Lịch sử đã ghi chép rõ, quyền thần Trương Phúc Loan giàu nứt đố đổ vách, vàng, bạc, châu, ngọc, lụa chất "thành núi". Ruộng vườn, nhà cửa, tôi tớ, trâu ngựa không đếm xuể. Có một năm vào mùa thu bị lụt lớn, hòm xiểng bị ngập, khi nước rút ông đem vàng ra phơi nắng, lấp lánh cả một sân”. Về chính sách xã hội, Loan đặt ra nhiều thứ thuế, hình phạt sách nhiễu nhân dân. Loan xui Chúa lập phường chơi xuân, mỗi phường gồm 15 người, mỗi người phải nộp thuế một quan tiền để khi có lễ hội thì tổ chức làm trò mua vui. Sưu cao, thuế nặng cộng thêm trong bốn năm năm liền thiên tai động đất, núi lỡ đã biến xứ Đàng trong từ vùng trù phú thành nơi đói kém, lầm than, lòng dân oán hận.
Hay như Vũ Như Tô, vừa là người thợ vừa là kiến trúc sư thiên tài, được vua Lê Tương Dực rất yêu quý bổ nhiệm làm quan lớn lo việc xây dựng đền đài cung điện cho hoàng gia. Việc xây dựng rõ ràng ảnh hưởng đến dân chúng đang cực khổ lầm than trong khi vua thì ăn chơi xa xỉ. Đại Việt sử ký toàn thư chép "Người thợ Vũ Như Tô làm điện lớn hơn trăm nóc, dùng hết tiền của và sức dân trong nước". Hậu quả thật thảm khốc, dù đó không phải toàn bộ trách nhiệm của Vũ Như Tô "Dân chúng đau khổ, binh lính mệt nhọc. Quân năm phủ đắp thành chưa xong được, đến đây lại có lệnh bắt các nha môn ở trong ngoài kinh thành phải làm, tập hợp nhau lấy hồ, khiêng đất. Vua hàng ngày bất thần ngự chơi các nơi, chỗ nào vừa ý thì thưởng cho bài vàng, bài bạc. Có chỗ đã làm xong lại phải làm lại, sửa đổi xây đắp lại, hết năm này qua năm khác, liên miên không dứt. Quân lính đắp thành mắc chứng dịch lệ đến một phần mười." Đến khi Lê Tương Dực bị lật đổ, kết cục của Vũ Như Tô được sử quan chép lại "Tô cũng bị quăng xác ra ngoài chợ, quan dân ai cũng chỉ trỏ xác hắn mà chê cười, có người còn nhổ nước bọt.". Vũ Như Tô được chép trong sách sử với những lời không được đẹp đẽ. Ông bị kết tội gian thần làm hại nước. Tuy nhiên, thực tế ông chỉ là một người thợ, làm theo lệnh vua, vốn không đủ cái tri thức để hiểu thời cuộc và chỉ dùng cái tài của mình để phụng sự hôn quân.
Nhân dân tuy nghèo khổ nhưng cũng rất công minh, những ông vua quan biết quan tâm phát triển đất nước, chăm lo đời sống nhân dân, dù vẫn là bậc vua chúa quý tộc giàu có bóc lột nhưng vẫn luôn được nhân dân ngưỡng mộ tôn thờ, điển hình là Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt, Ỷ Lan, Tô Hiến Thành, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhuật Duật, Trần Khát Chân, Lê Thánh Tông, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên, Trịnh Tùng, Trịnh Doanh, Nguyễn Huệ, Minh Mạng... Nhưng nhân dân không mù quáng tôn trọng những kẻ giàu có nhờ vơ vét bóc lột nhân dân mà không làm cho kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện.
Thời hiện đại ngày nay, những T X Thanh, V Đ Duy, quan chăn lợn Yên Bái... hay như vợ hai nhà đại quan nào đó chỉ trải nhựa lên đoạn đường có sẵn rồi thu phí BOT bỏ túi riêng phần lớn cả tỷ đồng mỗi ngày thì giàu có như vậy có thể khiến nhân dân tôn trọng được không.
Ở phương Tây dân tôn trọng người giàu có vì họ minh bạch, cả thế giới đều biết những tỷ phú Âu Mỹ giàu có bằng cách nào, những Henry Ford, Tesla, Bill Gate... đã làm cho cả thế giới phồn vinh hơn, giàu có hơn thì việc họ được tôn trọng là điều hiển nhiên.