Khi đại dịch COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện, các quan chức y tế thế giới lo ngại đại dịch sẽ quét qua châu Phi, giết chết hàng triệu người bởi đó là châu lục có điều kiện sống và y tế kém. Song kịch bản bất ngờ đã xảy ra.
Còn bí ẩn nào khiến nhà khoa học bối rối?
Bà Wafaa El-Sadr, chủ nhiệm bộ môn y tế toàn cầu tại Đại học Columbia (Mỹ), cho biết: "Châu Phi không có vắc xin và các nguồn lực để chống lại COVID-19 như ở châu Âu và Mỹ. Song bằng cách nào đó, họ có vẻ đang sống tốt hơn".
Chưa tới 6% người dân châu Phi được tiêm chủng. Trong các báo cáo hằng tuần về đại dịch, WHO đã mô tả châu Phi là "một trong những khu vực ít bị ảnh hưởng COVID-19 nhất trên toàn cầu".
Một số nhà nghiên cứu cho biết dân số của lục địa này rất trẻ, độ tuổi trung bình là 20 so với khoảng 43 ở Tây Âu. Ngoài tỉ lệ đô thị hóa thấp hơn, xu hướng dành thời gian ở ngoài trời nhiều có thể giúp người dân tránh được tác động của virus SARS-CoV-2 nhiều hơn.
Một số nghiên cứu đang thăm dò xem liệu có thể có những giải thích khác, bao gồm cả lý do di truyền hoặc quá khứ nhiễm các bệnh ký sinh trùng hay không.
Ngày 19-11, tại cuộc họp của Hiệp hội Y học nhiệt đới và vệ sinh Mỹ, các nhà nghiên cứu làm việc tại Uganda cho biết họ nhận thấy những bệnh nhân COVID-19 có tỉ lệ phơi nhiễm cao với bệnh sốt rét ít có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong hơn.
Trong những tháng qua, dịch COVID-19 đã tấn công lục địa châu Phi và ước tính đã giết chết hơn 89.000 người.
Dữ liệu của WHO cho thấy số ca tử vong ở châu Phi chỉ chiếm 3% tổng số ca tử vong toàn cầu. Trong khi đó, tỉ lệ tử vong ở châu Mỹ và châu Âu lần lượt là 46% và 29%.