TTO - 'Với các ca nhiễm chủng virus cũ, qua 1-2 ngày truy vết các trường hợp tiếp xúc gần thì đã an toàn. Còn chủng mới có tốc độ lây lan nhanh nên có thể trong lúc tìm F1 thì F1 đã lây cho F2', giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết.
tuoitre.vn
Nhân viên y tế làm xét nghiệm tìm virus gây bệnh COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ngày 2-1, Bộ Y tế phát thông báo phát hiện
biến thể mới của virus corona từ Anh trên bệnh nhân nữ 45 tuổi mới từ Anh về nước.
Biến thể này nguy hiểm thế nào? Việt Nam cần làm gì để phòng chống biến thể mới lây lan? Có cần tạm ngưng các chuyến bay từ Anh?
"Trong lúc tìm F1 thì có thể F1 đã lây F2"
Trao đổi với
Tuổi Trẻ Online trưa 2-1, TS.BS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết chủng mới của virus corona được phát hiện đầu tiên tại Anh có khả năng lây truyền mạnh hơn rất nhiều lần so với chủng virus trước đây nhưng độc lực không thay đổi.
Theo đó, chủng mới này có khả năng bám chặt vật chủ nhiều hơn so với chủng cũ nên khả năng nhiễm bệnh và lây truyền sớm hơn dù người bệnh có tải lượng virus thấp. Ví dụ chủng virus corona trước đây thường mất khoảng 5 ngày thì có khả năng lây bệnh, còn chủng mới này chỉ mất 3 ngày.
Tương tự, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - chia sẻ theo các thông tin nghiên cứu khoa học, biến thể mới của virus corona từ Anh có tốc độ lây lan rất nhanh so với chủng cũ nên cực kỳ nguy hiểm nếu có người nhiễm chủng mới này mà không được phát hiện, cách ly kịp thời.
"Với các ca nhiễm chủng virus cũ, qua 1-2 ngày truy vết các trường hợp tiếp xúc gần thì đã an toàn. Còn với chủng mới có tốc độ lây lan nhanh nên có thể trong lúc tìm F1 thì F1 đã lây cho F2" - TS.BS Châu nói.
Theo TS.BS Châu, tuy các nghiên cứu cho hay tỉ lệ ca bệnh nặng và tử vong ở người nhiễm chủng virus corona mới không tăng, nhưng trong tình huống số người nhiễm chủng mới tăng thì sẽ có ca bệnh nặng, kéo theo đó nguy cơ tử vong cũng sẽ cao.
'Đóng cửa' với chuyến bay từ Anh để chống dịch?
Trước tình hình nhiều quốc gia hạn chế người nhập cảnh từ Anh, đặc biệt nhiều nước châu Âu đã không cho người từ Anh nhập cảnh, theo TS.BS Hùng, Việt Nam thật sự không cần thiết đóng hẳn các chuyến bay từ Anh.
Cùng quan điểm, TS.BS Châu cho rằng chủng mới của virus corona không chỉ phát hiện ở Anh mà còn nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu Việt Nam chỉ đóng cửa các chuyến bay từ Anh thì chưa đủ, có khi virus được "mang theo" từ những nước khác, hoặc theo đường mòn, lối mở.
Vì thế, tất cả các trường hợp nhập cảnh cần phải kiểm tra, cách ly nghiêm ngặt ngay từ khi nhập cảnh. Tuy nhiên, đáng lo nhất là những trường hợp nhập cảnh trái phép.
"Nếu họ cũng mang chủng mới virus corona thì sẽ lây ra cộng đồng rất nhanh, đến lúc phát hiện thì có thể đã lây cho nhiều người, khi đó tốc độ truy vết của hệ thống y tế dự phòng không kịp", TS.BS Châu nói.
Để khống chế chủng virus mới lây lan tại Việt Nam, các bác sĩ cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ ngay từ bước đầu bằng cách chọn lọc những người ở Anh thực sự cần thiết nhập cảnh vào Việt Nam và cách ly ngay khi nhập cảnh; siết chặt tất cả các cửa khẩu, đường tiểu ngạch, đường mòn, lối mở để "triệt" những trường hợp nhập cảnh trái phép.
Theo TS.BS Hùng, để kiểm soát, phòng bệnh do chủng virus corona mới, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt thông điệp 5K của Bộ Y tế: "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế".
Tuy nhiên vì khả năng lây lan của chủng mới rất mạnh nên chúng ta cần tuân thủ 5K nghiêm túc hơn, triệt để hơn với cường độ cao hơn (ở tất cả mọi nơi) thì sẽ khống chế được chủng mới của virus corona.
Quan trọng nhất là sự đồng lòng, hợp tác của người dân với cơ quan chức năng, hệ thống ngành y tế. Nếu phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép, cần báo cáo cơ quan chức năng.
Bộ Y tế: Sẽ giám sát cách ly chặt chẽ hơn
Trả lời phóng viên về việc nhiều nước đã quyết định dừng cho nhập cảnh từ Anh và Nam Phi, liệu Việt Nam có quyết định tương tự, Bộ Y tế cho biết đến thời điểm này chưa quyết định dừng, cũng chưa thay đổi về thời gian cách ly, mà vẫn cách ly 14 ngày như cũ.
Tuy nhiên để phản ứng sớm với tình hình, Bộ Y tế cho biết sẽ giám sát cách ly chặt chẽ hơn, đồng thời theo dõi tình hình virus biến chủng xâm nhập thông qua việc giải trình tự gen.
Theo ông Đặng Đức Anh - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, đến nay virus biến chủng chưa có dấu hiệu gia tăng về độc lực, nhưng có tăng về khả năng lây nhiễm (tăng 70% khả năng lây lan so với chủng cũ).
LAN ANH
Biến thể mới đã lan tới 34 quốc gia, vùng lãnh thổ
Biến thể virus corona mới có tên VUI-202012/01 được phát hiện tại Anh lần đầu tiên vào tháng 9-2020. Đến tháng 11-2020, khoảng 1/4 ca nhiễm mới ở London là do VUI-202012/01, và đến giữa tháng 12 con số này tăng lên gần 2/3.
Ngày 8-12, Anh phát cảnh báo về biến thể này. Biến thể sau đó được phát hiện ở nhiều quốc gia khác.
Tính tới sáng nay 2-1, đã có 34 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận biến thể này, gồm: Mỹ, Anh, Úc, Bỉ, Brazil, Canada, Chile, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Iceland, Ấn Độ, Ireland, Israel, Ý, Nhật Bản, Jordan, Lebanon, Malta, Hà Lan, Na Uy, Pakistan, Bồ Đào Nha, Singapore, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và mới nhất là Việt Nam.
Hiện nhiều quốc gia đã cấm hoặc hạn chế đi lại với Anh và Nam Phi - nơi cũng phát hiện biến thể nguy hiểm của virus corona chủng mới.
HOÀNG LỘC - XUÂN MAI
TTO - Biến thể B117 của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) được phát hiện ở Anh đang lây với tốc độ báo động ở nhiều quốc gia trên toàn cầu. Điều này mang ý nghĩa gì?
tuoitre.vn
Nhân viên y tế Mỹ thăm khám cho một bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: The Atlantic
Bà Zeynep Tufekci, giáo sư Đại học North Carolina (Mỹ), gọi biến thể corona B117 là "quả bom hẹn giờ đang đếm ngược" - một mối nguy lớn đối với xã hội loài người.
Viết trên báo
The Atlantic, giáo sư Tufekci giải thích rằng virus luôn đột biến, thường với ít thay đổi về mặt chức năng, nhưng B117 với đặc tính dễ lây hơn chủng gốc lại rất nguy hiểm, chưa bàn đến khả năng kháng vắc xin hay độc lực của nó.
Nhiều chuyên gia khác chia sẻ cùng quan điểm trên. Giáo sư Adam Kucharski, chuyên gia về dịch bệnh của Trường Khoa học vệ sinh và y học nhiệt đới London (Anh), giải thích bằng một ví dụ như sau:
Có 2 kịch bản, một là virus tăng độc lực thêm 50%, hai là virus tăng khả năng lây thêm 50%. Trong cả hai trường hợp tạm lấy hệ số lây nhiễm là 1,1 (1 người bệnh lây cho 1,1 người khác), còn rủi ro tử vong là 0,8%.
Tiếp theo, hình dung có 10.000 ca nhiễm COVID-19 vào cùng một thời điểm - con số hoàn toàn thực tế đối với nhiều thành phố châu Âu hiện nay.
Với các thông số trên, bình thường mỗi tháng sẽ có khoảng 129 người chết. Trong kịch bản virus tăng độc lực 50%, số người chết sẽ là 193. Còn kịch bản khả năng lây tăng 50%, số người chết sẽ vọt lên tới 987!
Sự gia tăng khả năng lây truyền giúp virus bùng nổ rất nhanh. Cứ mỗi người nhiễm có thể lây cho rất nhiều người khác theo cấp số nhân, trong khi mức độ nặng/nhẹ của bệnh (tức độc lực của virus) chỉ ảnh hưởng đến mỗi bệnh nhân.
B117 được xác định là không tăng độc lực - một tin tốt với bệnh nhân COVID-19, nhưng khả năng lây của nó lại là mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn với xã hội.
Nói theo kiểu khác, tỉ lệ tử vong không thay đổi nhưng số người nhiễm lớn thì sự mất mát còn khủng khiếp hơn trường hợp ngược lại.
Khả năng virus corona đột biến dễ lây hơn là một tin tức xấu giữa đại dịch - Ảnh: The Atlantic
Giáo sư Tufekci thừa nhận bản thân bà ban đầu không chú ý đến biến thể mới giữa một rừng tin tức ảm đạm mỗi ngày, nhưng bây giờ dữ liệu khoa học đã đầy đủ hơn và bà tin rằng đây là mối lo thực sự.
Ông Trevor Bedford, nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson (Mỹ), chỉ ra rằng số ca nhiễm biến thể B117 đang tăng rất nhanh trong dân số ở Anh, đáng chú ý tỉ lệ tấn công thứ cấp (số lượng người nhiễm truy từ một ca nhiễm được xác định) của biến thể này cũng cao hơn chủng gốc.
Ngoài ra, dù chưa được xác nhận nhưng biến thể mới dường như sinh ra lượng virus trong cơ thể bệnh nhân cao hơn bình thường.
Theo giáo sư Tufekci, có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến việc một biến thể virus trở nên phổ biến, may mắn cũng đóng vai trò, nhưng bằng chứng hiện nay cho thấy chỉ có lời giải thích đơn giản "virus dễ lây hơn" là vững chắc.
Dễ lây hơn bao nhiêu? Đây là vấn đề các nhà nghiên cứu đang tìm câu trả lời, dữ liệu ban đầu gợi ý con số dao động từ 50 - 70%. Tệ hơn nữa, không ai biết cơ chế nào khiến virus thay đổi như vậy, mặc dù số lượng gen đột biến lớn được cho là có liên quan.
"Sự mơ hồ trong hiểu biết về B117 cũng đồng nghĩa chúng ta không biết các biện pháp phòng dịch như khẩu trang, giữa khoảng cách... hiệu quả bao nhiêu so với trước nay, chỉ biết rằng càng phải cẩn thận hơn nữa.
Chúng ta đang chạy đua. Thật không may khi con virus bỗng nhiên có khả năng chạy nước rút khi chúng ta đã gần tới vạch đích (nhờ vắc xin)", giáo sư Tufekci bình luận.
PHÚC LONG