Tương lai u ám của Bphone 2- bài toán nào cho điện thoại di động made in Việt Nam
Ngồi ăn quán bún ngan, nghe chuyện mấy anh bàn bên cạnh nói về Bphone 2. Cả 3 đều lắc đầu ngao ngán với 3 câu chính: không nổi bật, giá đắt, và không đáng mua. Là một người từ BK ra, lại có duyên tiếp xúc với một số người từng làm trong BKAV ở nhiều bộ phận tôi có vài chia sẻ sau. Dù tôi biết chắc cũng nhiều status, nhiều tâm trạng, nhiều nhận xét, tôi viết bài này dựa trên những hiểu biết và tâm sự cá nhân của tôi.
Lợi thế cạnh tranh của sản phẩm
Một sản phẩm ra đời thường luôn mang trong mình tính hữu dụng vốn có của nó trong một đầu mục công việc nào đấy. Và người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền ra để mua sản phẩm đó. Nếu có 1 sản phẩm nào khác cạnh tranh mà người tiêu dùng biết đến. Người ta sẽ cân nhắc để mua các sản phẩm thay thế. Khi đó nghĩa là hàng hóa của bạn đang cạnh tranh. Và nếu bạn tồn tại nghĩa là bạn đang có lợi thế cạnh tranh với sản phẩm đó: từ đơn giản nhất là danh tiếng, đến các đặc điểm khác vè giá cả, hình thức, mẫu mã, chế độ sau bán hàng ..v.v
Xét về các lợi thế cạnh tranh của Bphone ta dễ dàng thấy: không lợi thế về danh tiếng, giá cả, công nghệ, dịch vụ sau bán hàng so với Iphone, samsung, Xiaomi. Vậy Bphone thua điểm quan trọng nhất là lợi thế cạnh tranh. Do đó chắc chắn sản phẩm này sẽ ko bán được nhiều. Người ta mua nó duy nhất là để sưu tầm điện thoại made in Việt Nam. Vì đặc tính của người dùng là luôn tìm sản phẩm tối ưu cho mình. Bạn không thể sản xuất điện thoại ra chỉ để bán cho người sưu tầm.
Định hướng marketing của Bphone
Tôi rất buồn khi Bphone 1 đã ra một chiến lược marketing rất dở. Là người làm về marketing cho các sản phẩm kĩ thuật, tôi dễ dàng nhận ra cái sai vô cùng lớn của Bphone 1: Sản phẩm không đúng quảng cáo. Tôi nhớ duy nhất 1 câu thôi: Siêu phẩm số 1 thế giới hay siêu phẩm hàng đầu thế giới. Câu đấy thật ra là 1 câu rõ ràng không đúng . Bỏ Bphone thời điểm đó với Iphone và Samsung, Sony xperia Z , Xiaomi, cho cả thế giới vote xem ông có số 1 hay top 3 không? Câu trả lời thì bây giờ đã quá rõ rồi.
Và hãy nhớ rằng, bạn không thể kinh doanh được trên sự gian dối quá rõ ràng. Dù trong đầu bạn có lẽ lúc đấy chỉ nghĩ nó là 1 trò lố mà thôi. Dù sau đó với những cách vừa đấm vừa xoa trên truyền thông và các diễn dàn lớn để phổ biến tên tuổi. Cơ thật ra, họ đang nghĩ về cái tên Bphone theo hướng không phải đề cân nhắc nên hay không nên mua, mà là nói về nó như một phán xét đạo đức.
Sau này tôi nghe một vài người bạn từng làm trong đợt Bphone 1 nói về những bi đát của nó. Tôi mới thấy được đường hướng sai lầm của người tư vấn marketing cho Bphone này
Năm nay Bphone 2 đi cùng với từ chất. Có khiêm tốn đi. Nhưng vẫn giữ cái kiêu bất định trong sản phẩm.
Không thể định hình sản phẩm bằng lời nói xuông và nước bọt cũng như 10 tỷ quảng cáo mà anh rêu rao trên báo.
Chết của lõi sản phẩm- giá thành sản xuất
Bphone 1 được kể lại trong dân gian những người làm kĩ thuật về việc bị đội chi phí quá cao do đặt linh kiện tốt thật và đắt, nhưng số lượng không đủ lớn. Chi phí pr nhiều. Và giá sản phẩm bị đội lên.
Cái chết lõi này tôi xin được đúc rút trong 1 comment của độc giả vnexpress ở bài báo mới nhất: Từ lúc Bphone ra đời- tôi chưa thấy ai sử dụng nó!
Tôi biết những người làm BKAV là những người rất giỏi. Nhưng về làm kinh tế ở sản phẩm phần cứng. Họ sẽ còn phải rất lâu nữa mới thành công được. Từng làm hàng spare part trong các nhà máy. Tôi rất thấm cái chi phí của nó.
Tương lai u ám
Liệu Bphone 2 có trở thành mồ chôn BKAV? Bởi cái lõi của sản phẩm đã chết: không khả năng cạnh tranh, giá thành cao và hình ảnh lệch lạc. Mới đây thì Bphone 2 bản Gold chỉ bán ở Dubai. Thật buồn. Làm quảng cáo thì cần dẫn đến hành động mua. Anh không thể sang Dubai chỉ để mua 1 quả Bom phone màu VÀNG. Làm điện thoại chất, giá rẻ cho người Việt khó thế sao hở các anh?
Là người yêu công nghệ. Tôi rất hi vọng sản phẩm made in Viet Nam sẽ thành công. Đặc biệt từ mái trường BK. Tôi hi vọng BKAV xem xét lại những yếu tố này. Tôi không dạy khôn ai cả, chỉ là ý kiến cá nhân. Và hi vọng đóng góp một cái nhìn thẳng tới những người muốn sống mái với nền công nghệ Việt Nam như anh Quảng. Chúc BKAV sẽ sớm tìm ra được con đường đi chuẩn cho điện thoại Việt.