1.Bình quân mỗi ngày Hoàng Anh Gia Lai có lợi nhuận 2,2 tỷ đồng nhưng số tiền trả lãi vay ngân hàng, tổ chức, trái phiếu... đến 3 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) ghi nhận doanh thu thuần nửa đầu năm xấp xỉ 1.470 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ. Nguồn thu từ trái cây đóng góp 1.200 tỷ đồng trong số này, phần còn lại đến từ bán mủ cao su, hàng hóa và cung cấp dịch vụ.
Sau khi trừ các khoản chi phí, công ty do ông Đoàn Nguyên Đức làm chủ tịch hội đồng quản trị vẫn lỗ 130 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, số lỗ giảm hơn 5 lần nhờ không phát sinh chi phí đánh giá các tài sản không hiệu quả và điều chỉnh đầu tư vườn cây cao su, cọ dầu do chuyển đổi mục đích trồng cây ăn trái như năm ngoái. Ngoài ra, nợ vay được tái cơ cấu nên chi phí trả lãi cũng thấp hơn.
Đến cuối tháng 6, nợ phải trả của Hoàng Anh Gia Lai gần 24.340 tỷ đồng và tăng hơn 2.500 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng các khoản vay chiếm trên 17.870 tỷ đồng, trong đó phần lớn là vay dài hạn ngân hàng, tổ chức, cá nhân và trái phiếu trong nước.
Hoàng Anh Gia Lai đã dành 556 tỷ đồng để trả lãi vay trong nửa đầu năm, riêng quý II khoảng 290 tỷ đồng. Đây là khoản chi phí ăn mòn lợi nhuận nhiều nhất bởi tính
bình quân mỗi ngày, công ty của Bầu Đức ghi nhận lợi nhuận bán hàng 2,2 tỷ nhưng số tiền trả lãi vay đến 3 tỷ đồng.
2. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (
ACV) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II với doanh thu hợp nhất giảm 77% so với cùng kỳ, đạt 1.046 tỷ đồng. Giá vốn chỉ giảm 33% và cao hơn doanh thu khiến ACV lỗ gộp gần 409 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 2.289 tỷ.
Trong khi hoạt động chính thua lỗ, ông chủ 21 sân bay nội địa này vẫn ghi nhận doanh thu hơn 570 tỷ từ hoạt động tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi ngân hàng), tăng 28% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi tiền gửi nói trên cũng không đủ bù đắp hết các chi phí cùng lỗ gộp phát sinh trong quý II của ACV.
Kết quả, doanh nghiệp này lần đầu tiên lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 363 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới lợi nhuận trước thuế của ACV bị đảo chiều từ 2.090 tỷ (quý II/2019) xuống -357 tỷ đồng quý này.
Lợi nhuận ròng sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp là -356 tỷ đồng (cùng kỳ dương 1.706 tỷ). Đây đã là lần thứ 2 trong lịch sử kinh doanh ACV lỗ ròng một quý và là số lỗ nặng nhất kể từ khi doanh nghiệp này chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần do Nhà nước nắm quyền chi phối năm 2015.
3. Công ty CP Tập đoàn
FLC (FLC) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2020 cho thấy tình hình kinh doanh của tập đoàn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong đó, doanh thu thuần quý gần nhất của FLC đã giảm tới 47% so với cùng kỳ, đạt 1.722 tỷ đồng. Giá vốn giảm chưa tới 27% và cao hơn doanh thu khiến công ty lỗ gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ 743 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm tới 70% trong khi FLC vẫn phải chi ra hàng trăm tỷ đồng chi phí lãi vay, bán hàng, quản lý doanh nghiệp. Kết quả, tập đoàn của ông
Trịnh Văn Quyết báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 840 tỷ đồng.
Sau khi hợp nhất kết quả kinh doanh cùng một số mảng khác, FLC lỗ trước thuế 839 tỷ. Lợi nhuận hợp nhất sau khi trừ thuế Thu nhập doanh nghiệp là âm 838 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 16 tỷ.
Theo đại diện tập đoàn, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 nên doanh thu quý II mới giảm gần một nửa. Trong khi đó, giá vốn hàng bán, bao gồm chi phí nhân công, thuê tàu bay, nhiên liệu, chi phí thuê văn phòng, căn hộ… của mảng hàng không, khách sạn, du lịch chỉ giảm được gần 27%. Doanh thu tài chính cũng giảm 70% so với cùng kỳ khiến lợi nhuận sau thuế giảm mạnh và đảo chiều từ dương 16 tỷ sang âm 838 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng, doanh nghiệp của đại gia Trịnh Văn Quyết vẫn ghi nhận 6.490 tỷ đồng doanh thu, tăng 3%. Tuy nhiên, thu không đủ bù chi khiến FLC lỗ ròng 2.729 tỷ đồng sau thuế. Đây cũng là số lỗ ròng bán niên nặng nhất trong lịch sử kinh doanh của tập đoàn.
Theo kế hoạch kinh doanh đã được cổ đông thông qua, FLC dự kiến doanh thu năm nay đạt khoảng 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến âm 1.957 tỷ. Như vậy, sau nửa năm, FLC đã hoàn thành 52% chỉ tiêu doanh thu nhưng đã lỗ nhiều hơn 39% kế hoạch.
Đáng chú ý, nếu tính riêng kết quả kinh doanh của tập đoàn mẹ FLC quý II, với mức doanh thu giảm 37% so với cùng kỳ, tập đoàn mẹ đã lỗ tới 1.446 tỷ sau thuế.
Nguyên nhân khiến công ty mẹ FLC lỗ nặng quý vừa qua do chi phí tài chính tăng mạnh, chủ yếu là trích lập dự phòng đầu tư theo quy định của Thông tư 48/2019. Riêng số tiền này nửa năm qua đã tiêu tốn của công ty mẹ FLC 1.380 tỷ đồng.
|
Doanh nghiệp của đại gia Trịnh Văn Quyết đã lỗ nặng hơn kế hoạch 39% chỉ sau nửa năm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Một điểm đáng chú ý trong hoạt động của FLC nửa năm qua là khoản mục Chứng khoán kinh doanh tăng gấp 16 lần so với đầu năm, đạt 2.781 tỷ đồngtại cuối tháng 6. Tuy nhiên, chi tiết danh mục đầu tư chứng khoán của FLC không được lãnh đạo thuyết minh đầy đủ.
Theo kế hoạch đề ra, bất động sản vẫn sẽ là mảng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn năm nay. Trong đó, bất động sản nghỉ dưỡng chiếm tỷ trọng lớn tại các dự án. Ngoài ra, FLC sẽ tăng tỷ trọng các sản phẩm nhà ở thương mại, sàn thương mại trong các dự án.
Với lĩnh vực hàng không, dù ngành này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh,
Bamboo Airways dự kiến vẫn nghiên cứu, đẩy mạnh mở mới 6 đường bay nội địa để gia tăng thị phần với mục tiêu chiếm 30% thị phần nội địa ngay trong năm 2020.
Ngoài ra, dù phải điều chỉnh kế hoạch phát triển đội bay ở mức tối thiểu với 40 máy bay, doanh nghiệp này vẫn đặt mục tiêu đội bay 50 tàu nếu nhu cầu đi lại hồi phục tốt.