Hiện nay trong kiến trúc không gian cổ xưa thì không thể thiếu việc trang trí bằng những bức tranh khảm trai ốc độc đáo mang đến sự sang trọng, khái niệm thời gian quý báu cho không gian sống và được rất nhiều gia chủ yêu thích. Vậy tranh khảm là gì, chất liệu và chế tác tranh khảm trai như thế nào, nhà Mộc xin mời các cụ cùng các mợ cùng tìm hiểu về loại tranh này
(Bài viết sử dựng kiến thức sưu tầm & Hình ảnh thực tế tại xưởng nhà Mộc)
Xét về chất liệu làm tranh khảm trai thì chủ yếu là gỗ và vỏ trai ốc tự nhiên. Cả hai chất liệu này từ thời xưa là biểu tượng cho sự giàu có, quyền quí và sức mạnh của sự lâu bền.
- Gỗ: Tùy vào mục đích sử dụng mà người thợ khảm trai có thể chọn các loại gỗ mang tính phong thủy hoặc màu sắc, vân gỗ khác nhau. Các loại gỗ thường sử dụng bao gồm: gỗ trắc, gỗ gụ, gỗ hương, tuy nhiên gần đây du nhập thêm nhiều loại gỗ từ lục địa Đen như: Gõ Ghana, Gõ Pachy, hương Padouk, chất lượng cũng rất tốt
- Xà cừ: Xà cừ là tên gọi chung cho nguyên liệu khảm như trai, khổng (bào ngư) ốc, xác... . Giá trị của một tác phẩm khảm được đánh giá bằng mức độ sử dụng ốc quý hiếm nhiều hay ít, quý hiếm như ốc đỏ, ốc vàng chanh, ốc màu hoa lý bên cạnh kỹ thuật và nguyên liệu gỗ ....
+ Ốc là ốc biển tự nhiên, càng sâu tuổi màu sắc càng đẹp
(Ốc thô nguyên bản)
(Ốc sau khi mài)
(Ốc sau khi xẻ miếng và cán)
+Cửu khổng chính là con bào ngư các cụ vẫn hay xơi, các cụ ăn thịt còn nhà Mộc thì ăn vỏ
(Bào ngư thô)
(Bào ngư sau khi mài)
+ Trai: trai dùng để khảm ko phải loại trai các cụ hay ăn cháo đâu, mà là trai lấy ngọc. Trai có 2 loại là trai ngọc nước ngọt và trai ngọc nước mặn, trai ngọc nước mặn được dùng nhiều hơn do độ cứng và độ bóng
(Trai ngọc nước ngọt)
(Trai ngọc nước mặn)
-
Các chất liệu khác: Hiện nay do nhu cầu cuộc sống ngày càng đa dạng thì các sản phẩm tranh khảm trai có thể kết hợp hợp khảm trên kim loại quý như Ngà voi, gỗ sưa, vàng, bạc, đồng, ngọc, đá....
(Một tác phẩm được khảm bằng ngà voi, khảm nổi trên chất liệu gỗ trắc)
Quy trình chế tác một bức tranh khảm trai:
Chuẩn bị dụng cụ: các dụng cụ vẽ tranh khảm trai khá thô sơ bao gồm cưa, đục, kẹp, bàn cưa, dao khắc, giấy ráp, chì, giấy.
Quy trình chế tác một tác phẩm tranh khảm trai bằng thủ công bao gồm 9 công đoạn công phu và tỉ mỉ dưới đây:
1. Tạo mẫu:
Nghệ nhân phải tạo ra mẫu phù hợp với sản phẩm thuần túy ban đầu. Mẫu có thể là cảnh vật truyền thống hoặc cũng là mẫu mới sáng tạo theo từng ý tưởng chủ đầu. Mẫu của tranh khảm trai sẽ được vẽ trên giấy, khi hoàn chỉnh thì được chuyển sang giấy can và bắt đầu sản xuất.
2. Chọn nguyên liệu:
Dựa vào mẫu vẽ mà người nghệ nhân sẽ tiến hành chọn trai ốc cho các chi tiết để tạo ra màu sắc hài hòa, ấn tượng có điểm nhấn đặc biệt cũng như tính toán sử dụng trai ốc sao cho hiệu quả nhất.
3. Cưa, lọng, xen
Người thợ sử dụng cưa, giũa, kẹp, cắt và gọt giũa trai ốc cho giống với các chi tiết trên mẫu giấy. Tác phẩm cao cấp luôn đòi hỏi đường cưa phải thật sắc xảo, tỉ mỉ, khéo léo và mềm mại. Xen lọng là kỹ thuật đỉnh cao của nghề khảm, tốn rất nhiều công sức và đòi hỏi người thợ tay nghề rất cao.
(Lọng)
(Lọng - Cưa tạo khung xương)
(Xen - nhồi ốc và khung lọng)
(Thành phẩm)
4. Ghép:
Theo mẫu vẽ thì người thợ gắn các mảnh trai ốc đã cắt thành hình hoàn chỉnh ở đúng vị trí muốn khảm hình.
5. Vạch:
Người nghệ nhân sử dụng bút vạch theo vòng ngoài các chi tiết để tạo ra khung trên nền gỗ, cậy tất cả chi tiết ốc và xà cừ ra để lại khung vẽ nhất định.
6. Đục:
Đục phần gỗ theo hình vẽ sâu xuống với độ sâu vừa bằng miếng trai ốc đã cắt ra.
7. Gắn:
Đục xong người thợ sử dụng keo hoặc sơn ta để gắn các miếng trai ốc đã cắt hoàn chỉnh vào nền gỗ theo đúng hình mẫu ban đầu và gắn khít làm sao cho vừa, khéo, đẹp, bề mặt của ốc xà cừ bằng với bề mặt nền gỗ.
Sau khi đã khô thì người thợ chà và mài cho bề mặt phẳng, mịn màng.
(Gắn keo)
(Mài)
8. Tách:
Đây được xem là công đoạn khó nhất cần đến sự khéo léo, tỉ mỉ, điêu luyện của người nghệ nhân. Nghệ nhân sử dụng dao thép khắc các đường nét tạo hình cho sản phẩm. Đây là công đoạn phân biệt được sự khéo léo, nghệ thuật và sự sáng tạo điều luyện của từng người vẽ.
Để thể hiện được tinh thần nguyên mẫu, các nét khắc không được phép sai lệch, không được tẩy xóa, chỉnh sửa vì thế đòi hỏi người thợ phải thật tập trung và tỉ mỉ. Đối với những bức hình có độ tương phản sáng tối theo cách hiện đại thì người nghệ nhân phải lặp đi lặp lại việc khắc, bôi sơn coi thử nét nhiều lần cho đến khi tốt nhất. Tiếp theo người thợ bôi sơn đen lên để những nét khắc bắt đầu hiện lên chân thực như vẽ tranh.
(Tỉa, tách nét)
(Lải mực)
9. Đánh bóng tác phẩm:
Đây là công đoạn hoàn thiện để tạo ra độ sáng của màu gỗ, sự tương tác giữ nền gỗ và màu sắc của trai ốc.
Nhà Mộc đã giới thiệu khái quát với các cụ cùng các mợ về chất liệu và quy trình chế tác tranh khảm trai ốc. Các cụ các mợ có thông tin cần bổ sung, chia sẻ xin các ccm góp ý ạ. Cám ơn các cụ các mợ đã kiên nhẫn đọc hết bài ạ.
Mộc Đức kính!