Các nhà nghiên cứu tại trường đại học Queensland nói rằng họ đã tạo ra những kết quả ban đầu đầy hứa hẹn. Những thí nghiệm trên chuột cho thấy nồng độ cao chất kháng thể có thể làm vô hiệu hóa virus.
Làm việc không ngừng nghỉ từ đầu tháng Một để tìm kiếm một chủng ngừa cho COVID-19, một nhóm các nhà khoa học tại trường đại học Queensland đã bắt đầu nhận về các kết quả đầy hy vọng.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sỹ Keith Chappel tiết lộ những kết quả thí nghiệm trên chuột.
“Chúng tôi cho virus còn sống vào máu của chuột trong phòng thí nghiệm, và quan sát khả năng nó giúp ngăn chặn virus tấn công vào các tế bào."
Điều rất ấn tượng mà chúng tôi quan sát thấy đó là, lượng kháng thể được tạo ra trong cơ thể chuột sử dụng vaccine của chúng tôi, cao hơn rất nhiều so với hầu hết các bệnh nhân đã khỏi bệnh từ COVID-19.
Tiến sỹ Chappell rất hài lòng với cách mà kháng thể được tạo ra trong cơ thể chuột đã tiêu diệt virus.
“Nó đưa đến cho chúng tôi một nhận định khá chắc chắn rằng, vaccine có thể tạo hiệu quả và cung cấp một mức độ bảo vệ cao hơn việc từng phơi nhiễm với virus.”
Đây là một bước đi ban đầu vô cùng quan trọng nhưng chỉ là một trong rất nhiều bước khác nữa. Tiếp đến các nhà nghiên cứu sẽ gởi vaccine này tới một phòng thí nghiệm sinh học tại Hà Lan để tiếp tục nghiên cứu sự an toàn, giai đoạn này sẽ kéo dài sáu đến tám tuần lễ.
Chuột hamsters và chồn ferret được tiêm chủng vaccine, và một khi được miễn nhiễm, sẽ được phơi nhiễm với virus để xem cơ thể phản ứng như thế nào.
Thành viên nhóm nghiên cứu, giáo sư Trent Monroe giải thích, đó là một phần thiết yếu của tiến trình.
“Suy nghĩ về việc thí nghiệm trên động vật luôn là một điều khó khăn. Nhưng đó là một trong những bước thiết yếu mà chúng tôi cần phải thực hiện để đảm bảo rằng: thứ nhất, chúng tôi đạt được mức độ thử nghiệm cần thiết của vaccine này, và hai là, việc đó sẽ cần phải được thực hiện một cách an toàn. Do đó mà, đây là những thử nghiệm không thể tránh khỏi.”
Việc nhanh chóng tìm ra vaccine đang là nỗ lực trên toàn cầu nhằm khống chế đại dịch COVID-19.
Hiện có hơn 100 vaccines đang được phát triển trên khắp thế giới, trong đó có khoảng 10 đến 20 chủng đang bắt đầu cho thấy kết quả tích cực. Những phòng thí nghiệm vaccine áp dụng các công nghệ cũ và mới, hoặc kết hợp cả hai, như dự án tại trường đại học Queensland.
“Và có những chủng ngừa như cái mà chúng tôi tạo ra, nó sử dụng một phần của virus, phần mà chúng tôi chế tạo từ phòng thí nghiệm, như vậy đó là một cách chế tạo vaccine rất an toàn. Phương cách tương tự đã được áp dụng để tạo ra chủng ngừa Gardasil. Cái khác biệt ở đây đó là chúng tôi sử dụng một công nghệ được phát triển ngay tại trường đại học Queensland, được biết đến là mô hình xếp chồng phân tử. Nó giúp các phần virus nhân tạo hòa vào virus thực, và chúng tôi nghĩ rằng nó giúp tạo ra các lợi thế xung quanh sự linh động của vaccine này. Chúng tôi thực sự hy vọng rằng nó có thể giúp củng cố hệ miễn dịch và chúng tôi sẽ có một vaccine thực sự tốt.”
Trong khi COVID-19 cho tới nay đã lấy đi hơn 200 nghìn mạng người trên toàn thế giới chỉ trong vòng ít tháng, tiến sỹ Chappell nói rằng một điều thuận lợi đó là nó không biến thể nhanh như một số các virus khác.
“Chủng virus này không biến đổi nhanh như là virus cúm, và nó là một cấu trúc protein rất lớn. Chúng tôi đang chế tạo các kháng thể cho toàn bộ cấu hình, và việc cấu trúc protein đó có thể trốn thoát là điều hầu như không thể. Hiện chúng tôi đang tạo ra tất cả các loại kháng thể cho tất cả các dòng virus khác nhau của nó hiện đang có mặt và cả trong tương lai.”
Trên thực tế, chưa từng có một vaccine nào được chế tạo thành công cho một loại coronavirus.
Giáo sư Monroe hy vọng các cuộc thử nghiệm lên người sẽ bắt đầu vào tháng Bảy, với mục tiêu cung cấp vaccine ra cộng đồng vào trước tháng Chín.
Các nhà nghiên cứu tại trường đại học Queensland nói rằng họ đã tạo ra những kết quả ban đầu đầy hứa hẹn. Những thí nghiệm trên chuột cho thấy nồng độ cao chất kháng thể có thể làm vô hiệu hóa virus.
www.sbs.com.au