Em gửi Các cụ nhà mềnh tham khảo cho chuyến đi Hà Giang.
"Bí kíp" đi đường đồi núi
Đường đồi núi luôn tiềm ẩn những bất ngờ mà các lái xe vốn chỉ quen với giao thông ở đồng bằng khó có thể lường trước.
Xuân sang, rồi hè đến là thời kỳ mà nhiều người lên kế hoạch cho những chuyến du ngoạn. Những cung đường Đông hay Tây Bắc, hay những vùng đồi núi hùng vĩ, đậm chất thiên nhiên luôn là lựa chọn số một của nhiều người thích du lịch khám phá. Tuy nhiên, đường đồi núi luôn tiềm ẩn những điều bất ngờ, trong đó có cả những điều kiện khách quan và chủ quan mà tất cả các lái xe đều phải cảnh giác. Trong nhiều tình huống, sự chủ quan có thể dẫn đến hậu quả lớn tới mức lái xe có thể không còn cơ hội làm lại.
Dưới đây là những vấn đề đáng lưu tâm nhất khi lái xe trên đường đồi núi Việt Nam :
1. Cảnh giác với trang bị của xe: nghe có vẻ buồn cười, nhưng điều này vô cùng quan trọng. Hãy nhớ rằng nếu không sở hữu hệ thống phanh chất lượng siêu đẳng thì chỉ có những dòng xe có khả năng phanh động cơ mới có thể lưu thông an toàn và bền bỉ trên đường đồi núi. Lý do là khi đổ dốc, hộp số (hoặc là hộp số sàn, hoặc là chế độ chuyển số thể thao ở xe số tự động) sẽ góp phần vào việc kiểm soát tốc độ lao dốc của xe. Việc chuyển số không hợp lý hoặc xe không có chế độ chuyển số thể thao sẽ làm cho hệ thống phanh làm việc quá sức chịu đựng, có thể gây bó hoặc cháy phanh. Ngoài ra, lái xe cần kiểm tra nước làm mát và thường xuyên theo dõi đồng hồ đo nhiệt độ động cơ.
Sạt lở do mưa lũ là điều thường xuyên xảy ra trên đường đồi núi, cần chú ý cẩn trọng
2. Cảnh giác với xe ngược chiều: nhiều xe hai bánh thường thả dốc tự do và/hoặc cắt cua ngay cả ở những khúc cua khuất tầm nhìn. Khi bất ngờ gặp xe đi ngược chiều, nhiều lái xe đã không kịp xử lý và gây tai nạn. Kinh nghiệm bất di bất dịch là luôn bấm còi và tuyệt đối không lấn đường tại những khúc cua khuất tầm nhìn.
3. Cảnh giác với sương mù: về lý thuyết thì lái xe nào cũng biết rằng sương mù – một trong những “đặc sản” ở những vùng đồi núi – sẽ làm giảm tầm nhìn và cần giảm tốc độ để kịp xử lý trong những tình huống bất ngờ, nhưng không phải ai cũng chuẩn bị tốt để đối phó. Đèn sương mù chuẩn (ánh sáng vàng, quét tầm thấp) là trang bị quan trọng. Nếu xe không có đèn sương mù thì có thể chuẩn bị loại phim decal màu vàng để dán nửa dưới của chóa đèn chiếu sáng phía trước khi có sương mù. Ngoài ra, sương mù quá dày có thể làm cho mặt đường bị ướt và trơn trượt, lái xe cần chủ động kiểm soát tốc độ và hệ thống phanh.
4. Cảnh giác với những đoạn trơn trượt: như đã đề cập ở trên, sương mù dày đặc cũng là một trong những nguyên nhân gây đường ướt. Tuy nhiên, sự chủ quan của các lái xe sẽ tăng lên khi đường ướt mà tầm nhìn tốt và không có sương mù, có thể là sau những cơn mưa, hay nước trên núi chảy xuống. Việc di chuyển với tốc độ cao qua những đoạn đường ướt hoặc ngập nước (đặc biệt là tại những khúc cua) có thể sẽ làm xe bị văng và mất lái.
5. Chú ý những biển báo nguy hiểm: địa hình đồi núi có những vấn đề nguy hiểm mà không phải địa hình giao thông nào cũng có, và điều này có thể là mới đối với các lái xe chỉ quen lưu thông trong đô thị và xa lộ. Hãy đặc biệt lưu ý những tấm biển với nội dung như cua chữ chi liên tục, độ dốc lớn, đá rơi hay súc vật chạy qua đường,… Chẳng hạn khi gặp một tấm biển báo độ dốc 10% kết hợp nhiều cua gấp, người lái xe có kinh nghiệm sẽ biết phải chuyển số thế nào để xe có sức kéo tốt, không bị mất đà và tuột dốc.