Ứng phó với Covid-19: Việt Nam 'trước thụ động, sau thái quá'?
Việt Nam ứng phó với virus corona thoạt đầu thụ động và khởi động chậm, sau đó lại thái quá không cần thiết, theo nhận định của Bác sĩ - Tiến sĩ Trần Tuấn.
Tuy nhiên, ông cho rằng việc thông báo hết dịch với các tỉnh quá 30 ngày không có ca nhiễm mới sẽ có tác dụng giảm căng thẳng xã hội.
Bác sĩ - Tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng (RTCCD - thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) - chuyên tư vấn, phản biện các chính sách y tế công cộng, nhấn mạnh rằng người dân, chính qyền và lực lượng phòng chống dịch cần nhìn nhận đúng mức hơn về dịch lần này, tránh đồng nhất giữa mức độ dịch ở Vũ Hán với tình trạng bệnh do virus corrona chủng mới (Covid-19).
Nhận định của ông Trần Tuấn được đưa ra khi Bộ Y tế Việt Nam và UBND tỉnh Khánh Hòa bắt đầu xúc tiến các công việc để chuẩn bị công bố hết dịch Covid-19 tại tỉnh này.
Bộ này nói rằng, đến thời điểm này, quá 30 ngày Khánh Hòa chưa ghi nhận thêm bệnh nhân mới nào bị nhiễm bệnh, tức là tỉnh này đã đủ điều kiện để Khánh Hòa công bố hết dịch.
Trong khi đó, cũng theo thông tin từ Bộ Y tế, nếu trong vòng chưa đầy một tuần nữa, tỉnh Thanh Hóa nếu không ghi nhận thêm bệnh nhân mới, thì cũng sẽ được công nhận hết dịch.
Câu hỏi được đặt ra là dịch Covid-19 là bệnh mới, hiện còn diễn biến phức tạp, vậy việc công bố hết dịch tại Khánh Hòa, nếu có, liệu có quá sớm và sẽ tạo tâm lý chủ quan, lơ là trong việc phòng chống dịch bệnh với người dân và cả các địa phương hay không?
Ông Trần Tuấn cho rằng đây là điều nên làm trong hoàn cảnh hiện nay, nhất là khi trong xã hội đang có điều mà ông cho rằng lo lắng hơi thái quá về dịch Covid-19:
"Với những địa phương có số lây nhiễm thấp, đã qua thời hạn có người nhiễm mới theo quy định, đã đến lúc chúng ta có thể tuyên bố hết dịch ở đó, như một yếu tố trấn an và giảm đi sự lo lắng không cần thiết; đồng thời, tăng sự tự tin của chính quyền trong công tác phòng chống dịch", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, hậu quả của sự lo lắng thái quá sẽ tạo khủng hoảng xã hội lớn và sẽ để lại hậu quả khôn lường.
Và lại, theo ông Tuấn, "Covid-19 là chủng mới thuộc virus corona mà chúng ta vốn đã hiểu biết khá tường tận. Virus mới có khác biệt, nhưng chỉ chút ít so với những virus khác cùng họ, như virus gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) 2002 hay Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) 2012. Bộ gen của Covid-19 cũng đã được giải mã và đã khẳng định độc tính không lớn".
Trả lời câu hỏi Việt Nam là nước láng giềng, có quan hệ thông thường bằng cả đường bộ, đường biển và hàng không với Trung Quốc, nhưng số ca dương tính phát hiện thấp, phải chăng do hệ thống phát hiện dịch của Việt Nam có vấn đề?
Ông Tuấn nói rằng, nguồn lây nhiễm của Việt Nam không chỉ bằng, mà có thể cao hơn so với nước khác trong khu vực. Bởi vậy, nguy cơ và số lượng người nhiễm đến Việt Nam chắc chắn nhiều.
"16 trường hợp chỉ là một phần thôi, con số thực tế sẽ cao hơn. Bởi Covid-19 cũng là một loại virus cúm, triệu chứng có phần giống với những dịch cúm thông thường, nên có nhiều trường hợp chưa biểu hiện lâm sàng, hoặc bị nhẹ và tự qua khỏi, nên người dân không để ý".
nguy cơ của dịch này với cộng đồng tại Việt Nam chưa ở mức quá cao:
"Trong những người nhiễm virus Covid-19, có một phần không biểu hiện triệu chứng, phần khác có triệu chứng lâm sàng nhưng ở thể nhẹ và tự qua khỏi. Chỉ một số trường hợp có tình trạng suy giảm miễn dịch, như người già, người có bệnh khác, có nguy cơ cao hơn. Nguy cơ của dịch này với cộng đồng hiện chưa cao. Đó là chưa kể đến chuyện điều kiện khí hậu và vệ sinh cá nhân tại Việt Nam và ở rhành phố Vũ Hán là khác nhau".
Tâm lý xã hội đang hoang mang thái quá?
Tại Việt Nam, ông Trần Tuấn đánh giá, công tác ứng phó với Covid-19 thoạt đầu còn thụ động và khởi động chậm; nhưng sau đó lại theo chiều hướng thái quá, khiến tâm lý xã hội hoang mang:
"Tiếp đó, sau Tết, các lễ hội vẫn được tổ chức; chỉ đến khi mạng xã hội có ý kiến thì mới cho dừng tổ chức lễ hội. Bởi vậy, tôi cho rằng, ban đầu Việt Nam khởi động chậm trong ứng phó với dịch.''
"Nhưng sau đó, tình hình lại chuyển sang lo lắng tới mức thái qúa, để rồi ra các quyết định thiếu cơ sở khoa học, như cho học sinh nghỉ học trên toàn quốc, người dân đổ xô đi mua khẩu trang dự trữ… Điều đó là lo lắng thái quá, gây thêm tổn thất không đáng có, khó lường về mặt y tế, kinh tế - xã hội và cả chính trị."
Ông Tuấn cũng cho rằng Việt Nam có lẽ hơi vội khi tự hào là con số nhiễm bệnh ở Việt Nam thấp so với các nước khác là kết quả tốt của công tác phòng chống dịch bệnh, và khẳng định tính vượt trội của hệ thống dự phòng, điều trị, xét nghiệm của Việt Nam vì:
''Sự khác biệt một vài chục ca dương tính, đến lúc này, chưa thể khẳng định là mức lây lan ở Nhật, Hàn Quốc đã vượt Việt Nam, cũng chẳng phải Việt Nam có chừng đó ca nhiễm bệnh là do "đã khống chế tốt" sự lây lan.''
"Không nhìn ra những "hạn chế" mà "chủ quan", say sưa "thắng lợi" là điều tối kỵ trong phòng chống dịch bệnh", ông Tuấn nhận xét.