Western Europe = No country for old men?
TL; DR: Bài dài, và chỉ nói toàn những chuyện lỗi thời.
Tối qua tôi đọc một tin về bọn học sinh Tây bắt đầu gọi Corona là Boomer Doomer = kẻ huỷ diệt các Boomers.
Cho ai chưa biết, Boomers là viết tắt của Baby Boomers, thế hệ Tây sinh ra sau thế chiến và trước thế hệ X, tức khoảng 1946 đến 1965-70.
Dưới tin này, cả hai bình luận nhiều like nhất, bạn không tin đâu, đều cùng tỏ thái độ hả hê.
Một thì “thế hệ các ông bà đang chết dần đó, và cả lý tưởng của ông bà nữa”, một thì “Boomers ngủ say trước biến đổi khí hậu, giờ thì hốt cả hền với Corona vì bắt đầu dính trấu”.
Trên FB thì thế, còn tin chính thống thì mấy hôm trước, tờ Telegraph thản nhiên đăng bài phân tích lợi ích kinh tế của Corona khi giúp “culling” thế hệ già, còn được tác giả ưu ái gọi là các “elderly dependents”. Tạm dịch culling là thanh lọc, song ko từ tiếng Việt nào diễn tả đủ sắc thái của từ này: hành động loại bỏ đi trong một nhóm vật nuôi, thường là gia súc, những cá thể mà người chăn coi không có lợi cho đàn.
Đến đoạn này, nhớ tiếp cách đây 4 năm, sau trưng cầu Brexit, không ít Bremainers khi đó, đa phần người trẻ, hậm hực phát biểu như sau:
“Đám người già ấy muốn rời EU bởi họ đã sống đủ rồi, họ có cần lo đêck gì cho tương lai như chúng tôi đâu, và giờ chúng tôi phải gánh cứt từ lựa chọn ngu ngốc của họ, tôi phát điên lên vì sự ích kỷ của những ông bà già đó”.
Đọc những ý kiến kiểu ấy, mà ko ai thấy thiển cận hay ngạo mạn, tôi đã nghĩ:
“Bremain hay Brexit, nước Anh xong rồi.”
Người ta nói thuyết âm mưu tôi viết bữa trước đáng sợ hay khó tin, dưng giờ muốn gọi âm mưu cũng khó khi nó còn chẳng thể sinh động bằng hiện thực.
Châu Âu, về mặt văn hoá xã hội, hiện chỉ còn hy vọng ở Đông Âu với ảnh hưởng từ Nga, ở Ba Lan nhờ là một quốc gia sùng đạo, và cuối cùng ở Hungary - dân tộc siêu thông minh đã sớm cảnh giác từ đầu với mọi chiêu bài cấp tiến.
Còn lại với Tây Âu, cái gọi là social fabric, chất keo kết nối để một cộng đồng có thể nương tựa và hợp tác cùng nhau, đã gần bị phá hỏng. Nửa thế kỷ cổ vũ cho tự do cá nhân, mị hoặc người trẻ với vô số đặc quyền, âm thầm dựng lên các con rối nổi loạn, đã lần lượt cho ra những thế hệ càng lúc càng ích kỷ đến ráo hoảnh, với bên ngoài tự tin đến ngạo mạn, mà bên trong thì yếu ớt đến bạc nhược, ham hưởng thụ song lại bơ vơ về niềm tin lẫn mục đích sống.
Điều này, mỉa mai đến gần như quả báo, công không nhỏ là từ các Boomers.
Thế chiến 2 đã cướp đi của Châu Âu và Mỹ rất nhiều người đàn ông ưu tú. Những người ở lại dù đàn ông hay phụ nữ thì đều mang dư chấn vĩnh viễn về sự tàn khốc lẫn khốn khó thời chiến tranh. Có rất nhiều gia đình không cha, và các gia đình đầy đủ thì lại nảy sinh tâm lý bù đắp cho con cái sinh trong thời bình những gì thế hệ họ không thể hưởng. Hậu thế chiến cũng đồng thời là giai đoạn kinh tế hồi sinh mạnh mẽ với những năm 50-60 còn là Golden Era cho nước Mỹ.
Hệ quả, Baby Boomers - con cái của thế hệ vàng vĩ đại nhất, đã được sinh ra trong cả no đủ lẫn chiều chuộng, cùng lúc lại thiếu vắng father figures trong gia đình lẫn xã hội. Và thế là ta có giai đoạn hippi, với thế hệ đầu tiên trong lịch sử cận và hiện đại bắt đầu nảy sinh ý nghĩ rằng họ giàu đức hạnh hơn lẫn thông thái hơn cha mẹ họ. Sống trong nhung lụa đủ lâu họ bắt đầu rảnh để biết quan tâm đến những chủ đề vĩ mô như môi trường, hòa bình thế giới, và tình yêu cho đồng loại. Mở ngoặc, ngay cả khi họ vẫn ăn bám bố mẹ và chưa đóng góp vẹo gì cho thế giới. Di sản của thế hệ “lương tri thời đại” này cuối cùng là cả tỷ bài hát rên rỉ về phản chiến, đại nhạc hội Woodstock, quần ống loe cùng kính râm bản lớn, tình dục tập thể và hẳn nhiên, rất nhiều Lucy in the Sky with Diamonds.
Từ bước chạy đà ấn tượng đó, XH phương Tây tiếp tục rã dần ra từng mảnh, để đến 2020 chúng ta không còn quota để ngạc nhiên thêm ly nào nữa khi những trái tim nồng nhiệt trẻ tuổi vừa thổn thức How dare you cho hải ly và sứa biển, vừa đắc chí hân hoan trước kịch bản thế hệ trước bị quét sạch bởi Corona.
Dù rằng, tôi tự hỏi, liệu rồi có lúc nào, thế hệ chọn “miễn dịch bầy đàn” của hôm nay dám nhìn vào mắt con họ mai sau mà nói:
“Con ơi, bố mẹ đã chọn bỏ đi ông bà, bởi vì ông bà đã già quá!“
Nhưng thật ra thì, đến đây, tôi vẫn chẳng muốn kể lại câu chuyện phương Tây này như một cautionary tale nào cả. Chẳng mấy ai thời nay còn muốn nghe cautionary tale nữa. Tôi sẽ chỉ nói được về sự hữu dụng mà thôi.
Nhiều người ngày nay cười khỉnh vào khái niệm về quốc gia dân tộc, về tình cảm gia đình, về tất cả những thứ mà nhiều triết gia có uy tín lẫn không đều bĩu môi gọi là các tàn tích của bản năng động vật và văn hoá bộ lạc. Những người này hẳn nghĩ họ là những người đầy lý trí, đã phát triển nhận thức đến độ có thể phất tay rũ áo vượt lên trên những quán tính thế nhân thường tình, gần như sắp chạm đến tầm minh triết của Karl Popper. Thực ra chính họ mới đang quá đỗi ngây thơ, và là những người mắc bệnh thừa khôn mà thiếu dại.
Lịch sử từ Á đến Âu, từ Tàu đến Do Thái đã cho thấy, không có dân tộc nào thông minh và lọc lõi mà không biết duy trì một kết nối xã hội vững chắc và phần nào đóng kín với mọi xâm thực từ bên ngoài. Bởi vì sự gắn bó rất chắc chắn đó cũng đảm bảo cho một quy trình hợp tác chặt chẽ aka một cách chơi bè rất hiệu quả.
Và còn chiều ngược lại?
Rõ ràng, ai cũng biết câu khá sến sau: bạn bắn quá khứ abc, tương lai bắn lại bạn xyz. Nhưng dù sến, lời tiên tri ấy vẫn nghiệm chứng không chệch nhát nào qua câu chuyện Boomers. Hoạ phúc có nguồn đâu một buổi, khởi sự từ đâu quay về cắn ngay chỗ đó. Thế hệ sau đã vô ơn với Boomers hệt cách Boomers vô ơn với ông bà bố mẹ họ.
Tổng quát hơn, sự vô ơn ấy sẽ sinh ra các feedback loop theo chiều dọc và rộng khác.
Vào lúc kết nối phá vỡ, thế hệ trước ngược lại cũng sẽ mất niềm tin vào thế hệ sau. Không thể tin tưởng con cái sẽ cưu mang lúc họ vulnerable nhất, người ta cũng thôi động lực đầu tư vào thế hệ tương lai ấy. Và một khi dè chừng với cả con cái, liệu còn động lực nào nữa đóng góp chung cho xã hội? Người Việt có câu "Làm thiện tích đức cho con", bản chất là tâm lý nghĩ cho con cháu sẽ biết nghĩ cho số đông và biết góp sức cho xh tốt đẹp từ giờ là để tạo môi trường tốt cho thế hệ kế. Thủ tiêu liên kết thế hệ do đó sẽ thủ tiêu liên kết với cộng đồng cùng sự hướng tới các giá trị trường tồn vượt hơn 1 thế hệ. Con người lúc đó sẽ chỉ biết sống tạm bợ cho hiện tại và chăm chăm vun vào bản thân bằng mọi giá, XH không nói cũng biết tất sẽ loạn.
Vì những lý do trên, tuy người ta được quyền có cảm xúc tự nhiên hoặc không với đất nước, thế hệ trước, và nhiều đối tượng mà ngày nay dễ bị gọi là cổ lỗ khác ...nhưng kể không có, hay kể có đang phấn đấu trở thành con người của thời đại mới, Tây hoá tân thời khôn ngoan hay tỉnh táo, người ta vẫn nên tôn trọng các giá trị này. Bởi XH cần tính cao cả tồn tại không hẳn vì chúng đẹp, mà vì chúng hữu ích.
Với cá nhân tôi thì, tôi mong mình vẫn còn đủ nhiều ngu ngốc để giữ lại được niềm yêu quý dành cho tất cả những điều xưa cũ trên.
Bởi vì khi ấy, sự tôn trọng bỗng dễ hơn rất nhiều.