Thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas vừa có một cái post đăng toàn văn tuyên bố chung của ông và 11 thượng nghị sĩ về giải pháp cho các bang đang tranh chấp. Post này chỉ trong vòng một ngày đã có 87 ngàn tương tác, 35 ngàn bình luận, và 38 ngàn shares. Xin dịch sang tiếng Việt để giới thiệu với các bạn. Lưu ý, Ted Cruz vốn là học giả về Hiến pháp, một chính trị gia uy tín.
Nước Mỹ là một nước Cộng hòa trong đó các nhà lãnh đạo được lựa chọn thông qua bầu cử dân chủ. Những cuộc bầu cử đó phải tuân theo Hiến pháp, luật liên bang và tiểu bang.
Khi cử tri quyết định một cách công bằng trong một cuộc bầu cử theo quy định của pháp luật, thì ứng cử viên thua cuộc phải thừa nhận kết quả và tôn trọng tính hợp pháp của cuộc bầu cử đó. Và, nếu cử tri lựa chọn bầu ra một người mới để giữ chức vụ nguyên thủ, Quốc gia của chúng ta sẽ có một sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
Cuộc bầu cử năm 2020, cũng giống như cuộc bầu cử năm 2016, đã diễn ra gay cấn và ở nhiều bang, số phiếu quyết định chỉ cách biệt trong gang tấc. Tuy nhiên, điểm nổi bật của cuộc bầu cử năm 2020 là những cáo buộc chưa từng có tiền lệ về gian lận cử tri, về những hành động vi phạm và thực thi lỏng lẻo luật bầu cử cũng như nhiều bất thường khác.
Gian lận cử tri đã đặt ra một thách thức dai dẳng trong các cuộc bầu cử của chúng ta, mặc dù mức độ phổ biến và phạm vi của nó còn bị tranh cãi. Dùng bất kỳ thước đo nào, thì các cáo buộc gian lận và bất thường trong cuộc bầu cử năm 2020 cũng đã vượt quá bất kỳ cáo buộc nào từng có trong cả cuộc đời chúng tôi.
Không chỉ một cá nhân ứng viên tin vào những cáo buộc đó, mà trái lại, rất nhiều người chia sẻ nhận định nói trên về cuộc bầu cử năm nay. Cuộc thăm dò của Reuters / Ipsos, thật đáng buồn, cho thấy 39% người Mỹ tin rằng 'cuộc bầu cử đã bị gian lận.' Niềm tin đó thể hiện ở các đảng viên Cộng hòa (67%), đảng Dân chủ (17%) và ở cả những người độc lập (31%).
Một số thành viên Quốc hội không đồng ý với đánh giá đó, nhiều thành viên của giới truyền thông cũng như vậy.
Nhưng, cho dù các quan chức dân cử hay các nhà báo của chúng ta có tin hay không, thì sự ngờ vực sâu sắc đối với các tiến trình dân chủ của chúng ta sẽ không thể biến mất một cách kỳ diệu như có phép màu. Nó sẽ liên quan đến tất cả chúng ta. Và nó đặt ra một mối đe dọa không ngừng đối với tính hợp pháp của bất kỳ chính quyền nào tiếp theo.
Tốt nhất, các tòa án sẽ nghe bằng chứng và giải quyết những tuyên bố về gian lận bầu cử nghiêm trọng này. Hai lần, Tòa án Tối cao đã có cơ hội làm như vậy; hai lần, Tòa án đều từ chối.
Vào ngày 6 tháng 1, Quốc hội đương nhiệm sẽ bỏ phiếu về việc có chứng nhận kết quả bầu cử năm 2020 hay không. Cuộc bỏ phiếu đó là quyền lực hiến pháp duy nhất còn lại để xem xét và giải quyết nhiều cáo buộc gian lận cử tri nghiêm trọng.
Tại phiên họp chung bốn năm một lần, đã có tiền lệ từ lâu về việc các thành viên đảng Dân chủ của Quốc hội phản đối kết quả bầu cử tổng thống, như họ đã làm vào các năm 1969, 2001, 2005 và 2017. Và, trong cả hai năm 1969 và 2005, đã có một Thượng nghị sĩ Dân chủ tham gia cùng các dân biểu Hạ viện thuộc Đảng Dân chủ để bắt buộc lưỡng viện phải bỏ phiếu về việc có chấp nhận các phiếu đại cử tri bầu tổng thống khi những lá phiếu đó đang bị thách thức hay không.
Tiền lệ trực tiếp nhất về vấn đề này xuất hiện vào năm 1877, sau những cáo buộc nghiêm trọng về gian lận và hành vi bất hợp pháp trong cuộc chạy đua tổng thống giữa Hayes và Tilden. Cụ thể là, các cuộc bầu cử ở ba bang-Florida, Louisiana và Nam Carolina-được cho là đã tiến hành một cách bất hợp pháp. Năm 1877, Quốc hội đã không bỏ qua những cáo buộc đó, cũng như các phương tiện truyền thông cũng không khăng khăng bác bỏ ý kiến của những người nêu ra vấn đề này, không coi họ là những kẻ cấp tiến làm thế để cố gắng phá hoại nền dân chủ.
Thay vào đó, Quốc hội đã chỉ định một Ủy ban bầu cử - bao gồm năm Thượng nghị sĩ, năm thành viên Hạ viện và năm Thẩm phán Tòa án tối cao - để xem xét và giải quyết các khoản tranh chấp. Chúng ta nên làm theo tiền lệ đó.
Nói cách khác, Quốc hội nên ngay lập tức chỉ định một Ủy ban bầu cử, với đầy đủ quyền điều tra và tìm hiểu thực tế, tiến hành một cuộc kiểm toán khẩn cấp trong 10 ngày đối với kết quả bầu cử ở các bang tranh chấp.
Sau khi hoàn thành, từng bang riêng lẻ sẽ đánh giá kết quả của Ủy ban và có thể triệu tập một phiên họp lập pháp đặc biệt để chứng nhận sự thay đổi trong phiếu bầu của họ, nếu cần. Theo đó, chúng tôi dự định bỏ phiếu vào ngày 6 tháng 1 để từ chối các lá phiếu đại cử tri của những tiểu bang đang có tranh chấp bởi vì những lá phiếu đó đã không được 'đưa ra theo cách hợp thức’ và 'được chứng nhận hợp pháp' (điều kiện cần thiết theo luật định), trừ khi và cho đến khi cuộc kiểm toán khẩn cấp kéo dài 10 ngày đó được hoàn thành.
Chúng tôi không ngây thơ. Chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng rất nhiều đảng viên Dân chủ nếu không phải là tất cả, và có lẽ không chỉ một số ít đảng viên Cộng hòa, sẽ có thể bỏ phiếu theo cách khác. Nhưng ủng hộ tính liêm chính của bầu cử không nên là một vấn đề đảng phái. Một cuộc kiểm toán công bằng và đáng tin cậy được tiến hành nhanh chóng và hoàn thành tốt trước ngày 20 tháng 1 - sẽ cải thiện đáng kể niềm tin của người Mỹ vào quy trình bầu cử của chúng ta và sẽ nâng cao đáng kể tính hợp pháp của bất kỳ ai trở thành Tổng thống tiếp theo của chúng ta. Chúng ta nợ Nhân dân điều đó.
Tính liêm chính của cuộc bầu cử là một vấn đề quan trọng đáng được Quốc hội tin cậy trao quyền bảo vệ nó cho chúng tôi. Chúng tôi không xem nhẹ hành động này. Chúng tôi đang hành động không phải để cản trở quá trình dân chủ, mà là để bảo vệ nó. Và mỗi người trong chúng ta hãy cùng nhau hành động để đảm bảo rằng cuộc bầu cử được tiến hành hợp pháp theo Hiến pháp và làm mọi thứ có thể để khôi phục niềm tin vào nền Dân chủ của chúng ta.
Theo Ly Phạm