Giá thép hạ nhiệt
Sau nhiều lần tăng giá từ cuối năm ngoái, từ đầu tuần này mỗi tấn thép cuộn giảm khoảng 1 triệu đồng, thép thanh cũng hạ 600.000 - 800.000 đồng tùy loại.
Ngày 9/6, tại thị trường miền Bắc, thép Hoà Phát được các nhà cung cấp báo giá ở mức 17,2 triệu đồng một tấn thép cuộn CB240, thép vằn D10 CB300 là 17,05 triệu đồng mỗi tấn. Còn các loại thép vằn D12, D14 giá dao động 16,85 - 16,9 triệu đồng một tấn.
So với thời điểm giá thép "lập đỉnh" sát mức 18,3 triệu đồng mỗi tấn cách đây gần một tháng, hiện mỗi tấn thép cuộn Hoà Phát giảm hơn 1 triệu đồng; còn thép thanh cũng hạ 500.000-700.000 đồng. Hạ nhiệt, song mặt bằng giá thép vẫn trên 17 triệu đồng một tấn.
Tương tự, thép cuộn Việt Đức cũng lùi về còn 17 triệu đồng mỗi tấn, giảm 960.000 đồng so với cách đó hai ngày. Các mặt hàng thép thanh (D10, D12 và D14) của thương hiệu này cũng về dưới ngưỡng 17 triệu đồng mỗi tấn, dao động 16,65- 16,85 triệu đồng, hạ gần 800.000 đồng một tấn so với hôm đầu tuần này.
Trong khi đó, bảng giá thép xây dựng của Tổng công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) "nhỉnh" hơn các doanh nghiệp khác trong nước, ở mức 17,55 triệu đồng một tấn với thép cuộn CB240 và CB300; thép thanh các loại 17,25 triệu đồng một tấn. Giá này chưa gồm thuế VAT và nếu doanh nghiệp thanh toán chậm có bảo lãnh, mỗi tấn thép xây dựng doanh nghiệp này bán ra đắt thêm khoảng 900.000 đồng.
Cũng trong xu hướng giảm giá như thị trường miền Bắc, song giá thép tại phía Nam "nhỉnh" hơn. Tại miền Bắc, giá thép được các doanh nghiệp đưa ra về sát ngưỡng 17 triệu đồng một tấn, thì tại miền Nam giá thép cao hơn. Hiện thép cuộn CB240 được báo quanh mức 17,8-18,4 triệu đồng một tấn; còn thép thanh vằn vẫn trên 17 triệu đồng mỗi tấn.
Thương hiệu thép miền Nam báo giá thép cuộn ngưỡng 18,4 triệu đồng mỗi tấn trong ngày 9/6. Thép cây vằn dao động 17,2-17,4 triệu đồng mỗi tấn.
Thép cuộn Vina Kyoei quanh mức 18,35 triệu đồng mỗi tấn, còn thép thanh 17,2-17,35 triệu đồng.
Trong số các thương hiệu thì thép Tungho đang có mức giá "mềm" hơn so với các doanh nghiệp khác. Mỗi tấn thép cuộn của doanh nghiệp này là 17,8 triệu đồng một tấn; thép thanh 16,45 -16,6 triệu đồng.
Giá thép trong nước vài ngày gần đây hạ nhiệt do giá nguyên liệu (quặng sắt, phôi, than cốc...) đang trong xu hướng giảm. Các loại nguyên liệu này chiếm khoảng 70-80% giá thành thép sản xuất trong nước.
Giá quặng sắt giao tháng 9 trên sàn giao dịch Đại Liên ngày 8/6 còn 173,03 USD một tấn, mức thấp nhất từ đầu tháng 6. Hợp đồng quặng sắt giao tháng 7 tại thị trường Singapore cũng còn 190 USD một tấn, giảm 2%.
Ngoài quặng, giá các nguyên liệu sản xuất thép khác như than cốc cũng giảm. Trên sàn Đại Liên mặt hàng này đã giảm 0,5-1,3%, tuỳ loại. Nhờ đó, giá thép giao kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm về còn 5.119 NDT một tấn.
Nhu cầu thép tại Trung Quốc - thị trường tiêu thụ lớn nhất của mặt hàng này đang có dấu hiệu chững lại. Hiện giá thép trên các sàn giao dịch của Trung Quốc đều đang giảm nhiệt. Tại sàn Thượng Hải, thép Thanh giảm 2,4%, thép cuộn mất 2,2% so với thời điểm ngày 1/6.
Như vậy, sau thời gian dài
tăng giá (40-50%) từ cuối năm ngoái, lần đầu giá thép trong nước có dấu hiệu giảm theo đà giá thế giới, song vẫn trên 17 triệu đồng một tấn. Trước đó, để hạ nhiệt giá thép trong nước, tại cuộc họp bàn giải pháp với các doanh nghiệp sản xuất thép, một trong số giải pháp được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gợi ý là lập quỹ bình ổn giá.
Tuy nhiên, ý tưởng này sau đó được các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng không hợp lý, không thị trường do thép không nằm trong danh mục Nhà nước bình ổn giá. Bộ Công Thương sau đó cũng khẳng định, ý tưởng
lập quỹ bình ổn "không phải ý kiến chính thức" của cơ quan này.
Thay vào đó, Bộ đề nghị các doanh nghiệp sản xuất thép giảm chi phí đầu vào, chi phí sản xuất để hạ giá thành thép thành phẩm; tăng tối đa công suất trong nước để tăng nguồn cung và hạn chế xuất khẩu các mặt hàng trong nước đang có nhu cầu.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, đang khảo sát năng lực công nghệ sản xuất các doanh nghiệp để đánh giá đúng thực trạng ngành, tham vấn ý kiến cho các cơ quan quản lý cải thiện cơ chế chính sách cho sản xuất thép trong nước.