Trong đời em thời em bắt đầu có ký ức và nhận thức thì ấn tượng nhất là 3 trận bão liên tục đổ bộ vào miền Bắc năm 1996. Trong đó có 1 trận tâm bão đổ bộ vào Ninh Bình quê em khiến 60% nhà trong xóm em bị tốc ngói 1 phần hoặc toàn bộ.
Năm đó bố mẹ em sau này mới biết là tâm bão đổ bộ vào vì sau khoảng vài tiếng gió khủng khiếp thì có khoảng 1 - 2 tiếng gì đó trời yên biển lặng, k gió gì thậm chí ko mưa, trời trong xanh. Mẹ em tưởng tan bão rồi sai ông anh trai em đi chăn con bò - khi đó là cả gia sản trong gia đình. Đến khoảng ngoài trưa 1 tí thì gió lại trở lại, càng to hơn, ông anh k thể dắt bò về, bố em phải đội mưa gió đi tìm về, cõng con, dắt bò vào chuồng. Được 1 lúc thì gió khủng khiếp, nhà em tốc 1/3 mái ngói. Ngồi trong nhà mẹ em bắt tất cả mấy anh em chui xuống cái gầm bàn uống nước loại bàn cao có ghế đẩu để ngồi là chỗ vững chắc nhất trong nhà để trú tránh mưa và tránh mảnh văng.
Nhà hàng xóm có nhà mái ngói yếu bay cả mái, cả rui mè, luồng các thứ bay lung tung cả. Ấn tượng nhất là mẹ em che cho đàn con mồm thì liên tục lạy Trời, lạy Đất, lạy ông bà ông vải che chở. Em thời đó 8 tuổi, chả hiểu ông bà ông vải là gì, cứ hỏi mẹ em suốt. Hóa ra đấy là cách nói về ông bà tổ tiên của các cụ cao tuổi quê em.
Năm đó, sau bão thì bọn trẻ con như em ùa ra đường nhặt nhãn, bưởi bị rụng đổ, cả cây đa đầu làng em cũng đổ. Mẹ em bảo "bão đổ được đa là to lắm".
Mấy ngày sau thấy mấy người trong xóm em đi làm mạn Kim Sơn về kể là dân ở dưới Bình Minh ven biển chết vài chục người, có 1 cái cống gần sông Vạc giáp Thanh Hóa người chết nổi lên ken đặc lại. Sau mới biết hóa ra dân ở lại cố thủ để trông lồng bè và các khu nuôi thủy sản nước lợ.
Sau trận bão đó mẹ em sợ đến tận bây giờ, cứ bão là bà lo lắm. Sau trận bão đó thì tiếp theo là 2 cơn bão đổ bộ vào miền Bắc nhưng không to bằng trận trước. Thế nhưng có dự báo bão là mẹ em gửi mấy anh em em sang nhà hàng xóm có mái bằng đổ bằng bê tông cho an toàn. Còn chính quyền địa phương thì cũng mở cửa những trụ sở có nhà kiên cố như nhà văn hóa ủy ban để dân có chỗ trú bão.
Thời đó, quê em ven biển, lại kinh nghiệm ăn vài trận bão to nên tâm lý và phương án ứng phó rất nghiêm túc và cẩn trọng. Trước khi bão vào là bố em đóng đất vào bao, xong cẩu lên mái, đặt nhiều bao đất nhỏ để đè lên mái. Rồi chặt cây cối, tích trữ đồ ăn, cả đồ ăn cho động vật nuôi nữa. Có đận sau bão mưa liền mấy ngày, con sông ở quê em nối giữa sông Đáy và sông Vạc nước sông to mấp mé đê mà bọn em thanh niên học lớp 11-12 đã có tinh thần xung phong, có lệnh cái là lên công nông, mỗi ông chục cái vỏ bao và xẻng, cuốc để ra đào đất hộ đê.
Từ ngày lên Hà Nội sống, do xa sông xa bể, nhà cửa lại kiên cố, ko còn gắn với canh tác nông nghiệp nên cảm giác đón nhận bão của em cũng khác hơn thời còn ở quê.
Nhìn chung dân miền Bắc và Trung sống giữa thiên tai, hoàn cảnh tự nhiên và xã hội đều khắc nghiệt nên rèn luyện được ý thức "tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn" từ rất sớm, thói quen dè xẻn cũng từ đây mà ra. Vì không tính toán trước thì chỉ 1 trận bão hoặc 1 đợt sương muối là cả nhà chết đói.
Dài dòng tâm sự với các cụ nhân ngày miền Bắc - lâu lắm rồi mới lại có tin sẽ đón nhận trận bão lớn đến vậy. Cầu mong bão đổi hướng hoặc giảm nhẹ để đồng bào ta đỡ khổ.