một cuộc phá vây, mở đường máu thực sự. Bọn địch đã chiếm bản Nà Nghiềng, xe tăng chúng nằm lổm ngổm kháp thị trấn Sóc Giang. Con đường rút lui của đơn vị sẽ đi qua giữa đội hình quân địch. Biết thế nhưng không ai có ý kiến phản đối. Bởi vì ai cũng hiểu đường rút qua cửa hang phụ rất an toàn vì bọn địch khó phát hiện được nhưng vách núi đá dựng đứng, người khoẻ leo xuống đã khó đừng nói là khênh cáng thương binh...
Tiểu đoàn trưởng Thêm bắt đầu trình bày kế hoạch cụ thể cho tất cả cán bộ, chiến sĩ đang có mặt trong hang nghe. Theo kế hoạch, các bộ phận sẽ chia nhỏ thành từng tổ ba bốn người, vũ khí, trang bị, khiêng cáng thương binh thật gọn gàng, để có thể trong vòng hai đến ba phút, là khoảng cách thời gian giữa hai đợt pháo địch bắn cầm canh vào cửa hang, phải vượt được một quãng đường gần ba trăm mét từ hang xuống đến con mương nước bên phải bản Nà Nghiềng, gần nhà bưu diện thị trấn. Tiểu đội trinh sát đi trước ém trước dọc theo con mương sẽ bảo vệ cho đội hình rút lui. Khi bị địch phát hiện thì từng tổ sẽ tổ chức đánh địch, vừa đánh vừa rút.
Tôi hiểu, việc chia nhỏ ra như thế nếu bị trúng đạn pháo hoặc quân địch phát hiện truy kích thì tổn thất sẽ ít hơn.
Tôi được tiểu đoàn trưởng chỉ định làm tiểu đội trưởng tiểu đội hữu tuyến. Anh Tự tiểu đội phó được giao phụ trách một trung đội sang chi viện cho xê 2 bảo vệ trận địa phòng ngự chặn con đường vào thị trấn, chặn địch từ phía Đôn Chương đánh lên. Nói là trung đội nhưng thực sự bộ phận của anh ấy chỉ có mười bốn người cả thảy. Bộ phận do tôi phụ trách được lệnh đi trước đội hình rút lui của tiểu đoàn. Cùng đi với bộ phận mở đường của chúng tôi có một chiến sĩ trinh sát nắm tình hình địch, hai chiến sĩ công binh để phát hiện mìn, xử lý vật cản. Chỉ huy chung là thượng sĩ Thọ, trợ lý tham mưu tiểu đoàn.
Đêm đã về khuya. Trời lạnh buốt da, buốt thịt. Chúng tôi tranh thủ gặm nắm cơm đã khô cong cho đỡ đói chờ lệnh xuất phát. Trợ lý tham mưu Thọ nhìn đồng hồ. Đã gần một giờ sáng. Đợt pháo và DKZ của bọn địch bắn vào cửa hang vừa dứt anh hạ lệnh:
- Xuất phát...
Chúng tôi lao ra ngoài cửa hang. Đá vôi ở ngoài của hang bị pháo băm vụn nghiền nát, thậm chí bị sức nóng của lửa đạn nung thành vôi khiến chúng tôi không thể bước đi như bình thường được. Tất cả liền ngồi bệt xuống tụt xuôi dốc như trẻ con tụt máng trượt trong công viên. Khi chúng tôi đến được đầu nhà bưu điện thị trấn thì pháo địch bắt đầu bắn loạt tiếp theo. Tất cả nhảy ào xuống mương nước. Quên cả cái giá lạnh, chúng tôi dìm ngập người trong mương nước toài về phía bản Nà Nghiềng. Con đường phía trên con mương bọn địch đi lại lố nhố. May mà lòng mương sâu đến hai mét so với mặt đường, nước lại chảy ào ào, lau lách rậm rạp nên bọn địch không phát hiện được.
Đến cuối bản Nà Nghiềng tốp đi đầu của chúng tôi dừng lại lập thành một điểm chốt sẵn sàng đánh địch và chờ để đón các bộ phận tiếp theo rút qua. Tôi áp ngực vào bờ mương cho đỡ rét vừa canh chừng con đường từ bản ra vừa hồi hộp nhẩm đếm các tốp rút qua chỗ mình. Mười ba đợt tất cả. Vậy thể là đủ đội hình của tiểu đoàn bộ cùng số cán bộ, chiến sĩ đại đội 1 còn sống tập kết về trong hang chỉ huy. Không ngờ, cuộc rút lui của chúng tôi lại an toàn tuyệt đối, bọn địch không phát hiện được khi gần một trăm người bò qua dưới chân chúng. Có lẽ vì chúng không ngờ ta lại liều lĩnh, táo bạo đến thế.
Trời đã gần sáng. Khi bộ phận cuối cùng đã rút qua, tôi cùng anh em trong tiểu đội rút theo luôn. Chúng tôi băng qua cánh đồng đang cày dở. Những luống cày căn ngang rất khó chạy. Đến giữa đồng, tôi gặp mấy thương binh nhẹ đang dìu nhau đi. Tôi dừng lại giục:
- Nhanh nhanh lên! Trời sắp sáng rồi. Cố gắng đến chân dãy núi bên kia hãy dừng lại nghỉ kẻo bọn địch phát hiện ra đấy!
- Vâng... vâng...
Vừa định chạy đi cho kịp anh em trong tiểu đội nhưng thấy mấy thương binh dìu nhau tập tễnh mãi không qua được một bờ ruộng cao, tôi lại quay lại đỡ từng người vượt qua.

Khi chúng tôi đến được chân dãy núi thì trời đã tang tảng sáng. Phía cửa hang chỉ huy tiểu đoàn đột nhiên có một tiếng nổ dữ dội. Ánh lửa bùng lên sáng rực giữa thị trấn đổ nát. Sau này tôi mới biết bọn địch đã dùng một khối thuốc nổ rất lớn đánh sập cả một mảng núi đá lấp kín cửa hang chỉ huy tiểu đoàn, nơi mà chúng tôi vừa mới rút đi.
Đơn vị chúng tôi rút lui lên Lũng Mật, đây là trận địa của đại đội 4 hoả lực. Lũng Mật là một thung lũng nhỏ nằm ở lưng chừng dãy núi đá cao vút kéo dài từ biên giới xuống tận Mỏ Sắt. Dãy núi này cũng là ranh giới giữa hay huyện Hà Quảng và huyện Thông Nông. Từ Lũng Mật, nơi đại đội 4 đặt trận địa cối 82 và pháo 12ly7 có thể nhìn rất rõ trận địa gốc đa của đại đội 1, khu trường cấp 1 và vị trí hang chỉ huy của tiểu đoàn. Bọn địch chưa thể tiến đánh ngay lên khu vực Lũng Mật và truy kích bộ đội ta rút lui lên trên dãy núi đá cao chập trùng.
Đại đội đội 4 đã bắn gần hết cơ số đạn cối 82 để chi viện cho các đơn vị chốt giữ ở thị trấn và khu vực núi đất sát cửa khẩu. Trận địa đại đội 4 chỉ trúng một vài quả pháo của địch nên không bị tổn thất lớn. Ba chiến sĩ bị thương nhẹ vẫn tiếp tục tham gia chiến đấu. Khi các đơn vị của tiểu đoàn rút lui lên Lũng Mật, đại đội 4 cử một số cán bộ, chiến sĩ xuống tận lưng chừng núi giúp khiêng cáng thương binh, dẫn đường đưa các bộ phận vào các hang hốc, khe núi ẩn nấp.
Tiểu đội tôi chỉ còn năm người. Tôi và anh em chui vào một cái hốc sát ngay vách núi. Từ vị trí này, khi mây mù tan, chúng tôi có thể quan sát toàn bộ thị trấn Sóc Giang và con đường từ cửa khẩu Bình Mã chạy xuôi phía Mỏ Sắt.
Tôi và anh em ổn định chỗ ém quân, ngụy trang cẩn thận. Hai mắt tôi ríu lại vì cả tuần mất ngủ. Vừa ngả lưng nằm xuống tấm tăng định chợp mắt một lát thì có tiếng gọi:
- Hà ơi! Vẫn còn sống hả?
Tôi nhỏm dậy. Ai gọi vậy. Tôi dụi mắt và nhận ngay ra người đang đứng nhe răng cười trước mặt mình. Đó là trung uý Bàng, đại đội trưởng đại đội 4. Anh xô đến ôm riết lấy tôi chặt quá khiến tôi phải kêu lên:
- Gãy bố xương của em bây giờ! Đánh nhau không chết, chẳng bị thương, gặp anh khéo lại bị tai nạn đấy.
Anh Bàng cười hề hề rồi buông tôi ra. Tôi thấy trong mắt anh có nước. Anh lấy từ trong cái túi đeo bên hông ra một cái gói to bằng đầu gối đưa cho chúng tôi bảo:
- Ăn đi! Cơm nếp đấy. Có cả mấy miếng thịt gà ở trong ấy!
- Chà các bố ở trên này sang quá nhỉ! Bọn em ở dưới thị trấn đánh nhau ầm ĩ cả ngày, được một nắm cơm bằng nắm tay trẻ con là đã sướng lắm rồi...
- Còn ít gạo nếp từ hôm tết. Hôm nay tiểu đoàn rút lên tao cho nấu "chiêu đãi" anh em. Mà chả nhiều đâu, mỗi người một miếng cho thơm thôi. Gạo cũng đã cạn rồi, nước thì càng hiếm. Cả trăm lính với dân và thanh niên xung phong kéo lên đây thế này chả biết rồi sẽ trụ được mấy bữa.
Anh Bàng rút thêm từ trong túi ra một cái đùi gà đưa cho tôi và nháy mắt bảo:
- Cho riêng mày đấy!
Tôi cầm cái đùi gà bóc xé một miếng rồi đưa cho thằng Quý ngồi bên cạnh. Đoạn tôi hỏi anh Bàng:
- Tình hình các anh trên này thế nào?
- Trên này anh em cơ bản là an toàn. Chỉ buồn là đạn ít quá. Thấy các đơn vị dưới ấy bị bọn chúng tấn công dữ dội, thương anh em đồng đội lắm nhưng không đủ đạn mà bắn chi viện. Hôm đầu thấy chúng nó tràn sang đông như kiến cỏ tao lệnh cho các khẩu đội cối 82 bắn liên tục nên gần cạn mẹ nó mất cả cơ số đạn dự trữ. Hôm qua, nó đánh lên chốt xê 1, chốt Đầu Bò và trận địa của xê 2 cũng chỉ bắn chi viện cầm chừng được thôi. Tiếc quá! Giá mà có nhiều đạn thì bọn chúng biết tay.
Đang nói vẻ hào hứng, chợt anh Bàng dừng lại. Anh nhìn chúng tôi rồi nói vẻ ngậm ngùi:
- Tao ở trên núi dùng ống nhòm thấy hết trận địa của các đơn vị. Thấy cả xe tăng và bộ binh của chúng tấn công trận địa của ta, nhìn rõ anh bộ đội ta đã chiến đấu như thế nào, thấy cả cảnh các chiến sĩ trúng đạn giẫy giụa trước khi chết và đau nhất là thấy rõ cả cảnh bọn nó bắn giết, đâm chết thương binh của ta như thế nào. Tao cứ tưởng là bọn mày đều chết hết cả rồi, may mà mày...
- Cũng nhiều người hy sinh rồi anh ạ!
- Chỉ thương mấy thằng còn trẻ măng, vợ con chưa có, chưa biết mùi đời là gì...
- Chiến tranh thì biết làm thế nào được...
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Câu chuyện này tác giả chỉnh sửa ít nhiều cho phù hợp với người đọc , sắp thành tiểu thuyết rồi cụ ạ !
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
...Tôi cũng thấy xao lòng khi chợt nhớ về những thằng bạn vừa mấy hôm trước còn cùng ngồi nghêu ngao cười đùa với nhau trên bờ công sự, ước mong ngày trở về học hành, dựng nghiệp. Thế mà bây giờ mấy đứa chúng nó đã tan biến vào trời đất, mất hút đi đằng nào rồi. Anh Bàng ngồi chơi một lúc thì đứng dậy:
- Thôi chúng mày tranh thủ ngủ một lúc lấy sức. Chắc cũng chỉ nay mai là chúng nó sẽ tiến đánh lên đây thôi. Càng ngày sẽ càng khó khăn, ác liệt đấy. Bây giờ tao phải đi gặp tiểu đoàn trưởng nhận mệnh lệnh mới đây!
Anh Bàng đi rồi, thằng Quý thắc mắc hỏi tôi:
- Tại sao anh Bàng lại quan tâm đến tiểu đội ta thế anh nhỉ. Chắc phải có lý do gì chứ... - Nó nhíu mày: - Anh ấy và anh cũng chả phải là đồng hương, đồng khói gì. Anh ấy quê Cao Bằng, anh quê tận Vĩnh Phú cơ mà?
- Ăn đi rồi mà tranh thủ ngủ. Thấy chúng mình vừa ở nơi ác liệt còn sống sót trở về, tiện đường lên gặp chỉ huy tiểu đoàn nên anh ấy ghé vào thăm thôi mà.
Tôi nói vậy để Quý yên tâm. Thực ra chỉ có tôi mới hiểu vì sao anh Bàng lại quan tâm lo lắng cho mình đến thế.
Chuyện xảy trước chiến tranh. Buổi tối hôm đó tôi làm nhiệm vụ trực máy điện thoại tại vị trí chỉ huy của tiểu đoàn. Đang tranh thủ viết một lá thư gửi cho bố mẹ để ngày mai có người trong trung đội về xuôi mua hạt rau giống nhờ đem về tận nhà luôn thì thượng uý Hoà, chính trị viên phó tiểu đoàn từ đâu hớt hải chạy về lệnh:
- Cậu đem theo vũ khí theo tôi đi làm nhiệm vụ khẩn cấp ngay!
- Báo động chiến đấu ạ?
- Không hỏi! Đi ngay, khẩn trương lên!
Tôi vội buông bút, xách khẩu AK, vớ cái đèn pin đi theo chính trị viên phó Hoà. Ra tới đường tôi thấy có mấy người nữa đang đứng đợi. Đó là số cán bộ các bộ phận thuộc cơ quan tiểu đoàn bộ. Chúng tôi chạy gằn theo chính trị viên phó tiến về phía bản Táp Ná. Đây là một bản nhỏ hơn chục nóc nhà sàn nằm rải rác sát chân núi đá, gần con đường mòn ngược lên Lũng Mật. Từ sau tết nguyên đán, tình hình địch căng thẳng nên bà con dân bản đều đi sơ tán hết. Ban ngày trẻ con, người già cũng không được về bản, chỉ có những người còn sức lao động về chăm sóc lợn gà và làm ruộng, vườn. Ban đêm trong bản thì chỉ còn lại lực lượng dân quân làm nhiệm vụ tuần tra canh gác bảo vệ bản và sẵn sàng chi viện cho bộ đội vận chuyển đạn dược, đem cơm lên trận địa và khênh cáng thương binh về tuyến sau khi chiến tranh nổ ra.
Gió bắc thổi ù ù qua thung lũng. Lạnh quá khiến tôi chợt run lên. Chúng tôi lặng lẽ tiến về hướng một ngôi nhà sàn ở phía sau bản. Tôi thấy rất hồi hộp, trống ngực đập mạnh. Mới đầu tôi cứ nghĩ là đi vây bắt bọn *********, chỉ điểm, gián điệp. Đến nơi mới biết chúng tôi đang đi làm "nhiệm vụ đặc biệt" là bắt "quả tang" một cán bộ đơn vị đang ngủ với con gái bản. Rõ chuyện nên khi vào đến sân nhà cô gái (cô bé này cũng là một dân quân), tôi kiếm cớ xin đứng dưới sân cảnh giới mà không leo lên sàn, ập vào nhà để bắt quả tang tại chỗ những kẻ "hủ hoá", sa đọa theo như mệnh lệnh của chính trị viên phó tiểu đoàn vừa thì thào phổ biến.
Chính trị viên phó Hoà và mấy cán bộ nhẹ nhàng áp sát cầu thang ngôi nhà sàn. Trong nhà có ánh đèn leo lét và hình như có tiếng người rì rầm, tiếng cười khúc khích. Khi mấy người đi bắt kẻ "hủ hoá" vừa bước lên cầu thang thì ánh đèn trong nhà vụt tắt. Chính trị viên phó vội nhảy lên đập cửa. Phải một lúc sau chủ nhà mới ra mở cửa. Đó là một cô gái còn rất trẻ. Những ánh đèn pin đồng loạt bật lên sáng rực. Đứng dưới sân tôi vẫn nhìn thấy rõ quần áo cô gái xộc xệch. Quả là một người con gái rất đẹp. Cô gái một tay giữ ngực áo, một tay giơ lên che mắt vì chói ánh đèn. Sau này tôi mới biết cô tên là Lệ và là tiểu đội trưởng tiểu đội dân quân của bản.
Đèn trong nhà được thắp lên. Ánh đèn pin soi sáng khắp nhà. Nghe bập bõm tiếng ông chính trị viên phó tiểu đoàn và mấy cán bộ trao đổi với nhau, tôi hiểu họ là họ đã phát hiện ra một đôi giày bộ đội để cạnh đôi dép của cô gái dưới chân giường. Có lẽ họ đang căn vặn cô gái. Giữa lúc đó, tôi chợt nghe tiếng động nhẹ trên mái ngói. Tôi bấm đèn pin dọi lên mái nhà. Qua ánh đèn, tôi thấy một người mình trần như nhộng đang ngồi thu lu trên mái. Tôi nhận ngay ra đó là trung uý Bàng, đại đội trưởng đại đội 4 hoả lực. Trung uý Bàng một tay bám vào cành cây mít sà xuống sát mái nhà, một tay ôm quần áo. Tôi vội tắt ngay đèn pin và hô to:
- Có... có người vừa chạy ra phía bờ suối rồi!
- Bắt... bắt... lấy...
Ông chính trị viên phó quát và cùng mấy cán bộ từ trong nhà lao ra. Họ nhảy lụp bụp từ trên sàn xuống đất soi đèn hô nhau đuổi ra hướng bờ suối. Tôi cũng vội co giò phóng theo. Vừa chạy, tôi vừa cố nén tiếng cười khùng khục trong cổ họng khi nghĩ đến cảnh anh Bàng đang trần như nhộng ngồi co ro trên nóc nhà hun hút gió lạnh. Tôi nghĩ, ông trung uý này khéo chẳng chết vì gái mà lại chết cóng vì rét mất. Cũng may mà lúc nãy anh ấy thính tai nghe thấy có tiếng động ở cầu thang nên kịp chui qua cửa sổ đu bám vào cành mít leo lên mái nhà.
Hôm sau, tôi được giao đi củng cố đường dây lên đài quan sát. Hoàn thành nhiệm vụ, tôi quay về đơn vị. Qua thị trấn thì đã quá trưa. Tôi đang ngó nghiêng ở dãy hàng quán lèo tèo gần cổng chợ tìm mua cái gì cho vào bụng đỡ đói vì cả buổi leo dốc kéo dây điện thoại thì có ai đó từ phía sau chộp lấy vai mình vặn một cái đau điếng. Tôi quay lại. Té ra là trung uý Bàng. Anh nhìn tôi chằm chằm một lúc rồi mới hỏi:
- Tối hôm qua... tại sao... tại sao ông lại cứu tôi?
Tôi cười cười bảo anh:
- Em chỉ cố cứu lấy một tình yêu thôi... hi... hi...
- Ông đúng là một người bạn tốt!
- Tốt gì! Chính trị viên phó tiểu đoàn mà biết chuyện em cố ý đánh lạc hướng trong khi đang "làm nhiệm vụ đặc biệt" thì em cũng toi luôn! Ông ấy đang rất cáu vì cuộc vây bắt tối hôm qua thất bại đấy...
- Hì... đúng thế! Thôi vào đây làm bát phở cho ấm bụng cái đã.
Anh kéo tôi vào quán phở và kêu ông chủ quán:
- Làm ngay hai bát loại đặc biệt, cho thêm nhiều nhiều thịt vào nhé!
Nhìn vẻ mặt hứng khởi của anh Bàng, tôi nháy nháy mắt rồi hỏi:
- Cái cô dân quân ấy thật là đẹp anh nhỉ?
- Đẹp và còn nóng bỏng, dữ dội nữa chứ... Hì, ăn đi!
- Lần sau anh nhớ phải thật cẩn thận đấy!
Anh Bàng gật gật đầu. Ánh mắt anh nhìn tôi vẻ biết ơn.
Từ đó anh rất quý tôi, luôn coi tôi như một người bạn. Mặc dù anh hơn tuổi tôi. Tôi cũng rất quý anh. Anh là lớp cán bộ trưởng thành từ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Quê anh ở Trùng Khánh, Cao Bằng. Anh có nhiều thành tích trong chiến đấu nhưng phải cái tính hay hoa lá cành, thấy gái là tít mắt lại nên con đường công danh hơi lận đận. Mà cũng lạ, con gái cứ nhìn thấy cái dáng to cao, đẹp trai của anh đã mê tít. Chuyện tình của anh khá nhiều. Nghe đâu anh từng yêu con gái một ông tham mưu phó quân khu. Nhưng rồi giữa hai người xuất hiện mâu thuẫn nên đã chia tay nhau. Ông cán bộ quân khu ấy rất căm anh vì anh đã lấy mất cái quý giá nhất của cô con gái cưng mà không chịu cưới. Có lẽ vì đó mà cái chỉ tiêu đi học Học viện Lục quân định dành cho anh bị tiêu luôn. Anh được điều động về làm cán bộ đơn vị đang làm nhiệm vụ ở tuyến trước.
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
...Khi đã thân thiết với nhau rồi một hôm anh hỏi:
- Mày chưa biết con gái khỏa thân là thế nào phải không?
Tôi lắc đầu. Anh bảo:
- Hôm nào lên núi tao cho xem mấy cái ảnh con gái khỏa thân. Đẹp lắm! Nhưng phải hết sức bí mật nhé, lộ ra là chết cả lũ đấy. Lão chính trị viên phó mà biết ai tàng trữ văn hoá phẩm đồi trụy thì toi luôn. Hiểu không.
Tôi chưa kịp phản ứng gì thì anh như chợt nhớ ra dặn thêm:
- Nghe nói mày giỏi văn chương, chữ nghĩa. Hôm nào mày làm giúp tao một bài thơ để tao tặng cho em Lệ. Em ấy thích văn chương, hay đọc sách, rất mê thơ ca mà khoản này thì tao lại dốt đặc.
Tôi gật đầu đồng ý.
Mấy hôm sau, tôi đã viết xong cho anh Bàng một bài thơ tình yêu để anh đem tặng em Lệ xinh đẹp.
(Bài thơ và lời dẫn đã đăng trên blog này-TB):
"Tình yêu từ quả táo của Thị Mầu
Từ ánh mắt Chí Phèo đêm trăng ấy
Tình yêu là ngọn lửa hồng bỏng cháy
Đã đốt thiêu bao nhiêu kiếp người
Tình yêu cũng là một trời tuyết rơi
Làm cho những cuộc đời băng giá lạnh.
Tình yêu còn là niềm tin, sức mạnh
Để những người vượt lên số phận tật nguyền
Nhưng tình yêu khiến bao kẻ cuồng điên
Biến thành thiêu thân trong phút chốc.
Tình yêu là cội nguồn hạnh phúc
Song cũng là khởi điểm của khổ đau.
Bao nhiêu kẻ chỉ biết yêu nhau
Mà không biết đang đi trên miệng vực,
Nhưng khi trong ta con tim rạo rực
Thì cần gì nghĩ lo hậu quả ngày mai...
Định nghĩa tình yêu vẫn mãi nối dài,
Mặc dù tình yêu ai mà chẳng biết?
Nhưng chắc chắn bạn sẽ như là người đã chết
Nếu trong lòng nguội lạnh một tình yêu...".
Đọc xong bài thơ, anh Bàng cứ xuýt xoa mãi:
- Hay quá! Mày đúng là dân văn chương, chữ nghĩa. Giá mà không có chiến tranh, được học hành đến nơi, đến chốn chắc chắn mày sẽ làm nên cơm cháo đấy. Nhất định em Lệ cũng sẽ thích bài thơ này cho mà xem.
Ngập ngừng một lát anh nói thêm:
- Này! Giá như mà lão chính trị viên phó tiểu đoàn đọc được bài thơ này nhỉ?
- Đọc được có mà ông ấy cạo trọc đầu em à!
- Hì... đúng thế!
Anh Bàng cười hì hì. Anh xiết chặt tay tôi rồi đi về hướng bản Táp Ná. Đôi chân của anh leo dốc trông cứ nhẹ lâng lâng, khẩu súng ngắn đập lạch xạch bên hông. Tôi mỉm cười nhìn theo một kẻ si tình cho đến lúc bóng anh khuất hẳn sau chỗ ngoặt trên con đường nhỏ chân núi.
Chưa có dịp gặp lại anh Bàng để hỏi anh xem em Lệ có thích bài thơ của tôi không thì chiến tranh nổ ra. Sau này tôi còn được biết là sáng hôm xảy ra chiến tranh khi súng nổ được một lúc anh Bàng mới từ dưới chân núi hối hả chạy lên trận địa. Trên người anh mặc độc một cái quần lót. Anh lao ngay vào vị trí chỉ huy đơn vị chiến đấu luôn...
Khi ban chỉ huy tiểu đoàn bắt đầu rút lên Lũng Mật thì các cán bộ, chiến sĩ đại đội 2 vẫn tiếp tục củng cố trận địa ở mỏm đồi đất chìa ra chặn ngang con đường từ phía thị xã Cao Bằng lên thị trấn Sóc Giang.
Qua gần một tuần chiến đấu, đại đội 2 đã bị thương vong non nửa. Trận địa bị các loại đạn pháo, hoả lực quân địch cày sới tan hoang, hình như không còn một cành cây, ngọn cỏ nào là nguyên vẹn. Sau mấy ngày chiến đấu bảo vệ cửa ngõ thị trấn Sóc Giang, chúng tôi gọi đây là "TỌA-ĐỘ-LỬA" bởi sự ác liệt của nó.
Chập tối, tiểu đoàn bổ sung thêm cho đại đội 2 hai trung đội. Đếm số người mới đến đại đội trưởng Bổn lẩm bẩm: "Chỉ có chưa đầy hai chục người mà cũng gọi là hai trung đội!". Tuy thế anh cũng rất mừng vì số anh em được điều đến đều là những cán bộ, chiến sĩ rất dũng cảm đã từng đánh nhau với bọn giặc ở chốt cây đa cửa khẩu và trên mỏm Đầu Bò cạnh sân trường cấp 1. Đại đội trưởng Bổn phân công các vị trí phòng ngự và phạm vi phòng ngự, phổ biến các ký, tín hiệu hiệp đồng chiến đấu cho bộ phận mới đến. Đại đội trưởng Bổn dặn dò trung đội trưởng Lộc-là người mới dẫn bộ đội lên bổ sung. Anh Lộc là trung đội phó trung đội vận tải bộ của tiểu đoàn:
- Ngay trong đêm nay bộ phận mới đến phải tích cực củng cố trận địa. Nhớ làm các lỗ châu mai tạo hướng bắn ngược lên điểm cao 505. Mẹ kiếp! Phương án tác chiến thì chỉ tính đến việc đánh địch từ hướng biên giới tràn xuống. Ai ngờ nó chọc thủng phòng tuyến, chiếm các vị trí ở phía sau trước, rồi từ phía sau nhằm vào gáy mình mà nã đạn. Hầm hố chẳng có lỗ châu mai hướng về phía sau, lính tráng phải chui ra ngoài công sự phơi người nằm bắn nên thương vong nhiều đến thế đấy.
Trung đội trưởng Lộc nhanh chóng đôn đốc các chiến sĩ củng cố trận địa. Mọi người đều rất mệt mỏi và buồn ngủ nhưng ai cũng hiểu là ngày mai trận đánh sẽ vô cùng ác liệt, trận địa được củng cố tối bao nhiêu thì thương vong sẽ giảm bớt bấy nhiêu. Đang đào bới, xúc đất đá ở một góc hầm bị sạt lở do những trận đánh trước đó, một chiến sĩ bỗng rú lên hoảng hốt:
- Có... có... người chết!
Trung đội trưởng Lộc và mấy chiến sĩ nữa xúm lại. Đại đội trưởng Bổn nghe tiếng kêu thảng thốt cũng vội nhào đến. Dưới ánh đèn pin lờ mờ, mọi người thấy một bàn chân người lộ ra. Người chiến sĩ đang mò mẫm đào bới đã moi trúng bàn chân nát bươm, đẫm máu trong đám đất đá hỗn độn.

Đại đội trưởng Bổn lập tức nhảy xuống chiến hào cùng các chiến sĩ dùng tay bới đất chỗ tìm thấy dấu vết liệt sĩ. Nhưng moi hết cả căn hầm bị pháo bắn sập họ cũng chỉ tìm thấy một ít phần bên dưới của liệt sĩ. Trong trận đánh sác liệt chiều nay một quả pháo hạng nặng của địch đã bắn trúng chỗ người lính ấy đang đứng bắn. Mọi người ngậm ngùi gói ghém phần thi thể còn lại của liệt sĩ chờ bộ phận vận tải lên đưa đi mai táng.
Đại đội trưởng Bổn giọng nghèn nghẹn bảo:
- Còn mấy người hy sinh nữa chưa tìm thấy thi thể. Đây có thể là thằng Linh ở trung đội 2. Vị trí này là chỗ nó đặt trung liên mấy ngày nay.
Có một tiếng thở dài của ai đó.
Anh Bổn nâng gói thi thể đặt lên bờ công sự. Mọi người lặng lẽ cúi đầu vĩnh biệt người đồng đội thân yêu. Ánh lửa từ những đám cháy rần rật phía thị trấn soi loang loáng những dòng nước mắt chảy dài trên những khuôn mặt nhem nhuốc, hốc hác của những người lính đang đứng lặng quanh thi thể người đồng đội giữa nơi chiến địa hoang tàn.
...
 

Hổ Con

Xe tăng
Biển số
OF-4244
Ngày cấp bằng
14/4/07
Số km
1,806
Động cơ
1,075,649 Mã lực
Nơi ở
Bốn biển là nhà
Anh Thắng VM cũng đọc à, cụ chủ viết hay nhỉ.
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
...Tảng sáng. Sương mù chưa tan đã nghe tiếng gầm rú của xe tăng địch từ phía Đôn Chương. Tại khu vực các bản Cốc Sâu, Kép Ké phía trước trận địa phòng ngự của đại đội 2 lố nhố bóng bọn bộ binh địch đang bu đen xung quanh khu lò sấy thuốc lá của dân bản. Đại đội trưởng Bổn giơ ống nhòm quan sát và lệnh cho tổ đài vô tuyến sóng cực ngắn yêu cầu chuyển ngay bức điện cho tiểu đoàn đề nghị hoả lực bắn mạnh vào khu vực bọn địch đang tập trung quân. Chiến sĩ Định lập tức mã hoá bức điện và chuyển đi ngay. Nhận được yêu cầu của đại đội 2, tiểu đoàn trưởng Thêm và chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc lập tức hội ý. Đạn cố 82 đã sắp cạn nhưng vẫn phải bắn chi viện cho đại đội 2. Bây giờ bắn là phải tính từng viên và thật hiệu quả. Mười quả đạn cối 82 của đại đội 4 từ trên núi rất chính xác rơi xuống chỗ địch đang tập trung quân. Những cột khói bốc lên mù mịt và tiếng kêu hoảng loạn của bọn địch ở khu vực Cốc Sâu, Kép Ké. Các chiến sĩ trên đài quan sát báo cáo ngắn gọn: "Đạn cối của ta bắn trúng mục tiêu!".
Trận địa của đại đội 2 vẫn im lìm. Sương mù bắt đầu tan dần. Bọn địch ở khu vực các bản Cốc Sâu, Kép Ké bắt đầu tổ chức tấn công. Những chiếc xe tăng đi đầu của địch đã xuất hiện. Tiếng xích sắt xoang xoảng ken két nghiến trên mặt đường. Có những tiếng hô khẩu hiệu và tiếng kèn đồng cổ vũ quân lính xung trận từ phía giặc vang lên. Tiếp sau đó là những loại đạn pháo và hoả lực của bọn chúng bắt đầu gầm lên dữ dội. Pháo mặt đất, pháo trên xe tăng của chúng thi nhau nhả đạn dìm toàn bộ quả đồi do đại đội 2 phòng ngự chìm trong khói lửa. Đất đá, khói lửa bốc lên trời cuồn cuộn, mịt mù.
Bọn địch bắt đầu xung phong. Những chiếc xe tăng địch phụt khói lao nhanh vào thị trấn như một đàn thú dữ xổng chuồng. Bộ binh địch đông nghẹt cả mặt đường, tràn xuống ruộng. Những bàn chân xâm lược đạp nát những thửa ruộng trồng cây thuốc lá của dân ta. Tiếng kèn sừng dê, tiếng kèn đồng tru lên từng hồi như tiếng hú của chó sói. Những tên giặc say máu gào lên những tiếng gọi nhau đánh giết người man dại.
Trận địa của đại đội 2 vẫn im lặng. Người chiến sĩ vệ quốc trong "toạ độ lửa" bình tĩnh hướng nòng súng rê theo bước chân của bầy sói đang tiến lại gần.
Chờ chúng vào sát chân chốt, các loại hoả lực của đại đội 2 mới phát hỏa. Các đơn vị xung quanh lập tức chi viện chặn đánh bọn địch, không cho chúng tràn vào thị trấn Sóc Giang đổ nát. Đạn từ mỏm đồi cửa hàng thực phẩm của đại đội 1 bắn ra. Từ mỏm Kéo Nghìn hoả lực của đại đội 3 trút xuống xiên chéo đội hình quân địch. Ác hiểm nhất là luồng đạn từ khẩu đội 12ly7 trên mỏm núi ở bản Cốc Sâu ngay giữa đội hình xuất phát của quân địch bất ngờ khạc lửa nhằm thẳng vào lưng, vào gáy bọn chúng. Đó là một khẩu đội 12ly7 của C16 trực thuộc trung đoàn. Các chiến sĩ khẩu đội 12ly7 này đã dũng cảm nằm im giữa đội hình của bọn giặc chờ đợi. Bọn giặc chúng sẽ không phát hiện ra nếu họ lặng lẽ trèo lên núi cao theo đường mòn rút đi. Nhưng các chiến sĩ khẩu đội này chỉ nằm im khi thấy địch tập trung quân xung quanh. Khi bọn địch bắt đầu tấn công vào thị trấn thì họ lập tức nhả đạn vào lưng chúng để chi viện cho tiểu đoàn 3 của chúng tôi.
Bọn địch phải tổ chức một đơn vị quay lại bao vây tiêu diệt khẩu đội 12ly7 đang bắn vào lưng chúng. Các chiến sĩ khẩu đội này đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Họ phá hỏng khẩu 12ly7 trước khi bọn địch xông đến. Một loạt tiếng nổ lục bục trên mỏm núi. Những quả lựu đạn cuối cùng nổ ngay trên tay những người lính dũng cảm. Cả khẩu đội 12ly7 chết cùng những tên địch vừa lao đến.
Sau hai tiếng, trận chiến đấu trước cửa ngõ thị trấn Sóc Giang kết thúc. Tiếng súng lắng dần. Từ vị trí chỉ huy của tiểu đoàn trên Lũng Mật chúng tôi lo lắng tìm cách liên lạc với đại đội 2. Chiếc máy vô tuyến sóng cực ngắn kêu xèn xẹt mãi mới dò được sóng của chiếc máy đang đặt tại vị trí chỉ huy của đại đội 2. Đại đội 2 báo cáo: "Bốn xe tăng, hơn hai trăm tên địch bị tiêu diệt, xác chúng nằm chồng chất trên mặt đường, mặt ruộng. Ta có mười lăm đồng chí hy sinh và bị thương. Trung uý Trần Xuân Tường, học viên trường sĩ quan Chính trị hy sinh khi cùng hạ sĩ Trần Công Tân bò xuống sát mặt đường bắn cháy hai xe tăng và chiến đấu với bộ binh địch...".
Sau này tôi mới biết cụ thể về cái chết của hạ sĩ Tân. Anh đã tụt từ tuyến hào phía trên đồi xuống bờ đất sát mặt đường nhặt khẩu B41 của trung uý Tường vừa hy sinh và bắn cháy thêm một chiếc xe tăng địch. Anh trụ lại ở bờ đất cạnh bụi tre để tiếp tục đánh địch. Bọn địch bị bắn ngã như chuối đổ nằm ngổn ngang đầy mặt đường. Nhưng rồi nhiều tên đã lao lên ép người được vào bờ đất cao, tránh được hỏa lực bắn thẳng của ta. Chúng ném lựu đạn tới tấp lên phía sau bờ đất. Những quả lựu đạn xì khói lăn dưới chân Tân. Nhanh như chớp, Tân chụp những quả lựu đạn ném trả lại bọn địch. Có quả nổ ngay trên không, mảnh lựu đạn xối xuống lưng những tên đang ép vào bờ đất.
Quả lựu đạn cuối cùng Tân nhặt dưới chân mình, anh nắm chặt trong tay. Bọn giặc ào tới rất đông. Nhưng chúng bỗng kinh hoàng há hốc miệng nhìn anh. Tân đứng thẳng dậy. Từ bàn tay anh xoè ra một bông hoa lửa.
Nghe tin Tân hy sinh, tôi cũng lặng người đi. Tân và tôi cùng nhập ngũ trong đợt tổng viên chuẩn bị cho chiến dịch cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, mùa Xuân 1975. Anh quê ở vùng lúa Thái Bình. Trước hôm xảy ra chiến tranh mấy ngày, gặp tôi ở thị trấn anh còn khoe vừa mới nhận được thư của vợ gửi lên báo tin sinh con trai. Thế là anh đã ngã xuống. Vĩnh viễn không bao giờ anh còn biết mặt đứa con vừa chào đời chưa tròn một tháng tuổi.
Buổi chiều hôm ấy, bọn địch chỉ bắn cầm chừng. Hình như chúng đang củng cố lại đội hình chuẩn bị cho một đợt tấn công quyết liệt hơn. Trung đội trưởng Lộc quan sát phía bản Cốc Sâu cẩn thận rồi gọi một chiến sĩ trong trung đội đang ôm súng ngồi dưới chiến hào:
- Nam ơi! Tao và mày xuống chỗ đoạn đường bọn địch nằm chết ngổn ngang kia kiếm một ít đạn và xem bọn chúng có lương khô, lương khiếc gì không. Đói lắm rồi mà không thấy nuôi quân đem cơm lên gì cả!
- Vâng! Để em đi trước.
Nam xách súng toài xuống chân dốc. Trung đội trưởng Lộc lập tức chuội người theo sát phía sau. Hai anh em lom khom nhặt mấy súng, gỡ lấy bao đạn và ba lô của bọn địch. Anh Lộc vừa kéo định gỡ cái ba lô trên lưng một tên nằm úp mặt vào thành ta-luy đường thì cái "xác" quay ngoắt lại. Tay nó vung lên. Anh Lộc hét:
- Lựu đạn đấy! Nằm xuống!
Rất nhanh, anh nhào người lăn về phía cái rãnh thoát nước ven đường phía ta-luy âm. Trước khi đổ người xuống, anh còn kịp quét găm một loạt đạn AK vào tên giặc giả chết. Cánh tay của thằng giặc vừa vung lên liền rũ xuống. Quả lựu đạn tuột khỏi tay nó rơi xuống mặt đường lăn ngược trở lại chỗ nó đang nằm. Một tiếng nổ vang lên. Khói bụi đất cát văng mù mịt. Anh Lộc lồm cồm nhỏm dậy gọi:
- Nam ơi... Nam...
- Em đây... em vẫn an toàn, anh có việc gì không?
Nam vừa chui ra từ trong bụi cây xấu hổ dưới mép đường lên vừa đáp. Anh Lộc bảo:
- Tao không việc gì! Mẹ cha thằng giặc khốn kiếp... suýt nữa thì toi mạng oan với nó... Thôi, rút ngay!
Trung đội trưởng Lộc và Nam vội leo lên trận địa. Vừa chui vào trong hầm, Nam đã vội mở hai cái ba lô lấy được của bọn địch. Chả có cái gì ngoài mấy bộ quần áo cũ và cái bi đông cạn khô. Nam dốc ngược một chiếc ba lô. Hai củ khoai lang sống từ túi cóc ba lô lăn ra nền đất. Có một củ đang ăn dở. Chắc thằng giặc đói vừa mới cướp được ở bản Cốc Sâu. Nam bực bội chưởi đổng:
- Mẹ kiếp! Cái đồ nghèo kiết xác, chết đói mà cũng đòi đi xâm lược!
Trung đội trưởng Lộc bật cười bảo:
- Thôi lại đành nhai gạo sấy vậy!
Anh mở ba lô của mình lấy ra một túi ni-lông còn chút ít gạo sấy. Từng người lần lượt thò tay vốc một nhúm ngậm vào trong miệng. Rồi họ chuyền tay nhau cái bi đông đựng nước suối, mỗi người tợp một ngụm. Họ ngậm nước suối và gạo sấy trong miệng một lúc chờ cho hạt gạo trương lên, mềm đi rồi bắt đầu nhai cho đỡ đói. (Nếu bạn đọc muốn biết thứ gạo sấy mà những người lính chúng tôi đã được cấp phát để ăn trong chiến tranh ngày ấy như thế nào thì có thể tự mình làm thử. Bạn hãy lấy một ít cơm nguội ném vào nước lạnh cho nó trương lên, hoặc vớt một ít cơm còn lại trong chậu sau khi rửa bát ăn thử là biết. Gạo sấy của người lính biên cương giống hệt như vậy. ..).
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
...Gần cuối buổi chiều, bọn địch tổ chức thêm một đợt tấn công nhưng có vẻ không quyết liệt lắm. Thêm hai chiếc xe tăng địch bị bắn cháy. Một chiếc nổ dữ dội, chắc là trong xe còn nhiều đạn pháo nó chưa kịp bắn. Bộ binh địch hình như không phải là sẽ đánh lên trận địa của ta. Chúng tiến chậm chạp sau xe tăng là để lôi xác đồng bọn bị chết từ đợt tấn công buổi sáng về phía sau. Phát hiện ra hành động này của bọn địch, đại đội trưởng Bổn hạ lệnh cho toàn đại đội ngừng bắn. Anh muốn tạo điều kiện cho bọn giặc đem xác chết đồng bọn ra khỏi trận địa.
Bọn giặc thấy hoả lực của ta lắng đi vội lao vào lôi xác đồng bọn chạy ra xa. Chúng xếp những xác chết thành hàng lối như một đội hình thẳng hàng trên con đường phía trước thị trấn. Quan sát hành động của chúng, các chiến sĩ trên trận ai cũng ngạc nhiên thắc mắc, không hiểu vì sao. Họ nhao nhao gọi hỏi nhau:
- Chúng nó định làm cái gì vậy?
Từ nãy đến giờ đại đội trưởng Bổn vẫn chú ý quan sát địch. Nghe mọi người hỏi, anh thủng thẳng bảo:
- Chắc bọn chúng quyết tâm tiến vào thị trấn Sóc Giang bằng con đường của những xác chết đấy! Chúng nó sẽ được toại nguyện!
Các đơn vị của trung đoàn cũng bắt đầu rút lui lên dãy núi mà tiểu đoàn 3 chúng tôi đang đứng chân. Cơ quan hậu cứ của trung đoàn bộ bị bọn địch đánh tập hậu. Chính uỷ trung đoàn, thiếu tá Nguyễn Đệ đã chỉ huy bộ đội cố thủ trong hang suốt ba ngày. Khi bọn địch chiếm được cửa hang, chúng đã dùng cả tấn thuốc nổ đánh sập cửa hang, chôn sống hơn chục cán bộ, chiến sĩ ta trong đó. Nghe tin này chúng tôi ai cũng rất đau xót, căm thù quân giặc.
Được giao nhiệm vụ dẫn tiểu đội đi đón đội hình của trung đoàn bộ rút lui lên Lũng Mật, tôi thấp thỏm cả buổi chiều. Không biết ai còn sống, ai đã hy sinh. Tôi quen thân rất nhiều anh em trên cơ quan trung đoàn bộ. Trời chưa tối, ăn vội nắm cơm, anh Thọ, trợ lý tham mưu tiểu đoàn đã gọi bộ phận đi đón cơ quan trung đoàn bộ lên đường. Anh dẫn chúng tôi tụt xuống núi. Theo hiệp đồng, chúng tôi sẽ chờ ở khu vực Mỏ Nước, chân núi đá. Sương mù bắt đầu buông xuống, không còn nhìn rõ khu núi đất và điểm cao 505 mà bọn địch đang phòng ngự nữa. Bộ phận cơ quan trung đoàn bộ sẽ lợi dụng đêm tối và sương mù dày đặc cắt qua dãy núi đất phía nam cao điểm 505, vượt qua con đường xuôi Mỏ Sắt và cánh đồng hẹp sang dãy núi đá.
Chúng tôi ém quân tại khu vực Mỏ Nước chân núi đá phía bên này cánh đồng. Bộ đội ẩn nấp sau các mô đá nhấp nhô không để bọn địch đang đi lại trên con đường đất bên kia cánh đồng phát hiện, và cũng tránh đạn pháo địch thỉnh thoảng lại bắn hú hoạ từ cao điểm 505 sang sườn núi đá. Nhìn những ánh đèn và tiếng gầm rú của các phương tiện xe máy của địch chúng tôi lo lắm. Không biết các cán bộ, chiến sĩ cơ quan trung đoàn bộ có vượt qua đường an toàn không. Càng về khuya, sương càng lạnh. Con đường bên kia cánh đồng bọn địch đi lại thưa hơn. Chúng tôi căng mắt quan sát và dỏng tai lên nghe từng động tĩnh từ phía bên kia con đường đất. Không nói ra nhưng ai cũng thấy bồn chồn, lo lắng. Có lẽ đã sang ngày hôm sau. Có tiếng gà xao xác gáy. Đang sốt ruột căng mắt ra quan sát thì trợ lý Thọ lần đến chỗ tôi thì thào thông báo:
- Có tín hiệu bắt liên lạc rồi! Ông chuẩn bị cho anh em đón và giúp khiêng cáng thương binh, mang vác giúp trang bị nhé!
- Vâng! Anh cứ yên tâm, tôi bố trí đâu vào đó rồi.
Những bóng người lờ mờ hiện ra trong sương. Chúng tôi rời các mô đá ào ra. Không có thương binh nặng phải khiêng cáng, chỉ có một số thương binh nhẹ còn đi được. Các chiến sĩ đi đón dìu thương binh, dẫn các cán bộ trung đoàn lẩn vào ngay khe núi, khuất sau những gộp đá to.
Chợt nhìn thấy một bóng người nhỏ bé có vẻ lật bật đi cuối đội hình, tôi khẽ hỏi:
- Đồng chí nào chậm chạp thế! Nhanh lên. Nó bắn pháo sang bây giờ!
- Em... em... là... Ôi! Ai như anh Hà đấy phải không ạ?
Tôi cũng đã nhận ra người quen. Tôi liền chạy đến lập bập hỏi:
- Mai... Mai hả!
- Vâng, là em đây anh ơi!
Một ánh lửa đề-pa của pháo địch sáng loé lên. Tôi vội kéo Mai vào phía sau gộp đá. Tôi đưa tay gỡ cái ba lô Mai đang đeo để mang giúp em. Tay tôi chạm và bờ vai tròn của cô gái. Mai để tôi mang giúp cái ba lô của mình. Tôi không giấu nổi niềm vui:
- Gặp em rồi! Mừng quá...
- Em cũng mừng... nhưng... hu hu... chị... chị... Nhung hy sinh rồi anh ơi...

Tôi lặng người đi khi nghe tin Nhung hy sinh. Tôi và Nhung cùng quê, cùng nhập ngũ, lại cùng ở đơn vị với nhau kể từ ngày vào bộ đội đến giờ. Nhung là văn thư của trung đoàn. Thỉnh thoảng lên trung đoàn bộ công tác, tôi vẫn ghé thăm Nhung. Nhất là từ khi Mai về cùng bộ phận với Nhung. Mai vẫn tự nhận là em gái tôi. Mai quê ở Yên Phong, Hà Bắc. Tôi quen Mai từ ngày em nhập ngũ. Đó là đầu năm 1978, khi ấy tôi còn ở cơ quan trung đoàn bộ. Tôi được đi cùng các cán bộ đại đội thông tin về Hà Bắc tuyển quân. Đơn vị tôi nhận tân binh ở huyện Yên Phong. Trong số các chiến sĩ nam nữ sẽ biên chế về cơ quan trung đoàn bộ tôi chú ý đến một cô bé nhỏ có khuôn mặt trái xoan và đôi mắt rất sáng. Nhận quân trang mới, mặc dù cô bé này đã phải xắn lên một gấu, ống quần vẫn dài quét đất. Tôi trêu:
- Hay là cho em về nhà để mẹ cắt bớt nửa ống quần đi cho vừa.
- Đừng coi thường nhé! Vào bộ đội vài hôm là em sẽ lớn thôi!
Cô bé láu lỉnh cự lại. Lúc giục mọi người lên xe để hành quân về đơn vị, tôi thấy cô bé này đang đứng với một chị phụ nữ còn rất trẻ. Nhìn hai người rất giống nhau, tôi đoán là hai chị em. Tôi bảo:
- Đồng chí nữ tân binh thôi khóc nhè, chùi mũi rồi chào chị đi để còn lên đường về đơn vị nào!
Cô bé trợn mắt:
- Đây là mẹ em chứ!
Tôi lúng túng vì sự nhầm lẫn. Mẹ cô gái cười dặn:
- Nhờ chú quan tâm giúp đỡ em Mai với nhé! Tính nó còn trẻ con lắm...
Mai nũng nịu giật giật tay mẹ. Hai mẹ con cùng lau mắt khi chia tay nhau.
Từ đó tôi và Mai thân nhau. Mỗi lần gặp nhau Mai thường hay "đe" tôi: "Phải luôn nhớ giúp đỡ em Mai! Anh đã hứa với mẹ rồi đấy nhé!". Hết thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, Mai được điều động về ban hành chính trung đoàn, cùng bộ phận văn thư bảo mật của Nhung.
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
...Trung đoàn hành quân lên tuyến trước, các tiểu đoàn đóng quân cách xa trung đoàn bộ. Mỗi lần có việc lên trung đoàn tôi đều tạt qua thăm Mai. Gặp nhau, Mai khoe đủ chuyện. Nhất là chuyện quê hương. Mai vẫn bảo: "Khi nào ra quân anh về thăm quê em vào dịp đầu mùa Xuân, em sẽ đưa anh đi hội Lim!".
Từ khi cơ quan trung đoàn bộ rút lui lên Lũng Mật, tình hình lương thực, nước uống càng thêm khó khăn. Chúng tôi phải vừa củng cố trận địa phòng ngự vừa tổ chức đột nhập xuống chỗ bọn địch đã chiếm để tìm kiếm lương thực, lấy nước uống.
Một đêm, đơn vị tổ chức một bộ phận bí mật xuống bản Nà Liền tìm lương thực. Mai và một số anh chị em cơ quan trung đoàn cũng cùng đi. Trăng đêm mờ đục bởi mây mù dày đặc. Chúng tôi tổ chức đội hình thành từng tốp nhỏ đi cách nhau một đoạn đề phòng bị địch phục kích. Bản Nà Liền hoang tàn sau những trận pháo kích và đốt phá của bọn địch. Trong những căn nhà sập đổ, tìm được thứ gì chúng tôi lấy thứ nấy, gạo, ngô, đậu tương, lúa của đồng bào bó để trên gác bếp. Lúc quay trở về, theo sự phân công của người chỉ huy chung, tôi lùi lại phía sau chờ mọi người lên hết dốc mới rút theo. Tôi ôm súng nép vào hòn đá to giữa suối cảnh giới.
Mọi người vượt qua con suối nhỏ, bắt đầu leo lên dốc. Chờ một lát, ước chừng tất cả đã vượt qua khỏi đoạn dốc trống trải, tôi mới khoác cái ba lô đựng ngô lên vai rời khỏi vị trí cảnh giới. Vừa định băng qua suối thì có tiếng gọi nho nhỏ ngay sau mô đá, sát chỗ tôi đang đứng:
- Anh Hà ơi!
Nhận ra tiếng người gọi, tôi quay lại:
- Mai hả! Sao tụt lại xa đội hình thế! Mau vượt lên dốc đi. Ba lô nặng quá đưa anh mang bớt cho!
- Không nặng đâu! Nhưng anh chờ em một tý nhé!
- Có việc gì vậy! Rút nhanh kẻo nó bắn pháo sang nguy hiểm lắm!
Tôi vừa nói vừa nhìn về phía thị trấn, nơi những căn nhà đang cháy rừng rực, thỉnh thoảng ánh lửa đầu nòng pháo của địch lại lóe lên.
Mai thì thào:
- Anh... cảnh giới cho em... tắm một tý nhé! Đã mấy ngày rồi... trên núi làm gì có nước?
Đúng là trên núi đá vôi cằn cỗi nước uống còn chả đủ làm gì có nước mà tắm. Có vị trí tổ chức việc phòng ngự rất tốt, dễ đánh chặn đánh bọn địch tấn công lên núi nhưng mạch nước cạn mất đơn vị đành phải rút đi chỗ khác.
Nghe Mai nói vậy, tôi gàn:
- Nước suối lạnh lắm. Đi thôi em!
- Mặc kệ!
Mai nói và trút hết quần áo, để trên mô đá rồi lội xuống suối ngay sát chỗ tôi đang đứng. Bất ngờ mặt trăng ló ra chỗ mây thưa. Cơ thể ngọc ngà của Mai lồ lộ dưới ánh trăng. Mai đưa hai bàn tay bưng lấy ngực rồi từ từ dìm người xuống dòng nước lạnh. Ánh trăng lấp loá trên đôi vai trần của em.
Một lát sau Mai bước lên đứng cạnh tôi lặng lẽ mặc quần áo. Xong xuôi, Mai khẽ hích nhẹ vào vai tôi:
- Chúng mình đi thôi!
Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng trước vẻ đẹp thanh khiết, tròn đầy của cô gái giữa một đêm chiến tranh nơi góc rừng biên giới. Tiếng súng bên kia cánh đồng bỗng rộ lên. Tôi kéo Mai hối hả vượt qua khoảng dốc trống trải, lẩn nhanh vào sau những mô đá nhấp nhô như hình người đang đứng im phăng phắc trên sườn núi.
Tôi và Mai lần theo lối mòn ngược lên đỉnh núi. Ánh trăng tuy phải xuyên qua làn sương mù dày đặc nhưng vẫn soi rất rõ con đường ngược dốc nên chúng tôi đi không đến nỗi khó khăn lắm. Chỉ có điều là Mai sức yếu, lại chưa quen leo dốc núi cao gần như dựng đứng nên em đi rất chậm. Cứ đi được vài bước tôi lại phải dừng lại đợi. Cái ba lô của Mai chỉ có hơn chục bắp ngô lấy được ở bản và vài thứ nhẹ tênh nhưng em kêu mỏi vai. Tôi phải chuyển dần các thứ của em sang ba lô của tôi. Lên đến đỉnh dốc thì Mai chỉ còn đeo độc một khẩu súng trên vai.
Về đến gần vị trí trú quân thì Mai giữ tôi lại và bảo:
- Sắp sáng rồi! Chúng mình vào chỗ nào ngồi với nhau một lát. Ngày mai bộ phận của chúng em sẽ rút lui sang Nguyên Bình trước rồi. Từ hôm gặp nhau đến giờ, anh em mình chưa ngồi nói chuyện với nhau lần nào!
Tôi và Mai tạt vào một hẻm núi đá gần bên lối đi. Chúng tôi cùng ngồi dựa lưng vào một hòn đá lớn. Đang thì thầm kể đủ thứ chuyện thì Mai chợt kêu lên:
- Anh ơi! Em lạnh quá!
- Đã bảo là nước lạnh lắm lại không nghe! Khéo mà bị nhiễm lạnh, cảm ốm ra trong lúc này thì nguy.
Tôi vừa càu nhàu vừa quờ chiếc ba lô của mình tìm cái vỏ chăn choàng lên vai Mai. Mai quấn chặt cái vỏ chăn ngồi thu lu trông nhỏ bé và yếu ớt quá. Hình như Mai chưa hết lạnh, em nói giọng run run:
- Vẫn lạnh lắm! Anh... anh... ôm em đi cho ấm!
Thấy tôi lúng túng chần chừ, Mai giục:
- Ôm em thật chặt vào... đi anh...
Tôi lúng túng ngồi sát lại gần Mai. Mai mở cái vỏ chăn đang quấn quanh người cho tôi cùng đắp. Rụt rè một lúc tôi mới dám vòng tay trái luồn qua lưng Mai ôm lấy bờ vai em. Tôi hơi bất ngờ vì Mai không lạnh như em đã nói. Người Mai nóng rực.

Mai ngả đầu vào vai tôi. Em nói, giọng buồn buồn:
- Chiến tranh ác liệt quá! Bao nhiêu người ngã xuống rồi! Hôm trước, khi địch tập kích vào hang giữa lúc em đang đi lấy nước nên còn sống. Bọn chúng đánh sập cửa hang. Cứ nghĩ đến chuyện chị Nhung và mọi người vẫn còn sống mà bị đá bít mất cửa hang không ra được, chết đói, chết khát trong đó là em lại muốn khóc.
Vai Mai rung rung. Tôi biết em đang cố nén để khỏi bật ra tiếng khóc. Tôi cũng không biết nói câu gì để an ủi Mai bây giờ. Mai lại thủ thỉ:
- Em vẫn nhớ hôm trước anh và anh Lâm lên trung đoàn công tác đến chỗ em chơi. Em hứa là bao giờ chúng mình ra quân em sẽ đưa các anh đi trẩy hội Lim...
- Nhất định rồi! Mùa Xuân sang năm chúng mình cùng về quê em đi hội Lim nhé?
- Nhưng mà... chiến tranh chả biết thế nào!
Nghe giọng nói Mai của sao mà buồn thế. Hai chúng tôi cùng im lặng hồi lâu. Mai vẫn ngoẹo đầu dựa vào vai tôi. Hơi thở của em nhè nhẹ phả vào cổ tôi âm ấm. Tôi nghĩ chắc Mai mệt quá đã ngủ thiếp đi. Chợt có một tiếng nổ khá lớn dưới thị trấn vọng lên. Mai hơi giật mình. Bàn tay em lần tìm bàn tay phải của tôi nắm chặt. Tôi thấy thương Mai quá. Con gái trong chiến tranh sao mà lẻ loi và khốn khổ đến thế. Mai vẫn giữ chặt tay tôi trong tay mình như sợ tôi đột nhiên biến mất. Bàn tay nhỏ nhắn của em như có lửa. Và thật bất ngờ, Mai kéo bàn tay tôi lên áp chặt vào khuôn ngực bên trái của mình. Tôi hốt hoảng khi nhận ra khuy ngực áo của Mai đã mở từ lúc nào. Bàn tay tôi chạm vào bầu ngực mịn màng, tròn trịa, ấm nóng của Mai. Tôi run cầm cập, định rụt tay lại nhưng Mai kéo giữ chắc bàn tay tôi áp vào ngực mình. Mai cứ giữ mãi bàn tay tôi như thế. Khi định thần, bình tĩnh lại, tôi cảm nhận được trong lòng bàn tay của mình con tim nhỏ bé của Mai đang đập nhoi nhói.
Hai chúng tôi ngủ thiếp đi vì quá mệt mỏi sau bao ngày gian khổ, ác liệt.
Khi tôi sực tỉnh thì trời đã sáng bạch. Mai vẫn ngủ rất ngon. Bàn tay em giữ tay tôi hơi lỏng ra. Tôi khẽ lựa rút bàn tay ra khỏi ngực Mai. Tôi run lên khi lần đầu nhìn thấy bầu vú tròn vo, trắng hồng của người trinh nữ. Trên đó còn in hằn dấu bàn tay tôi đã giữ chặt suốt đêm qua.
Một cơn gió bắc ào vào thung lũng. Cái lạnh thốc vào hẻm núi làm Mai bừng tỉnh. Em ngước nhìn vào mắt tôi rồi nhìn xuống ngực mình. Đoạn em khẽ khàng gài lại khuy áo.
Đến lúc chúng tôi phải về đơn vị. Mai ôm chặt lấy tôi như không muốn rời.

( Đoạn này tác giả có vẻ...rất lãng mạn các cụ nhể :D )
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
...Tối hôm ấy, cơ quan trung đoàn bộ rút đi. Hai ngày sau tôi nhận được một tin đau xót là Mai và một số chiến sĩ đã hy sinh trong đêm vượt vây tại huyện Thông Nông. Bọn địch phát hiện truy kích, Mai và mấy người nữa đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng chặn địch cho đơn vị rút lui.
Tôi bần thần, ngơ ngác mất mấy ngày liền. Tôi không tin là sẽ không bao giờ còn được gặp lại Mai nữa. Nhớ đến Mai từ lần gặp đầu tiên em đứng bên mẹ hôm nhập ngũ và nghĩ về cái chết anh dũng của em, tôi viết tặng Mai bài thơ "Tiếng gọi".
(bài thơ và lời dẫn đã đăng trên blog này-TB).
Tiếng gọi
Trước lúc hy sinh em cố gọi: "Mẹ ơi!"
Tiếng gọi chìm trong tiếng súng.
Tiếng gọi tắt nửa trên môi.
Người em gái tuổi chớm đôi mươi
Chưa một lần hò hẹn
Chưa biết đến nụ hôn
Em mang cả trinh nguyên về với đất.
Trái tim em đạn thù găm nát
Nỗi đau từ đó vỡ ra,
Tình yêu từ đó vỡ oà
Em gửi lại cho những người ở lại.
Chúng tôi đứng sát bên nhau
Nòng súng vươn cao lặng lẽ cúi đầu
Phút cuối cùng tiễn đưa người em gái.
Đặt một cành lá xanh
Trên nấm mộ gió mưa tê tái
Tôi chợt nghe như em vẫn còn gọi mãi:
"Mẹ... mẹ ơi!".
Cuối tháng bảy năm ấy, tôi và Lâm có quyết định về tập trung tại trường văn hoá của quân khu để ôn thi đại học. Sau trận đánh nhử địch vào bãi mìn ở mỏm Đầu Bò, Lâm chạy thoát được về phía nam điểm cao 505. Gặp một đại đội của tiểu đoàn 2, Lâm đã theo đơn vị này chiến đấu ở mạn Cao Bình, Hoà An. Sau chiến tranh, Lâm tìm trở về đơn vị cũ.
Trước khi rời Cao Bằng về xuôi, tôi và Lâm đến thăm nơi Mai đang yên nghỉ.
Quỳ trước mộ của Mai, tôi đọc bài thơ thứ hai này cho em nghe.
Thôi em ở lại
Vậy thôi em ở lại,
Bọn anh ngày mai về xuôi.
Hôm lên chúng mình có ba người
Một mình em con gái
Quê em ở bến sông Cầu.
Em nói ngày ra quân năm sau
Đưa bọn anh về làng Lim đi hội
Nghe quan họ hát thâu đêm...
Thế mà bây giờ chỉ một mình em
Ở lại đây với núi rừng biên giới.
Trận đánh ấy vô cùng dữ dội
Giữa vòng vây quân giặc trùng trùng
Quả lựu đạn cuối cùng
Trên tay em chớp lửa
Quân thù kinh hoàng, tơi tả,
Em hoá thân vào trời đất bao la,
Nên ngày về xuôi chẳng còn đủ ba
Khuyết mất người em gái nhỏ.
Hai đứa anh ngồi bên nấm mộ
Bùi ngùi dặn em trước lúc chia tay:
"Thôi em ở lại đây
Với chập trùng núi đá
Với bạt ngàn hoa lau,
Để mùa Xuân trên bến sông Cầu
Thiếu một người đội nón quai thao đi hội...".
Đọc xong, tôi liền châm lửa đốt tờ giấy chép bài thơ thay một nén nhang tưởng nhớ người liệt nữ. Bài thơ cháy bỏng trên tay tôi.
Đúng một năm sau, tôi về học ở Trường sĩ quan Chính trị tại Bắc Ninh. Lần đầu tiên đi Hội Lim, giữa dòng người trẩy hội đông nghẹt, tôi lại nhớ đến Mai. Tôi cứ nghĩ là em đang đưa tôi đi xem hội. Em vẫn ở đâu đó quanh đây, giấu khuôn mặt xinh đẹp sau vành nón nhỏ và sẽ bất ngờ xuất hiện ngay bên cạnh tôi với ánh mắt sáng long lanh, nụ cười tinh nghịch trên môi...
Và, tôi đã viết cho em bài thơ thứ ba này.
(bài thơ đã đăng trên blog này-TB)
Hội Lim tôi lại đi tìm
Hội Lim tôi lại đi tìm
Mong sao gặp ánh mắt em hôm nào,
Trốn sau vành nón quai thao
Thoảng nghe tiếng gọi ngọt ngào: "Người ơi..."
Hội đông, người chạm vai người
Không em tôi vẫn lẻ loi một mình
Cô đơn khóm trúc đầu đình
Buồn trông liền chị, liền anh dập dìu
Đêm cho câu hát liêu xiêu
Tay nâng vạt áo bao nhiêu hẹn hò.
Riêng tôi mong sự bất ngờ
Biết đâu hội tự bao giờ đã tan...?.
Những ngày chúng tôi ở Lũng Mật thật là khốn khổ. Thiếu lương thực. Thiếu nước. Vách núi đá vôi khô khốc. Chỗ khe đá có nhiều cây nhất Lũng Mật nước hơi ri rỉ ra cả ngày được độ vài xô nước. Khi bộ đội chưa lên bà con ở Lũng Mật thường dùng nước mưa là chủ yếu. Nước mưa được hứng cho chảy vào các bể xây bằng xi măng. Bể nào to cũng chỉ độ một mét khối. Bây giờ bộ đội và dân chạy loạn kéo lên cả trăm người thì lượng nước dự chữ của bản cũng cạn dần. Buổi tối chúng tôi phải tụt xuống tận dòng suối chỗ Mỏ Nước để lấy nước. Từ hôm bọn biệt kích phát hiện bắn chết mấy chiến sĩ và một cô thanh niên xung phong thì việc đi lấy nước phải tạm dừng lại.
 

ynhi2208

Xe điện
Biển số
OF-80429
Ngày cấp bằng
16/12/10
Số km
2,277
Động cơ
435,741 Mã lực
Nơi ở
Bốn bể là nhà,quê hương chỉ một
Văn thơ, gái mú vào nó mới hấp dẫn người đọc chứ cụ :D

Tiếc hầy, được nặn vú sữa thôi chả có gì khác

Có lẽ đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng người chiến sĩ đó biết mùi đàn ông
 
Chỉnh sửa cuối:

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
...Nằm ở các khe đá, hoặc giữa các mô đá mồ côi nhấp nhô trong thung lũng, một anh thương binh nằm trong khe đá tỷ mẩn quan sát những cây dương xỉ bám trên đá. Anh thấy những cái rễ loà xoà trùm lên hòn đá có những nốt phồng to như hạt lạc. Anh rứt nhấm thử, thấy có nước và vị ngọt. Thì ra những cây dương xỉ trên núi đá vôi khác hẳn những cây dương xỉ sống ở khu vực núi đất và trong khe suối ẩm ướt. Những nốt sần treo lủng lẳng trên rễ của cây dương xỉ trên núi đá vôi quanh năm khô cằn chính là cái túi dự chữ nước của nó. Thiên nhiên khắc nghiệt đã bắt buộc sinh vật có cách thích nghi để tồn tại.
Người lính ấy đã gào lên:
- Nước... có nước rồi chúng bay ơi... ha... ha...!
- Thôi chết! Thằng này đau quá mê sảng rồi!
Mọi người xúm lại cứ ngỡ anh ta mệt và khát quá nên mê sảng. Anh đưa ra một nắm những hạt sùi của cây dương xỉ bảo mọi người nếm thử. Và, thế là thật tình cờ, chúng tôi phát hiện ra một nguồn nước tuy không thể nấu cơm, rửa vết thương cho thương binh nhưng lại có thể giải khát. Chúng tôi bứt những cái nốt sần của cây dương sỉ nhai cho đỡ khát. Quả là một nguồn nước vô tận của người lính trong vòng vây quân thù. Một nguồn nước nhỏ nhoi nhưng thật là quý giá.
Những ngày ở Lũng Mật, chúng tôi chủ yếu ăn gạo sấy. Đó là loại gạo đã được rang chín đóng trong túi ni-lông. Lẽ ra có nước sôi đổ vào thì ăn sẽ ngon hơn. Nhưng chúng tôi không nấu được nước để lỡ khói bốc lên lộ vị trí giấu quân. Vì thế, gạo sấy chủ yếu pha bằng nước lã. Ăn thứ gạo sấy này giống hệt như cơm nguội ném vào nước lạnh cho trương lên, hoặc tựa như những hạt cơm còn sót lại trong chậu sau khi rửa bát. Nó nhạt nhẽo. Nhưng trong vòng vây của kẻ thù có được một chút gạo sấy là may lắm rồi.
Một sáng, tôi đang ngủ sau một đêm đi bám địch thì chợt tỉnh vì nghe tiếng quát, tiếng khóc ở ngay hốc đá bên cạnh. Tôi bật dậy xách súng trèo qua gộp đá sang xem có chuyện gì.
Anh Thành, trung đội trưởng trung đội vận tải đang quát hai cô gái:
- Các cô là ai! Tại sao các cô lại chui vào đây?
- Chúng em là thanh niên xung phong... lạnh quá nên...
Hai cô gái ôm vai co ro ngồi gục đầu khóc nức nở.
Tôi nhận ra đó là hai nữ thanh niên xung phong mà bộ phận bám địch tối hôm qua tìm thấy dẫn về cùng một số bà con các bản bị bọn địch truy đuổi chạy lên núi tìm theo bộ đội. Tôi liền nói để trung đội trưởng Thành hiểu. Nét mặt trung đội trưởng Thành dịu đi. Các chiến sĩ xúm lại hỏi chuyện. Thì ra, khi lên tới Lũng Mật đã gần sáng, hai cô bé này mệt và buồn ngủ quá liền chui bừa vào một hốc đá chỗ có các chiến sĩ đang nằm định ngồi nhờ cho đỡ rét. Thấy có mấy người đang trùm chăn nằm ngủ hai cô bé liền ôm nhau nằm cạnh. Họ kéo cái chăn họ đang trùm đắp ké cho đỡ lạnh. Sáng ra, hai cô bé mới biết là suốt đêm qua họ đã nằm cùng các liệt sĩ khi trung đội trưởng Thành và mấy chiến sĩ vận tải đến để chuẩn bị việc mai táng. Hai cô bé thanh niên xung phong sợ tái nhợt cả mặt mũi. Bây giờ các cô mới hiểu thảo nào cả đêm nằm sát các anh mà vẫn cứ lạnh và lạ nhất suốt đêm chả thấy ai trở mình cục cựa lần nào. Cả hai lại cứ nghĩ là các anh mệt quá nên ngủ chìm đi.
Rõ mọi chuyện, tôi tìm cách an ủi:
- Đừng sợ! Đó đều là đồng đội của chúng ta cả thôi. Các anh ấy vì Tổ quốc mà hy sinh chẳng có gì phải sợ cả.
- Đúng vậy! Hôm qua, tôi còn cõng các anh ấy cả buổi leo lên núi. Chắc là nhờ các anh ấy phù hộ cho nên bị địch bắn mấy lần vẫn thoát đấy!
Một chiến sĩ tiếp lời. Mỗi người một câu động viên an ủi. Hai cô bé thanh niên xung phong đã hơi hoàn hồn. Nhìn hai cô bé nét mặt bơ phờ, đầu tóc rối tung, quần áo mong manh tả tơi tôi thấy thương quá. Có lẽ hai cô bé này chỉ trạc tuổi em Mai. Tôi liền đề nghị:
- Ai còn mang theo được hai bộ quần áo thì san sẻ cho hai cô này một chiếc.
- Có... có...
Mấy chiến sĩ vội lục ba lô. Người cho cái quần, người thì cho cái áo, cái khăn mặt. Hai cô bé mỗi người có thêm một bộ quần áo nữa. Họ mặc vào bớt rét nên đỡ run rẩy hơn. Nét mặt hai cô bé có vẻ tươi tỉnh lại một đôi chút. Tôi đưa cho hai cô một cái vỏ chăn và bảo:
- Cầm lấy, tối ngủ hai người đắp chung cho đỡ rét.
- Nhưng anh cho chúng em rồi thì anh lấy cái gì để đắp...
- Yên trí! Đã có cái này rồi...
Tôi nói và rút từ trong ba lô ra một cuộn vải còn mới tinh lòng thòng những cái đai may sẵn rồi cười bảo:
- Đây là một tấm vải liệm đã may sẵn để liệm người hy sinh, bọn anh được cấp phát để dùng trong chiến đấu. Khi chưa phải dùng đến thì anh dùng đắp tạm cho đỡ rét. Mong rằng mình sẽ được sự dụng nó để đắp cho đến hết chiến tranh mà không phải dùng đến nữa.
- Ôi trời...
Hai cô bé tròn mắt nhìn tấm vải liệm tôi đang cầm trên tay. Nó giống hệt những tấm vải liệm mà các chiến sĩ trung đội vận tải đem đến để chuẩn bị gói ghém các liệt sĩ đang để trong hốc núi. Tuy vậy, các cô cũng có vẻ đỡ sợ hơn sau một đêm đã nằm cùng những người đã chết. Hai cô bé giúp các chiến sĩ trung đội vận tải khâm liệm các liệt sĩ để đưa đi mai táng.
Qua trò chuyện chúng tôi biết tên hai cô bé thanh niên xung phong. Một người tên là Ngọc, một cô tên là Thuỳ. Cả hai đều là sinh viên cao đẳng ở thành phố Thái Nguyên. Hai cô bé cùng rất nhiều bạn bè hăng hái xung phong lên phục vụ chiến đấu ở biên giới. Đội thanh niên xung phong của các cô đóng ở mãi phía sau. Mấy ngày đầu cuộc chiến các cô đã vác đạn lên trận địa cho bộ đội, khênh cáng thương binh về tuyến sau. Nhưng rồi tuyến sau lại bị quân địch tấn công trước. Chúng tràn vào doanh trại của đội thanh niên xung phong bắt hàng chục cô gái lột hết quần áo, cưỡng hiếp rồi dùng lưỡi lê đâm chết rồi quăng xác xuống giếng. Một số bị tra tấn rất rã man và bị đưa đi đâu không rõ... May hôm địch xông vào doanh trại Ngọc và Thuỳ đang đi cáng thương binh về chậm nên thoát chết. Hai cô bé nấp ở trên đồi nhìn bọn giặc làm nhục và giết hại các bạn mình cắn môi đến bật máu mà không dám khóc. Chờ đến tối, hai cô bé này chui ra khỏi chỗ ẩn nấp dắt nhau chạy về hướng dãy núi đá tìm bộ đội của ta. Hai người gặp được một số người dân và được bộ phận đi trinh sát nắm tình hình địch của tiểu đoàn tôi đưa lên Lũng Mật.
Hai cô bé vừa kể lại mọi chuyện vừa khóc. Họ khóc khi nói về đồng đội và cho cả những người lính chiến vừa được vùi dưới lớp đất mỏng không có một nén nhang, không một bông hoa trên mộ chí.
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Mặc dù đọc đi đọc lại hàng chục lần nhưng cứ đến đoạn này em lại thấy ....gai khắp người các cụ ạ.
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top