Thâm hụt thương mại Việt Nam với Trung Quốc
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc tăng chậm nhưng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam lại có sự gia tăng rất mạnh.
Nhập khẩu mặt hàng nào nhiều nhất?
Hết tháng 6, giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc vào khoảng 53 tỷ USD, tăng hơn 9 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và hơn 8,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.
Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu đều là nguyên, nhiên liệu như than, quặng, gỗ và sản phẩm gỗ, xơ sợi, nguyên liệu vải, da giày. Đáng kể nhất là các loại linh kiện và sản phẩm điện thoại, máy vi tính, máy móc, phụ tùng ô tô có kim ngạch rất cao.
Các mặt hàng nguyên liệu khác cũng có kim ngạch tăng cao. Vải các loại đạt hơn 4,6 tỷ USD, tăng hơn 1,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Nguyên liệu sản xuất da giày đạt 1,6 tỷ USD (tăng hơn 500 triệu USD). Xơ sợi phục vụ dệt may cũng đạt hơn 720 triệu USD (tăng 200 triệu USD).
Ngoài ra, một mặt hàng nhập khẩu khác có sự gia tăng là sắt thép từ Trung Quốc, theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng qua Việt Nam nhập hơn 3,6 triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc, với kim ngạch hơn 2,8 tỷ USD. Lượng nhập tăng hơn 1,5 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước và giá cũng tăng hơn 4 triệu đồng/tấn.
Thâm hụt gia tăng vì phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc
Hết tháng 6, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 24,5 tỷ USD và nhập siêu với đối tác này tương đương 28,5 tỷ USD. Trong khi đó nhập siêu 6 tháng 2020 chỉ hơn 24 tỷ USD. Đặc biệt, trong 6 tháng năm 2019, nhập siêu Việt Nam với Trung Quốc chỉ là hơn 18,4 tỷ USD.
Việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nhập khẩu Trung Quốc khiến doanh nghiệp Việt Nam ngày càng bị động về đầu vào cho sản xuất. Vấn đề trên đã được không ít chuyên gia đã cảnh báo trước đó.