PMI® Ngành Sản xuất Việt Nam của IHS Markit
Làn sóng các ca lây nhiễm COVID-19 mới nhất ở Việt Nam đã khiến các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất suy giảm mạnh trong tháng 6. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch vào đầu năm 2020, trong khi các công ty đã giảm tương ứng số lượng việc làm và hoạt động mua hàng. Đại dịch cũng ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, từ đó khiến thời gian giao hàng bị kéo dài ở mức gần kỷ lục.
Trong khi đó, tốc độ tăng chi phí đầu vào vẫn còn đáng kể nhưng đã chậm lại nhiều so với tháng 5, và các công ty đã chỉ tăng nhẹ giá bán hàng trong tình trạng nhu cầu giảm.
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (Purchasing Managers' Index™ - PMI®) ngành sản xuất của Việt Nam đã giảm mạnh từ 53,1 của tháng 5 xuống còn 44,1 trong tháng 6, cho thấy các điều kiện kinh doanh suy giảm mạnh nhất trong hơn một năm và từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài sáu tháng.
Ghi chú: Khi chỉ số xuống dưới 50 là thu hẹp sản xuất
Đại dịch COVID-19, các biện pháp phong tỏa và tình trạng đóng cửa công ty tạm thời đều được nhắc đến như là những nhân tố làm giảm mạnh cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 6.
Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài cũng giảm khi những khó khăn trong khâu vận tải và tình trạng khan hiếm container đã làm trầm trọng hơn ảnh hưởng của đợt bùng phát các ca nhiễm vi-rút.
Những khó khăn trong hoạt động vận tải, cộng với tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu và những hạn chế liên quan đến đại dịch, đã làm kéo dài đáng kể thời gian giao hàng của nhà cung cấp. Trên thực tế, mức độ chậm chễ giao hàng là lớn thứ nhì trong lịch sử chỉ số, chỉ kém mức được ghi nhận vào tháng 4/2020.
Các nhà sản xuất Việt Nam đã cắt giảm số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng trước tình trạng khối lượng công việc giảm vào cuối quý 2. Việc làm đã giảm lần đầu tiên trong năm tháng, và với mức giảm mạnh và là nhanh thứ nhì kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 3/2011.
Tương tự, hoạt động mua hàng giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi mức giảm tồi tệ nhất được ghi nhận vào tháng 4/2020 sau đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch. Hoạt động mua hàng hóa đầu vào giảm đã khiến tồn kho hàng mua giảm mạnh.
Tồn kho thành phẩm cũng giảm trong tháng 6 sau khi hầu như không thay đổi trong tháng 5. Tình trạng sản lượng giảm và mong muốn tích trữ ít hàng hơn khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm là nguyên nhân dẫn đến giảm tồn kho thành phẩm.
Các công ty đã có thể giảm lượng công việc tồn đọng lần đầu tiên trong ba tháng tương ứng với số lượng đơn đặt hàng mới giảm, và tốc độ giảm là mạnh và chưa từng được chứng kiến trước đại dịch COVID-19.
Có những dấu hiệu giảm áp lực lạm phát trong tháng 6 khi tình trạng lực cầu yếu dẫn đến giảm năng lực định giá. Mặc dù chi phí đầu vào tăng với tốc độ chậm nhất trong bảy tháng, tốc độ lạm phát vẫn cao hơn mức trung bình của lịch sử chỉ số khi có các báo cáo cho thấy tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu dẫn đến giá tăng. Đặc biệt, tình trạng tăng giá kim loại được nhắc đến nhiều.
Trong khi đó, giá cả đầu ra chỉ tăng nhẹ vì các công ty phải đối phó với tình trạng nhu cầu giảm. Niềm tin kinh doanh giảm thành mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm ngoái, và điều này phản ánh những lo ngại về ảnh hưởng tiếp theo của đại dịch. Tuy nhiên, các công ty nhìn chung vẫn lạc quan rằng
sản lượng sẽ tăng trong năm tới.