UBND Hà Nội và TP HCM rà soát, cập nhật phương án phòng chống Covid-19 trên địa bàn, đảm bảo sẵn sàng cho cả phương án cách ly toàn thành phố.
Tối 29/3, Văn phòng Chính phủ thông báo nội dung trên trong kết luận của Thủ tướng **************** sau cuộc họp trực tuyến với 5 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) về phòng chống Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội và TP HCM đảm bảo nguồn lực, nhất là lương thực, thực phẩm cho nhân dân trong mọi tình huống; xử lý nghiêm người đầu cơ tăng giá vật tư y tế và lương thực, thực phẩm.
|
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vắng lặng sau quyết định đóng cửa cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, ngày 26/3. Ảnh: Giang Huy |
Nhận định Việt Nam đã bước vào giai đoạn cao điểm, có ý nghĩa quyết định trong cuộc chiến chống dịch, Thủ tướng yêu cầu 5 thành phố trực thuộc trung ương "tập trung cao độ, thần tốc hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút thực hiện các giải pháp đã đề ra".
Các thành phố chuẩn bị mọi điều kiện về nhân lực, vật chất để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng; kiểm soát chặt chẽ để ngăn người từ vùng có dịch đến các vùng khác; sẵn sàng hỗ trợ, chi viện khi địa phương khác quá tải.
Bộ Y tế và các địa phương trong cả nước được yêu cầu rà soát, cập nhật phương án huy động nhân lực, cơ sở vật chất, đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu khi dịch lây lan trên diện rộng.
"Các thành phố trực thuộc trung ương tập trung đông dân cư và hoạt động kinh tế, xã hội, mật độ giao lưu lớn hơn rất nhiều địa phương khác. Kết quả phòng, chống dịch tại đây có ý nghĩa quyết định đến thành quả chung của cả nước", thông báo nêu.
Bên cạnh giải pháp chung, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các thành phố có giải pháp riêng phù hợp với đặc thù từng nơi, trong đó tập trung khu vực nhiều nguy cơ lây nhiễm như chung cư, cao ốc, văn phòng, chợ dân sinh, bệnh viện, đầu mối giao thông... Địa phương phải sẵn sàng cho mọi tình huống, kể cả khi áp dụng tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh hoặc giới nghiêm, thiết quân luật.
Bộ Y tế, Công an, UBND TP Hà Nội, TP HCM có trách nhiệm dồn lực xử lý triệt để ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, bar Buddha; áp dụng ngay biện pháp phù hợp với người có nguy cơ, tiếp xúc với người bệnh hoặc từng qua lại ổ dịch.
Bộ Giao thông Vận chỉ đạo dừng các chuyến bay vận chuyển hành khách đến Việt Nam; hạn chế tối đa chuyến bay vận chuyển hành khách từ Hà Nội, TP HCM đến các địa phương khác và ngược lại trong 2 tuần tới, trừ trường hợp đặc biệt. Các chuyến xe lửa, xe khách, xe buýt được giãn cách.
Những người không khai báo hoặc khai báo lịch sử dịch tễ không đúng, không chấp hành cách ly, có thể bị xử lý hình sự.
Trước đó ngày 26/3, Thủ tướng yêu cầu các địa phương dừng hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại địa điểm công cộng.
Các địa phương dừng triệt để nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại địa điểm công cộng.
Chính phủ yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ ở các địa phương, trừ cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chủ tịch UBND tỉnh, thành quyết định cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa.
Thời gian áp dụng các biện pháp trên từ 0h ngày 28/3 đến hết 15/4.
Đến chiều 29/3, Việt Nam ghi nhận 188 ca nhiễm nCoV, trong đó 18 ở Bệnh viện Bạch Mai. 28 bệnh nhân được chữa khỏi, trong đó 25 người đã xuất viện, 3 người sẽ xuất viện vào ngày mai.