Bloomberg: Công nhân trong ngành công nghiệp tỷ đô của Việt Nam và các nước đang phát triển đứng trước nguy cơ nghèo cùng cực vì Covid-19
22-04-2020 - 18:58 PM |
Kinh tế vĩ mô - Đầu tư
Chia sẻ31
Đại dịch đã gây ra thiệt hại kinh tế nặng nề ở các quốc gia có những công nhân nghèo và rất dễ tổn thương, từ Pakistan đến Campuchia, Indonesia và Việt Nam.
Cán cân thương mại của Việt Nam đổi chiều, thâm hụt 1,28 tỷ USD nửa đầu tháng 4
Rozina Begum lo lắng rằng vợ chồng cô và hai đứa con sẽ chết đói. Vào ngày 25/3 vừa qua, một người quản lý của công ty thời trang Ultimate Fashions tại khu may mặc Ashulia ở ngoại ô thủ đô Dhaka-Bangladesh, đã triệu tập cô cùng khoảng 300 công nhân khác tại nhà máy, yêu cầu hoàn thành nốt những gì họ đang làm và về nhà.
"Tôi đã hỏi người quản lý tại sao lại như vậy, ông ta nói rằng công ty sẽ ngừng sản xuất từ ngày mai và không nói thêm điều gì khác". Rozina còn cho biết thêm, "Tôi không thể ra ngoài tìm kiếm một công việc mới. Tôi chỉ có thể đợi cho đến khi lệnh đóng cửa kết thúc. Thậm chí sau đó cô không biết rằng liệu mình có được đi làm lại hay không".
Rozina là một trong hàng triệu người đang đứng bên bờ vực khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị tổn thất nặng nề di dịch bệnh Covid-19. Đối với một ngành công nghiệp kết nối người giàu nhất và nghèo nhất thế giới, từ những cửa hàng thương hiệu xa xỉ ở New York và Paris, tới các nhà bán buôn, người vận chuyển, người trồng bông, nhà máy dệt may và công ty may mặc, họ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch toàn cầu.
Đại dịch đã gây ra thiệt hại nặng nề ở các quốc gia có những công nhân nghèo nhất thế giới, từ Pakistan đến Campuchia, Indonesia và Việt Nam.
Nhiều người đã được hưởng lợi từ các công việc với mức lương thấp được chuyển giao từ Trung Quốc do tiền lương của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tăng lên và các nhà máy chuyển sang sản xuất sản phẩm có giá trị cao hơn. Bây giờ, họ lại lo ngại rằng những công việc đó có thể sẽ không còn nữa khi các nhà máy và các cửa hàng ở Trung Quốc đã bắt đầu mở cửa trở lại.
"Không có tin tốt nào cho chúng tôi", Rubana Huq, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc tại Bangladesh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. "Trung Quốc sẽ không còn là nhà cung cấp cũng như người tiêu dùng. Các thương hiệu và nhãn hàng đang dần chuyển sang Trung Quốc khi các cửa hàng mở cửa trở lại".
Huq lo rằng các nhà bán lẻ ở châu Âu và châu Mỹ, hai thị trường chính của Bangladesh, sẽ chuyển sang các nhà cung cấp ở Trung Quốc và bán cho khách hàng Trung Quốc ngay khi nước này mở cửa kinh doanh trở lại. Doanh số bán lẻ tại Mỹ đã giảm kỷ lục 8,7% trong tháng 3/2020, dẫn đầu là giảm 50,5% tại các cửa hàng quần áo và giảm 26,8% tại các cửa hàng nội thất. Dự báo cho thấy rằng số liệu cho tháng 4/2020 sẽ còn tồi tệ hơn.
Ngay cả ở Trung Quốc, nhà xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới, tình hình vẫn chưa mấy khả quan. Một cuộc khảo sát của Hội đồng dệt may Quốc gia Trung Quốc cho biết, trong khi nhiều nhà máy dệt đang bắt đầu hoạt động trở lại, số lượng đơn đặt hàng từ nước ngoài bị hủy vẫn đang không ngừng tăng lên. Một cuộc khảo sát trên 166 nhà máy dệt trong tuần đầu tiên của tháng 4 cho thấy, 70% đơn đặt hàng ở nước ngoài được báo cáo ở mức thấp hơn một nửa so với mức bình thường.
Một công nhân đang vận chuyển vải tại một nhà máy dệt ở Hàng Châu, Trung Quốc, vào ngày 5/3. Nguồn: AFP qua Getty Images
Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 78% công nhân dệt may bị cho nghỉ làm hoặc cắt giảm giờ làm do đại dịch, một số công ty đã chuyển sang làm khẩu trang vải để xuất khẩu. Mặc dù vậy, tập đoàn công nghiệp Vinatex cho rằng ngành dệt may của quốc gia có thể tổn thất lên tới 465 triệu USD nếu cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục kéo dài vào tháng 5.
Cuộc khủng hoảng trở nên nóng hơn bao giờ hết tại trung tâm thương mại Karachi, Pakistan. Mới đây, trong tháng 4, hàng chục công nhân đã biểu tình trước cổng một nhà máy sản xuất denim. Nhà hoạt động chính trị Tariq Khaskheli, người dẫn đầu cuộc biểu tình cho biết, cảnh sát đã dùng dùi cui để trấn áp người biểu tình.
"Yêu cầu duy nhất của chúng tôi là những người công nhân có thể đi làm trở lại", ông nói. "Họ sẽ nuôi con như thế nào? Chính phủ đã ban hành các hướng dẫn rõ ràng rằng không có công nhân nào bị sa thải trong thời gian tạm phong tỏa này nhưng họ vẫn sa thải hàng trăm người".
Trong số những người bị cho nghỉ việc có Waleed Ahmed Farooqui, một sinh viên 21 tuổi, người phải sống dựa vào thu nhập để trả tiền học phí đại học và hỗ trợ gia đình 7 người. Cha của anh là một tài xế, từ lâu đã không có việc để làm. "Chúng tôi còn có thể làm gì khác được nữa? Nếu việc phong tỏa này tiếp diễn và tôi không thể kiếm được một công việc khác, tôi sẽ phải ra ngoài và trở thành kẻ ăn xin trên đường phố", anh nói.
Không nơi nào ở châu Á phụ thuộc nhiều vào kinh doanh may mặc hơn Bangladesh, nơi ngành công nghiệp đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong suốt thập kỷ qua. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh, đại diện cho các công ty có hơn 4 triệu lao động, cho biết, hơn 80% thu nhập xuất khẩu của đất nước đến từ hàng may sẵn và phần lớn công nhân trong các nhà máy là phụ nữ.
Trong một báo cáo vào năm ngoái, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thống kê, Bangladesh có hơn 7.000 nhà máy may mặc cũng như hàng trăm nhà máy kéo sợi, dệt và nhuộm.
Hơn 1.100 nhà máy trên cả nước đã báo cáo rằng, các đơn đặt hàng bị hủy trị giá 3,17 tỷ USD doanh số xuất khẩu tính đến ngày 20 tháng 4, ảnh hưởng đến 2,27 triệu công nhân. Việc hủy bỏ này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đối với ngành ngân hàng và hiện các công ty dệt may không thể nhận được tín dụng.
"Chúng tôi thực sự khẩn khoản yêu cầu tất cả các thương hiệu đưa ra kế hoạch cứu trợ, như việc trả tiền cho các dự án đang thực hiện và các đơn đặt hàng khác", Huq nói trong một video được đăng trên trang web của Ủy ban Tư vấn Cotton Quốc tế tại Washington.
Công nhân xếp hàng chờ đợi để nhận lương tại một nhà máy may ở Savar, ngoại ô thành phố Dhaka, vào ngày 7/4. Nhiếp ảnh gia: Munir Uz Zaman / AFP qua Getty Images
Vào ngày 8/4/2020 trên mạng STAR, một nhóm đại diện cho các nhà sản xuất hàng may mặc từ Bangladesh, Campuchia, Myanmar, Pakistan và Việt Nam, đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi các thương hiệu toàn cầu, nhà bán lẻ và thương nhân tôn trọng các điều khoản trong hợp đồng của họ và không đàm phán lại các khoản thanh toán hoặc hủy đơn hàng để hỗ trợ hàng triệu công nhân và gia đình của họ.
"Đã đến lúc các doanh nghiệp toàn cầu cần tôn trọng cam kết đối với quyền lao động, trách nhiệm xã hội và chuỗi cung ứng bền vững", nhóm tuyên bố.
Rozina, một công nhân thất nghiệp ở thủ đô Dhaka, cho biết cô được trả 8.000 taka ( 94 đô la ) tiền lương cho công việc của mình vào tháng 3 nhưng bị tước 17 giờ làm thêm. Chồng cô, một người lái xe kéo nói rằng, anh phải đợi hàng giờ trên đường nhưng vẫn không có khách nào. Từ khi thủ đô bị phong tỏa vào ngày 26 tháng 3, các con đường gần như không một bóng người. Rozina nói số tiền ít ỏi mà cô dành dụm được đang dần cạn kiệt và thức ăn cũng sắp hết. Gia đình thậm chí không thể trở về làng của họ vì lệnh phong tỏa.
Những con đường vắng vẻ tại thành phố Dhaka vào ngày 26/3. Nhiếp ảnh gia: Munir Uz Zaman / AFP qua Getty Images
Giám đốc điều hành Rajesh Sethi của Ultimate Fashions cho biết, "Không chỉ có chúng tôi đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng này. Mọi người đều trải qua những điều tương tự". Ông từ chối trả lời phỏng vấn về việc mất việc làm và trả lương cho công nhân. Theo hiệp hội các nhà xuất khẩu hàng may mặc, công ty của ông đã bị hủy các đơn đặt hàng trị giá lên tới 2,37 triệu đô kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đang thực hiện các bước chưa từng có để ngăn chặn điều kiện kinh tế xấu đi. Điều đó càng khó khăn hơn ở các thị trường mới nổi, nơi các nhà chức trách có ít lựa chọn hơn và thường phải nhờ đến viện trợ nước ngoài trong một cuộc khủng hoảng.
Các nhà cung cấp may mặc, người trồng bông, người trồng hoa, người kéo sợi và thợ dệt cung cấp nguyên liệu thô cho áo phông, quần jean và váy cũng chịu tổn thất không nhỏ.
"Không có giao dịch nào xảy ra trong thị trường bông Cotton địa phương. Hầu hết các nhà máy dệt và sản xuất vải đều đóng cửa", Naseem Usman, Chủ tịch Diễn đàn Môi giới Vải của Pakistan cho biết. "Lãi suất của các khoản vay ngân hàng đang tăng lên trong khi công ty không thể hoạt động. Ai sẽ mua vải khi các nhà máy dệt tự đóng cửa?"
Giá vải giảm khoảng 23% trong năm nay tại New York, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2009 đầu tháng 4/2020. Dự trữ ngày càng tăng có nghĩa là tổn thất đối với những người trồng bông từ Ấn Độ, Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể còn kéo dài sau sự phục hồi của virus. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ ước tính hàng tồn kho toàn cầu sẽ tăng lên 91,2 triệu kiện, nhiều nhất kể từ năm 2014 và tương đương với 82% nhu cầu hàng năm. Chuyên gia kinh tế ở bắc California, Jon Devine dự kiến rằng năng lực sản xuất toàn cầu có thể cần vài năm để xây dựng lại.
Nhà máy sản xuất dệt may Shinsung J & T Co. có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc, nơi là nguồn cung cấp cho nhiều công ty, bao gồm cả các thương hiệu của Mỹ, có một nhà máy ở Trung Quốc đang phải chịu tổn thất nặng nề. Olive Lee, giám đốc tài chính tại Shinsung cho hay, người mua tại Mỹ đang hủy đơn hàng và chúng tôi thậm chí không được trả tiền cho các đơn hàng đã được hoàn thành. Nỗi lo ngại lớn nhất là chúng tôi không biết khi nào chuyện này sẽ kết thúc.
Cô Lee cho biết thêm, các biện pháp của chính phủ Hàn Quốc để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ là quá ít và các khoản vay được cung cấp bởi các ngân hàng không giúp đỡ được nhiều, thay vào đó Chính phủ nên xem xét việc cắt giảm thuế hoặc hỗ trợ thanh toán tiền lương cho công nhân. "Cắt giảm lương của nhân viên là phương sách cuối cùng nhưng đây là điều mà chúng tôi có thể phải làm", cô nói.
Đối với nhiều công nhân làm việc mệt nhọc trong các nhà máy may mặc thì dường như không có sự giúp đỡ nào cả.
"Đại dịch đã đẩy những người công nhân như chúng tôi vào cảnh nghèo khó", Huq nói.