Với ít năm chạy xe trên những tuyến đường nhiều đèo dài, dốc cao, đường hẹp và xấu. Tôi muốn trao đổi đôi điều, may chăng có ích gì đó với một số bạn Lái!? Mặc dầu xe số sàn đang dần đi vào quá khứ và sẽ là những mẫu xe lạc hậu, lỗi thời.
Muốn qua những cung đường hiểm trở nhiều đèo dốc một cách an toàn thì điều đầu tiên cần tìm hiểu là:
1/ Đặc điểm cung đường đèo dốc(Tây Bắc, miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Trường Sơn....).
a. Tình trạng chung là nhiều dốc cao và dài, thậm chí có những Đèo dài trên dưới 20 Km, nhiều cua gắt, cua tay áo bên những ta luy cao ngất, vực sâu hun hút. Một số cung đường hẹp, quanh co, mặt đường xấu (rải cấp phối, thậm chí còn là đường đất).
b. Tác động của thời tiết, khí hậu.
Một số cung đường mưa và mù gần như quanh năm, trong một ngày có thể bị sương mù vào buổi sáng, buổi chiều. Các tác động của mưa bão có thể làm đổ cây, đá rơi, sạt lở đường, nước suối dâng cao ở các đập tràn, đường ngầm.
c. Tập quán Giao Thông, khả năng dịch vụ.
Nhìn chung dân bản địa không đi theo luật, tự do di chuyển, rẽ ngang, lùa gia súc, vác cây, chạy xe máy chở gỗ, thả dốc bằng cách kéo theo cành cây có nhiều lá để giảm tốc....Xe tải nhiều xe cũ không đủ thiết bị an toàn, chạy khá tự nhiên, ít khi báo rẽ...Các dịch vụ nhiên liệu, sửa xe, cứu hộ, tư vấn kỹ thuật hiếm và ở những khoảng cách rất xa.
2/ Để đi qua những cung đường này cần lưu ý:
a. Côn và số khi lên xuống dốc.
Côn số nhịp nhàng, phù hợp và nhuyễn. Lên dốc cần dư đà (tăng giảm ga còn có tác dụng) đừng để mất đà, hóc số, chết máy, tụt dốc...lên đỉnh dốc phải quan sát nhanh đường xuống, ban đêm phải đổi pha cốt để nhìn rõ mặt đường rồi mới tăng ga. Xuống dốc xe không tải hoặc tải nhẹ nếu leo dốc bằng số 3 thì xuống ngược lại cũng bằng số 3; nếu tải nặng thì nên xuống dốc đó bằng số 2. Tóm lại phải đi bằng chân Ga là chính chứ không phải chân Phanh là chính! Tuyệt đối tránh cắt côn, vể mo để thả dốc!!!
b. Căn đường, căn xe.
Đường hẹp không có phân làn nên căn giữa đường, hạn chế vượt! Tránh xe cần nhường đường sớm, rõ ràng, thậm chí phải dừng xe để nhường đừng để tránh nhau khi vào cua hẹp hoặc bị ép ra lề đường xấu hoặc mép vực.
c. Dừng đỗ xe.
Hạn chế đỗ xe. Nếu bất khả kháng thì phải chọn chỗ rộng, bám taluy (phía bên vách núi), tránh chỗ khuất tầm nhìn, không dừng đỗ trong cua và gần cua, bên mép vực...Khi dừng phải kéo phanh tay, chặn chèn, cài số, đánh lái chống trôi, bẻ cành cây tươi hoặc dùng dấu hiệu cảnh báo đặt cả trước và sau xe.
d. Vào cua.
Giảm tốc, quan sát, nhá đèn hoặc còi, cuộn lái dẻo, ra khỏi cua hãy tăng tốc.(nếu cua khuất tầm nhìn phải giảm đến mức có thể phanh gấp, đánh lái gấp nếu đột ngột nhô ra một chướng ngại). Chú ý xe Công, Khách, Tải quen đường thường vào cua rất ẩu và hay lấn đường!
e. Qua ngầm.
Nước lớn hay nhỏ đều phải chú ý đến hệ thống điện, cổ hút, tháo cua roa quạt gió, bám vệt xe trước ...nếu chỉ có 1 mình nhất thiết phải dò đường, cắm tiêu trước rồi hẵng lái xe qua! Qua rồi phải rà khô phanh mới đi tiếp.
f. Mù, mưa, đêm.
Phải bật đèn đăng téc, đi cốt, đèn sương mù...mưa mù phải bật đèn cả ban ngày. Không có đèn sương mù thì lấy giấy màu vàng, nâu.. che đèn; mù quá đừng chạy nữa. Đóng kín cửa, mở lạnh sâu để chống mờ kính lái. Cần lợi dụng ánh đèn của xe ngược chiều để phán đoán điểm vào cua.
g. Cây đổ, đường lở.
Đi chậm, dư đà, chủ động ga số. Dứt khoát không nhường đường bằng cách lái tránh về phía vực, phía mặt đường đang rạn nứt, đang lở..
Còn nữa, còn nữa.... mời các cụ bổ sung tiếp....Nếu rảnh E cũng gắng viết thêm để hầu các cụ! Bái biêt.