Trong topic này em thấy có rất nhiều bài của một số bác dẫn chứng kinh nghiệm khoai tây về yêu cầu bắt buộc có bình chữa cháy trên xe 4 chỗ. Em nghe thì cũng nửa tin nửa ngờ, vì ở những quốc gia mà em đã sống, làm việc và công tác thì đều không thấy có. Tuy nhiên, kinh nghiệm cá nhân em còn hạn chế nên cũng không dám phủ nhận thông tin các bác ý đưa ra. Hôm nay, nhân đọc được bài viết của GS. BS. Nguyễn Văn Tuấn, là Việt kiều định cư tại Úc, người đi rất nhiều nơi trên thế giới về chủ đề này em xin mượn đăng ở đây coi như là ý kiến phản biện cho vấn đề nóng hổi này.
Hôm qua trong chuyến xe về miền Tây, anh tài xế hỏi tôi ở nước ngoài người ta có qui định xe auto 4 bánh phải có bình chữa cháy. Tôi ngạc nhiên trước câu hỏi và nói rằng ở Úc hay Mĩ không có qui định này; nhưng xe tải hạng nặng (loại chở hàng nhiều tấn) thì nhà chức trách yêu cầu phải có bình chữa cháy.
Để chắc ăn tôi tìm hiểu thì quả thật VN mới ra qui định xe 4 bánh trở lên phải có bình chữa cháy. Phải nói đây là một qui định hết sực lạ lùng, chẳng giống ai. Ngoài VN, tôi không rõ nước nào có qui định như thế, nhưng dám chắc là rất rất ít. Xe hơi 4 bánh ở nước ngoài là phương tiện đi lại phổ biến như xe gắn máy ở VN. Nếu mỗi xe đều phải gắn thêm bình chữa cháy thì tôi nghĩ sẽ gây ra nhiều phiền toái cho chủ xe và an toàn trở thành một vấn đề, nhất là khi tai nạn xảy ra.
Tôi nghĩ đằng sau qui định này là sự đảm bảo an toàn cho người đi xe khi sự cố xảy ra. Đó là một ý đồ tốt. Nhưng xe hơi ít khi nào bị cháy, ngay cả lúc xảy ra tai nạn. Thành ra, tôi nghĩ qui định này không có lợi ích kinh tế (cost effective) tốt. Nhưng nó có thể tạo ra một thị trường lớn cho bình chữa cháy, và thị trường thì lúc nào cũng có dỏm và thật. (Cũng giống như vụ nón bảo hiểm). Như vậy, xuất phát từ một ý đồ tốt, nhưng hệ quả có thể là một tác động xấu đến an toàn cho người dân.
Thông thường và một cách lí tưởng, Nhà nước ra chính sách dựa trên chứng cứ từ nghiên cứu khoa học. Tôi không rõ chứng cứ cho cái qui định mới này nó xuất phát từ đâu, và chứng cứ nói lên cái gì. Họ có tham khảo ý kiến người dân trước khi đề ra qui định đó? Họ có làm thí nghiệm simulation và xem xét độ an toàn trước khi ra qui định? Hàng loạt câu hỏi cơ bản nhưng không có câu trả lời. Hoạch định chính sách có tác động đến hàng chục triệu người mà không có chứng cứ khoa học (hay không tham khảo ý kiến của người bị ảnh hưởng) là rất dở.
Cái qui định về bình chữa cháy này làm tôi nhớ đến qui định về chiều dài của chân và thể tích ngực để được lái xe. Tôi gọi đùa đó là qui định “ngực nở chân dài”, vì chỉ có hoa hậu (hay gần cỡ đó) mới được lái xe! Cái qui định “ngực nở chân dài” đã được rút lại vì sự vô lí và phi khoa học của nó. Tôi nghĩ và chân thành đề nghị Nhà nước nên rút lại qui định về bình chữa cháy cho xe 4 bánh càng sớm càng tốt.
THEO NGUYEN TUAN